2.3. Thực tiễn giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại các doanh nghiệp
2.3.2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện nay có tổng cộng khoảng 223 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI). Các doanh nghiệp loại này thường đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, viễn thông … và kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, may mặc, giầy da là chủ yếu.
Mục đích chính của doanh nghiệp là lợi nhuận thu được, nhiều doanh nghiệp bất chấp mọi quy định, hạn chế tối đa các quyền lợi của NLĐ bằng kinh nghiệm có được của mình cộng với trình độ về quản lý cao hơn, chuyên nghiệp hơn hẳn các doanh Việt Nam. Doanh nghiệp FDI luôn biết cách khai thác triệt để sức lao động để làm sản sinh lợi nhuận, điển hình là trong loại hình doanh nghiệp này NLĐ luôn có một kiến thức, trình độ và tay nghề nhất định mà doanh nghiệp yêu cầu. NLĐ luôn phải làm việc cật lực và buộc phải cật lực vì chỉ như vậy mới tồn tại trong môi trường doanh nghiệp FDI. Do đó, NLĐ khó có khả năng gắn kết lâu dài với doanh nghiệp loại này vì khi cống hiến hết sức lực của mình, sau một thời gian, sức khỏe cũng như độ tinh nhậy của NLĐ giảm sút, xét thấy NLĐ không còn đủ khả năng cống hiến thì NSDLĐ doanh nghiệp FDI sẵn sàng sa thải để tuyển dụng người khác đáp ứng vào vị trí này. Dù chiến lược như vậy, nhưng hiện nay các doanh nghiệp FDI vẫn thu hút được rất nhiều NLĐ có trình độ và tay nghề cao vào làm việc vì khi làm việc ở môi trường này NLĐ luôn được hưởng mức lương, thưởng cao hơn và nhiều khi cao hơn hàng chục lần với cùng một vị trí so với doanh nghiệp trong nước. Thêm vào đó, khi làm việc trong các doanh nghiệp FDI, NLĐ ngoài tiền lương cao còn có điều kiện được học hỏi và đi du lịch trong và ngoài nước mà các doanh nghiệp trong nước không có hoặc nếu có cũng chỉ qua loa lấy lệ. Tuy nhiên, không phải khi nào và bất cứ công ty nào có vốn FDI thì có mức lương cao, cơ hội học hỏi và du lịch. Thông thường có điều kiện như vậy chỉ xảy ra với những công ty đòi hỏi công nghệ cao hoặc dịch vụ, du lịch và người chủ thường là các công ty có quốc tịch phương tây hoặc Nhật Bản… Còn đối với các doanh nghiệp FDI đầu tư vào các lĩnh vực như giầy da, may mặc, nuôi trồng thủy sản... thì ở những doanh nghiệp loại này, NLĐ thường là những người ít có học thức, đa phần xuất phát từ nông thôn với trình độ kiến thức, chuyên môn hạn hẹn nên lao động này thường là lao
động chân tay. Do kiến thức và trình độ như vậy cộng với ý thức kỷ luật kém nên trong doanh nghiệp loại này thường xảy ra TCLĐ, nhiều khi các tranh chấp nảy sinh một cách gay gắt. Tranh chấp chỉ được xử lý khi có sự can thiệp từ các cơ quan chức năng của nhà nước hoặc kết thúc khi có phán quyết của Tòa.
Việc tranh chấp xảy ra xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng qua tìm hiểu nghiên cứu thì đa phần việc tranh chấp phát sinh và khó hòa giải vì các nguyên nhân sau:
- Tỷ lệ tổ chức công đoàn cơ sở trong loại hình doanh nghiệp này chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 5%. Việc có tỷ lệ thấp như vậy là xuất phát từ nhu cầu của NSDLĐ. Trong doanh nghiệp có vốn FDI, NSDLĐ luôn có ý thức tự quản lý, tự điều hành nên không muốn có một tổ chức nào được hình thành trong công ty. Họ không muốn trả lương cho một người nào khi người đó không trực tiếp làm ra lợi nhuận cho họ. Ngoài ra, việc hình thành tổ chức công đoàn nhiều khi còn bị chính những NLĐ tại các công ty này tẩy chay vì thông thường khi chưa có tranh chấp NLĐ xem tổ chức công đoàn như những người ngồi không ăn lương, gây phiền phức cho người khác…
- Trong doanh nghiệp FDI thì đa phần các doanh nghiệp mà nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, giầy da, NSDLĐ luôn có phương hướng bắt NLĐ làm thêm giờ nhưng tiền công lại không được tính đúng theo tinh thần luật lao động. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn đề ra nhiều biện pháp để từ đó bắt buộc NLĐ phải cật lực lao động cho mình mà vẫn không được tăng lương, thưởng. Họ đề ra các biện pháp khắc khe như đi trễ, ốm đau, nghỉ ngơi… nếu bị vi phạm thì NLĐ ngay lập tức bị trừ lương, buộc tăng ca mà không được nhận lương v.v. Từ đó gây nhiều bức xúc cho NLĐ.
- Do trình độ và kỹ năng làm việc của NLĐ Việt Nam nói chung và NLĐ tại thành phố Đà Nẵng nói riêng còn nhiều hạn chế. Hầu hết NLĐ xuất
phát từ nông thôn nên tính cách và lề lối làm việc còn bộc trực, tự phát, nhiều khi vô kỷ luật.
- Trong quá trình đầu tư, hoạt động các doanh nghiệp FDI không đóng bảo hiểm nên khi có thiên tai hỏa hoạn mà không thể khắc phục được hay làm ăn thua lỗ, xét thấy nếu đầu tư lại còn tốn kém hơn làm mới nên các doanh nghiệp loại này thường hay bỏ trốn, để lại sau đó hậu quả là tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… không biết phải thanh toán, xử lý như thế nào dẫn đến tranh chấp hàng loạt.
- Do trình độ hiểu biết pháp luật của NLĐ còn kém và do pháp luật của ta còn chưa hoàn thiện, nhiều kẻ hở nên nhiều doanh nghiệp FDI luôn lợi dụng để trục lợi bằng cách không hoặc chậm nộp đầy đủ các khoản bảo hiểm cho NLĐ; chậm trả lương cho NLĐ…
Từ những nguyên nhân nêu trên, trong nhiều năm qua số vụ việc TCLĐ cá nhân trong loại hình doanh nghiệp này có chiều hướng ngày càng tăng. Cụ thể: năm 2010 có 10 vụ, năm 2011 có 27 vụ và năm 2012 tăng lên 36 vụ. Để giải quyết được các tranh chấp này, các doanh nghiệp FDI cùng với các cơ quan có chức năng trên địa bàn Đà Nẵng mà chủ lực là Liên đoàn lao động thành phố, Sở lao động thương binh và xã hội và Tòa án nhân dân các cấp đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp nói trên. Khi có tranh chấp xảy ra thông thường NSDLĐ và NLĐ có sự thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, do nhu cầu việc làm, tiền công chưa được thanh toán nên hầu hết các vụ việc chỉ được giải quyết khi có một sự nhượng bộ nhất định của NSDLĐ thì NLĐ mới chấp nhận. Tuy được giải quyết một cách nhanh chóng nhưng trong mối quan hệ này luôn tiềm ẩn tranh chấp. Vì khi tranh chấp xảy ra mà không được giải quyết triệt để, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên chưa được giải quyết cụ thể, nhất là quyền lợi của NLĐ chưa được NSDLĐ giải quyết thỏa đáng thì sớm hay muộn tranh chấp cũng sẽ tiếp
tục xảy ra.
Khi tranh chấp đã đến mức căng thẳng mà NSDLĐ và NLĐ không có hướng giải quyết (do nhiều doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn) thì liên đoàn lao động thành phố sẽ phải đứng ra làm trung gian hòa giải giải quyết tranh chấp. Trong nhiều trường hợp cũng đã gặt hái được một số thành công nhất định ví dụ như trong năm 2012 có đến 36 vụ tranh chấp nhưng chỉ có 7 vụ là phải ra Tòa.
Do tranh chấp hiện nay mới chỉ phát sinh trên cơ sở tiền lương, các khoản bảo hiểm, sa thải… sự phức tạp về vụ việc không nhiều nên quá trình xét xử đã được đảm bảo. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy hiệu lực, hiệu quả của các bản án chưa cao vì khi đến giai đoạn thi hành án thì những doanh nghiệp bỏ trốn mà không còn tài sản thì không lấy gì để thi hành. Ngoài ra thủ tục thi hành án dân sự còn nhiều vướng mắc bất cập nên để thi hành dứt điểm những vụ việc về lao động mất khá nhiều thời gian nhưng hiệu quả thấp.
Đối với doanh nghiệp FDI khả năng hòa giải thuyết phục các bên vẫn còn nhiều khó khăn vì sự bất đồng ngôn ngữ, văn hóa… Trình độ của HGVLĐ cũng là một vấn đề trong quá trình GQTCLĐ vì hiện nay đa phần cán bộ làm công tác HGVLĐ đều kiêm nhiệm, không có trình độ ngoại ngữ, kiến thức về văn hóa có hạn nên để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của các bên là điều cực kì khó. Việc hòa giải thường thông qua phiên dịch của NSDLĐ nhiều khi còn gây thiệt hại cho NLĐ.