Giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hành chính

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của viện kiểm sát nhân dân trong giải quyết vụ án hành chính – từ thực tiễn thành phố hà nội (Trang 46 - 54)

2.1. Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong pháp luật Tố tụng

2.1.3. Giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hành chính

Xét xử sơ thẩm vụ án hành chính theo tài liệu Tổng quan về xét xử sơ thẩm vụ án hành chính của Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử được hiểu là:

Xét xử sơ thẩm vụ án hành chính là việc Tòa án đưa vụ án thuộc thẩm quyền ra xét xử công khai tại phiên tòa khi có đủ căn cứ do

pháp luật tố tụng quy định. Mục đích của xét xử sơ thẩm là xác định rõ bản chất vụ án trên cơ sở các chứng cứ để từ đó ra bản án, quyết định đúng pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức [14, tr. 6].

Xét xử sơ thẩm vụ án hành chính được coi là một giai đoạn có vị trí trung tâm trong quá trình tố tụng, đây là giai đoạn tố tụng tiếp sau giai đoạn chuẩn bị xét xử mà vụ án đó đã có quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm. Quyền và nghĩa vụ của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng gồm các bên đương sự được thực hiện công khai, đầy đủ nhất ở phiên tòa hành chính sơ thẩm. Xét xử sơ thẩm còn là cơ sở làm phát sinh các hoạt động tố tụng hành chính khác như: kháng cáo, kháng nghị, xét xử theo thủ tục phúc thẩm, giám độc thẩm, tái thẩm v.v…

Theo quy định tại khoản 1 điều 25 Luật TTHC 2015 thì Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật.

Về sự có mặt của Kiểm sát viên tại phiên Tòa sơ thẩm

Sự có mặt của Kiểm sát viên trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính với mục đích đảm bảo việc tuân theo pháp luật trong quá trình xét xử tại phiên tòa. Với vai trò được quy định tại điều 156 luật TTHC năm 2015 là Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên tòa, tuy nhiên trong trường hợp Kiểm sát viên được phân công vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử mà không phải ra quyết định hoãn phiên tòa. Đây là quyết định mới so với luật TTHC 2010, luật TTHC 2010 đã quy định nếu vắng mặt Viện kiểm sát thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa. Tác giải luận văn nhận định sự sửa đổi này là cần thiết bởi: để có thể kiểm sát chặt chẽ được công tác

giải quyết vụ án của Tòa án cùng cấp thì Kiểm sát viên được phân công buộc phải có tránh nhiệm chủ động tham gia vào từng quá trình giải quyết vụ án của Tòa án, nếu Kiểm sát viên vì bất cứ lý do gì mà không tham dự phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính thì Kiểm sát viên sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm sát giải quyết vụ án.

Và như vậy Kiểm sát viên đã tự bỏ qua vai trò kiểm sát của mình và một số quyền khác liên quan đến việc bảo vệ quyền con người. Đó là những quyền được thực hiện trực tiếp tại phiên tòa sơ thẩm như: quyền được hỏi tại phiên tòa (hỏi người bị kiện, hỏi người khởi kiện, hỏi người làm chứng …), quyền yêu cầu Hội đồng xét xử công bố băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình…[5, tr. 45]

Trong trường hợp Kiểm sát viên bị thay đổi tại phiên tòa hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa xét xử, nhưng có Kiểm sát viên dự khuyết nếu người này có mặt tại phiên tòa từ đầu thì được tham gia phiên tòa xét xử tiếp vụ án.

Về công tác kiểm sát hồ sơ vụ án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm

Theo thủ tục tố tụng giải quyết vụ án hành chính, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên sau khi được phân công kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục sơ thẩm phải tiến hành kiểm sát các quyết định, văn bản tố tụng liên quan đến vụ án hành chính do mình thụ lý nhằm đảm bảo các quyết định, văn bản tố tụng đó đủ căn cứ pháp luật. Kiểm sát viên có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ vụ án, nắm vững nội dung và các tình tiết của vụ án để dự thảo đề cương những nội dung cần làm sáng tỏ của vụ án và dự thảo bài phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính để đọc bài phát biểu tại phiên tòa. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được phân công nghiên cứu hồ sơ vụ án phải tiến hành lập hồ sơ kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, trích cứu đầy đủ nội dung có trong hồ sơ vụ án mà Tòa án cung

cấp, trung thực lời trình bày của đương sự, sao chép đầy đủ các tài liệu, chứng cứ do các đương sự cung cấp hoặc do Tòa án thu thập có trong hồ sơ vụ án, xem xét việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hành chính của Tòa án, việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng.

Việc hỏi đáp và tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính

Viện kiểm sát kiểm sát hoạt động xét xử với nhiệm vụ tham gia các phiên tòa giải quyết vụ án hành chính của Tòa án cùng cấp. Theo điều 152, Hội đồng xét xử ngoài việc hỏi và nghe trình bày, tranh luận trực tiếp về tình tiết vụ án của các bên thì còn phải nghe ý kiến Kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm. Kiểm sát viên phải theo sát phiên tòa xét xử sơ thẩm, xem biên bản phiên tòa để yêu cầu sửa đổi hoặc bổ sung vào biên bản phiên tòa theo điều 166 luật TTHC.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, theo điều 177, 185 luật TTHC, Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng hành chính của những chủ thể tham gia tố tụng có quyền nhận xét về kết quả giám định và có thể tham gia hỏi trong trường hợp Kiểm sát viên cảm thấy cần làm sáng tỏ sự thật khách quan liên quan đến nội dung của vụ án nếu Thẩm phán chưa đề cập đến. Nội dung hỏi cần tập trung vào các vấn đề còn mâu thuẫn, chưa thống nhất hoặc những tình tiết mới để làm rõ nội dung vụ án nhằm củng cố, hoàn chỉnh bài phát biểu quan điểm giải quyết của Viện kiểm sát có căn cứ, đúng pháp luật trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện tài liệu, chứng cứ, kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Trong quá trình xét xử, theo điều 182, Kiểm sát viên có quyền yêu cầu Hội đồng xét xử công bố các tài liệu của vụ án.

Kiểm sát viên bên cạnh việc phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng hành chính của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố

tụng thì còn được phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Đây là quyền vượt ra ngoài chức năng kiểm sát, do đó Kiểm sát viên có cơ hội trình bày ý kiến quan điểm của mình để bảo vệ các quyền con người của đương sự trong vụ án (Kiểm sát viên không có quyền này trong phiên tòa phúc thẩm). Ngoài ra, Kiểm sát viên còn có quyền nhận xét về kết luận giám định, được hỏi những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định tại phiên tòa sơ thẩm [5, tr. 45].

Trước khi kết thúc việc hỏi tại phiên tòa, theo điều 186, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có nghĩa vụ phải hỏi các bên đương sự và Viện kiểm sát, nếu không có ý kiến gì thì chủ tọa phiên tòa quyết định kết thúc việc hỏi đáp, nếu còn ý kiến thì Chủ tọa phiên tòa vẫn tiếp tục tiến hành việc hỏi đáp.

Phát biểu của Kiểm sát viên trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính

Căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã được cung cấp trong hồ sơ vụ án, diễn biến việc xét xử sơ thẩm tại phiên tòa, quá trình hỏi đáp đối với các đương sự và những người có liên quan đến vụ án, trước khi Hội đồng xét xử nghị án, Kiểm sát viên bổ sung thêm vào bản ý kiến của Viện kiểm sát đã được chuẩn bị từ trước, Kiểm sát viên tiến hành phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng hành chính, nội dung kể từ giai đoạn thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án, đồng thời phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về đường lối giải quyết vụ án hành chính của tòa án theo quy định tại Điều 190 – Luật TTHC năm 2015. Đối với luật TTHC 2010, tại điều 160 quy định Kiểm sát viên chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Còn tại điều 190 luật TTHC 2015 đã thêm quyền phát biểu í kiến về việc giải quyết vụ án. Đây là điểm mới của luật TTHC 2015.

Khi Chủ tọa phiên tòa tuyên án, Kiểm sát viên phải ghi chép lại những nhận định và các căn cứ pháp luật cũng như phần quyết định giải quyết vụ án của Hội đồng xét xử để có căn cứ đối chiếu với bản án do Tòa án gửi tới Viện kiểm sát để lập phiếu kiểm sát bản án, phục vụ cho công tác kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hành chính, làm cơ sở để đưa ra kháng nghị phúc thẩm trong trường hợp nếu xét thấy bản án hoặc quyết định sơ thẩm của Tòa án không đáp ứng yêu cầu về tính hợp pháp [17, tr. 157].

Ý kiến của Viện kiểm sát trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính là một trong số những căn cứ để hội đồng xét xử xem xét trong khi nghị án theo điều 191.

Việc kiểm sát các quyết định tố tụng khác

Đối với trường hợp hoãn phiên tòa, theo điều 163 luật TTHC, quyết định hoãn phiên tòa phải được thông báo và gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp. Cũng theo điều này, trường hợp Tòa án không thể mở lại phiên tòa đúng thời gian, địa điểm đã nêu trong quyết định hoãn thì Tòa án có trách nhiệm phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát và gửi thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính cho Viện kiểm sát.

Trong quá trình xét xử, nếu Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa vì một trong số các lý do khách quan đã quy định tại điều 187 thì việc tạm ngừng này phải ghi vào biên bản phiên tòa và không được tạm ngừng quá 30 ngày. Nếu hết thời gian này mà việc tạm ngừng chưa được giải quyết thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp. đây là quy định mới so với luật 2010.

Sau khi kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm, điều 196 quy định trong vòng 7 ngày kể từ ngày tuyên án, tòa án phải cấp, gửi bản án cho Viện kiểm sát cùng cấp để làm căn cứ kháng nghị. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết

thời hạn kháng nghị mà không có kháng nghị thì Tòa án gửi bản án có hiệu lực pháp luật cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Ví dụ 2: Vụ án hành chính sơ thẩm và vai trò của Kiểm sát viên trong việc giải quyết vụ án này: Bản án xét xử sơ thẩm vụ án hành chính số: 14/2018/HCST ngày 24/6/2018 về việc “Khiếu kiện quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng và quyết định giải quyết khiếu nại”, TAND thành phố Hà Nội.

Khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu hủy bỏ các Quyết định của Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm:

Người khởi kiện: Ông Đinh Văn Khoái, sinh năm 1940.

Địa chỉ: Xóm 4 Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Người đại diện theo ủy quyền: Bà Đinh Thị Chuyên, sinh năm 1980 (Theo Giấy ủy quyền ngày 15/11/2017).

Người bị kiện: Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, Hà Nội Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội

Người đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm là: Ông Nguyễn Ngọc Thuần – Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm. (Theo quyết định ủy quyền số 30/GUQ-UBND ngày 25/10/2017).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm: Ông Nguyễn Đình Bình – Phó trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Gia Lâm.

Nội dung vụ việc:

Năm 1956 bố mẹ ông là cụ Vũ Thị Ngoạn và cụ Đinh Văn Khoan nhận chuyển nhượng đất của cụ Kê người thôn Gia Lâm, xã Lệ Chi, diện tích chuyển nhượng là 500m2

.

Khoảng năm 1959, Nhà nước mở đường liên xã đi qua thửa đất trên của gia đình ông, con đường này chia cắt thửa đất trên thành 2 phần.

Đến năm 2015, UBND huyện Gia Lâm mở rộng con đường trên, tiếp tục thu hồi 152,3m2

tại thửa đất trên, vì phạm vi giải phóng mặt bằng lấy vào phần nhà ở của gia đình ông nên ông phải đập nhà cũ đi, xây nhà mới và xây tường bao quanh để xác lập ranh giới với phần đất đang cho các hộ đi nhờ. Khi ông đang xây tường bao thì UBND xã Lệ Chi đến lập biên bản xác định gia đình ông phạm 2 lỗi là: xây tường bao lấn chiếm đất công và không xin giấy phép. Ngày 14/07/2016 UBND xã Lệ Chi ban hành Quyết định số 133/QĐ-UBND về việc đình chỉ thi công cồng trình xây dựng.

Vì vậy, ông đã 2 lần làm đơn khiếu nại lên Chủ tịch UBND xã Lệ Chi. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đều bác đơn khiếu nại của gia đình ông.

Ngày 06/02/2017 ông làm Đơn khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu hủy bỏ Quyết định số 12064/QĐ-CT của Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm về việc giải quyết khiếu nại lần 2, Quyết định số 192/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại lần đầu và Quyết định số 133/QĐ-UBND về việc đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng. [11]

Theo bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính ngày 24/6/2018 về việc “Khiếu kiện quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng và quyết định giải quyết khiếu nại”, Viện KSND thành phố Hà Nội, Kiểm sát viên Viện KSND TP Hà Nội kiểm sát phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính với những nội dung như sau:

Kiểm sát viên Kiểm sát việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính:

* Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng xét xử: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính:

- Về quan hệ pháp luật tranh chấp:

Xác định quan hệ pháp luật tranh chấp về hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án căn cứ Khoản 2 điều 3, Khoản 1 điều 30 Luật TTHC 2015.

- Về thẩm quyền giải quyết: theo quy định tại khoản 4 điều 32 Luật TTHC 2015.

- Về thời hiệu khởi kiện:

Thời hiệu khởi kiện được xác định theo căn cứ quy định tại điểm a, khoản 2 điều 116 Luật TTHC 2015.

- Về xác định tư cách tham gia tố tụng:

TAND Thành phố Hà Nội đã xác định tư cách người tham gia tố tụng theo quy định tại khoản 9, khoản 10 điều 3 Luật TTHC 2015.

- Về thụ lý vụ án: Việc thụ lý và thông báo thụ lý được thực hiện theo quy định tại điều 125, 126 Luật TTHC 2015.

- Việc tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại:

Tòa án tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại theo quy định tại điều 136 đến 139 Luật TTHC.

- Về thời hạn chuẩn bị xét xử và thời hạn gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát:

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của viện kiểm sát nhân dân trong giải quyết vụ án hành chính – từ thực tiễn thành phố hà nội (Trang 46 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)