Giai đoạn khởi kiện, thụ lý vụ án hành chính

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của viện kiểm sát nhân dân trong giải quyết vụ án hành chính – từ thực tiễn thành phố hà nội (Trang 38 - 42)

2.1. Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong pháp luật Tố tụng

2.1.1. Giai đoạn khởi kiện, thụ lý vụ án hành chính

2.1.1.1. Giai đoạn khởi kiện vụ án hành chính

Theo giáo trình Luật TTHC Việt Nam – Đại học Luật Hà Nội định nghĩa: Khởi kiện vụ án hành chính là việc các nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật Tố tụng hành chính chính thức yêu cầu Tòa án thụ lý vụ án hành chính để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của họ hoặc của người mà họ đại diện bị xâm phạm bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỉ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri… [3, tr. 226].

Vậy, có thể nói "Khởi kiện vụ án hành chính là cơ sở cho việc giải quyết vụ án hành chính" [4, tr. 250]

Sau khi Tòa án nhận đơn và xem xét đơn khởi kiện sẽ xảy ra một trong bốn trường hợp sau:

- Sửa đổi bổ sung các tài liệu chứng cứ có liên quan theo yêu cầu của Tòa án để thụ lý vụ án hành chính.

- Nếu tài liệu, chứng cứ có liên quan đã đầy đủ theo đúng quy định của luật TTHC thì Tòa án tiến hành thụ lý đơn khởi kiện.

- Chuyển cho Tòa án có thẩm quyền nếu đơn khởi kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đã nhận đơn.

- Trả lại đơn khởi kiện.

Vai trò của Viện KSND được thể hiện ngay từ giai đoạn này. Trong giai đoạn nhận đơn, Viện KSND sẽ không can thiệp nếu như Tòa án nhận đơn giải quyết vụ án hành chính. Bởi lẽ nếu Tòa án nhận đơn thì đã đảm bảo được quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện vụ án hành chính theo điều 5 luật TTHC: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật này”. Chỉ trong trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện thì quyền của cá nhân được quy định tại điều 5 chưa được đảm bảo. Lúc này, Viện KSND sẽ can thiệp vào.

Ở giai đoạn này, sự can thiệp của Viện kiểm sát bắt đầu từ khi Tòa án ra quyết định trả lại đơn khởi kiện. Theo đó việc trả lại đơn khởi kiện được quy định tại điều 123 luật TTHC 2015, Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện phải có văn bản ghi rõ lý do trả lại đơn kèm theo văn bản trả lại đơn khởi kiện gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp để Viện kiểm sát nắm được và là cơ sở để kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện.

kiện của người khởi kiện. Viện Kiểm sát tham gia theo suốt trong quá trình Tòa án giải quyết kiến nghị của mình để chứng minh việc trả lại đơn là đúng hay sai. Qua đó, quyền khởi kiện của cá nhân, tổ chức được bảo vệ trong trường hợp có sai sót từ phía Tòa án. [5, tr. 44].

Nếu Viện kiểm sát có kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án thì theo điều 124 luật TTHC 2015 quy định trong vòng 07 ngày Viện kiểm sát có quyền ra kiến nghị với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện. Khi Viện KSND kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án thì Chánh án TAND cùng cấp phải xem xét lại việc này. Và nếu như thấy có đủ căn cứ để nhận đơn khởi kiện thì Tòa án phải tiến hành nhận đơn khởi kiện. Thông qua việc đó, Viện KSND đã bảo vệ quyền yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính đã được nêu ở điều 5 luật TTHC 2015.

Vì lẽ đó, cũng theo quy định tại điều luật này, trong vòng 5 ngày, sau khi Tòa án nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát cùng cấp về việc trả lại đơn khởi kiện thì Thẩm phán được phân công giải quyết đơn phải tổ chức phiên họp xem xét giải quyết khiếu nại, kiến nghị và có sự tham gia của Viện kiểm sát cùng cấp. Tuy nhiên sự có mặt của Viện kiểm sát trong phiên họp này là không bắt buộc, nếu Kiểm sát viên không tham gia thì phiên họp vẫn được diễn ra bình thường. Đây là quy định mới của luật TTHC 2015 so với luật TTHC 2010, việc mở phiên họp xem xét giải quyết khiếu nại kiến nghị góp phần đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hành chính của Tòa án được khách quan, triệt để hơn. Kết quả của phiên họp phải được lập thành văn bản và chuyển ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp đã ra kiến nghị.

Trong vòng 7 ngày sau khi nhận được quyết định trả lời khiếu nại, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị với chánh án Tòa án trên một cấp để giải quyết nếu xét thấy quyết định của Tòa án là không đúng pháp luật. Quyết định giải quyết kiến nghị của Chánh án Tòa án trên một cấp là quyết định cuối cùng và quyết định này phải gửi ngay cho Viện kiểm sát đã kiến nghị.

Việc can thiệp này bảo vệ lợi ích chính đáng của người khởi kiện. Người khởi kiện QĐHC, HVHC của cơ quan công quyền luôn là những người yếu thế hơn, vì vậy không tránh khỏi trường hợp đơn khởi kiện của người khởi kiện để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình bị Tòa án từ chối giải quyết. Việc Viện KSND can thiệp vào quyết định trả lại đơn khởi kiện của Tòa án nếu thấy việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án là không đúng luật đã góp phần giúp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người khởi kiện, những đối tượng yếu thế hơn trong quan hệ pháp luật hành chính. Thông qua việc can thiệp vào việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án, Viện KSND đã bảo vệ được quyền của người khởi kiện trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

2.1.1.2. Giai đoạn thụ lý vụ án hành chính

Thụ lý vụ án hành chính là căn cứ pháp lý quyết định việc phát sinh vụ án hành chính, là giai đoạn mở đầu cho toàn bộ quá trình giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án.

Thụ lý vụ án hành chính là việc “Tòa án chấp nhận giải quyết vụ án hành chính theo yêu cầu khởi kiện của cá nhân, tổ chức.” [4, tr. 261].

Trong giai đoạn thụ lý, nếu Tòa án thụ lý đơn khởi kiện thì Tòa án phải chuyển thông báo thụ lý sang Viện kiểm sát cùng cấp để Viện kiểm sát bắt đầu thực hiện chức năng kiểm sát tư pháp việc giải quyết vụ án hành chính và tiến hành lập hồ sơ kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính.

Ở giai đoạn này, vai trò kiểm sát hoạt động thụ lý vụ án hành chính của Viện kiểm sát, hoạt động của Kiểm sát viên được thể hiện khá rõ ràng qua các điều luật: điều 126 luật TTHC 2015 quy định “thông báo về việc thụ lý vụ án”. Sau khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý, Thẩm phán được phân công phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp để Viện kiểm sát cùng cấp thực hiện vai trò nhiệm vụ của mình trong giải quyết vụ án hành chính.

Sự phân công giải quyết vụ án hoặc có sự thay đổi nào về việc này thì Tòa án đều phải gửi quyết định sang Viện kiểm sát cùng cấp để Viện kiểm sát nắm bắt được.

Trong vòng 10 ngày ngay sau khi Viện kiểm sát nhận được thông báo thụ lý từ Tòa án cùng cấp, theo điều 128 luật TTHC, Viện trưởng hoặc Phó viện trưởng phụ trách ra quyết định phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, giải quyết vụ án hành chính sau đó thông báo và gửi quyết định phân công này ngay cho Tòa án cùng cấp thụ lý giải quyết vụ án hành chính. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, được phân công thực hiện vụ giải quyết vụ án hành chính phải vào sổ thụ lý, lập phiếu kiểm sát thông báo thụ lý theo những quy định của pháp luật. Giai đoạn này là giai đoạn bắt đầu cho việc Viện kiểm sát thực hiện vai trò kiểm sát hoạt động giải quyết vụ án hành chính.

Để kiểm sát việc thụ lý vụ án hành chính của Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được phân công phải căn cứ vào các điều 30 “Khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án”, Điều 31, 32 về thẩm quyền của Tòa án cấp huyện, cấp tỉnh - luật TTHC 2015 để xác định việc thụ lý của Tòa án có đúng thẩm quyền theo quy định của luật này hay không. Nếu phát hiện việc thụ lý của Tòa án sai thẩm quyền thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của viện kiểm sát nhân dân trong giải quyết vụ án hành chính – từ thực tiễn thành phố hà nội (Trang 38 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)