Giai đoạn đối thoại và chuẩn bị xét xử vụ án hành chính

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của viện kiểm sát nhân dân trong giải quyết vụ án hành chính – từ thực tiễn thành phố hà nội (Trang 42 - 46)

2.1. Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong pháp luật Tố tụng

2.1.2. Giai đoạn đối thoại và chuẩn bị xét xử vụ án hành chính

Giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án hành chính là giai đoạn tố tụng tiếp theo. Sau khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính và trước giai đoạn xét xử sơ thẩm. Đây là công việc của Tòa án trong việc xem xét đưa vụ án ra xét xử:

Giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án hành chính là giai đoạn tố tụng được bắt đầu từ sau khi có quyết định thụ lý vụ án hành chính và kết thúc khi Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hành chính đã chuẩn bi xong các tài liệu càn thiết cho việc mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hoặc ban hành các quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án hành chính, đình chỉ giải quyết vụ án hành chính [3, tr. 263].

Theo luật TTHC 2010 thì giai đoạn này chỉ là giai đoạn chuẩn bị xét xử, đến luật TTHC 2015 đã đưa thêm vào giai đoạn này phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và đối thoại.

Đây là một trình tự, thủ tục để Tòa án công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cho các đương sự; kiểm tra xem các đương sự có sửa đổi, bổ sung, thay thế, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu độc lập hay không; các đương sự có thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không, nếu không thống nhất được thì yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề gì; việc giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác; việc bổ sung tài liệu, chứng cứ; đề nghị Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ, triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa… [29].

Quy định mới này sau hơn 2 năm áp dụng vào thực tiễn đã giúp cho việc giải quyết vụ án hành chính cơ bản được rút ngắn thời gian, có nhiều vụ án người khởi kiện rút đơn khởi kiện sau đó Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án hành chính do người khởi kiện và đối tượng bị kiện đã thống nhất được phương hướng giải quyết ngay trong phiên họp mà không phải đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm

Ví dụ 1: Vụ án hành chính bị đình chỉ sau khi tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và đối thoại.

Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính số 18/2018/QĐHN-HC ngày 12/7/2018: Đình chỉ giải quyết vụ án hành chính thụ lý số: 17/2018/TLHN- HC, ngày 14 tháng 6 năm 2018.

Vào ngày 12 tháng 7 năm 2018 người khởi kiện là bà Trần Thị Thi đã có đơn xin rút lại toàn bộ yêu cầu khởi kiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 143 Luật tố tụng hành chính về “Khiếu kiện quyết định hành chính về

Người khởi kiện: Bà Trần Thị Thi. Địa chỉ: xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

Người bị kiện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh. TP Hà Nội Trong phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và đối thoại. Do đã nhận thức được về pháp luật, người khởi kiện là bà Thi đã chấp nhận phương án đền bù của UBND huyện Đông Anh đưa ra trong phiên họp đối với mảnh đất của bà tại huyện Đông Anh. UBND huyện đồng ý trả bà Thi 25,000,000đ/m2

đối với 25m2 đất thổ cư và 5,000,000/m2 đối với phần đất nông nghiệp 300m2

chưa chuyển đổi của bà Thi. [13]

Điều đáng lưu tâm là trong giai đoạn này, luật TTHC không quy định Viện kiểm sát là thành phần tham gia phiên họp đối thoại, chuẩn bị xét xử và cũng không được thông báo về việc tổ chức phiên họp này của Tòa án, cụ thể là điều 137 luật TTHC 2015 quy định thành phần phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại gồm có Thẩm phán chủ trì phiên họp; Thư ký phiên họp ghi biên bản; Đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có); Người phiên dịch (nếu có). Điều luật này không quy định Viện kiểm sát là thành phần tham gia phiên họp.

Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án không nắm được quá trình đối thoại, công khai chứng cứ giữa các bên đương sự như thế nào mà chỉ biết được một cách thụ động thông qua việc theo dõi trên hồ sơ vụ án. Điều này gây ra sự mâu thuẫn giữa luật tổ chức Viện KSND năm 2014 và luật TTHC 2015. Năm 2014, luật tổ chức Viện KSND quy định tại điều 27, theo khoản 4 có nhắc đến nhiệm vụ và quyền hạn của Viện KSND có việc tham gia phiên họp khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình,… Sự mâu thuẫn khập khiễng này gây ra khó khăn, lúng túng trong việc áp dụng pháp luật khi luật tổ chức Viện KSND có quy định

Viện kiểm sát tham gia các phiên họp của Tòa án nhằm phục vụ công tác kiểm sát giải quyết án hành chính trong khi luật TTHC không có quy định gì về sự có mặt của Kiểm sát viên trong giai đoạn này.

Việc thông báo về phiên họp theo điều 136 luật TTHC cũng không có quy định việc báo cho Viện KSND về tổ chức phiên họp chuẩn bị xét xử tại Tòa, thành phần tham gia phiên họp cũng không có sự tham gia của Viện KSND. Sau khi diễn ra phiên họp chuẩn bị xét xử, luật TTHC cũng không quy định Thẩm phán phải chuyển văn bản kết quả phiên họp sang cho Viện kiểm sát mà chỉ phải chuyển một trong số các quyết định xử lý kết quả đối thoại mà Thẩm phán sẽ ra sau đó được quy định tại điều 140 như: quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ, quyết định công nhận kết quả đối thoại thành.

Nếu sau khi kết thúc phiên họp công khai chứng cứ chuẩn bị xét xử mà Thẩm phán vẫn ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án hành chính thì theo điều 145, trong thời hạn 3 ngày làm việc, Thẩm phán phải gửi quyết định sang cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Để tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục xét xử sơ thẩm vụ án hành chính, Tòa án phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo điều 146 luật TTHC 2015, Sau khi Thẩm phán ra quyết định này phải gửi ngay cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp. Gửi kèm theo quyết định đưa vụ án ra xét xử là toàn bộ hồ sơ, tài liệu chứng cứ có liên quan đến vụ án theo điều 147 của luật này cho Viện kiểm sát cùng cấp để nghiên cứu. Việc chuyển hồ sơ vụ án hành chính cho Viện kiểm sát cùng cấp được thực hiện theo quy định tại điều 4 – Thông tư liên tịch số 3/2016/TTLT-VKSNDTC- TAND Tối cao ngày 31/8/2016 “Hướng dẫn thi hành một số quy định của luật TTHC và Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính”. Trong thời hạn 15 ngày sau khi nhận được hồ sơ vụ án từ Tòa án, Viện Kiểm sát phải trả lại hồ sơ cho Tòa án

Theo những phân tích đã nêu ở trên, Viện kiểm sát không phải là thành phần tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại theo quy định của Luật TTHC tuy nhiên, việc tổ chức phiên họp là thủ tục bắt buộc Tòa án phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, trừ vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn và vụ án khiếu nại về danh sách cử tri. Vì vậy, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên cần kiểm tra xem Tòa án đã mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại hay chưa; thành phần tham gia phiên họp và trình tự phiên họp, việc lập biên bản phiên họp có đúng, đầy đủ theo quy định tại các Điều 137, 138, 139 Luật tố tụng hành chính hay không. Nếu thấy Tòa án thực hiện không đúng quy định của Luật tố tụng hành chính, tùy từng trường hợp cụ thể, Kiểm sát viên làm văn bản yêu cầu Tòa án thực hiện hoặc tham mưu cho lãnh đạo Viện ban hành kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm. Trong thực tế tại một số địa phương thì ở giai đoạn này, Thẩm phán vẫn mời Kiểm sát viên tham gia phiên họp kiểm tra, giao nộp, đánh giá và công khai chứng cứ, tạo điều kiện thuận lợi cho Kiểm sát viên trong việc nghiên cứu vụ án, đánh giá chứng cứ. Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính.

Tóm lại, trong giai đoạn này, Viện kiểm sát chỉ thực hiện việc kiểm sát trên hồ sơ mà không kiểm sát trên thực tế. Điều này đã làm cho Viện kiểm sát thực hiện vai trò kiểm sát giải quyết vụ án hành chính một cách kém hiệu quả bởi đây là một giai đoạn tố tụng quan trọng, là căn cứ quyết định việc có đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm hay một trong các quyết định theo quy định của luật này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của viện kiểm sát nhân dân trong giải quyết vụ án hành chính – từ thực tiễn thành phố hà nội (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)