Theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, số lượng các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của Việt Nam gửi đi nước ngoài trong thời gian từ 2008 đến 2009 có sự tăng lên đáng kể, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn thành thủ tục gửi ra nước ngoài 13 hồ sơ, trong 6 tháng đầu năm 2010, đã hoàn thành thủ tục gửi ra nước ngoài 02 hồ sơ. Đối với yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài thì Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp nhận 113 yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự, chủ yếu là của Cộng hoà Séc và một số quốc gia khác như Ba Lan, Nga, Hunggari, Trung Quốc, Phần Lan… Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã xử lý, chuyển các yêu cầu tương trợ tư pháp tới các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, kết quả tính đến tháng 5 năm 2010 như sau: 36 hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp đã được giải quyết, 12 trường hợp không giải quyết được do không xác định được địa chỉ của đối tượng, 01 trường hợp bị từ chối vì không có đủ căn cứ áp dụng tương trợ tư pháp, 107 hồ sơ đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Trong những năm qua, với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng nước ngoài, công tác bắt và dẫn độ tội phạm cho nước ngoài của Việt Nam đã đạt được những kết quả tốt, theo thống kê của Văn phòng INTERPOL Việt Nam tính đến ngày 30/09/2009, Việt Nam đã bắt và giao 50 đối tượng cho cảnh sát các nước như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan…[6]
Đối với tình hình dẫn độ về Việt Nam thì theo thống kê của Văn phòng INTERPOL Việt Nam, số lượng đối tượng phạm tội tại Việt Nam và bỏ trốn ra nước ngoài trong những năm gần đây cũng tăng nhanh về số lượng, chủ yếu là các loại tội phạm vận chuyển trái phép chất ma tuý, tham ô, tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.. Các đối tượng trốn sang lãnh thổ quốc gia khác bằng nhiều con đường khác nhau (chủ yếu bằng đường biên giới và tại các cửa khẩu đường bộ và đường biển). Nhiều đối tượng cũng lợi dụng các vấn đề không thống nhất giữa pháp luật Việt Nam và một số quốc gia, trong đó có cả quy định về chính sách cư trú như không áp dụng hình phạt tử hình, tị nạn chính trị… để lẩn trốn và gây khó khăn cho các cơ quan. Theo số liệu thống kê của INTERPOL Việt Nam, tính đến 30/09/2009, Việt Nam đã phối hợp với nước ngoài và dẫn độ về Việt Nam 60 đối tượng có lệnh truy nã của Cảnh sát Việt Nam. Tuy nhiên, còn một số lượng đối tượng rất lớn, do
nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện nay vẫn chưa dẫn độ được về Việt Nam (vụ việc đối tượng Nguyễn Hữu Chánh).
Có thể kể đến một số vụ việc điển hình như:
Công an Việt Nam đã tiến hành trao trả cho Cảnh sát Hàn Quốc hai cá nhân (mang quốc tịch Hàn Quốc) có lệnh truy nã quốc tế về nội lừa đảo là Cha Je Kiy (44 tuổi) và Han Ki Bong (59 tuổi). Hai cá nhân này đã tiến hành lừa các nạn nhân số tiền tương đương 1,4 triệu USD và hứa chuyển quyền sở hữu hợp pháp của mình ở một sòng bài tại TP. Hồ Chí Minh cho các nạn nhân nhưng không thực hiện và bỏ trốn.
Theo thông tin với Cảnh sát Hàn Quốc về một đối tượng cũng đang bị cảnh sát Hàn Quốc truy nã (Lệnh truy nã số 2010-3243 của Toà án quân Seoul Bukbu), trong khoảng thời gian từ 21/02/2006 đến 18/07/2009, Cha Jekiy đã cùng đồng bọn là Nam Kuk Hyeon (44 tuổi) tiến hành lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền khoảng 678.000 USD, sau đó bỏ trốn sang Việt Nam. Với sự phối hợp hiệu quả trong quá trình xem xét, điều tra, truy bắt của Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (Bộ Công an), Văn phòng INTERPOL Việt Nam, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, các đơn vị thuộc Tổng cục An ninh I, Tổng cục An ninh II, Công an TP. Hồ Chí Minh. Ngày 17/08/2010, Công an Việt Nam đã bắt được đối tương Cha Je Kiy khi hắn đang ẩn náu tại một khách sạn tại quận 1 – TP. Hồ Chí Minh, ngày 24/08/2010, tên Han Ki Bong bị bắt giữ tại quận 7 – TP. Hồ Chí Minh.
Sau khi hoàn thành các thủ tục dẫn độ tội phạm phù hợp với quy định của pháp luật quốc gia và đặc biệt là Hiệp định về dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc năm 2005, Ngày 29/09/2010, Công an Việt Nam đã tiến hành dẫn độ hai tên Han Ki Bong và Cha Je Kiy cho cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc.[36]
Một trong những thực tiễn hoạt động có hiệu quả nhất về dẫn độ tại Việt Nam phải nói đến vai trò của Văn phòng INTERPOL Việt Nam. Ngày 04/11/1991, Công an nhân dân Việt Nam gia nhập INTERPOL và trở thành thành viên thứ 156 của tổ chức này, đánh dấu sự khởi đầu của sự tham gia một cơ chế đa phương về hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên phạm vi toàn cầu. Ngày 28/05/1993, Bộ
trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định thành lập Văn phòng INTERPOL Việt Nam trực thuộc Tổng cục Cảnh sát (nay là Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm). Với tổ chức ban đầu chỉ là một tổ thuộc Cục Cảnh sát tham mưu phòng chống tội phạm, nhằm thực hiện các vai trò thu thập thông tin của cảnh sát các quốc gia thành viên về tội phạm ở Việt Nam để làm cầu nối phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ trong nước tiến hành điều tra khám phá. Văn phòng INTERPOL Việt Nam đã dần hoàn thiện tổ chức, bộ máy để thực hiện tốt các vai trò, chức năng của mình. Đồng thời, INTERPOL Việt Nam trở thành đầu mối chia sẻ thông tin về tội phạm xuyên quốc gia ở Việt Nam liên quan đến các nước cho cảnh sát các quốc gia thành viên, phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ, lực lượng công an trong nước để tiến hành điều tra bắt giữ. Qua gần 20 năm gia nhập tổ chức INTERPOL, lực lượng công an nhân dân Việt Nam đã hợp tác có hiệu quả với Cơ quan của Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm và ma tuý (UNODC), lực lượng công an, cảnh sát các quốc gia thành viên của tổ chức INTERPOL, ASEANPOL để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam, như tội phạm về ma tuý, mua bán người, khủng bố quốc tế, rửa tiền, truy nã tội phạm.
Từ năm 1991 đến nay, INTERPOL Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng chức năng xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch, tiền án, tiền sự, hoạt động phạm tội của trên 1000 đối tượng liên quan đến các chuyên án lớn về hình sự của các đơn vị nghiệp vụ, công an địa phương, cảnh sát các quốc gia. Tham gia phối hợp điều tra, xác minh hơn 2500 vụ việc liên quan đến hoạt động phạm tội giết người, cướp tài sản, nhập cư bất hợp pháp, mua bán người, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.. Bên cạnh đó còn hỗ trợ cho các đơn vụ chức năng mở rộng điều tra vụ án, phát hiện và bắt giữ các đối tượng liên quan đến các vụ án ngoài nước. Với sự phối hợp hiệu quả qua INTERPOL, lực lượng cảnh sát Việt Nam đã đạt được những chiến công quan trọng, đặc biệt phát hiện 30.863 vụ việc có dấu hiệu phạm tội có yếu tố nước ngoài với 33.834 đối tượng.[37] Ngoài ra, Văn phòng INTERPOL Việt Nam đã nối mạng với hệ thống thông tin cảnh sát toàn cầu 24/7, tạo điều kiện trao đổi thông tin, thu thập tài liệu, phục vụ linh hoạt hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Một trong những sự kiện được đánh dấu trong thời gian qua đối với hoạt động hợp tác của INTERPOL Việt Nam nói riêng và hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm của Việt Nam nói chung, đó là Việt Nam đã đăng cai tổ chức Kỳ họp Đại Hội đồng INTERPOL lần thứ 80 (tháng 08/2011). Đây có thể được coi như sự thể hiện nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong hội nhập quốc tế, đồng thời khẳng định cam kết thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của tổ chức INTERPOL trong hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.
Bên cạnh vị trí là thành viên của INTERPOL, INTERPOL Việt Nam còn là thành viên của ASEANPOL. Với sự hợp tác chặt chẽ của các lực lượng an ninh quốc gia, trong đó có vai trò quan trọng của INTERPOL Việt Nam, chúng ta đã đạt được một số thành tựu liên quan đến dẫn độ, có thể kể tới vụ việc dưới đây:
Một vụ việc điển hình khác cho thấy INTERPOL Việt Nam với những nỗ lực đấu tranh phòng chống tội phạm của các lực lượng chức năng Việt Nam. Vụ việc Lê Quốc Thuỵ - nguyên Phó Chủ nhiệm kỹ thuật quân chủng Phòng không, phạm tội lam dụng chức vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã bỏ trốn và bị Công an Việt nam truy nã rất nhiều năm. Qua nắm bắt tình hình, Văn phòng INTERPOL Việt Nam đã phát hiện Lê Quốc Thuỵ đang lẩn trốn tại Bulgaria, tháng 10/1996, Lê Quốc Thuỵ trốn sang Nga. Đến năm 2004, Bộ Quốc phòng ra quyết định truy nã Lê Quốc Thuỵ. Tháng 8/2004, theo yêu cầu của Văn phòng INTERPOL Việt Nam, Tổng thư ký INTERPOL ra lệnh truy nã quốc tế số A-1230/8-2004 đối với Lê Quốc Thuỵ đồng thời đề nghị cảnh sát Nga, Bulgaria, Belarus.. phối hợp truy bắt đối tượng. Với sự phối hợp điều tra của lực lượng cảnh sát nhiều quốc gia, ngày 12/04/2005, Cảnh sát Bulgaria đã bắt Lê Quốc Thuỵ tại Sophia. Trên cơ sở hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Bulgaria về vấn đề dẫn độ tội phạm, một năm sau đó, một đoàn công tác gồm các cán bộ của Văn phòng INTERPOL, Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã sang Bulgaria để dẫn độ đối tượng về Việt Nam xét xử.[43]
Vụ việc gần đây khác cũng được coi là hoạt động hợp tác điển hình của INTERPOL Việt Nam với các lực lượng an ninh quốc gia (công an các tỉnh, thành phố..). Đó là vụ việc tại Hải Phòng cách đây hơn 4 năm với đối tượng Mai Đức Vượng (Phường Gia Viên, Phường Ngô Quyền, Thành phố Hải Phòng). Với vai trò
đứng đầu một nhóm hơn 20 đối tượng trộm cắp, đứng ra tổ chức những hoạt động cờ bạc dưới hình thức cá độ bóng đá, mở hiệu cầm đồ, cho vay nặng lãi, mở quán karaoke và kiêm đòi nợ thuê, giải quyết mâu thuẫn cá nhân bằng súng, kiếm, dao. Từ năm 2008 đến tháng 08/2011, Vượng và các đối tượng có liên quan đã gây ra 6 vụ trọng án trên địa bàn Hải Phòng. Công an Thành phố Hải Phòng (CATP Hải Phòng) đã xác lập các chuyên án 201G, 511S và 811G để điều tra làm rõ. CATP Hải Phòng đã tìm ra tung tích của các đối tượng này cuối tháng 8/2011 và nghi ngờ chúng đang ở Trung Quốc. CATP Hải Phòng đã gửi công văn đề nghị sự phối hợp giúp đỡ từ phía INTREPOL Việt Nam nhằm cung cấp thông tin liên quan đến các nghi can và phối hợp truy tìm. INTERPOL Việt Nam đã hợp tác với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, INTERPOL của Bắc Kinh làm rõ các thông tin và được biết Mai Đức Vượng cùng một đối tượng (Nguyễn Thành Thuận) đang bị Công an Thẩm Quyến bị bắt giữ vì vi phạm quy định xuất nhập cảnh (Công an Thẩm Quyến thu giữ 1 súng quân dụng, 1 súng hoa cả, 1 áo giáp chống đạn và nhiều tang vật khác).
Theo quy định của pháp luật Trung Quốc, các đối tượng nhập cảnh trái phép sẽ bị trục xuất sau vài ngày, trước yêu cầu của INTERPOL Việt Nam, Công an Thẩm Quyến đã gia hạn tạm giữ Mai Đức Vượng và Nguyễn Thành Thuận để tạo điều kiện cho lực lượng cảnh sát Việt Nam lên kế hoạch bắt giữ (Việt Nam và Trung Quốc chưa có điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm nên không thể thực hiện hoạt động hợp tác này). Ngày 21/10/2011, tại cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, ngay sau khi bị trục xuất, hai đối tượng trên đã bị Công an Hải Phòng và INTERPOL Việt Nam bắt khẩn cấp, đưa về tiếp tục điều tra, truy bắt các đối tượng có liên quan còn lại.[42]
Mai Đức Vượng (trái) và Nguyễn Thành Thuận. Ảnh d INTERPOL cung cấp