Khái niệm, đặc điểm áp dụng pháp luật phòng, chống tham nhũng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Áp dụng pháp luật về phòng, chống tham nhũng qua thực tiễn tỉnh Thanh Hóa. (Trang 44 - 48)

1.3.1. Áp dụng pháp luật về phòng, chống tham nhũng là một trong những hình thức thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng những hình thức thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng

1.3.1.1. Khái niệm thực hiện pháp luật

Thực hiện pháp luật là một quá trình hoạt động có mục đích làm cho những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các chủ thể pháp luật. Các quy phạm pháp luật rất đa dạng, phong phú, vì vậy hình thức thực hiện chúng cũng rất đa dạng, phong phú. Căn cứ vào tính chất của hoạt động thực hiện pháp luật, khoa học pháp lý đã xác định những hình thức thực hiện pháp luật sau:

- Tuân thủ pháp luật: Là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật kiềm chế không tiến hành những hoạt động mà pháp luật cấm. Ở hình thức thực hiện này đòi hỏi chủ thể thực hiện nghĩa vụ một cách thụ động, thực hiện các quy phạm pháp luật dưới dạng không hành động.

Những quy phạm pháp luật cấm trong luật hình sự, luật hành chính... được thực hiện dưới hình thức này.

- Thi hành pháp luật: Là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành động tích cực. Chẳng hạn các đối tượng nộp thuế cho nhà nước đầy đủ, đúng hạn. Khác với tuân thủ pháp luật, trong hình thức thi hành pháp luật đòi hỏi chủ thể phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý dưới dạng hành động tích cực.

- Sử dụng pháp luật: Là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện quyền chủ thể của mình (thực hiện những hành vi mà pháp luật cho phép). Chẳng hạn ký kết hợp đồng, thực hiện các quyền khởi kiện, khiếu nại trong khuôn khổ pháp luật quy định. Hình thức này khác với các hình thức trên ở chỗ chủ thể pháp luật có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền được pháp luật cho phép theo ý chí của mình chứ không bị bắt buộc phải thực hiện.

- Áp dụng pháp luật: Là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền hoặc nhà chức trách tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện những quy định của pháp luật, hoặc tự mình căn cứ vào những quy định của pháp luật để tạo ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt những quan hệ pháp luật cụ thể. Áp dụng pháp luật là hình thức luôn luôn đòi hỏi phải có sự tham gia của các cơ quan nhà nước hoặc nhà chức trách có thẩm quyền.

1.3.1.2. Khái niệm áp dụng pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Áp dụng pháp luật là hoạt động mang tính tổ chức, thể hiện quyền lực nhà nước, được thực hiện thông qua những cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà chức trách, hoặc các tổ chức xã hội khi được nhà nước trao quyền, nhằm cá biệt hoá những quy phạm pháp luật vào các trường hợp cụ thể đối với các cá nhân, tổ chức cụ thể. Áp dụng pháp luật mang tính tổ chức, quyền lực nhà

nước, hoạt động này chỉ do những cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người có thẩm quyền tiến hành. Tuỳ theo từng loại quan hệ phát sinh được pháp luật quy định thẩm quyền của cơ quan nhà nước nào.

Nghiên cứu về áp dụng pháp luật về PCTN có ý nghĩa hết sức quan trọng. Áp dụng pháp luật trong PCTN là một dạng của áp dụng pháp luật và là một hình thức thực hiện pháp luật; là hoạt động mang tính tổ chức quyền lực nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền nhằm cá biệt hóa những quy phạm pháp luật về PCTN vào từng trường hợp cụ thể đối với những tổ chức, cá nhân cụ thể.

Từ khái niệm về áp dụng pháp luật nói chung, có thể hiểu áp dụng pháp luật về PCTN là hoạt động của các cơ quan Nhà nước thực hiện các quy định pháp luật về PCTN, hoặc tổ chức cho các chủ thể thực hiện các quy định pháp luật về PCTN.

1.3.2. Đặc điểm áp dụng pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Áp dụng pháp luật về PCTN có một số đặc điểm cơ bản như sau:

Thứ nhất, áp dụng pháp luật về PCTN là hoạt động mang tính tổ chức, thể hiện quyền lực Nhà nước. Hoạt động áp dụng pháp luật chủ yếu tiến hành theo ý chí đơn phương của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà không phụ thuộc vào ý chí của chủ thể bị áp dụng; mỗi cơ quan Nhà nước hay nhà chức trách trong phạm vi thẩm quyền được giao thực hiện một số hoạt động áp dụng pháp luật nhất định; hay nói cách khác, pháp luật là cơ sở để các cơ quan Nhà nước có quyền áp dụng pháp luật thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Luật PCTN hiện hành quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong phát hiện và xử lý tham nhũng, cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan trong PCTN, từ hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát kiểm sát, điều tra, truy tố, xét xử...

Thứ hai, áp dụng pháp luật về PCTN phải tuân theo thủ tục chặt chẽ. Luật PCTN quy định rõ về phát hiện và xử lý tham nhũng; quy định về nguyên tắc, biện pháp xử lý tham nhũng; các nguyên tắc xử lý người có hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng; trách nhiệm và hình thức xử lý đối với người có hành vi tham nhũng; công tác kiểm tra, hình thức kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước,... Những quy định bắt buộc này là cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình áp dụng pháp luật PCTN, tránh sự tùy tiện dẫn đến việc áp dụng pháp luật không đúng, không chính xác.

Chẳng hạn, Luật PCTN quy định: "Việc tịch thu tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng được thực hiện bằng quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật" [25, Điều 70, Khoản 4].

Thứ ba, quyết định áp dụng pháp luật trong PCTN là hoạt động được pháp luật bảo đảm thi hành. Việc tổ chức thực hiện quyết định áp dụng pháp luật đã ban hành là giai đoạn cuối của quá trình áp dụng pháp luật, nó có ý nghĩa hết sức quan trọng. Khi một quyết định áp dụng pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành mà không được thi hành trên thực tế thì cũng đồng nghĩa với việc pháp luật bị vô hiệu hóa, vai trò của cơ quan thực thi, bảo vệ pháp luật bị vô hiệu hóa, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến pháp chế XHCN. Chính vì vậy, Luật PCTN quy định các nguyên tắc "Mọi hành vi tham nhũng đều phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh" và "Người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị, chức vụ nào phải bị xử lý theo quy định của pháp luật"...

Thứ tư, áp dụng pháp luật nói chung, áp dụng pháp luật PCTN nói riêng là hoạt động có tính sáng tạo. Bởi đó là quán trình vận dụng cái chung (các quy phạm pháp luật) để giải quyết các việc riêng lẽ, cụ thể, cá biệt. Tính cụ thể và cá biệt thể hiện ở chỗ việc áp dụng này được thực hiện và có hiệu lực với từng chủ thể, từng tình huống cụ thể và chỉ có giá trị pháp lý đối với chủ thể được xác định trong văn bản áp dụng.

Luật PCTN là những quy tắc xử sự chung không thể chỉ ra từng trường hợp cụ thể, do vậy khi áp dụng pháp luật, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người có thẩm quyền phải nghiên cứu kỹ lưỡng vụ việc, làm sáng tỏ cấu thành pháp lý để từ đó lựa chọn quy phạm, ra văn bản áp dụng pháp luật và tổ chức thi hành. Điều 69 quy định về xử lý đối với người có hành vi tham nhũng: "Người có hành vi tham nhũng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự...".

Xã hội luôn vận động, biến đổi và phát triển nên không phải lúc nào pháp luật cũng dự liệu hết được mọi tình huống trong thực tế nảy sinh. Trong trường hợp pháp luật chưa quy định hoặc quy định còn chồng chéo, chưa đồng bộ, chưa rõ ràng thì yêu cầu chủ thể áp dụng pháp luật phải biết vận dụng một cách sáng tạo linh hoạt, không dập khuôn máy móc bằng cách áp dụng tương tự pháp luật. Để đạt tới điều đó đòi hỏi người áp dụng pháp luật phải có ý thức pháp luật cao, có tri thức tổng hợp, có kinh nghiệm phong phú, có đạo đức trong sáng và có trình độ chuyên môn cao.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Áp dụng pháp luật về phòng, chống tham nhũng qua thực tiễn tỉnh Thanh Hóa. (Trang 44 - 48)