Hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan Cảnh sát môi trường

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thẩm định báo cáo ĐTM và kiểm tra, giám sát việc thực hiện báo cáo ĐTM (Trang 73 - 75)

1.2.1 .Khái niệm về kiểm tra, giám sát

2.2. Pháp luật về kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung báo cáo ĐTM

2.2.2.3. Hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan Cảnh sát môi trường

Ngày 29/11/2006, Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định số 1899 /2006/QĐ-BCA thành lập Cục Cảnh sát môi trường, và ngày 17/9/2007, Bộ trưởng đã ký Quyết định thành lập Phòng Cảnh sát môi trường thuộc công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cơ quan cảnh sát môi trường cóchức năng chức năng phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm; điều tra xử lý các vi phạm khác về môi trường theo quy định của pháp luật. Để thực hiện chức năng của mình, lực lượng cảnh sát môi trường (CSMT) có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân xuất trình các tài liệu, giải trình những vấn đề liên quan đến an toàn môi trường khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về môi trường hoặc được quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, công dân cung cấp thông tin, tài liệu, phối hợp làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường; tiến hành các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thăm dò, khai thác tài nguyên, môi trường sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dân cư...

Đây là một bước tiến quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường ở nước ta thời gian vừa qua. Lực lượng CSMT góp phần hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường thực hiện công tác bảo vệ môi trường.

Gần đây, Ủy ban thường vụ Quốc Hội đã cho phép cơ quan CSMT được quyền điều tra, khởi tố vụ án. Cụ thể tại khoản 3 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự do Ủy ban Thường vụ Quốc Hội thông qua ngày 27/2/2009. Điều này góp phần mở rộng thẩm quyền cho

cơ quan Cảnh sát môi trường tạo điều kiện cho cơ quan này thực hiện có hiệu quả hơn chức năng của mình và nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Hiện nay, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan CSMT không được quy định trong các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, bởi lẽ cơ quan này mới được thành lập (năm 2006). Trên thực tế, mức độ tham gia kiểm tra, giám sát của lực lượng CSMT đối với từng giai đoạn của dự án là khác nhau. Trong giai đoạn thi công xây dựng dự án (khi có quyết định phê duyệt Báo cáo ĐTM đến khi có văn bản xác nhận của cơ quan phê duyệt), sự tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung báo cáo ĐTM hầu như rất ít nếu không muốn nói là không có. Bởi lẽ, pháp luật bảo vệ môi trường không quy định quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan cảnh sát môi trường trong vấn đề này. Trong giai đoạn này, trách nhiệm chủ yếu thuộc về cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM. Có chăng, cơ quan CSMT sẽ tham gia khi phát hiện thấy những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình xây dựng dự án. Trong giai đoạn dự án đi vào hoạt động, sự tham gia của cơ quan CSMT vào hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường các dự án (lúc này là cơ sở hoạt động) chính là việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Trong quá trình thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình, lực lượng CSMT có quyền xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường theo thẩm quyền. Hiện nay, vấn đề áp dụng các hình thức xử lý (chế tài) đối với các chủ thể vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường còn nhiều điểm bất cập cần phải quan tâm. Thậm chí, ngay việc cơ quan CSMT là cơ quan có chức năng điều tra, xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường nhưng mãi đến Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02/04/2008 mới quy định quyền xử lý vi phạm hành chính của cơ quan CSMT và đến ngày 27/2/2009 mới quy định quyền điều tra, khởi tố vụ án hình sự [khoản 3 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự do Ủy ban Thường vụ Quốc Hội thông qua ngày 27/2/2009]

Tiếp đến, các mức xử phạt hành chính được quy định trong Nghị định 81/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là chưa đủ sức răn đe và chưa thỏa đáng. Chế tài xử lý hành chính không những đã thấp nhưng bên cạnh đó lại rất khó xử lý hình sự đối tượng vi phạm vì còn vướng mắc trong các quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này [21]. Điều đó làm giảm hiệu quả cũng như công năng xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, công tác bảo vệ môi trường của lực lượng CSMT nói riêng, các cơ quan nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thẩm định báo cáo ĐTM và kiểm tra, giám sát việc thực hiện báo cáo ĐTM (Trang 73 - 75)