Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thủ tục rút gọn theo bộ luật tố tụng hình sự việt nam năm 2015 (Trang 51 - 54)

2.1. Phạm vi, điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn

2.1.1. Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn

Phạm vi áp dụng của TTRG được hiểu là giới hạn theo quy định của BLTTHS mà TTRG được áp dụng trong các giai đoạn tố tụng hình sự nhất định.

Theo đó, Điều 455 BLTTHS năm 2015 quy định: “Thủ tục rút gọn đối với việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định của Chương này và những quy định khác của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”.

Như vậy, BLTTHS năm 2015 chỉ cho phép áp dụng TTRG trong các giai đoạn tố tụng sau đây: giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự. TTRG không áp dụng ở giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; trình tự, thủ tục xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, đây là một giai đoạn chưa xác định được sự việc có mang dấu hiệu tội phạm hay không, việc xác định các dấu hiệu tội phạm đang được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra xác minh và củng cố cho nên hoạt động xác định các điều kiện áp dụng TTRG chưa thể thực hiện được. Vì vậy trong giai đoạn này TTRG không được áp dụng mà việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được giải quyết theo thủ tục chung thông thường.

Thủ tục rút gọn cũng không được áp dụng với thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Vì nếu sau khi xét xử sơ thẩm hoặc xét xử phúc thẩm và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà Viện kiểm sát hoặc Tòa án có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì khi đó tính chất của vụ án đã phức tạp (hoặc là cơ quan tiến hành tố tụng đã đánh giá sai tính chất của vụ án hoặc là có sự vi phạm trong quá trình tiến hành tố tụng hoặc có tình tiết mới được phát hiện làm thay đổi nội dung của bản án, quyết định..). Do vậy, khi vụ án được xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm thì vụ án cần được xem xét thận trọng nên cần có thời gian để nghiên cứu, đánh giá toàn diện các tình tiết của vụ án.

So với BLTTHS năm 2003 thì phạm vi áp dụng của TTRG ở BLTTHS năm 2015 đã có sự điều chỉnh mở rộng theo hướng cho phép áp dụng TTRG trong việc xét xử phúc thẩm vụ án hình sự.

Quy định được áp dụng TTRG trong xét xử phúc thẩm đối với những vụ án trước đó đã áp dụng TTRG để giải quyết là cần thiết. Xuất phát từ thực

tiễn xét xử các vụ án hình sự ở nước ta trước khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực đã tồn tại không ít các trường hợp kháng cáo của bị cáo mà dẫn đến không làm cho tính chất của vụ án trở nên tính phức tạp [15].

BLTTHS năm 2003 không quy định áp dụng TTRG trong xét xử phúc thẩm, nên đã dẫn đến có nhiều ý kiến trái chiều. Có quan điểm cho rằng “nếu vụ án phải xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm thì tính chất “sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng” không còn nữa, vụ án đã trở thành phức tạp vì “khi bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm đã bị kháng cáo, kháng nghị là đã có sự không thống nhất giữa Toà án với Viện kiểm sát hoặc giữa Toà án với những người tham gia tố tụng có quyền kháng cáo trong việc giải quyết vụ án”. Một số quan điểm khác lại cho rằng “trên thực tiễn có nhiều trường hợp vụ án bị xét xử phúc thẩm cũng không làm tính chất của vụ án trở nên phức tạp” [18]. Ví dụ: bị cáo kháng cáo xin được khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt với tâm lý cầu may, hoặc người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo vì họ có quan hệ hôn nhân, huyết thống với bị cáo… chứ không phải vì phản đối bản án tòa án cấp sơ thẩm, cũng không phải vì bản án không đảm bảo tính hợp pháp hay tính không có căn cứ.

Đồng tình với quan điểm thứ hai, chúng tôi cho rằng nếu như vụ án đã có đủ điều kiện trong giai đoạn sơ thẩm theo TTRG và những điều kiện đó vẫn được duy trì sau khi bản án bị kháng cáo, kháng nghị thì hoàn toàn có thể áp dụng TTRG để xét xử phúc thẩm mà không ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, đồng thời vẫn bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của bị cáo. Mặt khác, tổng số thời hạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm theo TTRG là 30 ngày, trong khi thì thời hạn mở phiên tòa phúc thẩm là 60 ngày đối với Tòa án cấp tỉnh (Điều 320, 322, 324; Điều 242 BLTTHS năm 2003). Điều này đã làm kéo dài quá trình xử lý vụ án một cách không cần thiết, gây lãng phí về thời gian, công sức của cơ quan tiến hành tố tụng và ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo, những người có

liên quan dẫn đến sự không hợp lý, không phù hợp với tính chất và mục đích của TTRG. Điều này không hợp lý, làm mất đi ý nghĩa của việc áp dụng TTRG ở các giai đoạn trước đó. Hơn nữa, nếu có sự vi phạm nghiêm trọng quy định của BLTTHS, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo thủ tục thông thường. Vì vậy, BLTTHS năm 2015 áp dụng TTRG trong xét xử phúc thẩm vụ án hình sự là cần thiết.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thủ tục rút gọn theo bộ luật tố tụng hình sự việt nam năm 2015 (Trang 51 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)