Việc tìm ra những giải pháp để khắc phục khó khăn khi thực hiện hoạt động dẫn độ tại Việt Nam luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cấp lãnh đạo cũng như chính những lực lượng thực hiện trực tiếp hoạt động này. Dưới đây là một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động hợp tác dẫn độ tội phạm tại Việt Nam
Giải pháp đối với các văn bản pháp lý
Thứ nhất: Các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, lấy ý kiến và đưa ra các văn
bản hướng dẫn cụ thể để bổ sung một số vấn đề còn thiếu trong Luật Tương trợ Tư pháp 2007 như các quy định liên quan trình tự, thủ tục dẫn độ về Việt Nam và dẫn độ từ Việt Nam; các quy định liên quan đến dẫn độ đơn giản; quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự và thủ tục cho các biện pháp ngăn chặn được Luật đưa ra trong Điều 41 nhằm đảm bảo cho việc áp dụng các biện pháp này trong thực tế. Quan trọng hơn là cần phải quy định thời hạn cho việc áp dụng các biện pháp này, để trong trường hợp yêu cầu dẫn độ không được gửi đến hoặc không đầy đủ thì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ phải trả tự do cho cá nhân bị yêu cầu dẫn độ để đảm bảo quyền lợi cho cá nhân đó.
Bên cạnh đó, cần phải có quy chế cụ thể cho các chi phí được tiến hành hoạt động dẫn độ, bao gồm cả các chi phí khác như phiên dịch, biên dịch...
Thứ hai:: Chúng ta cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các điều
ước quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm, mà cụ thể là dẫn độ tội phạm. Trước mắt là phải phê chuẩn, gia nhập, bảo lưu liên quan đến các điều ước quốc tế đa phương như Công ước quốc tế về chống bắt cóc con tin năm 1979, Công ước quốc tế về trừng trị việc khủng bố bằng bom năm 1997, Công ước ASEAN về chống khủng bố...
Trong đó, Việt Nam cần phải tỏ rõ vai trò tích cực tham gia các cuộc đàm phán, các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN, cùng với các quốc gia thành viên khác xây dựng điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm trong khuôn khổ tổ chức này để nâng cao hiệu quả về hợp dẫn độ giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Hiện nay các Hiệp định Tương trợ Tư pháp giữa các quốc gia ASEAN đã có hiệu lực, tuy nhiên nội dung hợp tác dẫn độ tội phạm vẫn chưa được quy định trong điều ước quốc tế khu
vực này. Với vai trò là thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam cần phải đưa ra các kiến nghị nhằm cùng các quốc gia thành viên xây dựng một điều ước quốc tế riêng biệt về dẫn độ để thúc đẩy hoạt động hợp tác dẫn độ tội phạm nói riêng và hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong các quốc gia ASEAN được hiệu quả và sâu rộng hơn nữa.
Một số giải pháp khác
Bên cạnh các giải pháp liên quan đến việc xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc, chúng ta cũng cần chú ý tới các giải pháp khác như: nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật, tài chính, hợp tác đào tạo, huấn luyện các lực lượng tham gia vào hoạt động dẫn độ… để hỗ trợ, nâng cao hiệu quả cho hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm trong nước và giữa Việt Nam với các quốc gia khác.
Một là, giải pháp đối với nhân lực:
Vấn đề nhân lực là một trong những vấn đề rất quan trọng nhưng không dễ dàng khi xây dựng và hoàn thiện. Nhất là trong lĩnh vực hợp tác hình sự nói chung là dẫn độ tội phạm nói riêng. Đội ngũ nhân lực được kể đến có thể là công an, cảnh sát, các chuyên gia, chuyên viên hành chính… Đó phải là những cá nhân có đầy đủ năng lực và trình độ chuyên môn, thêm vào đó phải có sự nhiệt huyết và tâm huyết đặc biệt với nghề. Có thể nói việc truy tìm, bắt giữ và dẫn độ tội phạm gặp rất nhiều những khó khăn, gian khổ thậm chí nguy hiểm đến sức khoẻ, tình mạng.. Do đó, những lực lượng và cá nhân tham gia vào hoạt động này cần sự nhiệt huyết và tinh thân quả cảm rất lớn mới có thể đạt được hiệu quả. Bởi vậy, chúng ta cần đầu tư tăng cường công tác huấn luyện, tập huấn nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các lực lượng có liên quan. Tích cực tuyển dụng và chủ động tìm kiếm những cá nhân có năng lực chuyên môn cao, đặc biệt là có khả năng ngoại ngữ tốt. Hướng tới sự hỗ trợ từ các quốc gia khác như cung cấp chuyên gia để trau dồi trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn…
Hai là, giải pháp đối với các trang thiết bị kỹ thuật:
Hoạt động hợp tác về dẫn độ tội phạm diễn ra giữa hai hay nhiều quốc gia khác nhau. Sự liên hệ giữa các quốc gia chủ yếu thông qua con đường ngoại giao, tuy nhiên, con đường này không phải lúc nào cũng thuận tiện và đầy đủ thông tin.
Các cơ sở dữ liệu về tội phạm cần phải được thu thập, quản lý và lưu giữ cẩn thận, hiện nay đã có rất nhiều loại máy móc và trang thiết bị điện tử thay thế cho việc lưu giữ tài liệu bằng các loại giấy tờ trước đây. Các quốc gia cần phải đầu tư và nâng cấp cho các loại trang thiết bị này để đảm bảo tính nhanh chóng, chính xác, bảo mật của thông tin. Đồng thời các phải nỗ lực tìm kiếm sự giúp đỡ của các quốc gia có sự phát triển trong lĩnh vực này, trong đó bao gồm cả việc mở rộng việc cung cấp thông tin và các dữ liệu điện tử phục vụ cho hoạt động điều tra, xác minh tội phạm.
Một trong những biểu hiện của việc nâng cấp và chia sẻ thông tin này là sự chia sẻ thông tin của INTERPOL cho Việt Nam và ASEAN trong tháng 7 này. Theo thông cáo báo chí của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra ngày 02/07/2012, INTERPOL có dự án chia sẻ thông tin trong kho dữ liệu của mình để giúp hai quốc gia có thể quản lý các khu vực ở biên giới. Dữ liệu trên có 30 triệu mục thông tin từ 150 quốc gia bao gồm cả thông tin về tài liệu du lịch bị đánh cắp và giấy tờ thất lạc. Dự án được thực hiện trong vòng 1 năm này nhằm tăng cường trao đổi thông tin, nhận dạng những kẻ khủng bố, các tay buôn lậu thuốc và những tội phạm khác cùng với các khách du lịch thường xuyên qua cửa khẩu biên giới. Cơ sở dữ liệu này sẽ giảm thiểu thời gian chờ đợi, đồng thời đem lại cho các quốc gia nhiều thông tin hơn về những cá nhân xuất nhập cảnh.
Ba là, giải pháp tài chính:
Đây là một trong những vấn đề cần được các quốc gia chú trọng. Hoạt động dẫn độ luôn phải đi kèm với các vấn đề về tài chính, đặc biệt là khi điều ước quốc tế giữa các quốc gia luôn quy định chi phí cho các hoạt động trên lãnh thổ quốc gia nào thì quốc gia đó sẽ chi trả. Hầu hết các hoạt động tìm hiểu, điều tra, bắt giữ đều được tiến hành trên lãnh thổ của quốc gia được yêu cầu. Luật Tương trợ Tư pháp quy định các vấn đề về chi phí phát sinh đối với các hoạt động Tương trợ Tư pháp về hình sự hoặc trong trường hợp có thoả thuận giữa Việt Nam với quốc gia khác sẽ do ngân sách nhà nước đảm nhận. Thực tế, nguồn ngân sách nhà nước cần dùng để chi tiêu cho rất nhiều các hoạt động khác nhau, và ngoài chi cho hoạt động dẫn độ tội phạm còn sử dụng để chi cho hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, dân sự, dẫn độ và chuyển giao người chấp hành hình phạt tù, do đó, rất dễ hiểu nếu nguồn
ngân sách này cho hoạt động dẫn độ tội phạm còn hạn hẹp. Tuy vậy, đây là một trong những hoạt động hợp tác hết sức quan trọng cần tới sự đầu tư đúng mức do tính chất đặc thù về thời gian, mức độ nguy hiểm và sự đầu tư cho nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật.. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tới sự giúp đỡ về tài chính của các quốc gia hoặc các tổ chức khác với mong muốn trấn áp tỷ lệ tội phạm đang gia tăng, cũng như khuyến khích cho sự nỗ lực của các cá nhân, lực lượng tham gia vào quá trình đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm đó.
Bốn là, giải pháp về sự phối hợp đồng bộ:
Sự phối hợp đồng bộ được nói đến phải đi từ sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước với các chính sách phát triển, trong đó có sự chỉ đạo liên quan đến hoạt động hợp tác quốc tế đấu tranh phòng chống tội phạm. Đây được coi như là kim chỉ nam cho hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền trong việc đáp ứng hoặc đưa ra các yêu cầu hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm với các quốc gia khác. Cùng với đó, cần phải tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền liên quan trong hoạt động dẫn độ tội phạm như Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ ngoại giao, Văn phòng INTERPOL.. và các đơn vị trực thuộc khác trong để tiến hành nhanh chóng, hiệu quả các hoạt động có liên quan đến hợp tác dẫn độ tội phạm theo đúng các quy định của pháp luật.
Thực tế đã chứng minh vai trò của các cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh hiệu quả các hoạt động đối nội và đối ngoại của một quốc gia. Đối với hoạt động hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm giữa Việt Nam và các quốc gia khác, việc ban hành kịp thời và hiệu quả các văn bản pháp lý, trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc và các quy định của Luật quốc tế sẽ giúp cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có cơ sở để thực hiện tốt, hiệu quả các hoạt động hợp tác của mình. Trong thời gian tới, để tăng cường khả năng phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng như giữa các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam với các quốc gia khác trong hoạt động dẫn độ tội phạm. Một mặt, chúng ta cần xem xét bổ sung và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành những quy định của pháp luật đã có. Đồng thời tăng cường trao đổi với các quốc gia khác để tiến tới xây dựng các điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm và tương trợ tư pháp để tạo khung pháp lý quốc tế
vững chắc cho hoạt động hợp với với các quốc gia mà Việt Nam chưa ký kết điều ước quốc tế. Mặt khác, chúng ta cần phải chú trọng đến việc mua sắm mới các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dẫn độ tội phạm, trong đó chú trọng đến việc đề nghị sự giúp đỡ của các quốc gia có sự phát triển trong các kỹ thuật hình sự, điều tra và truy tìm các loại tội phạm; Xây dựng nguồn nhân lực vững về số lượng và chắc về chất lượng, thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, trau dồi, tạo điều kiện nâng cao trình độ cho các cán bộ, chiến sĩ tham gia vào hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là dẫn độ tội phạm; Nguồn lực về tài chính cần được nỗ lực tìm kiếm từ các nguồn thu khác ngoài ngân sách cũng như sự hỗ trợ từ phía các quốc gia khác.
Những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm cả trong phạm vi quốc gia và quốc tế luôn được cộng đồng quốc tế ghi nhận và tạo điều kiện hợp tác. Điều này sẽ tạo đà cho Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào công cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì sự hoà bình, ổn định và bền vững.
KẾT LUẬN
Sự phát triển và biến đổi không ngừng của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong những năm qua đã ghi nhận sự cố gắng và nỗ lực vì cộng đồng quốc tế phát triển, ổn định và bền vững. Bên cạnh sự phát triển thuận lợi đó, các quốc gia cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức và khó khăn. Một trong những khó khăn đó là sự gia tăng của các loại tội phạm, nó không chỉ diễn ra trong phạm vi của một quốc gia, mà còn lan rộng ra khắp toàn cầu. Trách nhiệm đấu tranh phòng chống các loại tội phạm này không phải chỉ thuộc về riêng mỗi quốc gia mà còn phải được tiến hành trên cơ sở sự hợp tác của các quốc gia khác. Hoạt động hợp tác dẫn độ tội phạm đang được các quốc gia coi là hoạt động hợp tác hiệu quả nhằm trấn áp các loại tội phạm. Bên cạnh những nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cùng với các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong phạm vi mỗi quốc gia, các quốc gia còn chú trọng đến các hoạt động hợp tác song phương và đa phương về dẫn độ tội phạm. Khuôn khổ pháp lý quốc tế dưới dạng các điều ước quốc tế giữa các quốc gia với các nội dung hợp tác cơ bản sẽ là công cụ hữu hiệu để giúp các quốc gia đấu tranh phòng chống tội phạm một cách tốt nhất.
Việt Nam với vai trò tích cực và chủ động trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm trong khu vực và cả toàn cầu cũng đang nỗ lực để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình, kết hợp với các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động dẫn độ tội phạm khác như: nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật, tài chính… Và quan trọng là việc cùng với các quốc gia khác đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế là cơ sở pháp lý cho hoạt động dẫn độ tội phạm. Những hoạt động đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của việc đấu tranh phòng chống tội phạm trong phạm vi quốc gia và đóng góp vào sự đấu tranh chung của cộng đồng quốc nhằm đảm bảo an ninh chung của nhân loại. Trong tương lai, bên cạnh việc thực hiện tận tâm, thiện chí những cam kết quốc tế trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa các vấn đề về nhân lực, trang thiết bị, tài chính… để củng cố hơn nữa các công cụ để đấu tranh phòng chống tội phạm.