1.2. Chế độ tử tuất trong pháp luật của một số quốc gia trên thế giới và những
1.2.1. Công ước của ILO về chế độ tử tuất
Một trong những chức năng chính của ILO là hình thành những quy định có tính pháp lý và chương trình mang tính toàn cầu nhằm cải thiện điều kiện sống và việc làm cho người lao động. Một trong những phương thức cơ bản để thực hiện các chức năng đó là thông qua các Công ước và khuyến nghị. Năm 1952, Công ước 102 về an sinh xã hội (những tiêu chuẩn tối thiểu) đã được hội nghị toàn thể của Tổ chức lao động quốc tế thông qua, bao gồm 9 nhánh (tạm thời gọi là 9 chế độ: chăm sóc y tế, ốm đau, thất nghiệp, tuổi già, tai nạn lao động, trợ cấp gia đình, thai sản, mất sức lao động, tuất). Những quốc gia phê chuẩn Công ước này áp dụng các điều khoản của Công ước vào pháp luật nước mình và sẽ hình thành hệ thống tối thiểu bao gồm các chế độ: trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tuổi già, trợ cấp tai nạn lao động, mất sức lao động và trợ cấp tuất. Công ước 102 đã dành 6 Điều từ Điều 59 đến Điều 64 để quy định về chế độ trợ cấp tiền tuất, mức chi trả trợ cấp tiền tuất định kỳ, các điều kiện của đối tượng được bảo vệ và thân nhân của đối tượng được hưởng trợ cấp tiền tuất. Những người được bảo vệ gồm:
“Người vợ và con cái của người trụ cột gia đình thuộc loại làm công ăn
lương được quy định và những loại này tổng số ít nhất chiếm 50% toàn bộ người làm công ăn lương, hoặc vợ, con của người trụ cột gia đình thuộc các loại được quy định trong dân số hoạt động kinh tế, tổng số ít nhất chiếm 20% toàn bộ người thường trú, hoặc vợ góa hoặc con cái có tư cách thường trú đã
mất người trụ cột gia đình mà phương tiện sinh sống trong khi trường hợp bảo vệ xảy ra không vượt quá giới hạn quy định của Công ước này”. (3)
Việc áp dụng Bảo hiểm xã hội ở từng quốc gia tùy thuộc vào nhu cầu bức bách và yêu cầu đảm bảo cuộc sống của người lao động ở từng nơi mà mỗi quốc gia áp dụng và xây dựng các chế độ riêng phù hợp nhưng xu thế chung vẫn là mở rộng về số lượng và chất lượng của từng chế độ, trong đó có chế độ tử tuất.
Công ước số 128(1967) về trợ cấp tuổi già, người tàn tật, tiền tuất của Tổ chức lao động Quốc tế cũng dành phần IV đề đề cập đến trợ cấp tiền tuất cho các đối tượng BHXH, đối tượng được hưởng và điều kiện hưởng chế độ một cách chặt chẽ và rõ ràng. Phần I Công ước là những quy định chung, trong đó định nghĩa rõ các khái niệm như sau: “phụ thuộc” là chỉ tình trạng phụ thuộc xảy ra trong những trường hợp quy định, “vợ” là chỉ người vợ phụ thuộc vào người chồng, “vợ góa” chỉ người vợ phụ thuộc vào người chồng tới khi người chồng chết; “con” chỉ đứa con trong độ tuổi bắt buộc đi học hoặc con dưới 15 tuổi, những độ tuổi cao hơn bắt buộc phải xem xét, nếu con trên 15 tuổi đang học nghề, đang đi học hoặc bị một bệnh kinh niên, hoặc bị bệnh tật khiến cho không thực hiện được một nghề nghiệp nhất định. Điều 22, Công ước 128 quy định “những đối tượng được bảo vệ gồm: vợ, con cái hoặc các đối tượng ăn theo khác theo quy định mà người trụ cột gia đình là người làm công ăn lương hoặc người học nghề; hoặc vợ, con cái và các đối tượng ăn theo khác theo quy định mà người trụ cột gia đình thuộc những loại được quy định trong số dân hoạt động kinh tế, tổng số những loại này ít nhất chiếm 75% toàn bộ số dân hoạt động kinh tế; hoặc tất cả những người vợ góa, tất cả con cái và tất cả đối tượng ăn theo khác quy định có tư cách thường trú, đã mất người trụ cột gia đình..” (4)
Hai công ước nêu trên được xem là các văn kiện quốc tế xương sống về BHXH nói chung trong đó có chế độ tử tuất, là cơ sở quan trọng tạo tiền đề cho các quốc gia trên thế giới cũng nhưng các quốc gia thành viên Công ước thực hiện và hoàn thiện pháp luật về BHXH của mỗi nước. Mỗi quốc gia đều có những đặc điểm phát triển hệ thống BHXH riêng chịu ảnh hưởng bởi hình thái kinh tế-xã hội của nước đó. Các nước phát triển và có hệ thống an sinh xã hội lâu đời như Thụy Điển, Canada và các nước Châu Âu như Đức,... cùng với sự phát triển kinh tế, đối mặt với những vấn đề xã hội và cách thức điều chỉnh chính sách BHXH nhằm đảm bảo một hệ thống công bằng và rõ ràng hơn là những kinh nghiệm và gợi mở quý báu cho quá trình hoàn thiện và phát triển hệ thống BHXH nói chung và chế độ tử tuất của Việt Nam hiện nay.