Đặc trưng của pháp luật ĐTNN

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thực trạng và giải pháp thúc đầy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong tương quan so sánh pháp luật với nước ngoài (Trang 36 - 40)

1.2. Khái niệm, đặc trưng và vai trò của pháp luật ĐTNN tại Việt Nam

1.2.3. Đặc trưng của pháp luật ĐTNN

Thứ nhất, về chủ thể của pháp luật ĐTNN. Pháp luật ĐTNN điều chỉnh quan hệ ĐTNN, trong đó ít nhất một bên là cá nhân, tổ chức kinh tế hoặc cơ quan nhà nước Việt Nam và bên kia là tổ chức, cá nhân nước ngoài. Trong đó Cơ quan nhà nước được Chính phủ ủy quyền ký kết và thực hiện hợp đồng BOT, BT, BTO theo quy định của Luật ĐTNN. Đây là chủ thể đặc biệt tham gia quan hệ pháp luật ĐTNN. Nói cách khác, nhà nước Việt Nam có thể tham gia quan hệ pháp luật ĐTNN với tư cách là chủ thể có chủ quyền. Nhà ĐTNN là công dân hoặc tổ chức kinh tế nước ngoài trực tiếp đưa vốn, tài sản, công nghệ được Chính phủ Việt Nam chấp thuận vào Việt Nam để thành lập doanh nghiệp liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, để thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc để hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật ĐTNN ở

Việt Nam. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về nước có quyền lựa chọn quy chế nhà ĐTNN.

Về quyền và nghĩa vụ của chủ thể quan hệ pháp luật ĐTNN tại Việt Nam. Khi tham gia vào quan hệ pháp luật ĐTNN tại Việt Nam, các chủ thể của quan hệ pháp luật đó có các quyền và nghĩa vụ nhất định trên cơ sở các quy phạm pháp luật ĐTNN tại Việt Nam, pháp luật của nước mà cá nhân, tổ chức kinh tế nước ngoài mang quốc tịch và các quy phạm của điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, hoặc trên cơ sở kết hợp ba loại quy phạm đó. Trong khi đó, quyền và nghĩa vụ của chủ thể các quan hệ pháp luật khác thường chỉ được hình thành trên cơ sở các quy phạm pháp luật trong nước và nếu như có được hình thành trên cơ sở điều ước quốc tế hoặc pháp luật của nước mà chủ thể đó mang quốc tịch thì không mang tính phổ biến như pháp luật ĐTNN. Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể quan hệ pháp luật ĐTNN tại Việt Nam là pháp nhân được xác định, một mặt, theo quy chế pháp nhân, mặt khác, theo Luật Quốc tịch của nước có pháp nhân đó. Đối với người có quốc tịch một nước, thì quy chế pháp lý của công dân đó là pháp luật của nước mà người đó mang quốc tịch, nhưng đối với người có từ hai quốc tịch trở lên, thì vấn đề phức tạp hơn. Trong trường hợp này, quy chế pháp lý của những thể nhân đó có thể khác nhau, tùy thuộc vào quan điểm của nước nhận đầu tư về thuyết quốc tịch hữu hiệu hay quy chế đãi ngộ như công dân của nước nhận đầu tư... Đối với những người không có quốc tịch hoặc quốc tịch chưa được xác định rõ ràng khi đầu tư vào Việt Nam, thì quy chế pháp lý của những người đó thường được xác định theo pháp luật của nước nơi người đó cư trú thường xuyên.

Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể quan hệ pháp luật ĐTNN tại Việt Nam còn được xác định theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Các điều ước quốc tế loại này, trước hết là Hiệp định khung về khu

vực đầu tư ASEAN (1999), Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ... Cơ quan đảm bảo đầu tư đa biên MIGA 1985 (Multilateral Investment Guarantee Agency), Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành các quyết định của trọng tài nước ngoài... Các điều ước quốc tế đó là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ của các nhà ĐTNN.

Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể quan hệ pháp luật ĐTNN tại Việt Nam cũng được xác định theo quy định của pháp luật ĐTNN tại Việt Nam, theo Giấy phép đầu tư và theo các văn bản cụ thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Trong một số trường hợp đặc biệt, quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức tham gia quan hệ pháp luật ĐTNN tại Việt Nam còn được xác định theo quy chế riêng do Chính phủ Việt Nam ấn định sau khi có sự thỏa thuận với đối tác bên ngoài, ví dụ một số hợp đồng BOT, BT, BTO... Trong quan hệ pháp luật ĐTNN, các chủ thể với địa vị pháp lý khác nhau có quyền và nghĩa vụ khác nhau.

Thứ hai, Pháp luật ĐTNN ra đời từ rất sớm, trước khi có quan hệ ĐTNN trên thực tế ở Việt Nam. Năm 1977, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115/CP kèm theo Điều lệ ĐTNN, thì trên thực tế ở Việt Nam hoàn toàn chưa có quan hệ ĐTNN. Do cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp nên các nhân tố của kinh tế thị trường như tự do thương mại, tự do cạnh tranh, thị trường vốn, thị trường lao động, xuất nhập khẩu tư bản... chưa được chấp nhận chính thức trong các văn bản của Đảng và Nhà nước ta. ĐTNN với tính chất là sự vận động trực tiếp của tư bản nước ngoài vào Việt Nam vào thời điểm đó chưa được nhiều người tán thành. Chỉ sau khi có chính sách đổi mới tư duy lý luận và tư duy kinh tế của Đảng và Nhà nước, thì đạo luật về ĐTNN

tại Việt Nam mới có cơ hội ra đời, các quan hệ ĐTNN mới hình thành và phát triển trên cơ sở pháp lý đó.

Thứ ba, pháp luật ĐTNN có một số quy định điều chỉnh nền kinh tế thị trường. Điều lệ ĐTNN năm 1977 là văn bản pháp lý đầu tiên trong hệ thống pháp luật của Việt Nam tạo hành lang pháp lý cho hoạt động ĐTNN. Trong Điều lệ này, Nhà nước ta đã khuyến khích, kêu gọi ĐTNN vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trừ những ngành bị cấm.

Luật ĐTNN năm 1987 đã quy định không quốc hữu hóa, thừa nhận thành phần kinh tế tư bản, tư nhân... Đây là những quy định tiến bộ và có thể coi là một đặc trưng của pháp luật ĐTNN.

Thứ tư, pháp luật ĐTNN có một bộ phận cấu thành là một số lượng lớn các điều ước quốc tế có liên quan trực tiếp đến ĐTNN mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Pháp luật ĐTNN có bộ phận cấu thành là một số lượng lớn các điều ước quốc tế như Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN, Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa kỳ... Việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế hai bên và nhiều bên được tiến hành theo các quy định của pháp luật Việt Nam về ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế. Các ngành luật khác cũng có thể có một bộ phận cấu thành là các điều ước quốc tế, nhưng không nhiều hoặc phong phú như Luật ĐTNN. Ví dụ: Luật Tố tụng hình sự có các điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp hoặc hẹp hơn là về dẫn độ tội phạm. Nhưng trong lĩnh vực này, Việt Nam tham gia với số lượng rất ít, chủ yếu là ký kết với các nước xã hội nghủ nghĩa trước đây.

Trong pháp luật ĐTNN, các quy phạm trong các điều ước quốc tế tham gia điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của chủ thể các quan hệ pháp luật ĐTNN tại Việt Nam. Các nhà ĐTNN coi các điều ước quốc tế là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ. Đây có thể nói là một nét đặc

thù của pháp luật ĐTNN, bởi lẽ tham gia điều chỉnh các quan hệ xã hội của các ngành luật khác có thể có các quy phạm được quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, nhưng số lượng của chúng không nhiều và phổ biến như ở pháp luật ĐTNN.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thực trạng và giải pháp thúc đầy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong tương quan so sánh pháp luật với nước ngoài (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)