I. CHIẾN LƯỢC THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO NGÀNH CÔNG NGHIỆP DẦU KHÍ CỦA VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2010
1. Cơ sở xây dựng chiến lược
1.3. Định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung của Việt Nam
1.3. Định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung của Việt Nam Việt Nam
Mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 5 năm (2006-2010) mà Đảng và Nhà nước đã đề ra là “Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức, tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia. Nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế”.
Để có thể đạt được mục tiêu đó, hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ một vai trò rất quan trọng tuy nhiên nó không chỉ phải phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia mà còn phải phù hợp với những mục tiêu về chính trị - xã hội khác của quốc gia.
Từ đó Đảng và Nhà nước đã đưa ra những định hướng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài:
- Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài phải trên cơ sở đảm bảo hoạt động, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Tất cả các thành phần kinh tế đều phải được coi trọng và đối xử như nhau đồng thời phải đảm bảo mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận hợp pháp của nhà đầu tư. Quá trình thu hút,
sử dụng vốn FDI phải được thực hiện song song với việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá dân tộc. Gắn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với tăng trưởng, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng; thu hút đầu tư để phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hoá, phát triển toàn diện con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội tại địa phương phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới
- Các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài phải được thiết lập thông qua việc vận dụng các thông lệ và nguyên tắc mang tính phổ biến của pháp luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước trong khu vực và trên thế giới. Các chính sách khuyến khích đầu tư và hạn chế đầu tư gồm các chính sách về thuế, hải quan, thủ tục xuất nhập hàng hoá, bảo hộ mậu dịch, và các quy định về kế toán, kiểm toán...phải phù hợp với nguyên tắc thông lệ quốc tế. Với quan điểm này chính sách khuyến khích đầu tư sẽ phù hợp, hấp dẫn các nhà đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh cao và tạo điều kiện cho Việt Nam đẩy nhanh tiến trình hội nhập, giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.