Quản trị công ty hợp danh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh pháp luật việt nam và pháp luật nhật bản về công ty hợp danh (Trang 75 - 79)

Chương 1 : MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CÔNG TY HỢP DANH

2.6. Quản trị công ty hợp danh

Quản trị công ty ngày càng được phổ biến và nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp nói chung và công ty hợp danh nói riêng. Quản trị công ty tốt sẽ giúp cho công ty tạo được lợi nhuận vững chắc, tăng cường khả năng phát triển và huy động tốt hơn nguồn vốn từ bên ngoài; đồng thời, sẽ tạo được uy tín, thu hút được các nhà đầu tư gắn bó lâu dài với công ty.

Các quy tắc cơ bản về quản trị công ty hợp danh cho thấy cơ cấu quản trị có hai chế định quan trọng – đó là hội đồng thành viên và người quản lý công ty. Ngày nay, người ta thường duy trì một quy chế tương đối mềm mỏng đối với quản trị công ty hợp danh để đảm bảo cho nó hoạt động một cách linh động và có hiệu quả [5, tr.208]. Pháp luật về công ty hợp danh của Việt Nam cũng xây dựng các thiết chế về hội đồng thành viên và cách thức vận hành của công ty hợp danh, tuy nhiên vẫn chưa thực hoàn thiện. Hội đồng thành viên là cơ quan cao nhất trong việc quản lý và điều hành hoạt động của công ty hợp danh. “Tất cả các thành viên hợp lại thành Hội đồng thành viên. Hội đồng thành viên bầu một thành viên hợp danh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời kiếm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty nếu Điều lệ công ty không có quy đinh khác” [15, Điều 135]. Hội đồng thành viên có sự hiện diện của cả thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Nhưng thành viên góp vốn chỉ được tham gia họp, thảo luận và biểu quyết về các vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ. Về cơ bản, chỉ có thành viên hợp danh mới có quyền tham gia thảo luận những vấn đề quan trọng của công ty, có quyền tham gia quản lý điều hành công ty. Xét về bản chất công ty hợp danh chính là sự liên kết của các thành viên hợp danh thông qua hợp đồng thiết lập công ty. Nếu các thành viên không thỏa thuận và

nhất trí cử một thành viên là người quản lý công ty thì tất cả họ đều có quyền quản lý công ty. Tuy nhiên, “Luật Doanh nghiệp 2005 đã can thiệp khá sâu vào vấn đề quản trị công ty hợp danh bằng cách quy định dứt khoát về việc hội đồng thành viên phải bầu ra một thành viên làm chủ tịch hội đồng thành viên giống với mô hình quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn” [5, tr.208].

Hội đồng thành viên trong công ty hợp danh có quyền quyết định tất cả các công việc kinh doanh của công ty. Khi quyết định các vấn đề mà pháp luật cho là quan trọng như phương hướng phát triển công ty; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tiếp nhận thêm thành viên mới; chấp nhận thành viên hợp danh rút khỏi công ty hoặc quyết định khai trừ thành viên; quyết định dự án đầu tư; quyết định vay và huy động vốn dưới hình thức khác, cho vay với giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% vốn điều lệ của công ty; quyết định mua, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn vốn điều lệ của công ty; quyết định thông qua báo cáo tài chính hằng năm và phân chia lợi nhuận; quyết định giải thể công ty…thì phải nhận được sự đồng ý của 3/4 tổng số thành viên hợp danh tán thành nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác. Quyết định về các vấn đề khác, ngoài những vấn đề kể trên, phải nhận được 2/3 tổng số thành viên hợp danh chấp thuận. Với việc quy định quá cụ thể về các vấn đề mà có thể được quyết định với tỷ lệ như trên là hiếm thấy. Thêm một lần nữa, Luật Doanh nghiệp đã thể hiện sự can thiệp của mình vào vấn đề vận hành công ty hợp danh.

Về định chế người quản lý trong công ty hợp danh. Do pháp luật Việt Nam không thừa nhận pháp nhân có thể trở thành thành viên hợp danh nên người quản lý công ty hợp danh ở Việt Nam chỉ có thể là thể nhân. Đồng thời, Luật doanh nghiệp 2005 và Luật Doanh nghiệp 2014 cũng không quy định trường hợp người quản lý công ty không phải là thành viên hợp danh. Đây là một vấn đề gây khó khăn khi công ty hợp danh thực hiện việc ủy quyền cho người không phải là thành viên công ty hoặc ủy quyền cho thành viên góp

vốn quản lý điều hành công ty. Người quản lý công ty phải được hưởng thù lao từ công việc của mình. Khoản thù lao này được ấn định trong Điều lệ công ty hoặc trong nghị quyết được thông qua bởi các thành viên công ty.

Đạo Luật công ty 2006 của Nhật Bản dành từ Điều 590 đến Điều 613 (Chương 3 Quản trị công ty) để quy định các vấn đề về quản trị và vận hành công ty thành viên nói chung và công ty hợp danh nói riêng. Xuyên suốt các điều khoản trên, pháp luật Nhật Bản không đề cập đến thiết chế Hội đồng thành viên trong công ty hợp danh. Nội dung chủ yếu của các điều khoản thuộc Chương 3 của Luật Công ty 2006 đề cập đến vấn đề người quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh và vấn đề vận hành công ty hợp danh.

Pháp luật Nhật Bản quy định “Một thành viên sẽ điều hành việc kinh doanh của công ty thành viên, trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác” [26, Điều 590]. Nếu như Luật doanh nghiệp của Việt Nam bắt buộc phải cử ra một thành viên làm chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc hoặc tổng giám đốc để thực hiện quản lý và điều hành công việc kinh doanh của công ty hợp danh thì pháp luật Nhật Bản lại không can thiệp sâu như vậy. Chiếu theo quy định trên thì chỉ trong trường hợp công ty hợp danh không có sự thỏa thuận giữa các thành viên hợp danh về vấn đề người điều hành kinh doanh thì mới áp dụng điều khoản này. Nếu các thành viên hợp danh thỏa thuận có từ hai thành viên trở lên hoặc tất cả các thành viên công ty đều có là người điều hành kinh doanh thì pháp luật cũng chấp thuận. Hơn nữa, do Luật công ty Nhật Bản 2006 thừa nhận tư cách thành viên hợp danh cho cả pháp nhân nên pháp nhân đó có thể trở thành thành viên điều hành công việc kinh doanh của công ty hợp danh; “trong trường hợp pháp nhân điều hành hoạt động kinh doanh của công ty thì pháp nhân đó phải chọn một cá nhân sẽ thực hiện hoạt động điều hành kinh doanh và phải thông báo cho các thành viên khác của công ty biết tên và địa chỉ của cá nhân điều hành kinh doanh” [26, Điều 298].

Mối quan hệ giữa thành viên điều hành kinh doanh với công ty hợp danh cũng được pháp luật công ty điều chỉnh. Thành viên điều hành kinh doanh sẽ phải thực hiện nhiệm vụ dưới sự giám sát của nhà quản lý và phải thực hiện nhiệm vụ đối với công ty một cách trung thành, cẩn trọng theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ công ty. Trong trường hợp thành viên điều hành kinh doanh không hoàn thành nhiệm vụ của họ và gây thiệt hại cho công ty thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm đối với các khoản thiệt hại phát sinh đó.

Về vận hành công ty hợp danh theo pháp luật Nhật Bản. Đạo luật công ty Nhật Bản 2006 không ấn định các tỷ lệ cụ thể phần trăm phiếu bầu cho việc đưa ra các quyết định của công ty hợp danh mà họ đưa ra một quy tắc trừu tượng “Trong trường hợp có từ hai thành viên trở lên, việc kinh doanh của công ty thành viên sẽ được quyết định theo đa số các thành viên, trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác” [26, Điều 590]. Quy định trên đề cập đến một nguyên tắc trong vận hành công ty hợp danh đó là nguyên tắc đa số. Tuy nhiên, pháp luật Nhật Bản cũng quy định các vấn đề mà các thành viên hợp danh phải quyết định theo nguyên tắc nhất trí; ví dụ “Các thành viên điều hành kinh doanh sẽ không được tiến hành những hoạt động sau nếu không có sự phê chuẩn của tất cả các thành viên công ty, trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác” [26, Điều 595], đó là những trường hợp thành viên công ty có ý định trở thành thành viên hội đồng quản trị, cán bộ điều hành hoặc thành viên điều hành kinh doanh của công ty có ngành, nghề kinh doanh giống như công ty thành viên hoặc có ý định thực hiện giao dịch trong ngành, nghề kinh doanh của công ty vì lợi ích của bản thân hay của người thứ ba. Tóm lại, nguyên tắc nhất trí được áp dụng trong các vấn đề liên quan đến chuyển nhượng vốn góp của thành viên hợp danh (Điều 585), sửa đổi điều lệ (Điều 637), tiếp nhận thành viên mới(Điều 604), hạn chế quyền của thành viên hợp danh (Điều 594).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh pháp luật việt nam và pháp luật nhật bản về công ty hợp danh (Trang 75 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)