Thực trạng quy định chế độ tử tuất trong loại hình bảo hiểm xã hộ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chế độ tử tuất trong luật bảo hiểm xã hội năm 2014 từ thực tiễn tỉnh nghệ an (Trang 51 - 55)

2.1. Thực trạng các quy định về chế độ tử tuất trong Luật Bảo hiểm xã hộ

2.1.2. Thực trạng quy định chế độ tử tuất trong loại hình bảo hiểm xã hộ

tự nguyện

Theo quy định của pháp luật về BHXH thì BHXH tự nguyện được thực hiện từ ngày 01/01/2016 và đối tượng áp dụng bao gồm những người là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đồng thời quy định có sự liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, cụ thể là: Người vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH được hưởng chế độ BHXH trên cơ sở tổng thời gian đã đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện và số năm đóng BHXH bắt buộc.

Để đảm bảo thực hiện nguyên tắc liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, chế độ tử tuất trong BHXH tự nguyện có nhiều điểm tương đồng với chính sách đối với chế độ tử tuất BHXH bắt buộc về đóng BHXH (tỷ lệ % đóng BHXH; mức thu nhập tối thiểu và tối đa làm căn cứ đóng BHXH; điều chỉnh mức thu nhập đã đóng BHXH); về hưởng BHXH (điều kiện về thân nhân được hưởng trợ cấp tuất, mức hưởng hưởng trợ cấp mai táng phí, mức hưởng trợ cấp tử tuất một lần đối với các thân nhân đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, người đang hưởng lương hưu chết; điều chỉnh tỉ lệ trượt giá căn cứ mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế;…). Tuy nhiên, do đặc điểm riêng của BHXH tự nguyện, nên giữa chế độ tử tuất trong BHXH tự nguyện và chế độ tử tuất BHXH bắt buộc có một số nội dung khác nhau về quy định của chính sách và thực hiện, cụ thể như sau:

2.1.2.1. Đối tượng và điều kiện hưởng chế độ tử tuất

Đối tượng hưởng chế độ tử tuất bao gồm người lao động trực tiếp tham gia BHXH, thân nhân của người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ tử tuất sau khi người tham gia chết.

Đối tượng là mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên (không thuộc diện đối tượng tham gia BHXH bắt buộc) đang tham gia BHXH tự nguyện khi chết đều được hưởng chế độ tử tuất. Như vậy, có thể thấy rằng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện không phải là người có quan hệ lao động (làm công, ăn lương) và không nhất thiết phải là người có khả năng lao động…khác biệt hoàn toàn với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Cũng vì lí do này mà hiện nay, BHXH tự nguyện quy định người tham gia chỉ đóng góp vào quỹ hưu trí, tử tuất để hưởng 2 chế độ BHXH là hưu trí và tử tuất mà không thực hiện chế độ ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN

Về điều kiện thân nhân của người lao động tham gia BHXH sau khi người lao động chết có sự giống nhau giữa chế độ tử tuất trong BHXH bắt buộc và chế độ tử tuất trong BHXH tự nguyện, bao gồm: con đẻ, con nuôi, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng của người tham gia BHXH hoặc thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Đồng thời, cũng giống như trong chế độ tử tuất BHXH bắt buộc, khi người tham gia BHXH tự nguyện chết mà không có thân nhân thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì pháp luật sẽ xem xét đến thân nhân thuộc hàng thừa kế thứ hai theo pháp luật dân sự nhằm đảm bảo quyền lợi chế độ cho gia đình người tham gia.

Về điều kiện hưởng chế độ tử tuất: trong chế độ tử tuất thuộc loại hình

BHXH tự nguyện bao gồm có hai chế độ hưởng là mai táng phí và chế độ tiền tuất một lần, mỗi chế độ hưởng có những yêu cầu về điều kiện đối với người tham gia BHXH và người thụ hưởng là thân nhân của người tham gia BHXH sau khi chết là khác nhau. Sau đây là cụ thể từng chế độ hưởng tử tuất trong loại hình BHXH tự nguyện:

2.1.2.2. Các chế độ hưởng trong chế độ tử tuất * Chế độ mai táng phí

Điều 80 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã quy định rất rõ ràng và có thể thấy được sự chặt chẽ trong quy định này, đó là thời gian tham gia BHXH được quy định theo tháng thay vì quy định theo năm như trước đây, rằng những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng: (1)

- Người lao động có thời gian đóng BHXH từ đủ 60 tháng trở lên; - Người đang hưởng lương hưu;

- Người lao động có thời gian đóng BHXH từ đủ 60 tháng trở lên, người đang hưởng lương hưu bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng.

Có thể thấy rằng, đối tượng đang hưởng lương hưu ở loại hình BHXH bắt buộc và loại hình BHXH tự nguyện trong mọi trường hợp khi chết thì người lo mai táng phí sẽ được hưởng trợ cấp mai táng. Nhưng điểm khác biệt lớn giữa loại hình BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc đối với đối tượng đang tham gia hoặc đang bảo lưu thời gian tham gia ở số tháng tối thiểu đóng BHXH để được hưởng trợ cấp mai táng. Nếu như đối tượng tham gia BHXH bắt buộc chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên là được hưởng trợ cấp mai táng, đối tượng vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mà có từ đủ 12 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì trợ cấp mai táng được thực hiện theo chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc (Điều 71) thì đối tượng tham gia BHXH tự nguyện lại cần phải đáp ứng điều kiện đóng BHXH từ đủ 60 tháng trở lên. Sự quá “chênh lệch” về điều kiện thời gian đóng BHXH khiến cho nhiều đối tượng đã có thời gian tham gia BHXH tự nguyện nhưng chưa đủ 60 tháng thì thân nhân của họ không được hưởng trợ cấp mai táng, gây

thiệt thòi cho đối tượng. Mức hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động tham gia BHXH chết.

* Chế độ trợ cấp tiền tuất một lần

Khác với loại hình BHXH bắt buộc, người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi chết thì thân nhân của họ không được quy định hưởng chế độ tuất hằng tháng mà chỉ được quy định hưởng chế độ tuất một lần, Luật BHXH đã quy định khá chặt chẽ, cụ thể như sau:

- Người lao động đang đóng BHXH, người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, người đang hưởng lương hưu khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần.

- Mức trợ cấp tiền tuất một lần đối với thân nhân của người lao động đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH được tính theo số năm đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH quy định tại Điều 79 Luật BHXH 2014 (về mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm) cho những năm đóng BHXH trước năm 2014; bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho các năm đóng BHXH cho các năm đóng từ năm 2014 trở đi.

- Trường hợp người lao động có thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức trợ cấp tuất một lần bằng số tiền đã đóng nhưng mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH; trường hợp người lao động có cả thời gian đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện thì mức hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH.

- Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; trường hợp chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu

Như vậy, có thể thấy cách tính mức hưởng trợ cấp tuất một lần giữa loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện là tương đồng với nhau nhằm đảm bảo phần nào sự công bằng giữa những người tham gia BHXH được hưởng chế độ tử tuất, khuyến khích những đối tượng không thuộc nhóm tham gia BHXH bắt buộc tham gia BHXH tự nguyện để bản thân và gia đình được bảo hiểm khi xảy ra rủi ro, hướng đến mục đích an sinh xã hội của chế độ này. Tuy nhiên, có sự khác nhau cơ bản về điều kiện được hưởng trợ cấp mai táng phí và trợ cấp tuất hàng tháng là điều nên chăng Luật BHXH cần xem xét lại nhằm kéo gần khoảng cách giữa những người tham gia BHXH và tạo nên một mặt bằng chung thống nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chế độ tử tuất trong luật bảo hiểm xã hội năm 2014 từ thực tiễn tỉnh nghệ an (Trang 51 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)