Khái niệm pháp luật ĐTNN tại Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thực trạng và giải pháp thúc đầy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong tương quan so sánh pháp luật với nước ngoài (Trang 34 - 36)

1.2. Khái niệm, đặc trưng và vai trò của pháp luật ĐTNN tại Việt Nam

1.2.2. Khái niệm pháp luật ĐTNN tại Việt Nam

Theo khoa học pháp lý, pháp luật ĐTNN là một bộ phận trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Về khái niệm pháp luật ĐTNN vẫn còn có các nhiều ý kiến khác nhau:

Có ý kiến cho rằng, pháp luật ĐTNN là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, vì nó có đối tượng điều chỉnh và phương pháp chỉnh điều riêng. Việc điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động ĐTNN có sự tham gia của nhiều ngành luật, trong đó các ngành luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Tư pháp quốc tế, Luật Dân sự, Luật Lao động, Luật Đất đai...

Theo giáo trình Luật Kinh tế của Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, pháp luật ĐTNN là một bộ phận của Luật Kinh tế.

Theo nghĩa chung, pháp luật ĐTNN bao gồm các yếu tố sau: Là đạo luật ĐTNN và các văn bản hướng dẫn trực tiếp thi hành; Là các chế định có liên quan đến ĐTNN được quy định trong các đạo luật khác; Là các quy phạm pháp luật có liên quan đến ĐTNN được quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Theo nghĩa hẹp, pháp luật ĐTNN chỉ bao gồm Luật ĐTNN và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành trực tiếp.

Tuy nhiên có thể khái quát lại như sau, pháp luật ĐTNN là hệ thống những quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực ĐTNN. Pháp luật ĐTNN gồm phần chung và phần riêng.

Phần chung của pháp luật ĐTNN bao gồm các quy phạm điều chỉnh các quan hệ có tính chất chung, phát sinh trong lĩnh vực ĐTNN như các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam, nguyên tắc bảo đảm

quyền sở hữu đối với vốn đầu tư và các quyền lợi khác của các tổ chức, cá nhân nước ngoài...

Phần riêng của pháp luật ĐTNN bao gồm các nhóm quy phạm điều chỉnh hoạt động ĐTNN cụ thể, bao gồm các quy định về: Hình thức đầu tư, phương thức đầu tư; Thuế, ngân hàng, tài chính, kế toán, thống kê; Chuyển giao công nghệ, sở hữu công nghiệp; Hải quan, xuất nhập khẩu; Đất đai, xây dựng, lao động; Hợp đồng kinh tế, trọng tài, xử lý tranh chấp; và Những quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐTNN,...

Về đối tượng điều chỉnh của pháp luật ĐTNN là các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực ĐTNN tại Việt Nam. Các quan hệ này bao gồm: Quan hệ giữa nhà ĐTNN với nhà nước Việt Nam mà đại diện là các cơ quan có thẩm quyền, trong quá trình tìm hiểu môi trường đầu tư, cấp Giấy phép đầu tư và quản lý các hoạt động ĐTNN ở Việt Nam; Quan hệ hợp tác kinh doanh, liên doanh giữa nhà ĐTNN với nhà đầu tư trong nước; Quan hệ giữa doanh nghiệp có vốn ĐTNN với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế; Quan hệ giữa doanh nghiệp có vốn ĐTNN với các tổ chức, cá nhân nước ngoài; Quan hệ giữa các doanh nghiệp có vốn ĐTNN với nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền; Quan hệ giữa doanh nghiệp có vốn ĐTNN, nhà ĐTNN, nhà đầu tư trong nước với người lao động; Quan hệ giữa doanh nghiệp có vốn ĐTNN, nhà ĐTNN, nhà đầu tư trong nước với các cơ quan tài phán trong nước và quốc tế.

Về phương pháp điều chỉnh của pháp luật ĐTNN, có ba phương pháp như sau:

- Phương pháp thỏa thuận: quan hệ ĐTNN là quan hệ tự nguyện được thiết lập trên cơ sở thỏa thuận về hình thức đầu tư, nội dung, mục tiêu, thời hạn đầu tư.

- Phương pháp mệnh lệnh được nhà nước áp dụng để định hướng cho các hoạt động ĐTNN theo một trật tự nhất định, bắt buộc các bên tham gia quan hệ ĐTNN phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam. Phát huy tối đa những ưu điểm, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực.

- Phương pháp khuyến khích: các quy định mang tính chất ưu đãi về thuế, về sử dụng đất và các biện pháp khuyến khích, bảo đảm đầu tư khác. Mục đích là nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân, nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực mà ta nước ta đang thiếu hoặc cần như: nông nghiệp, bảo vệ môi trường, thực hiện các chương trình kinh tế lớn, sử dụng kỹ thuật cao, đào tạo công nhân lành nghề; đầu tư theo chiều sâu để khai thác, tận dụng các khả năng và nâng cao công suất của các cơ sở kinh tế hiện có; sử dụng nhiều lao động, nguyên liệu và tài nguyên thiên nhiên sẵn có ở Việt Nam; xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng; đầu tư vào những vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thực trạng và giải pháp thúc đầy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong tương quan so sánh pháp luật với nước ngoài (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)