3.3. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chế độ tử tuất trên
3.3.1. Hoàn thiện các quy định pháp luật về chế độ tử tuất
3.3.1.1. Về đối tượng và điều kiện hưởng chế độ tử tuất
Thứ nhất, cần bổ sung chế tài về quản lý người lao động tham gia BHXH dưới 3 tháng bằng các biện pháp tăng cường thanh kiểm tra đơn vị đóng BHXH, phối hợp với các cơ quan trên địa bàn như: cục thuế, sở kế hoạch đầu tư nơi đăng kí thành lập doanh nghiệp và có biện pháp xử phạt mạnh tay với các đơn vị không đảm bảo quyền lợi BHXH cho NLĐ. Có thể thấy hiện nay chỉ có hai hình thức xử phạt hành chính là: cảnh cáo và phạt tiền, trong đó, mức phạt tiền tối đa là 30 triệu đồng, có thể thấy, hình thức và mức phạt như vậy là chưa đủ sức răn đe do việc trục lợi từ vi phạm quy định trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội mang lại nhiều lợi ích kinh tế gấp nhiều lần so với mức xử phạt. Chính vì vậy, tác giả đề xuất, ngoài biện pháp xử phạt hành chính phải bổ sung quy định về hình sự đối với tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội dựa trên mức độ ảnh hưởng của hành vi cấu thành tội phạm. Quy định này sẽ mang tính chất răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội và quyền lợi của người lao động.
Thứ hai, cần bổ sung thêm quy định phối hợp giữa cơ quan y tế với cơ quan BHXH về giám định y khoa để xác định mức độ suy giảm khả năng lao
động của người thụ hưởng chế độ tử tuất, một mặt vẫn tạo điều kiện cho người thụ hưởng chế độ được chủ động, nhưng mặt khác vẫn đảm bảo được sự quản lý chặt chẽ của cơ quan Nhà nước về BHXH. Chẳng hạn như cần xây dựng khuôn khổ về việc cam kết và chịu trách nhiệm đối với kết quả giám định y khoa nhằm đảm bảo tính chính xác, nghiêm túc và công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng chế độ này.
Thứ ba, cần làm rõ quy định về xác định thế nào là thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định luật hôn nhân gia đình. Theo tác giả, Luật BHXH cũng cần định nghĩa cụ thể về khái niệm “nuôi dưỡng” và khái niệm “thân nhân có nghĩa vụ nuôi dưỡng trực tiếp” có sự tương quan với quy định tại Luật hôn nhân gia đình như sau: “ nuôi dưỡng là việc một người chăm sóc và cung cấp những thứ cần thiết cho người khác (người được nuôi dưỡng) nhằm tạo điều kiện để duy trì và phát triển cuộc sống của người đó. Trong đó, cha mẹ và con; ông bà và cháu; anh chị em với nhau có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau khi một bên chưa thành niên, ốm đau, tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”. Ví dụ như đối với trường hợp cha dượng - mẹ kế. Cụ thể việc xác định trách nhiệm nuôi dưỡng không thể chỉ căn cứ vào điều kiện “sống chung” hay không mà cần phải có các điều kiện khác như: cha dượng mẹ kế có thu nhập hay không, không sống chung nhưng có nuôi dưỡng thông qua các hình thức khác được gia đình người chết xác nhận để làm căn cứ tính hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. Hoặc đối với các trường hợp đặc biệt như con của NLĐ chưa đủ tuổi thành niên hoặc đã đủ tuổi thành niên nhưng không đủ năng lực hành vi dân sự, sống với ông bà đang có lương hưu khi bố mẹ chết (bố mẹ không tham gia BHXH), không có anh chị em ruột thì nên xem xét việc cho người cháu được ông bà nuôi dưỡng hưởng trợ cấp tuất hàng tháng sau khi ông bà chết nhằm đảm bảo tinh thần nhân văn
Thứ tư, sửa đổi quy định về thời gian hưởng trợ cấp tuất hàng tháng đối với con trong độ tuổi đi học, nâng độ tuổi tối đa được hưởng chế độ từ “chưa đủ 18 tuổi hoặc đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị suy giảm khả năng lao động 81%” lên thành “chưa đủ 22 tuổi nếu tiếp tục học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất mà không có người nuôi dưỡng trực tiếp hoặc có nhưng người nuôi dưỡng thu nhập không ổn định”.
Thứ năm, sửa đổi quy định về mức hưởng chế độ tử tuất hiện nay lấy mức lương tối thiểu làm cơ sở để tính hưởng chế độ tử tuất gây nhiều bất cập. Cụ thể, tác giả đề xuất lấy mức lương tối thiểu vùng nơi đối tượng thụ hưởng cư trú làm mức căn cứ để tính tỉ lệ phần trăm hưởng chế độ tử tuất hàng tháng. Đề xuất này được đưa ra dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng của BHXH. Hiện nay, mức thu BHXH được tính dựa trên mức thu nhập của người lao động tham gia và mức lương làm căn cứ đóng BHXH không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại nơi người lao động làm việc. Như vậy, việc áp dụng hai mức thu - chi cơ sở khác nhau dẫn đến những bất cập trong chế độ thụ hưởng và điêu này cần được xem xét sửa đổi hợp lý.
3.3.1.2. Về thủ tục hưởng chế độ
Quy định thủ tục hồ sơ đề nghị hưởng chế độ hiện nay chính quyền địa phương chỉ xác thực chữ kí của người khai mẫu “Tờ khai hoàn cảnh gia đình (09A-HSB)” mà không xác thực bất cứ nội dung thông tin nào được cung cấp trong tờ khai đó. Thực tế giải quyết chế độ tử tuất trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chứng minh điều này có thể dẫn đến hệ quả là người khai kê khai không chính xác, không trung thực về thông tin nhân thân nhằm trục lợi quỹ BHXH mà cơ quan BHXH nếu khó có thể kiểm soát hết. Vì vậy cần sửa đổi quy định này và bổ sung yêu cầu về sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng tại địa phương, nơi quản lý các thông tin nhân thân một cách rõ nhất nhằm tăng tính chính xác của hồ sơ thông qua việc xác nhận
thông tin người khai đã hoàn thiện vào hồ sơ đề nghị hưởng chế độ tử tuất trước khi nộp lên cơ quan BHXH. Đồng thời, trong tương lai xa, cần hướng đến việc liên thông dữ liệu quản lý thông tin con người giữa các cơ quan như BHXH - thuế - công an... Đây là xu hướng mà các nước phát triển đã áp dụng nhằm tạo nên một hệ thống quản lý và lưu trữ thông tin cá nhân cụ thể phục vụ cho các công tác hành chính, an ninh chung của toàn xã hội.
3.3.1.3. Về các loại hình trợ cấp tuất và sự tương quan giữa chế độ tuất trong BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện
Thứ nhất, cần sửa đổi quy định hiện hành về việc chế độ trợ cấp tuất hàng tháng đối với loại hình BHXH tự nguyện, tác giả đề xuất sửa đổi quy định đối tượng tham gia có thời gian dưới 15 năm tham gia BHXH bắt buộc hoặc không tham gia BHXH bắt buộc chỉ tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 15 năm trở lên và có mức đóng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng thì nên xem xét đến các điều kiện về thân nhân để xét hưởng chế độ tuất hàng tháng.
Thứ hai, mức trợ cấp tuất hằng tháng theo luật quy định còn quá thấp và không đủ để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho thân nhân người lao động, do vậy kiến nghị nâng mức trợ cấp tuất hằng tháng lên mức cao hơn, để đảm bảo được cuộc sống tối thiểu cho thân nhân người lao động khi bị mất đi trụ cột trong gia đình. Tác giả đề xuất quy định mức hưởng trợ cấp tuất hàng tháng đối với thân nhân người lao động đang làm việc bị chết thì căn cứ vào mức đóng BHXH thay vì áp dụng một mức chung cho tất cả các đối tượng tham gia BHXH như hiện nay. Các quốc gia khác thường lấy mức tiền lương đóng BHXH và khống chế mức hưởng bằng 1 tỉ lệ nhất định (70-80%) làm căn cứ tính mức hưởng trợ cấp tuất cho thân nhân cũng là một cách hợp lý để xem xét sửa đổi công thức tính trợ cấp tuất hiện nay.
Thứ ba, cần mở rộng những trường hợp không được lựa chọn hình thức hưởng tiền trợ cấp tuất một lần, ngoài những trường hợp mà Luật
BHXH đang quy định là “trường hợp có thân nhân là con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên”, thì bổ sung thêm đối tượng “thân nhân là người từng có tiền án tiền sự”, bởi thiết nghĩ, với số tiền “một cục” mà chế độ BHXH tử tuất mang lại do hưởng tiền trợ cấp tuất một lần, thì người thụ hưởng nếu đã có tiền án tiền sự thì rất có thể số tiền này không được dùng vào mục đích chính đáng, mà ngược lại sẽ làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, sẽ làm mất đi mục đích cao đẹp mà BHXH hướng tới đó là trợ giúp kịp thời cho thân nhân người lao động lúc khó khăn, mất mát.
Thứ tư, cần thu hẹp khoảng cách về điều kiện hưởng mai táng phí giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, bằng cách giảm điều kiện về số tháng đóng BHXH tự nguyện, để người lao động có thể đến gần hơn với điều kiện hưởng chế độ trợ cấp mai táng, hoặc bằng cách bổ sung quy định xem xét mức đóng của người lao động lựa chọn đóng để xét hưởng chế độ trợ cấp mai táng, tức là người lao động lựa chọn mức đóng BHXH tự nguyện càng cao thì điều kiện về số tháng đóng BHXH để được hưởng chế độ trợ cấp càng giảm xuống. Chẳng hạn như, với người lao động đóng mức thấp hơn 2 lần mức tối thiểu vùng thì điều kiện hưởng trợ cấp mai táng phí không thay đổi, nhưng với người lao động tham gia BHXH tự nguyện cao hơn 2 lần mức lương tối thiểu vùng thì thời gian đủ điều kiện hưởng trợ cấp mai táng phí là “12 tháng” như đối tượng BHXH bắt buộc. Thực tế hiện nay, bởi với sự quá chênh lệch về điều kiện hưởng này sẽ là rào cản lớn gây ra sự phân biệt giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.