2.1. Quá trình phát triển của pháp luật ĐTNN tại Việt Nam
2.1.4. Luật Đầu tư năm 2005
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường pháp lý, tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về đầu tư, không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư; đơn giản hoá thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường sự quản lý của nhà nước đối với hoạt động đầu tư, ngày 29/11/2005, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Đầu tư mới nhằm tạo môi trường ưu đãi hơn cho các nhà ĐTNN. Luật Đầu tư năm 2005 chính thức có hiệu lực từ 1/7/2006, thay thế Luật ĐTNN tại Việt Nam và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước. Luật Đầu tư năm 2005 được thông qua vào thời điểm kinh tế tư nhân trong nước phát triển mạnh mẽ, hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đạt được những bước tiến lớn sau thời gian thực hiện những quy định thông thoáng của Luật ĐTNN năm 1987, Luật khuyến khích đầu tư trong nước và Luật Doanh nghiệp năm 1999. Đây cũng là thời điểm
Việt Nam chính thức trở thành Thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với những cam kết mạnh mẽ về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và tự do hóa hoạt động đầu tư.
So với Luật ĐTNN trước đây, Luật Đầu tư năm 2005 được thiết kế theo hướng chỉ quy định các nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư, còn các nội dung liên quan đến cơ cấu tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp thì chuyển sang Luật Doanh nghiệp điều chỉnh, các mức ưu đãi về thuế chuyển sang quy định tại các văn bản pháp luật về thuế và các nội dung mang tính chất đặc thù thì dẫn chiếu sang pháp luật chuyên nghành điều chỉnh.
Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2005, doanh nghiệp có vốn ĐTNN bao gồm:
+ Doanh nghiệp do nhà ĐTNN thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
+ Doanh nghiệp Việt Nam do nhà ĐTNN mua cổ phần, sáp nhập, mua lại.
Như vậy, Luật Đầu tư năm 2005 đã mở rộng khái niệm doanh nghiệp có vốn ĐTNN, bên cạnh các doanh nghiệp do nhà ĐTNN thành lập, các doanh nghiệp Việt Nam có sự tham gia của nhà ĐTNN cũng được coi là doanh nghiệp có vốn ĐTNN.
Các đặc trưng của doanh nghiệp có vốn ĐTNN theo quy định của Luật ĐTNN cũng đã thay đổi:
Khái niệm vốn pháp định của doanh nghiệp có vốn ĐTNN như quy định trước đây không còn:
+ Vốn pháp định theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 chính là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp. Chỉ các doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực, ngành nghề nhất định mới cần phải có vốn pháp định. Vốn điều lệ của doanh nghiệp là số
vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ của công ty.
Theo Luật Đầu tư năm 2005 thì không có quy định về mối liên hệ giữa vốn điều lệ của doanh nghiệp và vốn đầu tư của dự án do doanh nghiệp thực hiện hoặc tham gia thực hiện.
+ Loại hình doanh nghiệp
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Luật Đầu tư năm 2005, nhà ĐTNN được thành lập doanh nghiệp theo tất cả các hình thức quy định tại Luật Doanh nghiệp, gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.
Ngoài ra, nhà ĐTNN còn được thành lập tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính khác theo quy định của pháp luật; cơ sở dịch vụ y tế, giáo dục, khoa học, văn hoá, thể thao và các cơ sở dịch vụ khác có hoạt động đầu tư sinh lợi và các tổ chức kinh tế khác.
+ Tư cách pháp nhân:
Các doanh nghiệp do nhà ĐTNN thành lập theo các hình thức quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 đều có tư cách pháp nhân, trừ doanh nghiệp tư nhân.
Bên nước ngoài tham gia Hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Về cơ bản, đối tượng này theo quy định của Luật Đầu tư năm 2005 không thay đổi nhiều so với quy định trước đây của Luật ĐTNN.
+ Về nghĩa vụ của nhà đầu tư, Luật Đầu tư năm 2005 quy định như sau: Tuân thủ quy định pháp luật về thủ tục đầu tư; thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng nội dung đăng ký đầu tư, nội dung quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư.
Nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung đăng ký đầu tư, nội dung quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư; tính
chính xác, trung thực của nội dung đăng ký đầu tư, hồ sơ dự án đầu tư và tính hợp pháp của các văn bản xác nhận.
Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Thực hiện quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán và thống kê. Thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm, lao động; tôn trọng danh dự, nhân phẩm, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động thành lập, tham gia tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội.
Thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Khuôn khổ pháp lý từng bước được hoàn thiện và nâng cao chất lượng quản lý là các yếu tố và động lực góp phần đưa lại kết quả đáng khích lệ của hoạt động ĐTNN tại Việt Nam. Bên cạnh Luật đầu tư 2005, nhà nước ta đã ban hành hàng loạt văn bản pháp luật khác để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được quy định trong Luật đầu tư bao gồm:
- Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11.
- Các Luật khác về đất đai, đấu thầu, thuế, chứng khoán,...
- Nghị định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 22/9/2006về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định này đã góp phần tích cực vào việc làm rõ các quy định của Luật Đầu tư về một loạt các vấn đề có tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư như: hình thức đầu tư, quyền và nghĩa vụ của Nhà đầu tư, ưu đãi đầu tư, quản lý nhà nước về đầu tư và đặc biệt đã chi tiết hóa các thủ tục liên quan đến cấp Giấy chứng nhận đầu tư, sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đầu tư cũng như các thủ tục liên quan đến chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự
án và rất nhiều các vấn đề có liên quan khác. Có thể nói, Nghị định 108 là cầu nối quan trọng giúp Luật Đầu tư đi vào cuộc sống, giúp quá trình triển khai thực hiện Luật Đầu tư được cụ thể, rõ ràng hơn.
- Nghị định số 101/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi Giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
- Quyết định số 1088/2006/QĐ-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành các mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam.
- Nghị định số 78/2007/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao, Hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao-Kinh doanh, Hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao.
- Thông tư số 149/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng vốn ngân sách cho các hoạt động của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình quản lý các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao, Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh, Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao.
- Công văn số 2976/TCT-CS của Tổng cục Thuế về việc ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp khi đăng ký lại theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
- Nghị định số 121/2007/NĐ-CP ngày 25/7/2007 quy định về đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí (được sửa đổi, sửa đổi bởi Nghị định số 17/2009/NĐ-CP ngày 16/2/2009).
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Quyết định 1175/2007/QĐ-BKH ngày 10/10/2007 ngày 10/10/2007 về mẫu các văn bản thực hiện thủ tục đầu tư trực tiếp ra nước ngoài;
- Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế (đã được thay thế bởi Nghị định 164/2013/NĐ-CP).
- Thông tư số 17/2009/TT-BT ngày 22/01/2009 của Bộ Tài Chính hướng dẫn việc trích nộp và sử dụng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp có vốn ĐTNN và văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh.
- Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg ngày 18/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN trong các doanh nghiệp Việt Nam.
- Quyết định số 55/2009/QĐ-TTg ngày 15/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của nhà ĐTNN trên thị trường chứng khoán.
Bằng việc cho ra đời Luật đầu tư 2005 và Luật Doanh nghiệp 2005 (cùng có hiệu lực từ 1/7/2006), pháp luật về đầu tư đã tạo ra bước tiến dài trong việc điều chỉnh, cải tiến để tạo thêm hấp dẫn đối với các nhà ĐTNN như được quyền đầu tư kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm, thay vì chỉ được làm những việc cơ quan Nhà nước cho phép. Nguyên tắc này được áp dụng cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước từ năm 2000, nay được áp dụng chung cho cả khu vực nước ngoài.