Khái niệm về Kiểm tra

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thẩm định báo cáo ĐTM và kiểm tra, giám sát việc thực hiện báo cáo ĐTM (Trang 27 - 29)

1.2.1 .Khái niệm về kiểm tra, giám sát

1.2.1.1. Khái niệm về Kiểm tra

Kiểm tra là “xem xét tình hình thực tế để đánh giá, nhận xét”[45, tr.882], để chỉ hoạt động của chủ thể tác động vào đối tượng kiểm tra (có thể trực thuộc hoặc không trực thuộc). Tuy nhiên, khái niệm kiểm tra (control) có thể được hiểu theo hai nghĩa: Theo nghĩa rộng, để chỉ hoạt động của các tổ chức xã hội, các đoàn thể và của công dân kiểm tra hoạt động bộ máy của nhà nước. Theo nghĩa này, tính quyền lực nhà nước trong kiểm tra bị hạn chế vì các chủ thể thực hiện kiểm tra không có quyền áp dụng trực tiếp những biện pháp cưỡng chế nhà nước. Theo nghĩa hẹp hơn, kiểm tra là hoạt động của chủ thể nhằm tiến hành xem xét, xác minh một việc gì đó của đối tượng bị quản lý xem có phù hợp hay không phù hợp với trạng thái định trước (kiểm tra mang tính nội bộ của người đứng đầu cơ quan, kiểm tra phương tiện giao thông…). Theo nghĩa này, chủ thể kiểm tra có thể áp dụng một chế tài pháp lý nhất định như áp dụng các hình thức kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc buộc phải thực hiện một số biện pháp ngăn chặn hành chính.

* Kiểm tra trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

Kiểm tra trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được hiểu theo nghĩa hẹp như đã nêu ở trên. Hoạt động kiểm tra trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường là chức năng của cơ quan quản lý nhà nước. Kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường nói chung, việc thực hiện nội dung báo cáo ĐTM nói riêng của các chủ thể có nghĩa vụ là trách nhiệm cũng như quyền hạn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được pháp luật quy định trong văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này và trong pháp luật BVMT. Các chủ thể thực hiện hoạt động phát triển có ảnh hưởng đến môi trường có nghĩa vụ phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ môi trường, hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường, đề phòng sự cố môi trường. Thường thì, khi thực hiện các biện pháp để bảo vệ môi trường, các chủ thể có nghĩa vụ phải chịu những phí tổn về thời gian, tiền bạc, công sức… ảnh hưởng đến lợi ích trực tiếp – lợi nhuận từ hoạt động phát triển – của chủ hoạt động phát triển (chủ dự án). Bên cạnh đó, nhìn chung, ý thức bảo vệ môi trường cũng như sự tự giác tuân thủ pháp luật của các chủ thể hoạt

động phát triển là không cao. Vậy nên, hoạt động kiểm tra của chủ thể có thẩm quyền đối với việc bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện hoạt động phát triển của các chủ hoạt động phát triển là không thể thiếu. Thực hiện nội dung báo cáo ĐTM và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM là những nghĩa vụ trong nhiều nghĩa vụ về bảo vệ môi trường của chủ dự án. Báo cáo ĐTM do chủ dự án lập (hoặc tổ chức dịch vụ tư vấn lập – nhưng vẫn thuộc trách nhiệm của chủ dự án) và trình thẩm định, được phê duyệt thì cũng đồng nghĩa với việc chủ dự án đã tự xác lập trách nhiệm của mình đối với các nội dung trong bản báo cáo ĐTM được phê duyệt.

Như đã được đề cập ở các phần trên, báo cáo ĐTM được phê duyệt và quyết định phê duyệt là cơ sở để xác định trách nhiệm của chủ hoạt động phát triển (chủ dự án) đối với hoạt động của mình. Chủ dự án có trách nhiệm thực hiện đúng, đủ các nội dung đưa ra trong báo cáo ĐTM (các biện pháp giảm thiểu, các cam kết về bảo vệ môi trường…) cũng như các yêu cầu của cơ quan phê duyệt trong quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM. Để xem xét các chủ dự án có thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình hay không thì yêu cầu phải có hoạt động kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền. Từ đó, có biện pháp xử lý, ngăn chặn hành vi vi phạm của chủ thể có nghĩa vụ thực hiện nội dung báo cáo ĐTM. Có như vậy, báo cáo ĐTM mới thực sự phát huy được ý nghĩa của mình, môi trường mới được bảo vệ.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thẩm định báo cáo ĐTM và kiểm tra, giám sát việc thực hiện báo cáo ĐTM (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)