Về thủ tục dẫn độ tội phạm

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Dẫn độ tội phạm trong Luật quốc tế và liên hệ thực tiễn Việt Nam (Trang 52 - 57)

Có thể nói, quy định liên quan đến trình tự, thủ tục dẫn độ tội phạm là một trong những vấn đề được các quốc gia hết sức quan tâm. Mỗi quốc gia lại đưa ra các quy định này trong các văn bản pháp luật của quốc gia và việc đáp ứng nhỏ lẻ, riêng rẽ như vậy sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các quốc gia khác trong việc đưa ra yêu

cầu dẫn độ. Trên cơ sở đó, các điều ước quốc tế đa phương về dẫn độ tội phạm cũng đã tìm ra được hướng đi phù hợp cho các quốc gia khi đưa ra các quy định về thủ tục của yêu cầu dẫn độ tội phạm (hồ sơ, tài liệu…).

Điển hình như trong Hiệp định mẫu về dẫn độ tội phạm năm 1990 của Liên hợp quốc. Theo đó, yêu cầu dẫn độ phải được thực hiện thông qua văn bản, hồ sơ và tài liệu sẽ được chuyển qua kênh ngoại giao trực tiếp giữa các cơ quan có thẩm quyền của các bên (Điều 5). Yêu cầu dẫn độ phải bao gồm những nội dung sau: Mô tả chính xác về cá nhân bị yêu cầu dẫn độ, quốc tịch cùng với tất cả các thông tin cần thiết về nhân thân (nhận dạng, lai lịch..); Các văn bản quy định của pháp luật quốc gia yêu cầu về tội danh, khung hình phạt có thể được áp dụng đối với tội phạm đó. Các văn bản hoặc tài liệu này sẽ không cần phải thực hiện các thủ tục chứng thực nếu không có yêu cầu của quốc gia nhận được yêu cầu dẫn độ (Điều 7). Nếu một cá nhân bị buộc tội bởi một toà án hoặc nhà cơ quan có thẩm quyền tư pháp khác thì phải có lệnh bắt hoặc xác nhận bản sao của lệnh bắt đó, bản luận tội đối với tội phạm bị yêu cầu dẫn độ, bao gồm hành vi, thời gian, địa điểm thực hiện tội phạm (Điểm (B), Khoản 2, Điều 5);Nếu một cá nhân đã phạm tội nhưng chưa bị kết án, tài liệu kèm theo phải có thểm bản mô tả hành vi cấu thành tội phạm và mô tả đặc điểm pháp lý của tội phạm đó, bản luận tội và một văn bản khẳng định rằng sẽ có một bản án áp dụng cho tội phạm đó (Điểm (E), Khoản 2, Điều 5). Bên được yêu cầu dẫn độ có thể đưa ra yêu cầu cung cấp các thông tin bổ sung cần thiết khác trong quá trình xem xét yêu cầu dẫn độ (Điều 8).

Hiệp định mẫu cũng đưa ra quy định quốc gia được yêu cầu có thể cho phép dẫn độ một cá nhân sau khi nhận được một yêu cầu bắt giữ tạm thời (kể cả chưa hoàn thành thủ tục của một yêu cầu dẫn độ) nếu cơ quan có thẩm quyền của quốc gia này bày tỏ sự đồng ý rõ ràng (Điều 6). Hiệp định quy định, trong những trường hợp khẩn cấp, quốc gia có thể tiến hành việc bắt giữ tạm thời đối với cá nhân đang trong quá trình yêu cầu dẫn độ để tránh trường hợp cá nhân này chạy trốn. Tuy nhiên, khi tiến hành hoạt động này, bên yêu cầu phải gửi thông báo cho bên được yêu cầu rằng cá nhân đó bị tạm thời bắt giữ nhằm phục vụ hoạt động dẫn độ, với những mô tả về cá nhân, nơi bị bắt giữ, về vụ án.. Quốc gia được yêu cầu sẽ xem

xét và đưa ra quyết định trong thời gian ngắn nhất (Khoản 2, Khoản 3, Điều 9). Cá nhân bị bắt giữ sẽ được trả tự do nếu quá 40 ngày mà quốc gia được yêu cầu không nhận được yêu cầu dẫn độ với các loại tài liệu có liên quan.

Đối với các quy định về việc chuyển giao cá nhân bị dẫn độ: Theo quy định của Hiệp định, khi yêu cầu dẫn độ được chấp thuận, các bên có nghĩa vụ nhanh chóng sắp xếp việc chuyển giao cá nhân bị dẫn độ. Quốc gia được yêu cầu sẽ thông báo cho quốc gia yêu cầu biết về thời gian cá nhân bị yêu cầu dẫn độ đã bị tạm giam trước khi chuyển giao cho quốc gia yêu cầu (Khoản 1, Điều 11).Nếu quá thời hạn quy định mà cá nhân bị dẫn độ không được chuyển giao trên thực tế, thì quốc gia được yêu cầu có thể trả tự do cho cá nhân đó, đồng thời có thể từ chối dẫn độ cá nhân đó về cùng một tội danh. Trong trường hợp có hoàn cảnh vượt ngoài tầm kiểm soát của bên yêu cầu, quốc gia này phải thông báo cho bên được yêu cầu. Hai bên có thể xem xét một thời điểm chuyển giao khác để thực hiện yêu cầu dẫn độ (Khoản 3, Điều 11).

Tất cả những tài liệu trong yêu cầu dẫn độ và các tài liệu có liên quan khác đều phải được dịch sang ngôn ngữ của quốc gia được yêu cầu hoặc một ngôn ngữ khác được quốc gia này chấp thuận.

Đối với quy định về việc đơn giản hoá thủ tục dẫn độ: Hiệp định dành Điều 6 nhằm quy định về việc đơn giản hoá thủ tục dẫn độ, theo đó, quốc gia được yêu cầu có thể cho phép dẫn độ sau khi nhận được yêu cầu bắt giữ tạm thời nếu như có sự đồng ý rõ ràng của cơ quan có thẩm quyền, thủ tục bắt giữ tạm thời được quy định tại Điều 9 của Hiệp định. Quy định này nhằm khắc phục những rắc rối và rườm rà trong thủ tục dẫn độ tại các quốc gia, kịp thời bắt giữ kẻ phạm tội, không để cho chúng có cơ hội trốn thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật. Mô hình được đưa ra trong Hiệp định như đã xem xét ở trên, cùng với những hướng dẫn cung cấp một đề cương chi tiết về các quy định của một điều ước quốc tế về dẫn độ.

Theo quy định của Công ước châu Âu về dẫn độ tội phạm năm 1957, mọi thủ tục dẫn độ phải được ghi nhận bằng văn bản và sẽ được trao đổi thông qua con đường ngoại giao, nếu sử dụng tới con đường truyền thông khác (Ví dụ: chuyển fax), thì phải có sự thoả thuận trực tiếp giữa các bên liên quan. Các tài liệu được

yêu cầu bao gồm: Bản gốc hoặc bản sao chứng thực bản án, lệnh bắt đã có hiệu lực theo quy định của pháp luật quốc gia yêu cầu; Bản mô tả hành vi phạm tội, kèm theo các chứng cứ pháp lý chứng minh cho hành vi phạm tội đó (thời gian, địa điểm phạm tội, các tình tiết phạm tội) một cách chính xác nhất có thể; Bản sao các văn bản pháp luật có liên quan, các thông tin về quốc tịch, nhân thân hoặc bất cứ thông tin nào khác về cá nhân đã thực hiện hành vi phạm tội (Điều 12). Công ước còn quy định rằng, trong trường hợp quốc gia được yêu cầu cảm thấy những thông tin đã được chuyển đến chưa được đáp ứng đầy đủ thì quốc gia được yêu cầu có quyền yêu cầu bổ sung các thông tin cần thiết trong một khoảng thời gian hợp lý (Điều 13). Công ước có quy định rằng: trừ khi Công ước này có quy định khác, các thủ tục liên quan để dẫn độ và bắt giữ tạm thời sẽ chỉ được điều chỉnh bởi pháp luật của quốc gia được yêu cầu.

Công ước quy định quốc gia yêu cầu khi tiến hành dẫn độ cá nhân có hành vi phạm tội về nước không được phép dẫn độ qua quốc gia thứ ba nếu không có được sự đồng ý của quốc gia được yêu cầu (Điều 15). Trong trường hợp khẩn cấp, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia yêu cầu có thể yêu cầu bắt giữ tạm thời đối với cá nhân có thể bị dẫn độ. Yêu cầu bắt giữ tạm thời phải được ghi nhận trong văn bản theo đúng thủ tục quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 12, bao gồm: bản gốc hoặc bản sao lệnh bắt giữ, bản án đã có hiệu lực pháp luật của quốc gia yêu cầu. Đây là những thủ tục phục vụ cho việc bắt giữ tạm thời, còn những thủ tục còn lại để hoàn thành yêu cầu dẫn độ có thể được bổ sung sau đó. Yêu cầu bắt giữ tạm thời này sẽ được gửi cho cơ quan có thẩm quyền của quốc gia được yêu cầu, hoặc thông qua con đường ngoại giao trực tiếp, qua bưu điện, điện báo hoặc thông qua INTERPOL (Tổ chức cảnh sát Hình sự Quốc tế), hoặc các phương tiện thông tin được quốc gia được yêu cầu chấp nhận. Trong thời gian 18 ngày kể từ ngày lệnh bắt giữ tạm thời được áp dụng mà quốc gia được yêu cầu không nhận được yêu cầu dẫn độ cùng toàn bộ các thông tin và văn bản (theo quy định tại Điều 12 Công ước), thì lệnh bắt giữ tạm thời phải được gỡ bỏ. Quốc gia được yêu cầu có thể gia hạn đối với thời hạn nêu trên nhưng không được vượt quá 40 ngày kể từ ngày cá nhân bị bắt giữ tạm thời (Khoản 4, Điều 16).

Trong số 3 nghị định thư bổ sung của Công ước châu Âu về dẫn độ năm 1957 (Nghị định thư 1975, Nghị định thư 1978, Nghị định thư 2010), thì Nghị định thư 2010 đánh dấu bước thay đổi mạnh mẽ nhất của hoạt động đơn giản hoá các thủ tục dẫn độ nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa các quốc gia thành viên được hiệu quả và nhanh chóng hơn. Nghị định thư đã được thông qua với 19 điều khoản quy định cụ thể về đơn giản hoá các thủ tục dẫn độ:Vấn đề đơn giản hoá thủ tục đầu tiên là đối với các quy định về “bắt giữ tạm thời” (tạm giam). Việc bắt tạm giam được coi là hoạt động khởi đầu cho các thủ tục dẫn độ. Hoạt động này được quy định cụ thể tại Điều 16 của Công ước châu Âu về dẫn độ năm 1957. Khoản 3 của Công ước có quy định một yêu cầu bắt giữ tạm thời sẽ phải được gửi cho cơ quan có thẩm quyền của bên được yêu cầu hoặc thông qua con đường ngoại giao, hoặc gửi qua INTERPOL, quy định này cũng có thể được coi là một yêu cầu bắt giữ tạm thời cho các quy định tại Nghị định thư 2010. Tuy nhiên, Khoản 1, Điều 2 của Nghị định thư 2010 cho thấy các hồ sơ, tài liệu và các văn bản hỗ trợ không cần thiết phải tiến hành theo quy định tại Điều 12 của Công ước. Quyết định bắt giữ tạm thời có thể được thực hiện trên cơ sở các thông tin quy định các các điểm a đến điểm h (nhận dạng của cá nhân phạm tội, quốc tịch của cá nhân này; lệnh bắt giữ của cơ quan có thẩm quyền, lệnh truy nã hoặc các tài liệu có liên quan khác như một bản án; bản mô tả hành vi phạm tội, thời gian, địa điêm thực hiện hành vi, hậu quả của hành vi phạm tội bao gồm cả hình phạt hoặc hình phạt cao nhất..). Các thông tin trên có thể được gửi cho cả cá nhân bị bắt giữ và cơ quan có thẩm quyền của quốc gia được yêu cầu. Quy định này có thể giảm bớt sự phức tạp về hồ sơ và thủ tục về dẫn độ tội phạm, rất nhiều quốc gia đã mong muốn sử dụng các thông tin trong yêu cầu về bắt giữ tạm thời là cơ sở cho một yêu cầu dẫn độ chính thức, không nhất thiết phải tuân theo các quy định tại Điều 12 với các thông tin phức tạp hơn. Các quốc gia được yêu cầu cũng có thể đưa ra yêu cầu bổ sung thông tin hoặc bổ sung hoàn chỉnh tất cả các loại tài liệu quy định tại Điều 12 (Khoản 2, Điều 2). Cá nhân bị tạm giam sẽ được thông báo về việc bắt giữ cũng như dẫn độ, thuật ngữ “tạm thời bắt giữ” ở đây có thể được hiểu là cả các biện pháp bảo lãnh, bị quản thúc tại gia hoặc cấm rời khỏi đất nước (Điều 3).[48] Thời gian được đưa ra trong Nghị định thư tạo điều

kiện thuận lợi cho bên yêu cầu có thời gian chuẩn bị đủ các loại tài liệu theo quy định tại Điều 12 của Công ước. Bởi bên được yêu cầu sẽ thông báo cho bên yêu cầu quyết định đồng ý dẫn độ theo thủ tục đơn giản trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày đồng ý, nếu không đồng ý dẫn độ theo thủ tục đơn giản thì phải dành cho bên yêu cầu thời gian gửi yêu cầu dẫn độ trong thời gian tối đa là 40 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm giam quy định tại Điều 16 (18 đến tối đa là 40 ngày). Như vậy, thời gian từ chối hoặc chấp thuận dẫn độ theo thủ tục đơn giản không được tính vào thời gian tạm giam theo quy định tại Điều 16 Công ước. Điều đó sẽ giúp cho bên yêu cầu có thêm một khoảng thời gian hợp lý để chuẩn bị các loại hồ sơ và tài liệu trước khi thời hạn tạm giam hết hiệu lực. Để khắc phục những phức tạp và và khó khăn về thủ tục, thêm cả sự chậm trễ về thời gian mà Công ước yêu cầu thì rất có thể sẽ tạo ra cơ hội cho cá nhân phạm tội chạy trốn khỏi sự trừng trị của pháp luật, sang một quốc gia khác hoặc tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội của mình. Bởi vậy, Điều 8 của Công ước đã bổ sung thêm một số phương tiện truyền thông được sử dụng (không thay thế con đường ngoại giao) như bản sao chứng thực gửi qua điện tử.., sẽ đẩy nhanh tiến trình cung cấp thông tin cũng như đáp ứng các yêu cầu về thủ tục và tài liệu quy định tại Công ước khi đưa ra yêu cầu dẫn độ, trong đó bao gồm cả việc thông qua INTERPOL. Bên cạnh những nội dung quan trọng liên quan đến thời gian chuẩn bị thủ tục dẫn độ, Nghị định thư 2010 còn quy định: sự chấp thuận của bên được yêu cầu đưa ra sau khi kết thúc thời hạn tạm giam (Điều 10); thời gian quá cảnh (Điều 11), mối quan hệ giữa Nghị định thư với Công ước và các văn kiện quốc tế khác (Điều 12)… Nghị định thư sẽ có phát sinh hiệu lực sau 3 tháng, kể từ ngày các quốc gia gửi thư phê chuẩn, phê duyệt cũng như các khoản tiền đóng góp.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Dẫn độ tội phạm trong Luật quốc tế và liên hệ thực tiễn Việt Nam (Trang 52 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)