Chương 1 : MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CÔNG TY HỢP DANH
1.2. Quá trình hình thành và phát triển công ty hợp danh ở Việt
1.2.3. Cơ sở pháp lý cho sự hoạt động của công ty hợp danh ở Việt
Nam và Nhật Bản
1.2.3.1. Cơ sở pháp lý của công ty hợp danh ở Việt Nam
Hiện nay cơ sở chủ yếu cho hoạt động của công ty hợp danh ở Việt Nam được căn cứ vào các quy định trong các văn bản sau:
- Hiến pháp 2013 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013 tại kỳ họp thứ 6, Khóa XIII. Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất của một Nhà nước, nó thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân, quy định các vấn đề quan trọng của đất nước. Hiến pháp 2013 đã khẳng định Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nhân, doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức, đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước.
- Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005 tại kỳ họp thứ 8, khóa XI, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006; quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, trong đó có Công ty hợp danh. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2005 chỉ có hiệu lực pháp luật đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2015. Kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2015, Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2014 sẽ chính thức có hiệu lực pháp luật.
- Luật Phá sản số 21/2004/QH11 được Quốc hội nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2004, quy định về phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Các vấn đề liên quan điều kiện và việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cũng như trình tự thực hiện thủ tục phá sản đối với công ty hợp danh.
Nội dung chủ yếu được quy định trong các văn bản trên có liên quan đến Công ty hợp danh đó là: các quy phạm pháp luật trên đã đưa ra định nghĩa công ty hợp danh cùng những dấu hiệu pháp lý của nó; đồng thời quy định quyền và nghĩa vụ của thành viên công ty; hồ sơ, trình tự thành lập, cách thức quản lý, điều hành và chấm dứt hoạt động của công ty hợp danh; cũng như các vấn đề về tài chính hay quản trị công ty hợp danh. Những quy định này giúp cho các nhà đầu tư có một sự hiểu biết khá toàn diện về công ty hợp danh trên khía cạnh pháp lý, nhận biết được ưu điểm và nhược điểm của loại hình công ty này, từ đó, giúp họ có thể lựa chọn được một mô hình công ty phù hợp đầu tư vào nền kinh tế.
1.2.3.2. Cơ sở pháp lý của công ty hợp danh ở Nhật Bản
Hiện nay hoạt động của công ty hợp danh Nhật Bản chủ yếu dựa vào các quy định pháp luật sau làm nền tảng:
- Hiến pháp được Nhật Bản ban hành ngày 3 tháng 11 năm 1946 và có hiệu lực vào ngày 3 tháng 5 năm 1947, bao gồm 11 chương và 103 điều khoản.
- Luật Công ty Nhật Bản (Japanese Company Act 2006) được ban hành và thông qua năm Bình Thành thứ 17 (tức năm 2005). Đạo luật này được chia thành sáu Quyển; trong đó, công ty hợp danh được quy định trong Quyển 3, cùng với công ty hợp vốn và công ty trách nhiệm hữu hạn, được gọi chung là công ty thành viên. Quyển ba quy định các nội dung cơ bản về thành lập và giải thể công ty,thành viên công ty hợp danh, quản trị công ty, chế độ tài chính của công ty. Vấn đề đăng ký thành lập của Công ty hợp danh được quy định tại Điều 912, Quyển 5: Sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, sáp nhập, chia tách; và chuyển đổi cổ phiếu, cổ phần.
- Luật đăng ký thương mại 1963 (Registration Act 1963) được ban hành ngày 9 tháng 7 năm 1963. Quy định các vấn đề chủ yếu về đăng ký công ty hợp danh.
- Pháp luật về Phá sản. Do hoàn cảnh lịch sử nên hệ thống pháp luật về Phá sản ở Nhật Bản không được quy định trong một văn bản duy nhất mà được quy định trong nhiều luật, bộ luật khác nhau và được ban hành tại nhiều thời điểm khác nhau, đó là: Bộ luật thương mại (1938), Luật về thỏa hiệp (1922; 2000), Bộ luật về phục hồi dân sự (1999,2000), Luật về tổ chức lại công ty (1952), Luật phá sản 2004 (sửa đổi bổ sung 2006). Pháp luật về Phá sản của Nhật Bản quy định các vấn đề để giải quyết một doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, các thủ tục về thanh lý tài sản và thủ tục phục hồi doanh nghiệp nói chung, trong đó có công ty hợp danh.
Các quy phạm pháp luật trong các văn bản được đề cập nói trên quy định các nội dung pháp lý cơ bản liên quan đến công ty hợp danh ở Nhật Bản như: pháp luật về thành lập công ty; địa vị pháp lý của thành viên và của công ty; vấn đề góp vốn, huy động vốn, chuyển nhượng vốn trong công ty hợp danh; quản trị công ty hợp danh; cùng như các vấn đề về tổ chức lại, chấm dứt hoạt động của công ty hợp danh. Các quy định liên quan đến Công ty hợp danh trong pháp luật Nhật Bản không nhiều nhưng mang tính chặt chẽ và khá toàn diện, điều chỉnh hầu hết các quan hệ pháp luật bên trong và bên ngoài Công ty.
Chương 2
NHỮNG VẤN ĐỀ CHỦ YẾU CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT NHẬT BẢN VỀ CÔNG TY HỢP DANH