1.2. Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự với các nguyên tắc của luật
1.2.3. Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án
Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, việc xác định sự thật của vụ án được thông qua quá trình chứng minh. Xác định sự thật của vụ án là xác định những tình tiết, diễn biến của vụ án đúng với sự thật khách quan vốn có của nó.
Theo đó, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội (Điều 15 BLTTHS năm 2015).
Người bị buộc tội (người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo) có quyền trình bày lời khai, đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu chứng minh là mình vô tội hoặc thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình để mong được hưởng sự khoan hồng từ phía Nhà nước, nhưng không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Nếu người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không khai nhận hành vi phạm tội của mình thì cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội từ chối khai báo và cũng không bị coi là có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp bị can, bị cáo thành khẩn khai báo thì lại được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp, nghĩa là các biện pháp do BLTTHS và các văn bản pháp luật khác để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Việc quy định thời hạn tố tụng của từng giai đoạn tố tụng ngắn hơn so với thủ tục chung xuất phát từ bản chất của TTRG là rút ngắn thời gian giải quyết vụ án với các điều kiện áp dụng nhất định bao gồm người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú; sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng. Cho nên, thời hạn tiến hành tố tụng ngắn nhưng vẫn đảm bảo các cơ quan, người tiến hành tố tụng thu thập đầy đủ và toàn diện các chứng cứ chứng minh tội phạm, người phạm tội và các tình tiết khác có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án. Từ đó, đảm bảo tính chính xác, khách quan của quá trình tố tụng. Hơn nữa, việc áp dụng TTRG còn loại bỏ những thủ tục không cần thiết khi tiến hành tố tụng đối với những vụ án, chứng cứ đơn giản rõ ràng nên không ảnh hưởng đến nguyên tắc xác định sự thật của vụ án. Trong trường hợp xét thấy vụ án có tính chất phức tạp, chứng cứ không rõ ràng thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải huỷ bỏ quyết định áp dụng TTRG và giải quyết vụ án theo thủ tục chung nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án.