Nguồn: Bruner and Kumar (2005, trang 554) Mức độ vui vẻ cao hơn liên quan đến hệ thống dẫn đến thái độ thuận lợi hơn đối với việc sử dụng hệ thống và xu hướng mua sản phẩm cao hơn (ví dụ, Sheppard và cộng sự, 1988). Yếu tố hưởng thụ (hedonic factor) không phải là một phần trong nghiên cứu ban đầu về TAM nhưng cuối cùng đã được một số nhà nghiên cứu khám phá. Tại nơi làm việc, Davis và cộng sự (1992) kết luận rằng sự thích thú là một trong những cấu trúc chính mà qua đó các yếu tố khác ảnh hưởng đến ý định sử dụng mặc dù nó gần như không mạnh bằng tính hữu dụng. Trong bối cảnh của người tiêu dùng, Childers et al. (2001) nhận thấy rằng sự thích thú có tác động đáng kể đến thái độ của người mua sắm trên Internet trong khi Dabholkar và Bagozzi (2002) nhận thấy rằng Aact (hành động sử dụng hệ thống) hoàn toàn làm trung gian cho những tác động của niềm vui lên BI của người dùng đối với việc sử dụng dịch vụ tự phục vụ dựa trên công nghệ. Do đó, Bruner và Kumar cho rằng Aact sẽ làm trung gian cho mối quan hệ giữa niềm vui và BI trong bối cảnh người tiêu dùng thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Internet.
Niềm vui khi truy cập Internet và thực hiện một tác vụ cũng có thể thay đổi tùy theo thiết bị được sử dụng. Mặc dù thiết bị cầm tay có thể kém dễ sử dụng hơn máy tính để bàn, nhưng chúng có thể cung cấp động lực nội tại lớn hơn cho người tiêu dùng, vì tính mới và tính di động tương đối của thiết bị cầm tay sẽ dẫn đến yếu tố khám phá liên quan đến việc sử dụng chúng. Tất cả những yếu tố khác đều như nhau (ví dụ, liên quan đến sản phẩm, kiến thức, ...), động lực nội tại bổ sung này sẽ mang lại sự thích thú và
vui vẻ hơn trong tương lai gần cho người sử dụng so với một chiếc máy tính để bàn truyền thống (Davis & cộng sự, 1992).
2.2.4. Mô hình hệ thống thông tin thành công của Delone và Mclean
Mục đích của một website ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn cũng như phát triển các nội dung và tính năng trên trang. Vì vậy, bước đầu tiên trong quá trình phát triển website nên là xác định nhóm người dùng mục tiêu và những yêu cầu, năng lực và kỹ năng của họ (Semerádová & Weinlich, 2020). Bên cạnh đó, nhận thức của khách hàng về chất lượng website là sự đánh giá của người sử dụng về các tính năng trên trang có thể đáp ứng nhu cầu của người dùng (Aladwani & Palvia, 2002). Chính vì vậy, việc tìm hiểu và nghiên cứu yếu tố nào trên website có ảnh hưởng đến người sử dụng luôn là một chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm từ những năm 1990 (Semerádová & Weinlich, 2020).
Để đưa ra một cái nhìn rõ ràng và thống nhất về chất lượng website, nhóm tác giả áp dụng mô hình Hệ thống thông tin thành công của DeLone và McLean (2003) để đánh giá trực tiếp các thuộc tính của một website (Kuan & cộng sự, 2008). Hơn nữa, các tiêu chí được đề xuất bởi DeLone và McLean (1992, 2003) thu hút được nhiều sự chú ý hơn cả (tính đến thời điểm nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu này, số lượng trích dẫn mô hình của DeLone và McLean năm 1992 là hơn 14 nghìn bài, năm 2003 là hơn 13 nghìn).
Trong bài viết của Delone và McLean (1992) nghiên cứu về hệ thống thông tin thành công đã chỉ ra rằng có nhiều thước đo đánh giá sự thành công của hệ thống thông tin nhưng nhìn chung các thước đo này chưa có sự thống nhất. Một số nhà nghiên cứu Hệ thống thông tin (Information System - IS) đã chọn tập trung vào các đặc tính mong muốn của chính hệ thống thông tin tạo ra thông tin (Chất lượng hệ thống). Những nhà nghiên cứu khác lại chọn nghiên cứu sản phẩm thông tin để tìm các đặc điểm mong muốn như độ chính xác, ý nghĩa và tính kịp thời (Chất lượng thông tin). Ở mức độ ảnh hưởng, một số nhà nghiên cứu đã so sánh tương tác của sản phẩm thông tin với người nhận, người dùng và/hoặc người ra quyết định, bằng cách đo lường việc sử dụng hệ thống thông tin hoặc sự hài lòng của người dùng. Cũng có những nghiên cứu lại quan tâm đến ảnh hưởng của sản phẩm thông tin đối với các quyết định quản lý (Tác động của cá nhân). Cuối cùng, một số nhà nghiên cứu IS, những người thiết kế và thực hành IS, đã quan tâm đến mức độ hoàn hảo của sản phẩm thông tin đối với hoạt động của tổ chức (Tác động của tổ chức).
Thể hiện trong bài nghiên cứu, nhóm tác giả chỉ ra rằng sau khi thực hiện kiểm tra 180 tài liệu liên quan, thước đo về sự thành công của hệ thống thông tin được chia thành 6 thành phần chính gồm: Chất lượng hệ thống, chất lượng thông tin, việc sử dụng hệ thống thông tin, sự hài lòng của người dùng, tác động của cá nhân và tác động của tổ chức. Các danh mục/thành phần này có mối quan hệ với nhau, phụ thuộc lẫn nhau và tạo thành mô hình hệ thống thông tin thành công. Thông qua việc tìm hiểu mối quan hệ tương tác dọc theo các thành phần này của mô hình cũng như bản thân từng thành phần, nghiên cứu đã thể hiện một bức tranh sáng tỏ về những yếu tố tạo nên hệ thống thông tin thành công. So với các nghiên cứu đó, nghiên cứu của Delone và Mclean đã cung cấp một cái nhìn toàn diện hơn về sự thành công của hệ thống thông tin, cách tổ chức nghiên cứu dễ hiểu và mạch lạc hơn so với các cách thức tiếp cận trước đó. Đồng thời, nghiên cứu cũng đã giải thích được những kết quả mâu thuẫn của nhiều nghiên cứu về sự thành công của hệ thống thông tin trước đó bằng cách cung cấp các giải thích thay thế cho những phát hiện dường như không nhất quán này.