1.2.1 .Khái niệm về kiểm tra, giám sát
2.2. Pháp luật về kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung báo cáo ĐTM
2.2.2.1. Hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM
Giai đoạn từ khi có quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM đến khi có văn bản xác nhận của cơ quan phê duyệt (Giai đoạn thi công dự án).
Trong giai đoạn này, trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung báo cáo ĐTM đã được phê duyệt được giao trọng trách chủ yếu cho cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường có trách nhiệm thực hiện công việc được nêu tại khoản 2 Điều 23 của Luật BVMT năm 2005; khoản 3 Điều 15 của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP; mục 12 Phần II Thông tư 05/2008/TT-BTNMT.
Ngoài trách nhiệm thông báo nội dung quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của mình như đã đề cập ở phần trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi phê duyệt có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra việc thực hiện các nội dung trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt. Cơ quan cấp trung ương chỉ đạo cơ quan quản lý
nhà nước ở địa phương nơi thực hiện dự án thực hiện kiểm tra việc thực hiện nội dung trong báo cáo ĐTM của chủ dự án [33, Điều 121]. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện dự án kiểm tra việc thực hiện nội dung trong Báo cáo ĐTM [33, Điều 122].
Cơ quan phê duyệt Báo cáo ĐTM có trách nhiệm tổ chức tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung và biện pháp bảo vệ môi trường, đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát việc vận hành thử nghiệm các công trình xử lý môi trường của chủ dự án sau khi nhận được kế hoạch vận hành thử nghiệm của chủ dự án và xác nhận bằng văn bản về việc chủ dự án đã hoàn thành các nội dung của Báo cáo ĐTM đã được phê duyệt.
* Trình tự và thủ tục kiểm tra
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi phê duyệt báo cáo ĐTM có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các nội dung báo cáo ĐTM đã được phê duyệt và các yêu cầu của quyết định phê duyệt trước khi dự án đi vào vận hành chính thức trên cơ sở nghiên cứu, xem xét các báo cáo, hồ sơ đề nghị xác nhận do chủ dự án gửi tới. Trong trường hợp cần thiết thì có thể thành lập đoàn kiểm tra để phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra tại địa điểm thực hiện dự án. Các công việc cụ thể như:
a) Xem xét và đối chiếu hồ sơ thiết kế, xây lắp các công trình xử lý môi trường với báo cáo ĐTM đã được phê duyệt; trường hợp phát hiện những điểm không phù hợp với báo cáo ĐTM, trong thời hạn không quá 7 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, báo cáo, phải có văn bản thông báo cho chủ dự án biết để điều chỉnh, bổ sung;
b) Tiếp nhận và xử lý các ý kiến đề xuất, kiến nghị của chủ dự án, các tổ chức và cá nhân liên quan đến việc thực hiện các nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình thi công, xây dựng dự án;
c) Bố trí kế hoạch và tiến hành giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nội dung và biện pháp bảo vệ môi trường; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý những vi phạm xảy ra;
d) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc vận hành thử nghiệm các công trình xử lý môi trường của chủ dự án sau khi nhận được kế hoạch vận hành thử nghiệm của chủ dự án;
đ) Xem xét và xác nhận kết quả vận hành thử nghiệm các công trình xử lý môi trường;
e) Lưu giữ và quản lý toàn bộ hồ sơ, văn bản về hoạt động sau thẩm định do chủ dự án, các cơ quan và cá nhân có liên quan gửi đến.[14, khoản 3 Điều 15]
Hồ sơ, trình tự, thủ tục kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM được quy định tại Điều 16 Nghị định số 80/2006/NĐ-CP. Theo đó, trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của chủ dự án, cơ quan đã ra quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM có trách nhiệm kiểm tra và xác nhận bằng văn bản về việc chủ dự án đã hoàn thành các nội dung của báo cáo ĐTM đã được phê duyệt. Đối với dự án có vấn đề phức tạp cần kéo dài thời gian kiểm tra thì thời gian tăng thêm không được quá 10 (mười) ngày làm việc. Trường hợp qua kiểm tra, phát hiện chủ dự án không thực hiện đúng và đủ các nội dung của báo cáo ĐTM thì yêu cầu chủ dự án tiếp tục thực hiện và báo cáo để cơ quan ra quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM tiếp tục xem xét, xác nhận.
Các nội dung cần kiểm tra, xác nhận đối với từng dự án cụ thể được thực hiện theo nội dung báo cáo ĐTM đã được phê duyệt, trong đó đặc biệt lưu ý các nội dung như: Hệ thống thu gom, xử lý nước thải; Các thiết bị thu gom, lưu giữ và biện pháp xử lý chất thải nguy hại; Các biện pháp quản lý chất thải rắn thông thường; Biện pháp, thiết bị xử lý thu gom khí thải, bụi thải; Biện pháp, thiết bị xử lý tiếng ồn, độ rung; Kế hoạch, biện pháp và điều kiện cần thiết phòng, chống sự cố môi trường.
Hiện nay, một số cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM đã uỷ quyền cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cùng cấp thực hiện tổ chức hội đồng thẩm định, xác nhận việc thực hiện các nội dung báo cáo ĐTM và các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 21/2008/NĐ-CP. Chẳng hạn, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội
ngày 23/06/2009 đã ban hành Quyết định số 3115/QĐ-UBND về việc ủy quyền cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM, Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM bổ sung; Giấy xác nhận việc thực hiện nội dung của báo cáo và yêu cầu tại quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM, báo cáo ĐTM bổ sung do ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành. Việc ủy quyền như vậy nhằm mục đích phân cấp hợp lý công tác bảo vệ môi trường, giảm bớt gánh nặng cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, tạo điều kiện cho quy trình thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM cũng như xác nhận việc thực hiện nội dung của báo cáo ĐTM và yêu cầu tại quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM được nhanh chóng hơn.
Trên thực tế, cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM không đủ điều kiện về nhân lực, thời gian để kiểm tra việc thực hiện nội dung tất các báo cáo ĐTM đã phê duyệt. Hiện nay, trung bình trong một tháng, cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh như thành phố Hồ Chí Minh phải thẩm định trên 30 báo cáo ĐTM [35]. Như vậy, mỗi ngày bình quân cơ quan này phải thẩm định 01 bản báo cáo ĐTM, việc đọc và nghiên cứu kỹ hồ sơ về báo cáo ĐTM của cơ quan có thẩm quyền để thẩm định đã khó chứ chưa nói đến việc có đủ thời gian và nhân lực để tiến hành kiểm tra việc thực hiện nội dung báo cáo ĐTM. Bên cạnh đó, họ cũng chưa có đủ quyền để cưỡng chế việc thực thi các yêu cầu được ghi trong quyết định phê chuẩn báo cáo ĐTM. Mặc dù, pháp luật có quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền “xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý những vi phạm xảy ra” [14, điểm c khoản 3 Điều 15] nhưng cơ chế cụ thể để thực hiện quyền này thì không được pháp luật quy định cụ thể.
Giai đoạn dự án đi vào hoạt động
Pháp luật chỉ quy định trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM kể từ thời điểm báo cáo ĐTM được phê duyệt đến khi có văn bản xác nhận đã thực hiện nội dung báo cáo ĐTM. Trong giai đoạn dự án đi vào hoạt động, cơ quan phê duyệt Báo cáo ĐTM thực hiện chức năng của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các
nội dung trong Báo cáo ĐTM và các quy định về bảo vệ môi trường ở giai đoạn này chủ yếu được giao lại cho các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường (Sở TNMT, phòng TNMT) đảm nhận, bên cạnh có sự tham gia của lực lượng cảnh sát môi trường, cộng đồng dân cư nơi dự án hoạt động và các chủ thể khác (hiệp hội các doanh nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội,...).