2.1. Phạm vi, điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn
2.1.2. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn
BLTTHS năm 2003 quy định 4 điều kiện để áp dụng TTRG tại Điều 319 gồm: (1) Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang; (2) Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; (3) Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; (4) Người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng.
Điều 456 BLTTHS 2015 đã mở rộng điều kiện được áp dụng TTRG thêm đối tượng “người phạm tội tự thú” và sửa đổi cụm từ “căn cước, lai lịch” của BLTTHS năm 2003 thành cụm từ “cư trú, lý lịch”. Việc thay đổi này nhằm phù hợp với thực tiễn, trong những năm qua, có rất nhiều vụ án đáp ứng đủ 03 điều kiện còn lại, nhưng người thực hiện hành vi phạm tội lại không bị bắt quả tang, chỉ ra tự thú, nên không được áp dung TTRG khi giải quyết vụ án. Tuy nhiên, tính chất của việc người phạm tội bị bắt quả tang hay tự thú sẽ không qua khác nhau, người phạm tội đều có thể sẽ khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ của mình. Ngoài ra, điều kiện thứ 4 cũng được thay đổi thành “người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng”, để phản ánh rõ hơn về thông tin nơi cư trú người phạm tội.
BLTTHS năm 2015 do mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục đặc biệt, do đó, điều kiện để áp dụng cũng được chia thành 2 phần bao gồm điều kiện áp dụng TTRG được áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và điều kiện áp dụng TTRG được áp dụng trong giai đoạn phúc thẩm.
truy tố, xét xử sơ thẩm:
Điều kiện thứ nhất: người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú.
- Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 111 BLTTHS năm 2015 thì: “đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến các cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất”. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Theo quy định trên thì phạm tội quả tang là trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt khi đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt. Như vậy, phạm tội quả tang gồm các trường hợp: trường hợp người đang thực hiện tội phạm thì bị phát hiện và bị bắt giữ; trường hợp ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện và bị bắt giữ và trường hợp đang bị đuổi bắt vì bị phát hiện khi đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm.
+ Trường hợp người đang thực hiện tội phạm thì bị phát hiện và bị bắt giữ. Người đang thực hiện tội phạm được hiểu là người đang thực hiện những hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm của Bộ luật hình sự. Đang thực hiện tội phạm có thể là: đang thực hiện những hành vi làm cơ sở tiền đề liền trước hành vi phạm tội, những hành vi này không phải là hành vi chuẩn bị phạm tội mà đây là những hành vi rất gần, không thể tách ra được với hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm nên được coi là hành vi thực hiện tội phạm. Ví dụ như: hành vi giơ dao để đâm, lắp đạn vào súng để bắn… hoặc đã thực hiện hành vi khách quan của tội phạm nhưng chưa thực hiện được hết các hành vi mô tả trong cấu thành tội phạm, hoặc mới thực hiện được một trong số những hành vi quy định trong cấu thành tội phạm …[26]
Ví dụ như: đang dùng vũ lực với nạn nhân để giao cấu với nạn nhân, đang uy hiếp tinh thần nạn nhân để chiếm đoạt tài sản,…hành vi đang thực hiện có thể đã gây ra hậu quả hoặc chưa, có thể diễn ra trong một thời gian ngắn (như hành vi cướp tài sản) hoặc có thể diễn ra trong một thời gian dài (như hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng).
+ Trường hợp ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện và bị bắt giữ. Trường hợp này các hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm đã được thực hiện hết, các dấu hiệu pháp lý của tội phạm đã thỏa mãn đầy đủ, tội phạm cũng vừa được hoàn thành nhưng người thực hiện hành vi chưa kịp xóa dấu vết của tội phạm hoặc đang cất giấu công cụ, phương tiện phạm tội thì bị phát hiện và bắt giữ. Trong trường hợp có người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm phát hiện ngay, thì mặc dù không có vật chứng để lại cũng là phạm tội quả tang. Thời điểm bị bắt giữ có sự kế tiếp về mặt thời gian với thời điểm hành vi phạm tội được thực hiện, người thực hiện hành vi phạm tội chưa rời khỏi hiện trường vụ án.
+ Trường hợp đang bị đuổi bắt vì bị phát hiện khi đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm. Đây là trường hợp người phạm tội đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện nên đã chạy trốn và bị đuổi bắt. Trường hợp này khác với bắt trong trường hợp khẩn cấp là việc thực hiện tội phạm, chạy trốn và bị đuổi bắt có sự liên tục, không bị gián đoạn về thời gian và về diễn biến sự việc. Địa điểm bắt không phải là hiện trường vụ án.
Đặc điểm của vụ án mà người phạm tội bị bắt quả tang là hành vi phạm tội và người thực hiện hành vi phạm tội đã được xác định rõ ràng. Người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang thường nhận tội ngay, chứng cứ tương đối rõ ràng và đầy đủ; người làm chứng, người bị hại (nếu có) cũng thường được xác định cụ thể. Đây là những chứng cứ đủ chắc để chứng minh mình vi
phạm tội của họ vì vậy trong các trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang thông thường việc xác định tội phạm được nhanh chóng. Cho nên trường hợp này không nhất thiết phải áp dụng theo một trình tự thủ tục thông thường như các trường hợp hành vi phạm tội khác. Đây là một trong những điều kiện cần thiết để có thể giải quyết vụ án nhanh chóng, thuận lợi và chính xác.
Điều kiện “người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang” là điều kiện đầu tiên rất quan trọng để xác định vụ án có được đưa ra xét xử hay không theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn hay không. Điều này có ý nghĩa quan trọng để quyết định vụ án giải quyết theo TTRG vì đặc điểm của phạm tội quả tang sẽ đảm bảo cho thời gian tố tụng sau này được nhanh chóng.
- Người thực hiện hành vi phạm tội tự thú
Theo quy định tại điểm h Khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015: “tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện”. Bên cạnh điều kiện “người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang”, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung điều kiện “người phạm tội tự thú” là một điều kiện để có thể áp dụng TTRG. Việc bổ sung này phản ánh yêu cầu đấu trang phòng chống tội phạm và phát huy ý nghĩa của việc áp dụng TTRG. Bởi vì, việc quy định điều kiện liên quan đến người phạm tội không nhằm mục đích nào khác là dễ dàng điều tra, truy tố, xét xử vụ án vì khi đó, các tài liệu, chứng cứ để chứng minh các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự đã có thể xác định ngay tại thời điểm người phạm tội tự thú, rút ngắn thời gian điều tra vụ án cho cơ quan tiến hành tố tụng. Thực tiễn giải quyết án hình sự cho thấy không phải chỉ có trường hợp phạm tội quả tang việc xác định tội phạm mới được nhanh chóng, chính xác mà có nhiều trường hợp người phạm tội tự thú về hành vi phạm tội của mình, hành vi phạm tội đó đơn giản, chứng cứ rõ ràng, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, lý lịch của bị can rõ ràng, việc chứng
minh tội phạm vẫn đảm bảo yếu tố nhanh chóng, chính xác nhưng không được áp dụng TTRG vì không phải là trường hợp phạm tội quả tang. Do đó, BLTTHS năm 2015 đã khắc phục những hạn chế, nhược điểm đó qua việc bổ sung điều kiện “người phạm tội tự thú” là điều kiện xem xét, giải quyết vụ án theo TTRG.
Ví dụ: Trước đó 6 tháng, A tới nhà B trộm cắp của B 01 điện thoại di động trị giá 7 triệu đồng mang về giấu ở nhà với mục đích sau này sẽ đem bán lấy tiền tiêu xài. Trong khi B chưa phát hiện ra ai là người lấy điện thoại của mình, B cũng chưa kể với ai, chưa trình báo tới cơ quan Công an, thì A đã tới Công an tự thú hành vi phạm tội của mình đồng thời mang nộp chiếc điện thoại mà mình đã trộm cắp cho cơ quan Công an…
Điều kiện thứ hai: sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng.
Pháp luật tố tụng hình sự hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là “sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng”. Căn cứ vào thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, có thể hiểu điều kiện này như sau:
- Sự việc phạm tội đơn giản có thể hiểu là những vấn đề cần chứng minh trong vụ án không phức tạp dễ xác định, vụ án ít bị can, bị cáo, các chứng cứ đã được thu thập tương đối đầy đủ từ đầu. Điều 85 BLTTHS năm 2015 quy định những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự, bao gồm: có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội; những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo; tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; nguyên nhân và điều kiện phạm tội; những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt. Việc xác định các dấu
hiệu cấu thành tội phạm được thực hiện khá dễ dàng, nhanh chóng, cụ thể: + Hành vi phạm tội thường do một người thực hiện, trong trường hợp có đồng phạm thì thuộc trường hợp đồng phạm giản đơn, sự câu kết giữa các đối tượng không chặt chẽ, việc xác định vai trò, vị trí của từng đối tượng cũng dễ dàng. Tội phạm được thực hiện tại một địa điểm nhất định, không liên quan đến nhiều địa bàn khác. Ví dụ: hành vi đánh bạc.
+ Người thực hiện hành vi phạm tội thường là người trên 18 tuổi, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, không thuộc trường hợp có nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ. Hành vi mà họ thực hiện thường do lỗi cố ý, yếu tố lỗi được thể hiện rõ ràng và dễ xác định.
+ Mục đích của tội phạm thường là lợi ích vật chất, động cơ vụ lợi mang tính nhất thời, rõ ràng nên dễ dàng xác định được. Ví dụ: hành vi trộm cắp tài sản.
+ Sự việc phạm tội không liên quan đến những vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, tôn giáo, phong tục tập quán, nhiều cấp, nhiều ngành hoặc những vấn đề khác có tính chất phức tạp. Việc giải quyết vụ án cũng không đòi hỏi những hoạt động điều tra phức tạp
- Sự việc phạm tội có chứng cứ rõ ràng:
Chứng cứ rõ ràng có thể hiểu là những chứng cứ phản ánh đầy đủ, khách quan và toàn diện những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự. Vụ án thuộc phạm tội quả tang nên chứng cứ của vụ án được thu thập tương đối đầy đủ ngay từ đầu thông qua biên bản bắt người phạm tội quả tang, lời khai của người bị bắt giữ, lời khai của người bị hại, lời khai của người làm chứng trực tiếp chứng kiến sự việc phạm tội cùng với các tang vật thu ở hiện trường và các chứng cứ khác để làm căn cứ xác định sự thật của vụ án. Chứng cứ phải được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục mà BLTTHS quy định và các chứng cứ đó không chỉ đầy đủ mà còn phải thống nhất và đảm bảo giá trị
chứng minh. Do người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang khi đang thực hiện tội phạm, nên các chứng cứ thu thập được chủ yếu là lời khai của người trực tiếp chứng kiến và người thực hiện hành vi phạm tội, lời khai của người bị hại, biên bản bắt người phạm tội quả tang nên có giá trị chứng minh cao và không phải mất nhiều thời gian điều tra, xác minh, tạo điều kiện để giải quyết vụ án được nhanh chóng, chính xác. Ví dụ: bắt quả tang một người có hành vi lén lút chiếm đoạt chiếc điện thoại Iphone X, thu giữ được tang vật, bước đầu người này khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, người làm chứng khai trực tiếp chứng kiến người này trộm cắp chiếc điện thoại và bị hại khai nhận việc mất chiếc điện thoại.
Hai yếu tố sự việc phạm tội đơn giản và chứng cứ rõ ràng phải được xem xét trong mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ và bổ sung cho nhau. Trong khái niệm sự việc phạm tội đơn giản có bao hàm cả yếu tố chứng cứ rõ ràng và ngược lại. Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, tính chất đơn giản và chứng cứ rõ ràng của vụ án phải luôn được bảo đảm. Những trường hợp phạm tội quả tang nhưng không đảm bảo điều kiện tính chất của sự việc phạm tội đơn giản, rõ ràng thì không áp dụng TTRG. Nếu trong quá trình giải quyết vụ án theo TTRG mà sau đó phát hiện vụ án có những tình tiết phức tạp, phải điều tra bổ sung, cần thời gian để xác minh thêm thì TTRG bị hủy bỏ, vụ án phải giải quyết theo thủ tục tố tụng thông thường.
Điều kiện thứ ba: Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng.
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định tại Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự coi là tội phạm, theo quy định tại Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015 hiện hành, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy
hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm. Việc quy định điều kiện về loại tội phạm được áp dụng TTRG có ý nghĩa rất lớn trong việc khoang vùng rõ ràng các loại tội phạm có thể được áp dụng TTRG cũng như tạo ra một mức để người có thẩm quyền áp dụng TTRG có thể đối chiếu và áp dụng một cách dễ dàng đối với từng vụ án hình sự khi đủ các điều kiện áp dụng TTRG.
Xuất phát từ việc các tội phạm ít nghiêm trọng có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn, dẫn đến việc chứng minh hành vi phạm tội trên cũng dễ dàng và nhanh chóng, không cần thiết phải tốn nhiều thời gian,