Cơ chế kiểm tra, giám sát

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thẩm định báo cáo ĐTM và kiểm tra, giám sát việc thực hiện báo cáo ĐTM (Trang 31 - 33)

1.2.1 .Khái niệm về kiểm tra, giám sát

1.2.2. Cơ chế kiểm tra, giám sát

Việc kiểm tra, giám sát được thực hiện bởi các chủ thể có thẩm quyền. Các chủ thể có quyền kiểm tra, giám sát là các cá nhân, cơ quan, tổ chức được pháp luật quy định trực tiếp hoặc gián tiếp có quyền và trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra, giám sát những hoạt động của đối tượng được pháp luật xác định. Các chủ thể thực hiện quyền kiểm tra, giám sát trong phạm vi quyền và trách nhiệm của mình.

* Kiểmtra, giám sát việc thực hiện nội dung báo cáo ĐTM của chủ dự án là trách nhiệm chủ yếu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vê môi trường. Các cơ quan này được thành lập ra với chức năng quản lý việc sử dụng các thành phần môi trường với mục đích đảm bảo các thành phần môi trường được sử dụng hợp lý, có kế hoạch và bảo vệ môi trường. Việc thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM do cơ quan có thẩm quyền thực hiện và thường là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Vì vậy, kiểm tra việc bảo vệ môi trường nói chung và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung báo cáo ĐTM là một phần chức năng cụ thể của các cơ quan này.

Bên cạnh đó, các công dân, tổ chức dân sự cũng có quyền giám sát, theo dõi quá trình thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường được đưa ra trong nội dung báo cáo ĐTM được phê duyệt cũng như các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra khi phê duyệt báo cáo ĐTM đối với chủ dự án.

Chủ thể thực hiện việc kiểm tra thông thường là cơ quan nhà nước có thẩm quyền như: cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp; cơ quan cảnh sát môi trường.

Chủ thể thực hiện việc giám sát thông thường là: công dân, các tổ chức chính trị xã hội (Các tổ chức thuộc Ủy ban Mặt trận tổ quốc), tổ chức kinh tế (các doanh nghiệp – cơ chế giám sát chéo), tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các cơ quan khác (báo, đài)...

* Đối tượng bị kiểm tra, giám sát là các cá nhân, tổ chức thực hiện các hoạt động phát triển tác động đến môi trường mà pháp luật quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của họ trong việc bảo vệ môi trường khi thực hiện hoạt động phát triển đó. Trong phạm vi đề tài, chủ thể bị kiểm tra, giám sát là chủ dự án có trách nhiệm thực hiện nội dung báo cáo ĐTM. Chủ thể có thẩm quyền thực hiện việc kiểm tra, giám sát đối với sự tuân thủ của chủ dự án trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường trong báo cáo ĐTM và các yêu cầu của cơ quan phê duyệt trong quyết định phê duyệt nhằm xác định xem chủ dự án có thực hiện đúng, đủ các nội dung thuộc trách nhiệm thực hiện của mình không? Từ đó có những biện pháp thích hợp để ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm nhằm bảo vệ môi trường.

* Hoạt động kiểm tra, giám sát được thực hiện theo trình tự, thủ tục cụ thể do luật định. Hoạt động kiểm tra, giám sát có thể mang tính chất thường xuyên, theo kế hoạch hoặc đột xuất. Đối với hoạt động giám sát của chủ thể có quyền thường mang tính chất liên tục, thường xuyên. Sự giám sát của cộng đồng đối với việc thực hiện nội dung báo cáo ĐTM nói riêng, trách nhiệm bảo vệ môi trường nói chung của chủ hoạt động phát triển là mang tính chất thường xuyên.

* Hoạt động kiểm tra, giám sát nhằm xem xét và đánh giá được mức độ tuân thủ của đối tượng bị kiểm tra, giám sát khi các đối tượng này thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình từ đó có biện pháp xử lý tùy theo từng trường hợp. Khi chủ dự án không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ các nội dung trong báo cáo ĐTM thì chủ thể thực hiện việc kiểm tra, giám sát áp dụng các biện

pháp ngăn chặn thích hợp, đưa ra các hình thức xử lý đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Quyền và trách nhiệm của các chủ thể thực hiện việc kiểm tra, giám sát là khác nhau. Vì vậy, khi phát hiện thấy sự vi phạm của đối tượng bị kiểm tra, giám sát, các chủ thể thực hiện việc kiểm tra có quyền đưa ra các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật trong phạm vi thẩm quyền của mình (áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước) còn các chủ thể thực hiện việc giám sát thường không có quyền áp dụng trực tiếp các biện pháp cưỡng chế nhà nước. Kết quả giám sát của các chủ thể này thường chỉ dừng lại ở mức “kiến nghị, đề nghị”, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thẩm định báo cáo ĐTM và kiểm tra, giám sát việc thực hiện báo cáo ĐTM (Trang 31 - 33)