Những điểm mới của chế độ tử tuất trong luật BHXH năm 2014

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chế độ tử tuất trong luật bảo hiểm xã hội năm 2014 từ thực tiễn tỉnh nghệ an (Trang 55 - 60)

Chế độ tử tuất là một trong những chế độ BHXH trong hệ thống các chế độ BHXH ở nước ta, được hình thành và thực hiện xuyên suốt từ trước đến nay. Oử Việt Nam, chế độ tử tuất được thiết lập từ những năm 1950 và được hình thành sau chế độ hưu trí. Trải qua các lần sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về BHXH, chế độ tử tuất đã dần hoàn thiện và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2014 có hiệu lực là ngày 01/01/2016, chế độ tử tuất được quy định trong Mục 5 Chương III (từ điều 66 đến Điều 71), Mục 2 Chương IV (Điều 80, Điều 81). Trên cơ sở kế thừa những quy định tại Luật BHXH năm 2006, chế độ tử tuất trong Luật BHXH năm 2014 đã có những điểm mới sau:

Thứ nhất, về trợ cấp mai táng (Điều 66)

Ngoài việc kế thừa các quy định về điều kiện đối với người tham gia BHXH khi chết thì người lo mai táng cho họ được hưởng trợ cấp mai táng thì Luật BHXH năm số 58 năm 2014 còn đưa ra quy định chặt chẽ hơn về điều kiện thời gian tham gia đóng góp vào quỹ BHXH đối với trường hợp NLĐ

đang tham gia BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian tham gia BHXH là phải tối thiểu có 12 tháng tham gia mới đủ điều kiện được hưởng trợ cấp mai táng. Đồng thời, Luật cũng quy định đối với đối tượng NLĐ chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc trong thời gian điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì không cần điều kiện về thời gian tham gia tối thiểu 12 tháng mà khi NLĐ chết thì người lo mai táng sẽ được hưởng trợ cấp mai táng phí. Có thể thấy những quy định chặt chẽ này của Luật BHXH năm 2014 là hoàn toàn phù hợp và đi đúng với tinh thần nhân văn cũng như mục đích xã hội của chế độ tử tuất. Đối với các trường hợp NLĐ chết do các nguyên nhân không vì mục đích lao động, trong thời gian lao động thì thiết yếu cần một điều kiện cụ thể về mức đóng góp của họ vào quỹ tử tuất nhằm đảm bảo việc cân đối nguồn quỹ trên nguyên tắc số đông bù số ít và chống các trường hợp làm dụng quỹ. Mức điều kiện về thời gian tham gia được đưa ra tối thiểu là 12 tháng là một mức phù hợp, có sự tương quan giữa chế độ tử tuất và chế độ khác như: chế độ thai sản. Đối với các trường hợp NLĐ gặp rủi ro trong quá trình đang tham gia lao động sản xuất dẫn đến chết thì NLĐ được hưởng trợ cấp mai táng phí mà không cần thêm bất cứ điều kiện đặc biệt nào về thời gian tham gia cũng là một quy định mang tính nhân văn, hỗ trợ thân nhân của NLĐ không may gặp rủi ro trong quá trình sản xuất, quy định này không mới và đã được thực hiện từ Luật BHXH số 72 năm 2006, tuy nhiên, tại Luật BHXH năm 2014 đã làm rõ hơn về trường hợp chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cụ thể là “Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp", nhóm đối tượng này được tách thành một nhóm riêng thay vì xem xét gộp chung trong nhóm đối tượng là NLĐ đang tham gia BHXH như Luật BHXH năm 2006. Việc tách biệt rõ ràng trong quy định của Luật, từ góc nhìn của những người thực hiện chế độ, tác giả nhận thấy Luật đã tạo thuận lợi hơn cho quá trình xét duyệt và giải quyết chế độ cho thân nhân NLĐ đã chết.

Thứ hai, các trường hợp hưởng trợ cấp hàng tháng (Điều 67)

Về điều kiện thân nhân được hưởng trợ cấp hàng tháng, Luật BHXH năm 2014 bỏ quy định ràng buộc “còn đang đi học” đối với thân nhân là con từ đủ 15 tuổi đến đủ 18 tuổi và đồng thời Luật cũng ghi nhận trường hợp “con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai” để đảm bảo tính nhân văn của chính sách. Trước đây, theo quy định của Luật BHXH năm 2006, khi thân nhân của NLĐ đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng qua ngày sinh nhật 15 tuổi thì gia đình phải thực hiện việc xác nhận với Nhà trường nơi con của NLĐ đang học về việc tiếp tục học tập để làm căn cứ cho cơ quan BHXH thực hiện chi trả tiếp trợ cấp tuất hàng tháng. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho đối tượng thụ hưởng chế độ và gia đình của họ khi phải mất thêm một khâu về thủ tục hành chính nhằm đảm bảo quyền lợi. Việc bỏ quy định về việc học tập của con trong giai đoạn từ 15-18 tuổi khi xét hưởng trợ cấp tuất hàng tháng là một bước đi đúng đắn, bởi khi đặt trong mối liên kết trong tổng thể với các quy định pháp luật khác về hôn nhân - gia đình, về quyền và trách nhiệm giữa cha mẹ với con cái thì cha mẹ “có nghĩa vụ chăm sóc và nuôi dưỡng con khi con chưa thành niên” mà không phụ thuộc vào vấn đề con có tiếp tục được đi học hay không.

Về điều kiện thu nhập của thân nhân khi được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, Luật BHXH năm 2014 đưa ra quy định về việc xem xét thu nhập hàng tháng của thân nhân NLĐ và không tính đến “khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công” là thu nhập theo quy định của Luật BHXH. Đây cũng là một thay đổi tiến bộ của Luật BHXH năm 2014 nhằm đảm bảo quyền lợi và tinh thần nhân văn cho các đối tượng đã có đóng góp đặc biệt trong xã hội mà Luật BHXH năm 2006 đã không tính đến.

Về việc lựa chọn hưởng loại hình trợ cấp tuất khi vừa đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng vừa đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất một lần,

Luật BHXH năm 2014 bổ sung quy định cho phép thân nhân người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng được lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần, trừ trường hợp có thân nhân là con dưới 6 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Việc bổ sung quy định này nhằm khắc phục một số bất cập của Luật BHXH năm 2006 do trong thực tiễn có nhiều trường hợp thời gian hưởng trợ cấp tuất hàng tháng rất ngắn (con sắp hết tuổi hưởng, cha mẹ quá già) nên số tiền được hưởng rất thấp, trong khi nếu hưởng trợ cấp tuất một lần thì số tiền trợ cấp rất lớn lên đến hàng trăm triệu đồng nên rất thiệt thòi cho quyền lợi của thân nhân người lao động. Thực tiễn giải quyết chế độ tử tuất cho thấy, quy định trước đây của Luật BHXH năm 2006 làm gia tăng các trường hợp tìm cách “lách luật” để không thuộc diện có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng và sẽ được hưởng trợ cấp tuất một lần, nhất là đối với các đối tượng NLĐ chết khi đang làm việc nhưng có thời gian tham gia BHXH nhiều năm, số tiền trợ cấp tuất một lần cao gấp nhiều lần trợ cấp tuất hàng tháng;

Thứ ba, về mức hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (Điều 68)

Luật BHXH năm 2014 giữ nguyên các quy định về mức hưởng trợ cấp tuất hàng tháng đối với thân nhân đủ điều kiện, “bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợpthân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở” tuy nhiên Luật BHXH năm 2014 khi quy định về thời điểm hưởng trợ cấp tuất hàng tháng đã đưa ra quy định cụ thể về thời điểm hưởng trợ cấp trong trường hợp con sinh ra sau khi người bố qua đời mà người mẹ đang mang thai là đứa trẻ sẽ được hưởng chế độ “từ tháng con được sinh”. Việc đặt ra mốc hưởng trong trường hợp này là hoàn toàn hợp lý về mặt bản chất pháp lý bởi đối tượng được thụ hưởng chế độ BHXH phải là con người, và chỉ sau khi chào đời thì em bé đó mới được xem xét là một cá thể độc lập và trở thành đối tượng thụ hưởng chế độ. Quy định

này cũng tạo nên sự rõ ràng và phù hợp trong nội dung Luật và mang đến thuận lợi cho người giải quyết chế độ khi thực hiện chính sách, tránh các trường hợp vướng mắc như trong thời gian thực hiện Luật BHXH năm 2006 do Luật không quy định đến và phải xin ý kiến hướng dẫn của các cơ quan cấp trên có thẩm quyền khi gặp trường hợp đặc biệt.

Thứ tư, về các trường hợp và mức trợ cấp tuất một lần (Điều 69, Điều 70) Luật BHXH năm 2014 đã giải quyết được một trong những vướng mắc, bất cập lớn của Luật BHXH năm 2006 chính là vấn đề giải quyết như thế nào đối với trường hợp khi NLĐ hoặc người đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng chết mà không có các thân nhân thuộc hàng thừa kế thứ nhất như: vợ hoặc chồng, con, bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi hợp pháp, bố mẹ vợ hoặc bố mẹ chồng. Do Luật BHXH năm 2006 không nhắc đến trường hợp này nên đối với trường hợp kể trên, khi giải quyết, cơ quan BHXH không thực hiện chi trả tiền trợ cấp một lần cho các thân nhân khác của NLĐ mà chỉ thực hiện chi trả mai táng phí cho người lo mai táng phí. Điều này đã dẫn đến không ít bất bình và đơn thư khiếu kiện của thân nhân người lao động về việc giải quyết không thỏa đáng chính sách trợ cấp tuất cho gia đình của họ. Chính vì vậy, nhằm khắc phục những bất cập trên, Luật BHXH năm 2014 bổ sung quy định trường hợp người lao động không có thân nhân quy định của Luật BHXH thì trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế. Quy định này là sự sửa đổi hoàn toàn chính đáng và hợp lý nhằm đảm bảo tính công bằng trong việc giải quyết chế độ tử tuất đối với người lao động, dựa trên một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ tử tuất là mọi NLĐ tham gia BHXH khi chết đều được hưởng chế độ tử tuất.

Về mức tính hưởng trợ cấp tuất một lần, Luật BHXH năm 2014 tăng mức trợ cấp tuất một lần đối với trường hợp người lao động đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH nếu chết thì mức trợ cấp tuất một lần là 2

tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi (mức của Luật năm 2007 là 1,5 tháng cho mọi năm đóng BHXH). Việc điều chỉnh mức tính tăng hưởng trợ cấp tuất một lần cho mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 được tính toán dựa trên mức cân đối nguồn quỹ tử tuất giữa mức thu - mức chi và trong mối tương quan với chế độ BHXH một lần nhằm đảm bảo công bằng cho NLĐ đang tham gia BHXH mà bị chết.

Thứ năm, về chế độ hưu trí và chế độ tử tuất đối với người vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện (Điều 71).

Đây là điều luật hoàn toàn mới không có trong Luật BHXH năm 2006, Luật BHXH năm 2014 bổ sung quy định cụ thể về liên thông chính sách BHXH tự nguyện với chính sách BHXH bắt buộc trên cơ sở phân chia ra các trường hợp vừa tham gia BHXH bắt buộc vừa tham gia BHXH tự nguyện trên cơ sở số năm đóng BHXH bắt buộc. Nếu như Luật BHXH năm 2006 gộp chung mọi trường hợp có quá trình tham gia BHXH ở cả 2 loại hình tự nguyện và bắt buộc, chỉ ghi nhận thời gian tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện để làm cơ sở tính hưởng chế độ tử tuất thì Luật BHXH năm 2014 đã có những quy định cụ thể nhằm tạo thuận lợi trong quá trình giải quyết chế độ. Theo đó, khi NLĐ có số năm tham gia BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì trợ cấp hàng tháng được thực hiện theo chính sách BHXH bắt buộc và có từ đủ 12 tháng đóng BHXH bắt buộc trở lên thì trợ cấp mai táng được thực hiện theo chính sách BHXH bắt buộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chế độ tử tuất trong luật bảo hiểm xã hội năm 2014 từ thực tiễn tỉnh nghệ an (Trang 55 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)