Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, văn hóa xã hội tỉnh Thanh Hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Áp dụng pháp luật về phòng, chống tham nhũng qua thực tiễn tỉnh Thanh Hóa. (Trang 57 - 62)

2.1.1. Đặc điểm tự nhiên

Thanh Hóa là tỉnh ven biển nằm ở cực Bắc Trung bộ, cách thủ đô Hà Nội 150km về phía Nam; có diện tích 11.114,65km2 (đứng thứ 5 cả nước). Tỉnh có 27 huyện, thị xã, thành phố, với 2 thành phố (thành phố Thanh Hóa, Sầm Sơn), 1 thị xã (thị xã Bỉm Sơn) và 24 huyện (11 huyện miền núi, trong đó có 7 huyện thuộc chương trình 30a), gồm 635 xã, phường, thị trấn; trong đó có 223 xã miền núi, 16 xã giáp biên giới với nước bạn Lào.

Phía Bắc Thanh Hóa giáp với 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Ninh Bình với đường ranh giới dài 175km; phía Nam và Tây Nam giáp với tỉnh Nghệ An với đường ranh giới hơn 160km; phía Tây giáp với tỉnh Hủa Phăn (Nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào) với đường biên giới dài 192km; phía Đông giáp Vịnh Bắc bộ, với đường bờ biển dài 102km. Địa hình của tỉnh nghiêng dốc và kéo dài từ Tây Bắc xuống Đông Nam; đồi núi chiếm 3/4 diện tích của cả tỉnh. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Thanh Hóa là một nước “Việt Nam thu nhỏ”, bởi Thanh Hóa có đủ các dạng địa hình, từ núi tương đối cao đến đồi trung du, đồng bằng cao thấp bậc thang, đồng chiêm trũng.

Nằm ở cửa ngõ giao lưu giữa Bắc bộ với Trung bộ, Nam bộ, giữa Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với Vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ, đồng thời nằm trên các tuyến giao lưu quan trọng của hệ thống đường quốc tế và quốc gia, như: Tuyến đường sắt Thống nhất Bắc Nam, quốc lộ 1A, quốc lộ 10, đường 15A và đường Hồ Chí Minh xuyên suốt vùng Trung du miền núi của

tỉnh; có Cảng hàng không Thọ Xuân, đường 217 nối Thanh Hóa với tỉnh Hủa Phăn của Lào,... là những điều kiện hết sức thuận lợi để Thanh Hóa phát triển. Tỉnh có các cửa khẩu Na Mèo, Tén Tần, Phụ Khẹo; trong đó, cửa khẩu quốc tế Na Mèo (huyện Quan Sơn) đã được quy hoạch xây dựng thành Khu kinh tế cửa khẩu (theo Quyết định số 52/2005/QĐ-CP, ngày 25/4/2008 của Chính phủ); đây là lợi thế lớn để phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng hợp tác và giao lưu thương mại quốc tế với các tỉnh Bắc Lào, Đông bắc Thái Lan và các vùng lân cận thông qua hệ thống các tuyến đường xuyên Á trong khu vực.

2.1.2. Đặc điểm kinh tế

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (GRDP) giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh ước đạt 8,2%, cao nhất trong gần 30 năm đổi mới. Năm 2016 đạt 9,05%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, cao hơn so với cùng kỳ và cao nhất khu vực Bắc Trung bộ. GRDP bình quân đầu người đạt 1.620 USD, gấp 2 lần năm 2010. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 4%; giá trị sản xuất năm 2015 gấp 1,24 lần năm 2010. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; đến nay toàn tỉnh có 01 huyện, 180 xã và 339 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Công nghiệp - xây dựng duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân hàng năm tăng 13,7%; năm 2016, giá trị sản xuất đạt 63.589 tỷ đồng, vượt 1,7% kế hoạch, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Dịch vụ có chuyển biến tích cực cả về quy mô, loại hình và chất lượng; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 11,9%. Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc; năm 2016, ngành du lịch đón 6,3 triệu lượt khách, tăng 13,9% so với cùng kỳ (khách quốc tế tăng 18,5%).

Các thành phần kinh tế phát triển đa dạng; kinh tế nhà nước được sắp xếp, đổi mới về cơ chế quản lý và hoạt động hiệu quả hơn. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, có bước đột phá; các chỉ số Hiệu quả

quản trị và hành chính công (PAPI), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế (PEII), trước năm 2010 thường từ 40 trở xuống; đến nay đã tăng cao và nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước; năm 2015, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 10 (năm 2013 xếp thứ 8), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 9.

Công tác vận động, xúc tiến đầu tư được đổi mới, gắn hoạt động xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại và du lịch. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển trên địa bàn giai đoạn năm 2011 - 2015 đạt 322,9 nghìn tỷ đồng, vượt 4,2% kế hoạch, gấp 3,8 lần giai đoạn 2006 - 2010, trong đó nguồn vốn đầu tư công ước đạt 48,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,9%, vốn đầu tư nước ngoài đạt 110,8 tỷ đồng, chiếm 34,4%, vốn dân cư và các thành phần kinh tế khác 163,8 tỷ đồng, chiếm 50,7%. Năm 2016, tổng huy động vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh ước đạt 125.100 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2015. Cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng vốn ngân sách nhà nước (giảm từ 27,3% giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn 15% giai đoạn 2011 - 2015), tăng nhanh tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài (tăng từ 12,5% lên 34,4%).

Nguồn vốn ngân sách nhà nước chủ yếu đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất, các công trình phúc lợi công cộng, trong đó: đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 27% (thủy lợi chiếm 18%); đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật chiếm khoảng 57% (giao thông chiếm 37%), còn lại là các lĩnh vực khác. Kết quả đầu tư công đã góp phần quan trọng vào việc tăng năng lực sản xuất, tạo thêm sản phẩm mới, cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH của tỉnh. Công tác xã hội hóa trong đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng KTXH được quan tâm; đã vận động kêu gọi được một số nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng một số bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, trường học; triển khai thực hiện một số dự án theo hình thức đối tác công tư. Nhiều dự án lớn, quan trọng được thực hiện từ

nguồn vốn đầu tư nước ngoài và các thành phần kinh tế khác, như: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn 1, thủy điện Bá Thước 1 và 2, thủy điện Trung Sơn, Hồi Xuân; xi măng Công Thanh (mở rộng), sân golf và khu nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn,... góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KTXH của tỉnh.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn luôn vượt dự toán, tốc độ tăng thu trung bình đạt 11,8%/năm, tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách bình quân hằng năm đạt 8,3%. Năm 2016, thu ngân sách nhà nước đạt 12.300 tỷ đồng, vượt 10,8% dự toán, trong đó thu nội địa 8.700 tỷ đồng, vượt 18% dự toán, tăng 12% so với cùng kỳ, gấp gần 3 lần năm 2010 và cao nhất khu vực Bắc Trung bộ.

2.1.3. Đặc điểm văn hóa - xã hội

Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, nơi “căn bản” của đất nước, có biển bạc, rừng vàng, trầm tích các lớp văn hóa với nhiều danh kỳ, thắng tích và những làn điệu dân ca, dân vũ làm say đắm lòng người. Từ thời Hùng Vương, Thanh Hóa đã hiện diện trên bản đồ của đất nước và luôn khẳng định vị trí quan trọng trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc. Trải qua rất nhiều biến cố của lịch sử dân tộc, vùng đất Thanh Hóa khá ổn định, hầu như không có sự sáp nhập hay chia tách lớn. địa dư của Thanh Hóa khá ổn định, hầu như không có sự sáp nhập hay chia tách lớn. Thanh Hóa là vùng đất khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ phong kiến, như: nhà Tiền Lê, nhà Hồ, Hậu Lê, nhà Nguyễn; là đất “thang mộc” của các dòng chúa Nguyễn, chúa Trịnh; là địa bàn trọng yếu, “phên dậu” của đất nước; là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, đồng hành với sự nghiệp dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.

Năm 2016, toàn tỉnh có dân số 3,541 triệu người (đứng thứ 3 cả nước, sau thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), trong đó có hơn 600.000 đồng bào dân tộc thiểu số (gồm các dân tộc Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao và Khơ

Mú), chiếm 17,6% dân số toàn tỉnh; 250.000 đồng bào có đạo, chiếm 7,3% dân số toàn tỉnh. Tốc độ tăng dân số bình quân hằng năm khoảng 0,65%. Dân số trong độ tuổi lao động khoảng 2.380.000 người, chiếm 67,2% tổng dân số, tỷ lệ tăng bình quân hàng năm là 0,82%; lực lượng lao động khoảng 2.203.000 người, chiếm 62,2% tổng dân số; tỷ lệ tăng bình quân hàng năm 1,06%.

Chất lượng nguồn lao động từng bước được nâng lên; tỷ lệ lao động biết chữ đạt 98,5%; số lao động tốt nghiệp THCS trở lên chiếm 71,2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 58%; trong đó, tỷ lệ lao động có trình độ từ sơ cấp trở lên (có văn bằng, chứng chỉ) chiếm 21%.

Tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh hiện nay là 78.528 người; trong đó cán bộ, công chức là 17.966 người, chiếm 22,9% (cấp tỉnh và huyện 4.357 người; cấp xã 13.609 người); viên chức là 60.562, chiếm 77,1% (trong đó, sự nghiệp giáo dục và đào tạo 50.662 người, y tế 7.500 người, sự nghiệp khác 2.400 người). Toàn tỉnh hiện có 8.300 doanh nghiệp đang hoạt động, trên 12.000 doanh nhân.

2.1.4. Một số đặc điểm tự nhiên, kinh tế, văn hóa - xã hội ảnh hưởng đến áp dụng pháp luật về phòng, chống tham nhũng tỉnh Thanh Hóa đến áp dụng pháp luật về phòng, chống tham nhũng tỉnh Thanh Hóa

Là tỉnh có địa bàn rộng, với đủ các dạng địa hình, tiếp giáp với các vùng kinh tế trọng điểm, nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú, Thanh Hóa có nhiều điều kiện để phát triển KTXH. Hằng năm, tỉnh phải triển khai đồng loạt nhiều cơ chế, chính sách ở những địa bàn khác nhau và đối tượng hưởng chính sách hết sức đa dạng. Vì vậy, nếu không có những biện pháp triển khai, gắn với kiểm tra, giám sát thực hiện sẽ dẫn đến những sai phạm trong quá trình thực hiện, lợi dụng cơ chế, chính sách để tham nhũng. Mặt khác, cũng đòi hỏi phải có các biện pháp để nâng cao hiệu quả việc khai thác, gắn với ngăn ngừa các sai phạm trong quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Những năm qua, tỉnh đã và đang thu hút được nhiều dự án lớn đầu tư vào địa bàn, mở ra cơ hội phát triển, tạo bước đột phá trong tăng trưởng và

chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi, Thanh Hóa cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều mâu thuẫn trong xã hội nảy sinh, như: Vấn đề đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án, chế độ chính sách đối với người bị thu hồi đất, phân hóa giàu nghèo,... Nếu không có biện pháp hữu hiệu giải quyết đồng bộ, thỏa đáng, kịp thời mâu thuẫn phát sinh và ngăn ngừa các điều kiện phát sinh tham nhũng, sẽ dẫn tới bức xúc trong nhân dân.

Thanh Hóa là tỉnh có nhiều dân tộc anh em sinh sống, có nền văn hóa đa dạng, là lợi thế lớn để phát triển; song cũng đặt ra nhiều khó khăn. Dân số đông, nhưng trình độ dân trí chưa cao; nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn nhiều hạn chế, nhất là vùng miền núi. Đội ngũ cán bộ, công chức đông; năng lực, trình độ của cán bộ, công chức một số cơ quan áp dụng pháp luật về PCTN còn hạn chế.

Về văn hóa, bên cạnh những mặt tích cực của nền văn minh nông nghiệp phương Đông, và là vùng đất “thang mộc” của nhiều triều đại phong kiến, Thanh Hóa cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực đến áp dụng pháp luật về PCTN. Chẳng hạn như ảnh hưởng của tính gia trưởng đến các nhà quản lý, “tư tưởng trung quân” của cộng đồng; điều này gắn với việc độc quyền sở hữu và sự cam chịu của cộng đồng. Bên cạnh đó, sự quy định không chặt chẽ của luật pháp về chủ thể sở hữu, làm cho người có quyền dễ biến của công thành của tư, còn quần chúng không rõ tài sản của ai, với tâm lý xem nhẹ, cố kết cộng đồng cao nên họ dễ thỏa hiệp, để mặc kẻ xấu chiếm đoạt, nhưng khi quyền lợi trực tiếp bị xâm hại thì họ hăng hái đấu tranh đến cùng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Áp dụng pháp luật về phòng, chống tham nhũng qua thực tiễn tỉnh Thanh Hóa. (Trang 57 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)