2.1. Vai trò của pháp luật quốc gia trong việc điều chỉnh hoạt động sử dụng
2.1.3. Pháp luật quốc gia tạo hành lang thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong
quốc tế trong lĩnh vực vũ trụ
CNVT là một lĩnh vực công nghệ cao, chuyên sâu, đòi hỏi sự đầu tư lớn cả về vốn, tài chính, năng lực quản lý và nguồn nhân lực. Để đáp ứng những đòi hỏi này, một giải pháp hiệu quả được nhiều quốc gia đã và đang thực hiện là hợp tác quốc tế ở cấp độ song phương và đa phương. Thực tế này cũng đặt ra sự cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, đặc biệt là với các quốc gia chưa có hoặc đã có nhưng hệ thống pháp lý mới dừng lại ở các quy định chung, để phù hợp với pháp luật quốc tế và pháp luật các nước có quan hệ hợp tác. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới đang diễn ra sự chênh lệch rất lớn về hệ thống pháp luật vũ trụ giữa các quốc gia. Trong khi một số nước có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ và toàn diện như Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản thì đa số các quốc gia khác chưa có được một hệ thống pháp luật đầy đủ, thống nhất, thậm chí chưa hề có các
quy định riêng về hoạt động vũ trụ, ngay cả khi một số nước đã có nền CNVT phát triển. Thực tế này đặt ra yêu cầu đối với các quốc gia chưa xây dựng được hệ thống pháp luật vũ trụ phải phát triển hệ thống pháp luật vũ trụ quốc gia để theo kịp các nước trong khu vực và trên thế giới. Sự cân bằng, phù hợp tương đối trong chính sách pháp luật giữa các quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác phát triển CNVT trên phạm vi toàn thế giới.
Hoạt động nghiên cứu, thăm dò, sử dụng KKVT hiện đang diễn ra rất mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, với sự tham gia không chỉ của các chính phủ, các tổ chức quốc tế mà còn có sự tham gia của các pháp nhân, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại viễn thông. Sự phát triển này đòi hỏi mỗi quốc gia phải có những cơ sở pháp lý cần thiết như chiến lược, chính sách, luật, nghị định,… điều chỉnh hoạt động này. Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay mới chỉ có khoảng trên 20 quốc gia có các văn bản pháp lý về hoạt động vũ trụ. Việc thiếu các quy định pháp luật cụ thể sẽ gây cản trở cho hoạt động vũ trụ của chính quốc gia đó cũng như có thể ảnh hưởng tới hoạt động vũ trụ của các nước có liên quan. Vì vậy, hoàn thiện khung pháp luật quốc gia là yêu cầu cần thiết đối với bất cứ quốc gia nào đã, đang và sẽ tiến hành hoạt động vũ trụ.