1.4. Các tiêu chí ảnh hưởng đến hoạt động áp dụng pháp luật về
1.4.3. Đạo đức, bản lĩnh của cán bộ áp dụng pháp luật về phòng,
chống tham nhũng
Hiệu quả của hoạt động áp dụng pháp luật PCTN phụ thuộc vào nhiều điều kiện, yếu tố, những nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, có thể
trực tiếp hoặc gián tiếp. Một trong những yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng áp dụng pháp luật PCTN, đó là phẩm chất đạo đức, năng lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tham gia áp dụng pháp luật PCTN.
Những người trực tiếp được giao nhiệm vụ áp dụng pháp luật về PCTN phải có những tố chất nghề nghiệp nhất định, vừa là người thay mặt cho quyền lực nhà nước, vừa phải là công dân gương mẫu trong cuộc sống hằng ngày. Với vị trí và trách nhiệm xã hội đặc biệt của mình, đòi hỏi họ phải có những tiêu chuẩn nhất định về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp; phải là những người am hiểu pháp luật, có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ.
PCTN là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp; đối tượng tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, đang có xu hướng liên kết, hình thành tổ chức phạm tội, với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp, có sự móc nối, câu kết của nhiều loại đối tượng, với nhiều phương thức, thủ đoạn thực hiện và che giấu hành vi phạm tội. Thực tiễn trên đòi hỏi cán bộ, công chức, người được giao nhiệm vụ áp dụng pháp luật PCTN phải có bản lĩnh vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, không chịu bất kỳ sức ép, áp lực nào, công tâm, khách quan, vô tư, không vụ lợi cá nhân trong giải quyết công việc.