Thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thủ tục rút gọn theo bộ luật tố tụng hình sự việt nam năm 2015 (Trang 64 - 67)

2.2. Quyết định áp dụng, hủy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn

2.2.1. Thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn

Theo đoạn 1 khoản 1 Điều 457 BLTTHS năm 2015, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều kiện quy định tại Điều 456, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải ra quyết định áp dụng TTRG. Đồng thời, theo quy định tại Điểm h khoản 2 Điều 36, Điểm l khoản 2 Điều 41 và Điểm c khoản 2 Điều 44 BLTTHS năm 2015, thẩm quyền này này lần lượt thuộc về Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án.

Đối chiếu với quy định tương ứng trong BLTTHS năm 2003, quy định này có một số sửa đổi, bổ sung, cụ thể, theo khoản 1 Điều 320 BLTTHS năm 2003, “Sau khi khởi tố vụ án, theo đề nghị của Cơ quan điều tra hoặc xét thấy vụ án có đủ các điều kiện quy định tại Điều 319 của Bộ luật này, Viện kiểm sát có thể ra quyết định áp dụng TTRG”. Với quy định này thì việc có quyết định áp dụng TTRG hay không chỉ có Viện kiểm sát mới có thẩm quyền, chưa trao quyền quyết định áp dụng cho Cơ quan điều tra, Tòa án khi đã có đầy đủ các điều kiện áp dụng do luật định. Quy định như vậy dẫn đến không chủ động và không đề cao trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Tòa án trong việc giải quyết vụ án hình sự theo TTRG; bên cạnh đó tạo ra sự lòng vòng trong trình tự giải quyết vụ án theo TTRG (Cơ quan điều tra phải đề nghị để Viện kiểm sát ra quyết định hoặc Tòa án phải trả lại hồ sơ để Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục này). Thực tiễn áp dụng pháp luật và kinh nghiệm của các nước cho thấy cần mở rộng thẩm quyền áp dụng cho các cơ quan tiến hành tố tụng khác, không nên bó hẹp như quy định hiện nay. Vì Cơ quan điều tra là cơ quan trực tiếp điều tra ngay từ đầu, có điều kiện nắm bắt nội dung vụ án nhanh chóng và đầy đủ hơn Viện kiểm sát, sẽ thuận tiện hơn

khi xác định các điều kiện áp dụng TTRG. Nếu chỉ Viện kiểm sát có thẩm quyền, không những không đáp ứng tiêu chí “giản lược về thủ tục tố tụng” mà còn phải thêm một số thủ tục như: đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét quyết định áp dụng hay không, ... BLTTHS năm 2003 lại không quy định thời hạn bao lâu Viện kiểm sát quyết định vấn đề này. Trong khi đó, thời hạn điều tra theo TTRG được tính kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án. Do vậy, thời hạn 12 ngày điều tra bao gồm cả thời gian “chờ” Viện kiểm sát ra quyết định. Vô hình chung rút ngắn hơn thời hạn điều tra, tạo ra tâm lý ngại đề nghị áp dụng từ phía Cơ quan điều tra. Do đó, Điều 457 BLTTHS năm 2015 đã khắc phục sự hạn chế đó, mở rộng thẩm quyền áp dụng TTRG cho cả ba chủ thể là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án trong từng giai đoạn tố tụng tương ứng.

Bên cạnh đó, BLTTHS năm 2003 quy định áp dụng TTRG là tùy thuộc vào cơ quan tiến hành tố tụng, vì điều luật chỉ quy định là “có thể” mà không bắt buộc phải ra quyết định áp dụng TTRG khi có những điều kiện nhất định. Thực tiễn giải quyết án hình sự cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng chưa quan tâm đến việc áp dụng thủ tục này. Một mặt, do thời hạn giải quyết vụ án theo TTRG quá ngắn (đặc biệt là trong giai đoạn điều tra, truy tố), và pháp luật cũng không quy định bắt buộc phải áp dụng khi vụ án có đủ điều kiện luật định, nên việc áp dụng TTRG chưa đi vào ý thức của những người tiến hành tố tụng, vẫn còn quan niệm áp dụng cũng được, không áp dụng cũng không sai. Theo thống kê tình hình thụ lý, giải quyết án hình sự của VKSNDTC trong 05 năm gần đây, tỷ lệ áp dụng TTRG ở các tỉnh trên cả nước có tỷ lệ rất thấp (chiếm khoảng 0,48%), thậm chí có tỉnh 05 năm không có áp dụng vụ nào: tỉnh Kiên Giang: 0 vụ; tỉnh Cần Thơ: 08 vụ, tỉnh Sơn La: 0 vụ, … [28]. Có rất nhiều nguyên nhân không áp dụng TTRG bắt đầu từ quy định “tùy nghi lựa chọn” này. Chủ yếu xuất phát từ tâm lý chủ quan ngại áp dụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên. Họ không muốn áp dụng thủ tục này vì

áp lực về thời gian rất lớn, nhất là với Điều tra viên. Tổng thời hạn giải quyết vụ án theo TTRG theo BLTTHS năm 2003 chỉ được 30 ngày, để hoàn thành tất cả tố tụng. Trong khi hàng tháng người tiến hành tố tụng phải giải quyết một số lượng lớn các vụ án hình sự, đặc biệt là ở các thành phố lớn và những địa bàn trọng điểm. Vì vậy, khi luật không bắt buộc phải áp dụng TTRG thì cứ áp dụng thủ tục chung cho chắc chắn.Để khắc phục tình trạng tùy nghi đó, BLTTHS năm 2015 đã xác định rõ trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đó là bắt buộc phải áp dụng TTRG khi có đủ điều kiện. Mặt khác, theo BLTTHS 2003, TTRG chỉ được áp dụng khi có đề nghị của CQĐT hoặc khi VKS tự mình xét thấy vụ án có đủ điều kiện áp dụng (Khoản 1 Điều 320 BLTTHS năm 2003). Có nghĩa là, nếu vụ án trong giai đoạn điều tra hoặc truy tố không áp dụng TTRG thì xét xử sơ thẩm không được áp dụng. Nhưng ở BLTTHS 2015, TTRG không được áp dụng ở giai đoạn điều tra, truy tố thì vẫn có thể được áp dụng ở giai đoạn xét xử sơ thậm, thậm chí xét xử phúc thẩm nếu đủ điều kiện.

BLTTHS năm 2015 quy định thời điểm áp dụng TTRG là sau 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều kiện thay vì sau khi khởi tố vụ án như quy định của BLTTHS năm 2003, nhằm bảo đảm phù hợp với quy định mới về thẩm quyền quyết định áp dụng thủ tục này, theo đó: vào bất kỳ thời điểm nào trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, khi vụ án xuất hiện đầy đủ điều kiện thì cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm áp dụng ngay thủ tục này để giải quyết nhanh chóng vụ án.

Thủ tục rút gọn được áp dụng kể từ khi ra quyết định cho đến khi kết thúc việc xét xử phúc thẩm, trừ trường hợp bị hủy bỏ theo quy định tại Điều 458 của Bộ luật này (Đoạn 2 khoản 1 Điều 457 BLTTHS năm 2015). Tức là quyết định áp dụng TTRG chỉ ban hành 01 lần và được thực hiện suốt ở các giai đoạn tố tụng. Tuy nhiên, không phải mọi vụ án được giải quyết theo TTRG đều phải qua thủ tục xét xử phúc thẩm mà tùy theo từng vụ án, chúng

có thể kết ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hoặc xét xử phúc thẩm. BLTTHS năm 2003 không quy định rõ thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc. Vì điều luật chỉ quy định là: “sau khi khởi tố vụ án” chứ không quy định là sau thời hạn bao lâu thì Viện kiểm sát phải ra quyết định áp dụng TTRG để Cơ quan điều tra nhanh chóng hoàn thành việc điều tra trong thời hạn luật định. Từ dó, dẫn đến có những quan điểm khác nhau trong thực tiễn về sự ràng buộc của TTRG đối với giai đoạn xét xử sơ thẩm trong trường hợp vụ án được giải quyết theo TTRG ở các giai đoạn tố tụng trước đó. Vì vậy, sự bổ sung này của BLTTHS năm 2015 đã đảm bảo tính xuyên suốt của việc áp dụng TTRG trong quá trình giải quyết vụ án từ giai đoạn điều tra đến giai đoạn xét xử phúc thẩm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thủ tục rút gọn theo bộ luật tố tụng hình sự việt nam năm 2015 (Trang 64 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)