Một trong những cơ sở để đảm bảo cho hoạt động dẫn độ đạt được hiệu quả giữa các quốc gia đó là cơ sở pháp lý. Trong quan điểm cộng đồng quốc tế thì dẫn độ luôn là quyền của mỗi quốc gia trong quan hệ với quốc gia khác, và nó sẽ trở thành nghĩa vụ khi các bên thoả thuận ghi nhận hoạt động hợp tác này vào trong các điều ước quốc tế. Khi quốc gia trở thành thành viên của điều ước quốc tế, thì việc thực hiện một cách tận tâm, thiện chí các cam kết quốc tế cũng có nghĩa là quốc gia phải xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật của quốc gia mình sao cho phù hợp với những cam kết do chính các quốc gia đưa ra. Việt Nam đã trở thành thành viên của rất nhiều điều ước quốc tế đa phương toàn cầu liên quan đến hoạt động hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm, trong đó có nội dung về hợp tác dẫn độ tội phạm như: Công ước Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000 và các Nghị định thư có liên quan, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003… Bên cạnh các điều ước quốc tế đa phương, Việt Nam còn ký kết gần 20 điều ước quốc tế song phương với các quốc gia khác về
hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Trong tương lai chúng ta sẽ còn ký kết nhiều hơn nữa các thoả thuận với các quốc gia liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của việc ngăn ngừa và trấn áp tỷ lệ tội phạm đang gia tăng mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Các văn bản pháp lý có quy định về dẫn độ của Việt Nam đã lần lượt ra đời nhằm cụ thể hoá hoạt động hợp tác này (tiếp nhận yêu cầu dẫn độ và gửi yêu cầu dẫn độ) giữa Việt Nam với các quốc gia khác. Điều 343 và 344 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 đưa ra quy định về thẩm quyền, các căn cứ dẫn độ, đối tượng bị dẫn độ, các trường hợp từ chối dẫn độ tội phạm… Luật Tương trợ Tư pháp năm 2007 ra đời có thể được coi là căn cứ pháp lý đầy đủ nhất cho tới thời điểm hiện tại về dẫn độ tội phạm. Các quy định về dẫn độ tội phạm nằm trong chương IV, từ Điều 32 đến Điều 48, với các quy định liên quan đến thẩm quyền, đối tượng dẫn độ, căn cứ từ chối dẫn độ, trình tự, thủ tục dẫn độ tội phạm, quá cảnh, chi phí dẫn độ…
Các văn bản nói trên ra đời đã đáp ứng được những yêu cầu của tình hình thực tế, giúp cho các quốc gia khác có cơ sở để đưa ra yêu cầu dẫn độ đối với Việt Nam cũng như cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tiếp nhận hoặc đưa ra yêu cầu dẫn độ đối với quốc gia khác. Tuy nhiên, những văn bản pháp lý này vẫn còn một số điểm chưa phù hợp với tình hình thực tế và cần phải có những sự thay đổi phù hợp. Bên cạnh đó còn phải nói đến những khó khăn trong thực tiễn thực hiện hoạt động dẫn độ tội phạm. Những khó khăn có thể kể đến về mặt pháp lý đó là:
Thứ nhất: Việt Nam chưa có một văn bản riêng quy định về dẫn độ. Rất nhiều quốc gia có văn bản pháp lý riêng về dẫn độ (Luật dẫn độ, Đạo luật dẫn độ…) như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada… Những văn bản được quy định độc lập với các văn bản pháp luật khác sẽ là cơ sở pháp lý riêng rẽ và cụ thể cho hoạt động dẫn độ, một số quốc gia như Canada còn quy định cụ thể từng phần bao gồm các quy định cho trường hợp dẫn độ từ Canada và trường hợp dẫn độ đến Canada. Bộ Luật Tố tụng Hình sự của Việt Nam năm 2003 cũng quy định về dẫn độ nhưng chưa còn chung chung và chưa đầy đủ, Luật Tương trợ Tư pháp 2007 ra đời đã có những quy định cụ thể và chi tiết hơn về thẩm quyền, đối tượng dẫn độ, các trường
hợp từ chối dẫn độ, thủ tục của yêu cầu dẫn độ và một số quy định khác. Tuy nhiên, Luật Tương trợ Tư pháp 2007 của Việt Nam quy định dẫn độ thuộc một trong những hoạt động Tương trợ Tư pháp và trong các quy định đó cũng không có sự rõ ràng về trường hợp dẫn độ từ Việt Nam và dẫn độ tới Việt Nam; Cả Bộ Luật Tố Tụng Hình sự 2003 và Luật Tương trợ Tư pháp 2007 đều không đề cập đến quy định về dẫn độ đơn giản. Đây là một trong những quy định rất thường xuyên xuất hiện trong các Hiệp định Tương trợ Tư pháp hoặc Dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam và các quốc gia liên quan, theo đó hoạt động dẫn độ có thể được đơn giản hoá trong trường hợp cá nhân bị dẫn độ tỏ rõ sự đồng ý với việc bị dẫn độ đến quốc gia yêu cầu dẫn độ. Những trình tự và thủ tục cần thiết sẽ được cắt giảm đi rất nhiều so với một yêu cầu dẫn độ thông thường, cho nên, các văn bản pháp lý của Việt nam cần phải có điều khoản quy định cụ thể về vấn đề này để đảm bảo sự tương thích trong trường hợp thực hiện các điều ước quốc tế có quy định về vấn đề này; quy định về các biện pháp ngăn chặn để dẫn độ được quy định tại Điều 41 còn chung chung: “Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm cho việc xem xét yêu cầu dẫn độ”. Việc quy định như vậy là chưa cụ thể và rõ ràng, khi xem xét các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có quy định về dẫn độ tội phạm mà Việt Nam là thành viên thì ta có thể biết được một số biện pháp thường được đưa ra đó là: bắt giữ tạm thời (tạm giữ), khám xét, tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét... Trong đó, biện pháp bắt giữ tạm thời được ghi nhận phổ biến nhất với các quy định cụ thể để tránh trường hợp cá nhân bỏ trốn khi yêu cầu dẫn độ đang được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia được yêu cầu xem xét và quyết định.
Thứ hai: Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tương trợ Tư
pháp còn chậm. Mặc dù Luật Tương trợ Tư pháp và Nghị định số 92/2008/NĐ-CP đã được ban hành hơn 4 năm nhưng việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Tương trợ Tư pháp 2007 liên quan đến các hoạt động cụ thể còn chưa được nghiên cứu và xây dựng.
Thứ ba: Nhiều Hiệp định được ký kết trước khi Luật Tương trợ Tư pháp
2007 được ban hành đã thể hiện sự không phù hợp với quy định của Luật Tương trợ Tư pháp 2007 nhưng chưa thể đàm phán sửa đổi, hơn nữa, việc đàm phán sửa đổi một Hiệp định liên quan đến vấn đề này cũng rất khó khăn và phức tạp. Một điểm quan trọng nữa đó là ở các quốc gia có đông công dân Việt Nam sinh sống, lao động và học tập cũng chưa ký kết điều ước quốc tế song phương nào với Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản.. nên yêu cầu dẫn độ tội phạm sẽ khó được thực hiện.
Thứ tư: Chế độ, chính sách, kinh phí, trang thiết bị cho các hoạt động về
tương trợ tư pháp nói chung và về dẫn độ nói riêng còn rất hạn hẹp, đó là chưa kể đến việc nguồn ngân sách còn được chia đều giữa các hoạt động liên quan đến tương trợ tư pháp dân sự, hình sự, dẫn độ, chuyển giao người chấp hành hình phạt tù... Trong dự thảo thông tư mới đây (năm 2012) của Bộ tài chính quy định việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác tương trợ tư pháp, chi phí dành cho dẫn độ còn nằm rải rác, chủ yếu chi cho điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ, đi lại, ăn ở…, trong đó có một số hoạt động có thể phát sinh như nghiên cứu, giám định, dịch hồ sơ và các tài liệu có liên quan... chưa có hướng dẫn cụ thể về mức phí.
Thứ năm: Đội ngũ cán bộ thực hiện hoạt động dẫn độ tội phạm còn hạn chế
về số lượng và khả năng làm việc trong khi nhu cầu đòi hỏi ngày càng nhiều, đặc biệt là ở các địa phương. Vấn đề về kỹ năng khác còn thiếu như: tin học, ngoại ngữ, phiên dịch, biên dịch... Đội ngũ cán bộ có đủ khả năng và kỹ năng đàm phán, có trình độ pháp lý, ngoại ngữ và kinh nghiệm để tham gia xây dựng các điều ước quốc tế liên quan đến dẫn độ tội phạm lại càng hạn chế.
Trên đây là những khó khăn cả về mặt pháp lý và một số vấn đề khác có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của việc tiến hành hoạt động hợp tác dẫn độ tội phạm cũng như đấu tranh phòng chống tội phạm giữa Việt Nam với các quốc gia khác cũng như với cộng đồng quốc tế. Để có thể khắc phục được những khó khăn trên, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng như chính những lực lượng trực tiếp tiến hành hoạt động dẫn độ tội phạm cần phải chú trọng đến việc tìm ra các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn và hạn chế nói trên.