CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VỀ DẪN ĐỘ TỘI PHẠM 2.1 Các quy định trong một số điều ước quốc tế đa phương về dẫn độ tội phạm

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Dẫn độ tội phạm trong Luật quốc tế và liên hệ thực tiễn Việt Nam (Trang 39 - 41)

2.1.Các quy định trong một số điều ước quốc tế đa phương về dẫn độ tội phạm

Sự gia tăng của các loại tội phạm có tính chất quốc tế đã và đang đặt cộng đồng quốc tế trước những thách thức, buộc chúng ta phải tìm ra cách thức nhằm đối phó với tình trạng tội phạm xuyên quốc gia phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Ở phương diện quốc gia, mỗi quốc gia có thể xây dựng hoặc hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự nhằm đạt được hiệu quả trong việc phòng chống các loại hình tội phạm. Ở phương diện quốc tế, hoạt động phòng chống tội phạm đòi hỏi sự hợp tác một cách toàn diện của các quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Để có thể đạt được sự hợp tác một cách hiệu quả nhằm đối phó với các loại tội phạm xuyên quốc gia, các quốc gia cũng cần phải xây dựng một khung pháp lý thống nhất, trong đó đặc biệt chú ý đến các quy định liên quan đến hoạt động hợp tác dẫn độ giữa các quốc gia.

Nhận thức được tầm quan trọng của sự phối hợp giữa các quốc gia trong cộng đồng quốc tế đối với hoạt động hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm, cộng đồng quốc tế đã cùng nhau ký kết một số điều ước quốc tế đa phương khu vực và toàn cầu nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm trong quan hệ giữa các quốc gia thành viên với nhau. Các điều ước quốc tế này hướng tới việc thống nhất trong quan điểm pháp lý của các quốc gia về một số nội dung của hoạt động dẫn độ tội phạm như: đối tượng dẫn độ, các trường hợp không dẫn độ tội phạm, các vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục của một yêu cầu hoặc đáp ứng yêu cầu dẫn độ tội phạm... Hiện nay, khi nhắc đến các điều ước về dẫn độ tội phạm, có thể kể đến một số điều ước quan trọng như:

Điều ước đa phương đầu tiên phải kể đến đó là Hiệp định mẫu về dẫn độ năm 1990: Hiệp định này ra đời trên cơ sở kế hoạch hành động Milan được thông qua tại Hội nghị lần thứ VII về phòng chống tội phạm và trừng trị người phạm tội, cùng với đề xuất của Đại hội đồng ghi nhận trong nghị quyết 40/32 ngày 29/11/1985. Một trong những mục đích quan trọng cho sự ra đời của Hiệp định là tạo ra một khuôn khổ hữu ích có thể hỗ trợ cho các quốc gia trong việc đàm phán, ký kết các hiệp định song phương nhằm mục đích nâng cao hợp tác trong các vấn đề về phòng,

chống tội phạm và tư pháp hình sự; loại bỏ sự khác biệt và không thống nhất cũng như góp phần loại bỏ những nội dung, thủ tục không còn phù hợp với tình hình thực tế, cải thiện những thủ tục cho phù hợp với thực tiễn của Luật hình sự quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Với vai trò như là một bản “đề cương chi tiết” về thủ tục dẫn độ, Hiệp định đã đóng góp rất hiệu quả cho các bên trong quá trình đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm hoặc đàm phán các điều khoản về dẫn độ tội phạm trong hợp tác tương trợ tư pháp giữa các quốc gia. Đây có thể không phải là một công cụ trực tiếp điều chỉnh hoạt động hợp tác về dẫn độ tội phạm giữa các quốc gia nhưng nó là sự tập hợp một cách rõ ràng và xúc tích những nội dung mà các quốc gia cần phải quan tâm khi xây dựng các điều ước về dẫn độ tội phạm của họ, giúp cho quốc gia yêu cầu và quốc gia được yêu cầu tìm được tiếng nói chung trong việc đàm phán các thủ tục về dẫn độ.

Luật mẫu về dẫn độ tội phạm năm 2004: Đây là văn bản pháp lý quốc tế nhằm bổ sung các quy định của Hiệp định mẫu về dẫn độ của Liên hợp quốc năm 1990 để đáp ứng nhu cầu và sự phát triển của hoạt động hợp tác trong lĩnh vực này. Mô hình Luật mẫu về dẫn độ sẽ được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của các văn bản pháp lý quốc tế xuất hiện trước đó như: Hiệp định mẫu về dẫn độ năm 1990 của Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003, các điều ước quốc tế về chống khủng bố...[63]

Bên cạnh đó là Công ước châu Âu về dẫn độ năm 1957: Công ước này được ký ngày 13/12/1957 tại Paris, có hiệu lực từ ngày 18/04/1960 với 47 thành viên tham gia phê chuẩn, phê duyệt cùng với 3 quốc gia khác không phải là thành viên Hội đồng phê chuẩn, đó là Isarel, Hàn Quốc và Nam Phi.[57] Công ước này sau đó được bổ sung bằng hai Nghị định thư năm 1975 và 1978. Công ước châu Âu về dẫn độ năm 1957 được coi là điều ước quốc tế đa phương đầu tiên, đánh dấu bước ngoặt phát triển trong hoạt động hợp tác dẫn độ tội phạm giữa các quốc gia thành viên EU bởi trước đó các quốc gia chủ yếu sử dụng các điều ước song phương để điều chỉnh vấn đề này.

Trong khuôn khổ hoạt động hợp tác của mình, các quốc gia trong cộng đồng quốc tế còn ký kết rất nhiều điều ước quốc tế đa phương khu vực và đa phương toàn cầu nhằm điều chỉnh hiệu quả mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên cộng đồng quốc tế trong hoạt động hợp tác dẫn độ này, như các điều ước quốc tế trong khuôn khổ các nước Ả Rập, châu Phi…

Trong các điều ước quốc tế đa phương về dẫn độ tội phạm, ngoài việc tuân thủ các thông lệ chung về hình thức (ngôn ngữ, kết cấu, tên gọi…), về mặt nội dung, các điều ước quốc tế về dẫn độ chủ yếu ghi nhận một số vấn đề cơ bản như nghĩa vụ dẫn độ, đối tượng dẫn độ, các trường hợp không dẫn độ tội phạm, trình tự, thủ tục của yêu cầu dẫn độ tội phạm, và một số quy định khác. Cụ thể:

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Dẫn độ tội phạm trong Luật quốc tế và liên hệ thực tiễn Việt Nam (Trang 39 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)