Hoàn thiện pháp luật về công ty hợp danh ở Việt Nam theo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh pháp luật việt nam và pháp luật nhật bản về công ty hợp danh (Trang 83 - 90)

Chương 1 : MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CÔNG TY HỢP DANH

2.8. Hoàn thiện pháp luật về công ty hợp danh ở Việt Nam theo

kinh nghiệm của Nhật Bản

Công ty hợp danh là loại hình công ty có tuổi đời trẻ so các công ty khác trong hệ thống pháp luật về doanh nghiệp ở Việt Nam. Hiện nay, số công ty hợp danh ra đời và tồn tại trên thương trường của nước ta là rất khiêm tốn; năm 2002 trên cả nước có 14 công ty hợp danh, đến năm 2010 con số này chỉ là 30 công ty hợp danh. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này, một trong đó là xuất phát từ các quy định của pháp luật. Thiết nghĩ, sự rõ ràng và đồng bộ của pháp luật chính là điều kiện để công ty hợp danh phát triển

theo hướng tích cực hơn. Mong muốn góp phần hoàn thiện pháp luật về công ty hợp danh ở Việt Nam, tác giả xin đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, phân chia rõ ràng loại hình công ty hợp danh. Trước hết, cần phải làm rõ định nghĩa về công ty hợp danh, bởi lẽ, theo quy định Luật doanh nghiệp 2005 và kể cả Luật Doanh nghiệp 2014 mới được ban hành thì trong công ty hợp danh ngoài thành viên hợp danh có thể bao gồm cả thành viên góp vốn; như vậy, định nghĩa này bao hàm cả công ty hợp vốn. Từ đó, đưa công ty hợp danh trở về với đúng bản chất của nó đó là chỉ bao gồm các thành viên hợp danh; phân biệt rõ ràng với công ty hợp vốn – loại hình công ty có cả thành viên nhận vốn có chế độ chịu trách nhiệm giống với thành viên hợp danh và thành viên góp vốn với chế độ trách nhiệm hữu hạn. Đồng thời, tách bạch hai loại hình công ty hợp danh và công ty hợp vốn theo kinh nghiệm từ Luật công ty của Nhật Bản và xây dựng cho mỗi loại hình một quy chế pháp lý điểu chỉnh cụ thể. Nếu pháp luật có những quy định phân chia rõ ràng hai loại hình công ty này thì sẽ dễ dàng hơn cho việc giải quyết trường hợp giải thể bắt buộc của công ty hợp danh khi không còn đủ thành viên hợp danh tối thiểu trong vòng sáu tháng liên tục. Bởi lẽ, việc tiếp nhận thêm thành viên góp vốn dường như đơn giản hơn với thành viên hợp danh mới – đòi hỏi có sự tin cậy cao. Khi đó, công ty hợp danh có thể chuyển thành công ty hợp vốn đơn giản – là loại hình công ty đối nhân tương tự công ty hợp danh và quyền lợi của thành viên hợp danh cũng như công ty vẫn được đảm bảo.

Thứ hai, mở rộng đối tượng có thể trở thành thành viên hợp danh. Hiện nay, pháp luật chỉ thừa nhận tư cách thành viên hợp danh của cá nhân mà không cho phép pháp nhân tham gia. Bản chất của công ty hợp danh từ thời xa xưa chỉ là sự liên kết giữa các thương nhân đơn lẻ chủ yếu là cá nhân. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, “công ty hợp danh mang bản chất là sự liên kết giữa các thương nhân mà trong đó có cả thương nhân thể

nhân và thương nhân pháp nhân” [4], do vậy, cần nới lỏng quy định của pháp luật cho phép pháp nhân trở thành thành viên hợp danh. Luật đã quy định tư cách pháp nhân của công ty thì không có lý gì lại không cho phép các pháp nhân tham gia vào công ty với tư cách là thành viên hợp danh. Đồng thời, nên học tập quy định của Luật công ty Nhật Bản 2006 công nhận quyền của người chưa thành niên cũng trở thành thành viên hợp danh nếu nhận được sự đồng ý của người đại diện. Hiện nay Luật Doanh nghiệp không cho phép người chưa thành niên được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp, vì vậy, trong trường hợp thành viên hợp danh chết, người thừa kế là người chưa thành niên, mặc dù các thành viên hợp danh còn lại trong công ty đồng ý người chưa thành niên đó là thành viên hợp danh công ty hợp danh nhưng vẫn vướng phải quy định của pháp luật.

Thứ ba, huy động vốn của công ty hợp danh. Pháp luật Việt Nam không cho phép công ty hợp danh được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Đây là một quy định làm giảm sức hấp dẫn của loại hình công ty này so với các loại hình công ty khác; đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng giữa các mô hình công ty theo quy định của Pháp luật doanh nghiệp. Theo quy định của Nhật Bản và một số nước khác trên thế giới, công ty hợp danh chỉ không được phát hành cổ phiếu, còn các loại chứng khoán khác vẫn được phép phát hành. Về mặt lý luận, việc mua cổ phiếu sẽ ghi nhận tư cách chủ sở hữu công ty; còn với trái phiếu thì người mua chỉ là chủ nợ của công ty, điều này không ảnh hưởng đến tính chất đóng và hạn chế tiếp nhận thành viên của công ty hợp danh. Thiết nghĩ, pháp luật đã quy định công ty hợp danh có tư cách pháp nhân thì nên cho phép loại hình công ty này có quyền phát hành trái phiếu huy động vốn giống như công ty trách nhiệm hữu hạn, để tạo điều kiện cho các thành viên hợp danh nhưng không có nhiều vốn kinh doanh và không muốn chia sẻ công ty với các thành viên khác.

Thứ tư, nên ghi nhận trường hợp thành viên hợp danh thực hiện giao dịch với chính công ty hợp danh đó. Đời sống kinh doanh luôn có sự biến động và muôn hình muôn vẻ, việc công ty hợp danh chọn đối tác làm ăn là thành viên của công ty là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Pháp luật doanh nghiệp Việt Nam chưa dự liệu về tình huống này. Có lẽ Việt Nam nên học hỏi quy định này của Nhật Bản khi cho phép thành viên hợp danh thực hiện giao dịch với chính công ty của mình vì lợi ích của bản thân hoặc của người thứ ba khi đáp ứng được điều kiện nhận được sự đồng ý của đa số các thành viên hợp danh còn lại trong công ty.

Thứ năm, về giải thể công ty hợp danh. Cần thống nhất quy định của pháp luật về vấn đề này. Điểm b khoản 1 Điều 157 Luật doanh nghiệp 2005 và Điểm b Khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2014 đều ghi nhận nội dung công ty hợp danh bị giải thể theo quyết định của tất cả thành viên hợp danh. Chiếu theo quy định này, công ty hợp danh muốn giải thể tự nguyện thì cần phải đạt được sự tán thành của tất cả các thành viên hợp danh, nghĩa là theo nguyên tắc nhất trí. Tuy nhiên, theo Khoản 3 Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2005, tương ứng với Khoản 3 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2014 về quyền quyết định các vấn đề quan trọng của hội đồng thành viên lại có quy định khác đó là quyết định giải thể công ty hợp danh chỉ cần ít nhất ba phần tư tổng số thành viên hợp danh chấp thuận. Hội đồng thành viên bao gồm tất cả thành viên hợp danh và thành góp vốn trong công ty, pháp luật ấn định một tỷ lệ phiếu bầu cụ thể của thành viên hợp danh cho quyết định giải thể công ty. Hai điều luật quy định cùng một vấn đề nhưng lại hoàn toàn mâu thuẫn với nhau. Câu hỏi đặt ra là: công ty hợp danh bị giải thể khi có sự đồng ý của ba phần tư thành viên hợp danh hay sự nhất trí của tất cả các thành viên hợp danh? Luật doanh nghiệp nên tiếp thu kinh nghiệm từ Nhật Bản trong vấn đề này, quy định giải thể công ty đòi hỏi sự nhất trí của tất cả thành viên hợp danh để đảm bảo quyền lợi của chính họ và thành viên góp vốn trong công ty.

Thứ sáu, về quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn. Đây là một vấn đề khó có thể học hỏi từ pháp luật về công ty hợp danh ở Nhật Bản, bởi lẽ, trong công ty hợp danh của họ không có sự tham gia của thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên, cần nhìn nhận vấn đề này trong pháp luật Việt Nam như sau: Luật doanh nghiệp cho phép thành viên góp vốn tham gia vào hội đồng thành viên của công ty và trao quyền biểu quyết các vấn đề có liên quan trực tiếp đến họ là sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty và quyền lợi, nghĩa vụ thành viên góp vốn; tổ chức lại và giải thể công ty. Nhưng xem ra những quy định này chỉ mang tính hình thức, lá phiếu biểu quyết của thành viên góp vốn không hề có trọng lượng khi các vấn đề quan trọng của công ty hợp danh đều dựa trên lá phiếu của thành viên hợp danh, mặc dù tình huống đó cũng ảnh hưởng đến lợi ích của thành viên góp vốn. Chẳng hạn, pháp luật cho phép thành viên góp vốn được biểu quyết vấn đề giải thể công ty, tuy nhiên, lá phiếu của họ không có ý nghĩa nếu các thành viên trong công ty tán thành việc giải thể. Vì thế, pháp luật cần phải hiện thực hóa quyền lợi của loại thành viên này bằng cách quy định rõ giá trị pháp lý lá phiếu biểu quyết của thành viên góp vốn khi tham gia biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyên của họ. Đồng thời, xem xét lại nghĩa vụ của thành viên góp vốn là chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ của công ty hợp danh trong phạm vi số vốn “đã góp vào công ty” (theo Điểm c Khoản 1 Điều 130 Luật Doanh nghiệp 2005, tương ứng với Điểm c Khoản 1 Điều 172 Luật Doanh nghiệp 2014) hay số vốn “cam kết góp” (theo Điểm a Khoản 2 Điều 140 Luật Doanh nghiệp 2005, tương ứng với Điềm a Khoản 2 Điều 182 Luật Doanh nghiệp 2014). Cần thống nhất hai quy định của pháp luật để thuận lợi cho việc áp dụng. Thiết nghĩ nên để thành viên góp vốn chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn cam kết góp vào công ty thì sẽ hợp lý hơn.

KẾT LUẬN

Công ty hợp danh là loại hình công ty còn khá xa lạ đối với nhận thức chung của xã hội cũng như giới kinh doanh ở Việt Nam. Để thúc đẩy sự phát triển của công ty hợp danh và phát huy vai trò của nó đối với nền kinh tế, đòi hòi phải hiểu đúng, đầy đủ những vấn đề pháp lý chủ yếu về loại hình công ty này. Với mong muốn hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo cho sự hoạt động của công ty hợp danh ở Việt Nam, luận văn đã tập trung tìm hiểu, phân tích, tổng hợp, làm sáng tỏ các khía cạnh pháp lý cơ bản của công ty hợp danh. Trên cơ sở so sánh các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật Nhật Bản đối với các vấn đề thành lập, giải thể, quản trị và vận hành, cơ cấu vốn và quy chế pháp lý thành viên của công ty hợp danh; từ đó chỉ ra những bất cập còn tồn tại của Luật doanh nghiệp 2005. Đồng thời, đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật về công ty hợp danh trên cơ sở tiếp thu bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản.

Mặc dù luận văn đã có sự nghiên cứu, so sánh và lý giải những điểm tương đồng và khác biệt giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật Nhật Bản về công ty hợp danh, tuy nhiên, do điều kiện tiếp cận về tài liệu còn nhiều hạn chế nên khó tránh khỏi sai sót. Tuy nhiên, tác giả mong muốn đóng góp một phần kiến thức nhỏ bé của mình để hoàn thiện hơn nữa quy chế pháp lý của công ty hợp danh nói riêng và hệ thống pháp luật doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

1. Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Chính phủ (2010), Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 về Đăng ký doanh nghiệp, Hà Nội.

3. Chính phủ (2010), Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 về Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp 2005, Hà Nội.

4. Ngô Huy Cương (2007), “Khái niệm công ty hợp danh tại Luật doanh nghiệp 2005”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, (11).

5. Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình Luật thương mại phần chung và phần thương nhân, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

6. Lưu Tiến Dũng, Nguyễn Đức Giao (1995), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự Nhật Bản (bản dịch), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

7. Đỗ Văn Đại (2005), “Cần quy định hợp lý về công ty hợp danh”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, (113).

8. Nguyễn Thị Thùy Giang (2012), Pháp luật Việt Nam về công ty hợp danh, Luận văn thạc sỹ Luật học, Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội.

9. Bùi Xuân Hải (2008), “Pháp luật doanh nghiệp và đầu tư với vấn đề hội nhập”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, (113).

10. Lê Hồng Hạnh (1993), Bộ luật dân sự Nhật Bản (bản dịch), Hà Nội. 11. Nguyễn Vĩnh Hưng (2011), “Công ty hợp danh có hay không tư cách

pháp nhân”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, (7).

12. Nguyễn Thị Khế (2007), Pháp luật về các hình thức tổ chức kinh doanh, Nxb Tư pháp, Hà Nội.

13. Nhà pháp luật Việt – Pháp (2006), Bộ luật Dân sự Pháp, Nxb Tư pháp, Hà Nội.

14. Quốc Hội (2005), Bộ luật dân sự, Hà Nội. 15. Quốc Hội (2005), Luật doanh nghiệp, Hà Nội. 16. Quốc Hội (2013), Hiến pháp, Hà Nội.

17. Quốc Hội (2014), Luật doanh nghiệp, Hà Nội.

18. Lê Tài Triển (1973), Luật Thương mại Việt Nam dẫn giải, quyền 2, Sài Gòn. 19. Trường Đại học kinh tế quốc dân (2013), Giáo trình Quản trị doanh

nghiệp, Nxb Đại học kinh tế quốc dân, Hà Nội.

20. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (2005), Luật công ty hợp danh hữu hạn Hoa Kỳ, (Tài liệu dịch tham khảo), Hà Nội.

21. Vũ Đặng Hải Yến (2003), Một số vấn đề pháp lý về công ty hợp danh, Luận văn thạc sỹ Luật học, Đại học Luật Hà Nội.

22. Vũ Đặng Hải Yến (2010), “Hoàn thiện pháp luật về công ty hợp danh ở Việt Nam”, Tạp chí Luật học, (3).

Tiếng Anh

23. International Business Publications (2014), Japan Business Law Handbook, USA.

24. International Business Publications (2012), Japan Company Laws and Regulations Handbook, USA.

25. Japan National Diet (1963), Commercial Registration Act, Japan 26. Japan National Diet (2006), Japan Company Act, Japan.

27. Japan National Diet (1947), The National Public Service, Japan.

28. Yasushi Ito, Kenichi Osugi, Wataru Tanaka, Hideyuki Matsui (2009),

Kaishaho – Legal Quest, Yihikaku, Japan.

29. Yukata Tajima, Barry A.K.Rider, Fiona Macmillan (1998),

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh pháp luật việt nam và pháp luật nhật bản về công ty hợp danh (Trang 83 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)