chế độ tử tuất
Trên cơ sở đánh giá thực trạng pháp luật BHXH ở nước ta hiện nay, cần đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực hiện chế độ tử tuất đã được đặt ra. Theo đó, tăng nhanh diện bao phủ BHXH quản
lý chặt chẽ người tham gia, giải quyết và chi trả kịp thời đầy đủ chế độ tử tuất, cải cách thủ tục hành chính trong triển khai Luật BHXH là mục tiêu chủ yếu của công tác giải quyết chế độ tử tuất BHXH hiện nay. Để đạt được mục tiêu trên, cần tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thi hành các chế định trong Luật và đề ra các giải pháp để đổi mới công tác tổ chức thực hiện, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tạo sự nhất quán giữa các văn bản pháp luật, các văn bản hướng dẫn thi hành chế độ tử tuất theo Luật BHXH 2014. Chủ động phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội và các Bộ, Ngành liên quan trong việc ban hành các văn bản liên quan đến chế độ tử tuất trong Luật BHXH để một mặt vừa đảm bảo đúng tinh thần của Luật BHXH, đồng thời cố gắng, hạn chế tối đa các vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện; Rà soát các quy định, quy trình nghiệp vụ để xây dựng, ban hành các quy định, quy trình hướng dẫn nghiệp vụ của ngành, kế hoạch tuyên truyền, kế hoạch thu và phát triển đối tượng, chống thất thu, giảm nợ, kế hoạch đầu tư phát triển công nghệ thông tin, kế hoạch phòng chống lạm quỹ, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức công vụ,... Tổ chức quán triệt nội dung của Luật BHXH về chế độ tử tuất và các quy định về hồ sơ, quy trình nghiệp vụ của Ngành về chế độ tử tuất nhằm phục vụ cho việc thực hiện chế độ trong thời gian tiếp theo.
Thứ hai, tập trung vào công tác phát triển đối tượng, giải quyết chế độ chính sách và quản lý chi trả chế độ tử tuất đúng quy định của pháp luật BHXH. Xác định công tác phát triển đối tượng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm nên ngay trong kế hoạch của Ngành, chỉ tiêu thu phải gắn với chỉ tiêu phát triển đối tượng. BHXH các cấp phải chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành ở địa phương nắm bắt số đơn vị đang hoạt động, số đơn vị được thành lập mới hoặc giải thể phá sản, số lao động cũng như biến động về lao động tại
các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động trong khu vực phi chính thức trên địa bàn để đôn đốc, vận động tham gia BHXH; giao chỉ tiêu phát triển đối tượng đến BHXH từng cấp, từng cá nhân chuyên quản; đẩy mạnh hoạt động của tổ thu tiền nợ liên ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; coi việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH là chỉ tiêu đánh giá chủ yếu về mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với BHXH các cấp; Đối với công tác giải quyết và chi trả chế độ tử tuất, cần chú trọng đến công tác quản lý giải quyết và chi trả chế độ để một mặt đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đảm bảo an toàn tiền mặt, đa dạng hóa hình thức chi trả trợ cấp tiền tuất của BHXH, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách tại các đơn vị sử dụng lao động để kịp thời chấn chỉnh các sai sót, chú trọng đến công tác hậu kiểm, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận, giả mạo, lập khống hồ sơ để trục lợi BHXH từ chế độ tử tuất. Đồng thời, xác định công tác tuyên truyền là khâu then chốt, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đưa các chính sách về chế độ tử tuất đến mọi người dân. Vì vậy, BHXH Việt Nam và BHXH tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành ở trung ương và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương tập trung chỉ đạo tuyên truyền thực hiện các chính sách pháp luật về chế độ tử tuất một cách nghiêm túc và đồng bộ hơn; phải đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH nói chung, về chế độ tử tuất nói riêng, với nội dung và hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với tính đặc thù về dân trí, dân tộc, tôn giáo và các yếu tố vùng miền của các nhóm dân cư; chú trọng vai trò tuyên truyền miệng với vai trò, ảnh hưởng của các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư; phát huy hiệu quả tuyên truyền chính sách, pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua thực hiện các chuyên trang, chuyên mục, các tin, bài, phóng sự; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trên các trang tin điện tử, báo, tạp chí của ngành;
Thứ ba, công tác cải cách thủ tục hành chính cũng cần có những bước đột phá, các bộ phận nghiệp vụ phải thường xuyên rà soát các quy định của Ngành về hồ sơ và quy trình nghiệp vụ, có ý kiến về việc cắt giảm những thủ tục, biểu mẫu, các tiêu chí không cần thiết, rút ngắn quy trình thực hiện nghiệp vụ trong thực tiễn áp dụng và có phương án đề đạt lên cấp trên để vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý, vừa giảm thiểu chi phí, thời gian, đẩy nhanh tiến độ ứng dụng giao dịch điện tử trong thực hiện thủ tục hành chính về BHXH. Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ ứng dụng giao dịch điện tử là bước đi thực tế để giảm thời gian giao dịch của các doanh nghiệp với cơ quan BHXH.
Thứ tư, cần chú trọng đến vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý phải được coi là khâu đột phá, có ý nghĩa quyết định đến việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH. Trên cơ sở chủ trương tập trung đầu tư và phát triển mạnh hạ tầng về công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh cần có những hoạch định nhằm sử dụng một cách tích cực nguồn kinh phí cho công tác phát triển và ứng dụng công nghệ, trước mắt tập trung như: Rà soát, bổ sung các tiêu chí quản lý của từng người, từng đơn vị tham gia BHXH, BHYT, cấp mã định danh cho cá nhân và đơn vị, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung để quản lý, khai thác trong toàn hệ thống; Triển khai phần mềm quản lý tổng thể các hoạt động nghiệp vụ của ngành tại BHXH, thí điểm tại một số tỉnh sau đó triển khai tại tất cả các tỉnh. Việc đưa vào sử dụng phần mềm này sẽ đảm bảo hệ thống mạng liên thông từ Trung ương đến cấp huyện, các phần mềm được kết nối thống nhất, tập trung, tính bảo mật cao, thuận lợi trong công tác quản lý, kiểm tra, đối chiếu, tránh trùng lắp; Nâng cấp và phát triển mở rộng hạ tầng công nghệ thông tin (mạng máy tính, thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền, giải pháp an ninh mạng,...) để cung cấp môi trường vận hành cho phần mềm quản lý các hoạt động nghiệp vụ của ngành, hệ thống dịch vụ công trực tuyến BHXH và các dịch vụ CNTT
Thứ năm, con người là yếu tố quan trọng nhất trong một hệ thống, bởi vậy cần phải phát triển đội ngũ cán bộ, không chỉ là đội ngũ cán bộ trực tiếp thực thi công việc chuyên môn mà còn chú trọng đến công tác thanh tra BHXH, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ BHXH nói chung, cụ thể là nghiệp vụ về chế độ tử tuất nói riêng, chuyên nghiệp về phong cách phục vụ. Đồng thời phải đổi mới phương thức đánh giá, bổ nhiệm cán bộ quản lý bảo đảm minh bạch, khách quan; định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, viên chức ở cơ sở để chấn chỉnh kịp thời những sai sót nghiệp vụ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nội quy, quy chế của Ngành quy định về việc thực hiện chế độ tử tuất. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức công vụ để tạo đà chuyển đổi tác phong làm việc theo hướng chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Thứ sáu, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, trong đó có BHXH nằm trong tổng hòa các mối quan hệ làm nên hệ thống chính trị - xã hội của tỉnh, bởi vậy công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành là một vấn đề mang tính vĩ mô ảnh hưởng đến sự phát triển chung của tỉnh nói chung và của ngành BHXH nói riêng. Để hoàn thành các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, cùng với kỳ vọng của xã hội đối với sự nghiệp BHXH thì một mình ngành BHXH không thể thực hiện được mà đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Cơ quan BHXH phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương để tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Luật BHXH nói chung, chế độ tử tuất nói riêng, đặc biệt là ở các địa phương. BHXH các cấp cần chủ động tham mưu với các cấp ủy, chính quyền tăng cường chỉ đạo công tác về chế độ tử tuất trên địa bàn. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của
cơ quan BHXH, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHXH cũng như trong công tác tổ chức thực hiện như: cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến thành lập mới, giải thể, phá sản doanh nghiệp; thông tin về mã số thuế, tiền lương, cơ chế phối hợp thanh, kiểm tra; chế độ báo tình hình thực hiện pháp luật về chế độ tử tuất trên địa bàn.