2.3. Thực tiễn thi hành chế độ tử tuất tại tỉnh Nghệ An
2.3.1. Khái quát điều kiện kinh tế-xã hội tại tỉnh Nghệ An
Nghệ An là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung bộ, giáp tỉnh Thanh Hóa ở phía Bắc, tỉnh Hà Tĩnh ở phía Nam, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ở phía Tây với 419 km đường biên giới trên bộ; bờ biển ở phía Đông dài
82 km. Vị trí này tạo cho Nghệ An có vai trò quan trọng trong mối giao lưu kinh tế - xã hội Bắc - Nam, xây dựng và phát triển kinh tế biển, kinh tế đối ngoại vàmở rộng hợp tác quốc tế. Nghệ An nằm trên các tuyến đường quốc lộ Bắc - Nam (tuyến quốc lộ 1A dài 91 km đi qua các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, thị xã Hoàng Mai và thành phố Vinh, đường Hồ Chí Minh chạy song song với quốc lộ 1A dài 132 km đi qua các huyện Quỳnh Lưu,Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương và thị xã Thái Hoà, quốc lộ 15 ở phía Tây dài 149 kmchạy xuyên suốt tỉnh); các tuyến quốc lộ chạy từ phía Đông lên phía Tây, nối với nước bạn Lào thông qua các cửa khẩu (quốc lộ 7 dài 225 km, quốc lộ 46 dài 90 km, quốc lộ 48 dài trên 160 km). Tỉnh có tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 94 km chạy qua. (4)
Nghệ An nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền My-an-ma - Thái Lan - Lào - Việt Nam - Biển Đông theo đường 7 đến cảng Cửa Lò. Nằm trên các tuyến du lịch quốc gia và quốc tế (tuyến du lịch xuyênViệt; tuyến du lịch Vinh - Cánh đồng Chum - Luôngprabang - Viêng Chăn - Băng Cốc và ngược lại quaQuốc lộ 7 và đường 8). (4)
Với vị trí như vậy, Nghệ An đóng vai trò quan trọng trong giao lưu kinh tế, thương mại, du lịch, vận chuyển hàng hoá với cả nước và các nước khác trong khu vực, nhất là các nước Lào, Thái Lan và TrungQuốc, là điều kiện thuận lợi để kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và là vùng đất thu hút các doanh nghiệp.
Theo số liệu Cục Thống kê Nghệ An năm 2016, Nghệ An là tỉnh có quy mô dân số lớn thứ 4 trong cả nước, trong đó số lao động khoảng 1.953.101 người. Bình quân hàng năm số lao động đến tuổi bổ sung vào lực lượng lao động của tỉnh trên 4 vạn người. Xét về cơ cấu, lực lượng lao động phần lớn là trẻ. Tuy nhiên, số liệu thống kê cũng cho thấy tốc độ già hóa ở Nghệ An hiện nay có dấu hiệu tăng nhanh. Theo đó, tính đến hết tháng
12/2016, toàn tỉnh đã có 352.457 hội viên người cao tuổi, tỷ lệ người cao tuổi/dân số là 10,65%, số người thọ tuổi 100 trở lên là 1.252 cụ. Số người cao tuổi đã đủ 80 tuổi trở lên bình quân hàng năm trên 56.000 người. Như vậy, Nghệ An đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Đáng chú ý, chỉ 23% người cao tuổi thuộc đối tượng hưu trí hoặc có hưởng bảo trợ xã hội, còn 77% người cao tuổi còn lại sống ở nông thôn, miền núi, nguồn sống từ nông nghiệp. (5)
Như vậy có thể thấy những điều kiện về kinh tế xã hội bao gồm các yếu tố: dân cư, tình trạng lao động và tốc độ già hóa dân số có mối quan hệ mật thiết với công tác thu - chi BHXH sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình thực hiện chế độ chính sách BHXH Nghệ An nói chung và tình hình thực hiện chế độ tử tuất nói riêng, từ đó mang đến cho Nghệ An những nét đặc thù riêng trong thực tiễn áp dụng các chế độ. Nguồn lực lao động - Người lao động là đối tượng tham gia BHXH, đang trong độ tuổi lao động, trực tiếp tạo ra của cải cho xã hội. Như vậy nếu khu vực có dân số “già” tức là số người trong độ tuổi lao động chiếm tỉ lệ thấp trong tổng dân số, về lâu dài có thể dẫn đến việc mất cân đối quỹ BHXH bởi vì số người tham gia đóng góp vào quỹ ngày càng ít trong khi số người hưởng các chế độ BHXH đặc biệt là chế độ hưu trí, tử tuất ngày càng tăng. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế của một tỉnh phản ánh khả năng tiết kiệm, tiêu dùng và đầu tư của tỉnh đó, vì thế nếu một tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định thì chắc chắn đời sống của người dân sẽ cao dần lên, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi vì thế các chủ doanh nghiệp cũng sẵn sàng tham gia BHXH cho người lao động. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững phản ánh nhiều người lao động có thu nhập cao thông qua quá trình lao động, đây là điều kiện tiền đề để người lao động có cơ hội tham gia BHXH. Thêm nữa, khi đời sống kinh tế cao thì nhận thức của người lao động cũng tăng lên, ngoài việc ý thức đảm bảo cuộc sống hàng ngày cho bản thân
và gia đình họ, họ mong muốn có khoản trợ giúp khi không may gặp các rủi ro xã hội như: ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, thai sản, thất nghiệp khiến cho họ bị mất hoặc giảm thu nhập.
2.3.2. Tình hình thi hành chế độ tử tuất tại tỉnh Nghệ An Thứ nhất, về công tác tuyên truyền và phố biến pháp luật
Chế độ tử tuất là một trong những chế độ BHXH mang tính nhân văn cao cả, Luật BHXH năm 2014 có nhiều điểm thay đổi tiến bộ so với quy định của Luật BHXH cũ, để tạo thuận lợi cho người tham gia BHXH, đối tượng thụ hưởng và người dân được dễ dàng cập nhật kịp thời sự thay đổi về quy định pháp luật từ đó hiểu hơn về ý nghĩa của chế độ BHXH và thuận lợi hơn trong quá trình tham gia và thụ hưởng, BHXH Nghệ An đã phối hợp với các sở ban ngành trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng nhiều chương trình phổ biến Luật BHXH đến các đối tượng. Năm 2016 là năm mà BHXH Việt Nam xác định tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm. Ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh Nghệ An đã chủ động xây dựng và ký kết chương trình phối hợp trong công tác
tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT với các Sở, ngành; trong đó tập trung
vào việc tuyên truyền, phổ biến Luật BHXH năm 2014, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT và các quy định khác về BHXH, BHYT; tổ chức Hội nghị tập huấn Kỹ năng truyền thông cho cán bộ ngành BHXH từ tỉnh đến huyện để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền. Các hình thức tuyên truyền trực quan được thực hiện thường xuyên; tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại 7.208 doanh nghiệp, đơn vị và cán bộ mặt trận của 480 xã, phường, thị
trấn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân tham gia BHYT. Đa dạng
hình thức, tăng thời lượng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; Báo Nghệ An, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Công thông tin điện tử tỉnh đã có các chuyên trang, chuyên mục về BHXH. Đẩy mạnh tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử (Website) BHXH tỉnh.
Từ số liệu tổng hợp tổng mức chi công tác tuyên truyền hằng năm từ năm 2012-2016 tại BHXH tỉnh Nghệ An dựa trên số liệu báo cáo thống kê hằng năm (6) có thể thấy công tác tuyên truyền ngày càng được chú trọng và đầu tư, đặc biệt từ năm 2015 là năm tiền đề cho bước ngoặt thay đổi luật BHXH và năm 2016 là năm đầu tiên triển khai các quy định mới vào thực tiễn đời sống nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và phổ biến chính sách đến với mọi người dân.
Thứ hai, về công tác giải quyết chế độ tử tuất
Năm 2016, bên cạnh việc giải quyết kịp thời các chế độ BHXH cho các đối tượng theo đúng quy định của Luật (số lượt người được giải quyết các chế độ BHXH, BHTN tăng 13.254 lượt người so với năm 2015); BHXH tỉnh Nghệ An đã theo dõi chặt chẽ biến động tăng, giảm đối tượng trên địa bàn quản lý, thực hiện việc cắt, giảm chế độ đúng thời gian quy định; xây dựng và triển khai phương án giám sát phương án quản lý đối tượng của cơ quan Bưu điện. Sự thay đổi trong công tác giải quyết chế độ tử tuất trên địa bàn tỉnh Nghệ An trước và sau việc thực hiện Luật BHXH năm 2014 được thể hiện qua biến động về số lượt giải quyết chế độ hằng năm. (7)
Từ năm 2012 đến năm 2016, số lượt hồ sơ được hoàn thiện và giải quyết chế độ tử tuất ngày càng tăng cao, số lượng hồ sơ tồn đọng do vướng mắc chế độ giảm dần qua các năm, đặc biệt là từ năm 2016 khi thực hiện Luật BHXH số 58 với nhiều quy định sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn giúp giải quyết nhiều vướng mắc trong thực tế thực hiện chế độ chính sách. Mặt khác, từ khi thực hiện các quy định về giải quyết chế độ tử tuất theo Luật BHXH số 58 với những quy định mở về việc lựa chọn loại hình chế độ tử tuất được hưởng nên số lượng thân nhân lựa chọn tuất một lần tăng cao so với những năm trước đó.
Thứ ba, về công tác cải cách hành chính và ứng dụng Công nghệ thông tin
Xác định cải cách hành chính, trong đó cải cách TTHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; BHXH tỉnh Nghệ An đã tập trung đổi mới quy trình nghiệp vụ, đẩy mạnh CCHC, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH. Trên cơ sở triển khai của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã rà soát, công khai bộ thủ tục hành chính, rút gọn từ 115 thủ tục xuống còn 32 thủ tục; phối hợp với các sở ngành liên quan cấp mã định danh BHXH cùng lúc với cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho 195 doanh nghiệp.
Trong năm ngành BHXH đã tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, rà soát, đơn giản hóa các quy trình. Thực hiện giao nhận hồ sơ giữa cơ quan BHXH với người dân và doanh nghiệp qua hệ thống Bưu điện với tỷ lệ 93,56% hồ sơ nhận qua bưu điện và 93,64% hồ sơ trả kết quả giải quyết qua bưu điện; đẩy mạnh giao dịch điện tử trong kê khai thủ tục tham gia BHXH, BHYT, Năm 2016 BHXH tỉnh đã cơ bản đảm bảo trả kết quả đúng hẹn hoặc kịp thời thông báo đối với những trường hợp kéo dài thời hạn xử lý do phải bổ sung xác minh thêm hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ chậm đã giảm xuống dưới 1%;
Công tác ứng dụng CNTT trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là ứng dụng các phần mềm phục vụ cho công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh. Năm 2016 Ngành đã tiếp tục đẩy mạnh giao dịch điện tử với tỷ lệ cài đặt là 97,6%; tích cực khắc phục những vướng mắc, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện phần mềm quản lý các hoạt động nghiệp vụ của ngành.
Thứ tư, về công tác quản lý và chi trả chế độ tử tuất
Có thể thấy mức thu tại BHXH tỉnh Nghệ An tăng đều qua các năm phản ánh mức phủ rộng chế độ BHXH trên địa bàn tỉnh (8). Tuy nhiên tỉ lệ mức thu - chi qua các năm lại đặt ra vấn đề cân đối quỹ trên địa bàn tỉnh có
dấu hiệu đáng báo động. Tình hình cân đối quỹ hưu trí và tử tuất thuộc chưa đảm bảo bền vững, lâu dài. Theo kết quả báo cáo của BHXH Việt Nam, dự báo với mức đóng góp và mức hưởng của chế độ như quy định hiện hành với số dư quỹ tính đến gần cuối năm 2016 thì đến năm 2037, nếu không có chính sách hoặc biện pháp tăng thu, giảm chi thì số thu BHXH trong năm và số tồn tích bắt đầu không có khả năng chi trả. Khoảng cách này ngày càng nới rộng trong những năm tiếp theo không chỉ địa bàn tỉnh Nghệ An. Vấn đề này đặt ra cho BHXH tỉnh Nghệ An bài toán về việc tăng nguồn thu BHXH nhằm đảm bảo sự ổn định trong tương lai của nguồn quỹ chi trả chế độ đồng thời tăng cường hoạt động chống lạm dụng gây tổn thất cho quỹ BHXH, trong đó có quỹ tử tuất. Qua thực tế hoạt động kiểm tra, hậu kiểm, giám sát việc chi trả chế độ tử tuất trên địa bàn tỉnh phát hiện nhiều trường hợp có dấu hiệu gian lận nhằm trục lợi quỹ tử tuất. Chẳng hạn như: gian lận thời gian đóng BHXH nhằm tăng mức hưởng chế độ tuất một lần; thân nhân gia đình NLĐ chết đủ điều kiện hưởng hàng tháng gian lận về thông tin nhân thân người thụ hưởng chế độ nhằm thỏa mãn điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng,… Chính vì vậy, việc đảm bảo chi trả đúng, đủ chế độ tử tuất là một yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo tính khách quan trong giải quyết chế độ cho người thụ hưởng đồng thời đảm bảo sự ổn định về lâu dài của nguồn quỹ tử tuất.