Tồn tại, hạn chế, nguyên nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Áp dụng pháp luật về phòng, chống tham nhũng qua thực tiễn tỉnh Thanh Hóa. (Trang 85 - 89)

2.2. Tình hình áp dụng pháp luật về phòng, chống tham nhũng tạ

2.2.4. Tồn tại, hạn chế, nguyên nhân

2.2.4.1. Tồn tại, hạn chế

- Tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp; hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi hơn, hành vi tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái chế độ chính sách, pháp luật để vụ lợi vẫn còn xảy ra ở nhiều lĩnh vực.

- Công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về PCTN để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu được quyết tâm chính trị của Đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chưa tác động mạnh mẽ đến nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp trong đấu tranh PCTN; chưa tạo được dư luận trong xã hội phê phán, lên án mạnh mẽ những hành vi tham nhũng; vẫn còn tâm lý cần phải hối lộ người có chức vụ, quyền hạn để thuận lợi hơn trong giải quyết công việc của mình.

- Các giải pháp PCTN đã quy định tương đối cụ thể trong các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước; song, một số cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị vẫn chưa thật sự quan tâm triển khai, thực hiện hoặc có triển khai nhưng còn hình thức, nhiều giải pháp thực hiện còn qua loa, hiệu quả chưa cao, thậm chí không có mục đích cụ thể, như việc kê khai nhà đất, tài sản có giá trị lớn của cán bộ, công chức.

- Việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức còn yếu; một số cán bộ các ngành, địa phương, kể cả cán bộ lãnh đạo còn vi phạm trong việc

giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng. Khi tiếp nhận, thẩm định, giải quyết công việc liên quan đến công dân, tổ chức và doanh nghiệp, còn có biểu hiện sách nhiễu, phiền hà, gây dư luận không tốt trong Nhân dân, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư - kinh doanh trong tỉnh.

- Tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, sử dụng ngân sách vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương. Xử lý sau thanh tra có việc còn chậm, thiếu kiên quyết, nhất là thu hồi về kinh tế và xử lý người vi phạm đã làm phát sinh nhiều đơn thư tiếp tố. Việc xử lý đối với đảng viên vi phạm còn thiếu kiên quyết, chưa đủ sức răn đe. Dư luận trong Nhân dân còn bức xúc về tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trên một số lĩnh vực như đất đai, xây dựng cơ bản, quản lý tài nguyên - khoáng sản, chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy dự án... nhưng phát hiện xử lý còn ít.

- Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Trung ương là phù hợp, nhưng khi triển khai thực hiện ở địa phương gặp những khó khăn, vướng mắc, cụ thể: Việc thực hiện về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức là cần thiết, nhưng khi áp dụng cho một số đối tượng gặp khó khăn, do đặc thù chuyên môn nghề nghiệp, không có vị trí chuyển đổi phù hợp, thiếu người thay thế; thời gian chuyển đổi theo quy định ngắn, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc; hiệu quả công tác kê khai, minh bạch tài sản chưa cao, vẫn còn trường hợp kê khai hình thức, đối phó, nhưng khó kiểm soát.

- Hoạt động kiểm tra, thanh tra phát hiện nhiều sai phạm về kinh tế, nhưng đấu tranh để chứng minh hành vi tham nhũng còn hạn chế; chuyển số vụ việc sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý hình sự chưa nhiều. Chất lượng điều tra chưa cao, còn để xảy ra tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung; công tác giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng kéo dài; chỉ phát hiện tham nhũng ở cấp thôn, xã; án tham nhũng xử lý nương nhẹ, vẫn còn trường hợp xử án treo.

Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng (Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thanh tra, Công an, TAND, VKSND) về cung cấp, trao đổi thông tin và và phối hợp xử lý các vụ tham nhũng có lúc, có việc chưa thường xuyên và kịp thời. Chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo tham nhũng; việc khen thưởng, biểu dương người tố cáo tham nhũng còn hình thức.

- Việc tự kiểm tra phát hiện hành vi tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị còn rất hạn chế, hầu như chưa có; ít vụ việc tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động giám sát định kỳ của các cơ quan chức năng cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; số lượng thông tin, tố giác, tố cáo hành vi tham nhũng của quần chúng Nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp chưa nhiều.

2.2.4.2. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

- Công tác chỉ đạo, kiểm tra PCTN của cấp uỷ, chính quyền, thủ trưởng một số địa phương, đơn vị chưa thật sự thường xuyên. Tính tiền phong, gương mẫu trong PCTN của một số cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu còn yếu. Chất lượng kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá phân loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong sinh hoạt Đảng ở nhiều nơi chưa cao, còn có biểu hiện làm lướt, nể nang trong phê bình và né tránh, thiếu tự giác trong tự phê bình.

- Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên còn yếu. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ tham nhũng; chưa gương mẫu, chưa kiên quyết, còn nể nang trong đấu tranh chống tham nhũng. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có tâm lý né tránh, ngại đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ còn phổ biến. Hầu hết các hành vi tham nhũng không được chi bộ, cơ quan, đơn vị tự phát hiện mà chủ yếu được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của các cơ quan chức năng hoặc qua thông tin trên báo chí.

- Pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế của Nhà nước có mặt chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, tạo kẽ hở để các đối tượng tham nhũng, lãng phí lợi dụng; còn thiếu các quy định và biện pháp cần thiết để phục vụ công tác đấu tranh PCTN. Quy định về một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn thiếu tính khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn; một số quy định liên quan đến việc phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đủ rõ, gây khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Chẳng hạn, dấu hiệu định tội của một số tội danh được quy định trong BLHS gần giống nhau dẫn đến khó xác định, khó áp dụng, như: Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281), tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282), tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285). Một số dấu hiệu định tội như "nghiêm trọng", "rất nghiêm trọng", "hậu quả", "động cơ vụ lợi"... trong các tội về tham nhũng chưa có hướng dẫn thống nhất, khó áp dụng. Quy định công tác giám định còn bất cập, thời gian giám định dài, kinh phí chi trả giám định lớn; một số cơ quan khi được trưng cầu giám định đã từ chối, né tránh... ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng điều tra các vụ án tham nhũng và ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ chính sách.

- Hệ thống tổ chức bộ máy cồng kềnh, quan liêu; cải cách hành chính và cải cách tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là phân công, phân cấp, chế độ trách nhiệm và thủ tục hành chính. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, thậm chí tham nhũng bị xử lý pháp luật.

- Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, địa vị pháp lý của một số cơ quan, đơn vị chưa rõ ràng, chưa bảo đảm tính độc lập cần thiết; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác PCTN chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có các quy định đặc thù trong hoạt động nghiệp vụ về phát

hiện, xử lý tham nhũng cũng như chế độ đãi ngộ cán bộ làm việc trong các cơ quan PCTN... Chưa có cơ chế để phát huy vai trò các cơ quan dân cử, báo chí và Nhân dân trong PCTN.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Áp dụng pháp luật về phòng, chống tham nhũng qua thực tiễn tỉnh Thanh Hóa. (Trang 85 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)