1.3. Chủ thể của Luật Vũ trụ quốc tế
1.3.2. Các tổ chức quốc tế liên chính phủ
Trong lĩnh vực luật vũ trụ, các tổ chức quốc tế liên chính phủ là chủ thể đóng vai trò rất quan trọng vào việc thúc đẩy ngành luật này phát triển bằng việc ban hành những điều ước quốc tế quan trọng tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động khai thác và sử dụng KKVT. Dưới đây là một số tổ chức quốc tế liên chính phủ tiêu biểu:
1.3.2.1. Các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc
i, Ủy ban sử dụng khoảng không vũ trụ vào mục đích hòa bình (The United Nation Committee on the Peaceful Uses of Outer Space - COPUOS)
Ngay sau khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik 1 lên vũ trụ, năm 1958 Liên hiệp quốc đã thành lập Ủy ban lâm thời về việc sử dụng KKVT vì mục đích hòa bình nhằm thảo luận các vấn đề pháp lý nảy sinh từ hoạt động của con người ngoài KKVT. Đến năm 1959, trong Nghị quyết 1472 (XIV) của LHQ, Ủy ban sử dụng KKVT vào mục đích hòa bình được thành lập [4]. Ngay khi thành lập Ủy ban có 24 quốc gia thành viên, tính đến năm 2008 Ủy ban có 69 quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam.
COPUOS được thành lập nhằm xem xét phạm vi các chương trình hợp tác quốc tế về sử dụng KKVT vì mục đích hòa bình và các chương trình này được xây dựng trên cơ sở cam kết thực hiện dưới sự kiểm duyệt của Liên hiệp quốc; khuyến khích và phổ biến thông tin về những vấn đề pháp lý phát sinh từ việc khai thác, sử dụng KKVT. Hiện nay, COPUOS còn là cơ quan giám sát việc thực hiện các nguyên tắc, các điều ước quốc tế về KKVT.
ii, Cơ quan về các vấn đề vũ trụ của Liên hợp quốc (United Nations Office for Outer Space Affairs - UNOOSA)
UNOOSA là một cơ quan của LHQ chịu trách nhiệm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong sử dụng hòa bình KKVT. UNOOSA đóng vai trò như thư ký cho COPUOS. UNOOSA cũng chịu trách nhiệm thực thi các nhiệm vụ của Tổng thư ký theo Luật vũ trụ quốc tế và duy trì việc đăng ký vật thể phóng vào KKVT.
Thông qua chương trình của LHQ về các ứng dụng vũ trụ, UNOOSA quản lý các cuộc hội thảo quốc tế, tổ chức các lớp đào tạo và các dự án thí nghiệm về các chủ đề như: viễn thám, vệ tinh hàng hải, khí tượng, giáo dục từ xa và khoa học vũ trụ vì lợi ích của các quốc gia đang phát triển.
iii, Các cơ quan chuyên môn khác của Liên hợp quốc
Hầu hết các cơ quan chuyên môn của LHQ đều có sử dụng kỹ thuật vũ trụ để phục vụ cho lĩnh vực mình phụ trách và đều có soạn thảo, thông qua các văn bản nhất định liên quan đến hoạt động thăm dò và sử dụng vũ trụ. Chẳng hạn, năm 1972 Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của LHQ (The United Nations Educational
Scientific and Cultural Organization - UNESCO) thông qua “Tuyên bố về các nguyên tắc hướng dẫn về việc sử dụng vệ tinh viễn thông để phục vụ cho mục đích
thông tin, phổ biến giáo dục, và trao đổi văn hóa rộng rãi hơn” [21]. Các nguyên
tắc được nêu trong Tuyên bố này có thể được coi như là một bộ quy tắc ứng xử cho các quốc gia trong việc sử dụng vệ tinh viễn thông để phục vụ cho các mục đích văn hóa, giáo dục.
Ngoài ra, UNESCO và Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (World Intellectual Property Organization - WIPO) cũng đã cùng nhau soạn thảo Công ước Brussels liên quan đến việc phân phối các tín hiệu mang chương trình do vệ tinh truyền đi. Vừa qua, Tổ chức Viễn thông Quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới đã ký một hiệp định thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực y tế từ xa, để cung cấp thông tin liên lạc và kỹ thuật tin học nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp dịch vụ sức khỏe và y tế cho người dân ở những vùng xa xôi [34].
1.3.2.2. Các tổ chức quốc tế chuyên môn đa phƣơng và khu vực
Cùng với việc tăng lên về số lượng và sự đa dạng của các hoạt động trên vũ trụ, số tổ chức quốc tế tham gia vào việc thăm dò và khai thác hòa bình KKVT cũng không ngừng tăng lên, góp phần phát triển và mở rộng phạm vi và nội dung của Luật Vũ trụ quốc tế, như: Tổ chức Vệ tinh Viễn thông Quốc tế (International Telecommunications Satellite Organization - INTELSAT), Tổ chức Viễn thông Vũ trụ Quốc tế (International Organization of Space Communications - INTERSPUTNIK), Cơ quan Vũ trụ châu Âu (The European Space Agency - ESA), Tổ chức Khai thác vệ tinh khí tượng châu Âu (The European Organisation for the Exploitation of Meteorological Satellites - EUMETSAT), và Tổ chức Vệ tinh viễn thông Arập (Arab Satellite Communiactions Organization - ARABSAT),…Ngoài ra, các tổ chức quốc tế nói trên còn đóng góp quan trọng cho sự lớn mạnh của nguồn Luật Vũ trụ quốc tế thông qua việc ký kết các hiệp định hợp tác về vũ trụ với các quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế liên quan khác.