Doanh nghiệp nhà nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tình hình thực hiện trên địa bàn thành phố đà nẵng 07 (Trang 59 - 61)

2.3. Thực tiễn giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại các doanh nghiệp

2.3.1. Doanh nghiệp nhà nước

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hiện nay doanh nghiệp nhà nước chiếm số lượng không nhiều, đa số là những tổng công ty nhà nước hoặc các công ty con của các tổng công ty nhà nước như Cienco 5, Vinashin, EVN… Còn các doanh nghiệp nhà nước của địa phương chỉ tập trung ở những ngành nghề trọng yếu, đặc thù như công ty môi trường, công ty cây xanh, công ty cấp nước, công ty xổ số … Từ những đặc thù đó dẫn đến NLĐ cũng có những điểm riêng biệt khác với NLĐ ở những doanh nghiệp khác. Đa phần lãnh đạo và các bộ phận chuyên môn đều là các công chức, viên chức nhà nước nên hợp đồng lao động có tính chất lâu dài không thời vụ. Chỉ một số những NLĐ có tính chất tay nghề đơn giản mới có hợp đồng ngắn hạn, thời vụ như một số công nhân vệ sinh, công nhân xây dựng… Việc hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ít đặt nặng vấn đề lợi nhuận hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác, nhiều ngành nghề kinh doanh còn vì mục đích xã hội. Xuất phát từ tính đặc thù đó nên trong hệ thống các doanh nghiệp nhà nước luôn có tổ chức

công đoàn làm đại diện cho NLĐ khi có TCLĐ xảy ra hoặc khi có đòi hỏi quyền lợi ích hợp pháp của NLĐ. Trong loại hình doanh nghiệp này việc nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, y tế ít xảy ra.

Việc TCLĐ cá nhân đối với loại hình doanh nghiệp này thường xảy ra đối với các doanh nghiệp nhà nước của trung ương đóng trên địa bàn địa phương mà tranh chấp vì nợ lương là chủ yếu, tuy nhiên, việc giải quyết tranh chấp này thường được giải quyết thông qua hòa giải. Điển hình từ năm 2010 đến nay trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra khoản 156 vụ TCLĐ do nợ lương, chậm lương, điều chuyển công tác không phù hợp dẫn đến NLĐ tự bỏ việc và chỉ một số vụ liên quan đến sa thải lao động. Nhưng khi xảy ra tranh chấp, đại diện công đoàn đã đứng ra dàn xếp, giải thích quyền và nghĩa vụ của các bên, từ đó các tranh chấp được giải quyết mà chưa có trường hợp nào phải đưa nhau ra Tòa để giải quyết. Điển hình như vụ công ty Vinashin đóng tại cảng Tiên Sa do làm ăn thua lỗ liên tiếp trong nhiều năm, sống phụ thuộc vào nguồn sữa mẹ từ Tổng công ty nên khi không có nguồn từ Tổng công ty, công ty đã không có tiền trả lương cho NLĐ dẫn đến TCLĐ xảy ra. Sau khi được hòa giải NLĐ đã không có hành vi khởi kiện ra Tòa mà hầu hết chấp nhận các phương án mà công đoàn, đại diện doanh nghiệp đưa ra. Ngoài ra còn có một số doanh nghiệp như Ngân hàng Viettinbank chi nhánh Đà Nẵng do làm ăn kém hiệu quả, chủ doanh nghiệp đã có sự điều chỉnh một cách không phù hợp bằng cách điều chuyển nhiều cán bộ làm công tác tín dụng xuống làm thủ kho hoặc đưa ra những chỉ tiêu mà NLĐ khó có thể hoàn thành trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, từ đó làm cho NLĐ cảm thấy chán nản nên tự bỏ việc hoặc xin nghỉ việc…

Trong những năm gần đây, kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhà nước thắt chặt quản lý vốn dẫn đến nhiều doanh nghiệp nhà nước phá sản như Vinashin. Tuy nhiên, số vụ việc TCLĐ ở các doanh nghiệp nhà nước ít xảy ra và có xảy

ra thì cũng được giải quyết nhẹ nhàng. Đó cũng là ưu điểm mà các loại hình doanh nghiệp khác không có. Sự thành công này xuất phát từ nhiều khía cạnh nhưng nhìn chung xuất phát từ một số nguyên nhân chính sau:

- Trong doanh nghiệp nhà nước đều có tổ chức công đoàn: đại diện công đoàn thường là những cán bộ ưu tú, có chức vụ quyền hạn trong doanh nghiệp nên họ có năng lực và uy tín để bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Khi có tranh chấp xảy ra thì những đại diện công đoàn này có đủ khả năng để thuyết phục các bên đi đến hòa giải thành công.

- Trong doanh nghiệp nhà nước các chế độ của NLĐ được thực hiện một cách đầy đủ vì các doanh nghiệp hoạt động không vì lợi ích cá nhân của một ai nên không bị gian lận, chèn ép… trong quá trình thực hiện. Ngoài ra trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, doanh nghiệp luôn phải chịu sự giám sát chặc chẽ từ các cơ quan ban ngành khác nên chế độ của NLĐ luôn bảo đảm.

- NLĐ trong doanh nghiệp này thường là công chức, viên chức nên khi doanh nghiệp có phá sản, giải thể thì NLĐ vẫn chưa hẳn đã bị mất việc làm… Thông thường trong trường hợp này NLĐ đã được sắp xếp bố trí nơi làm việc khác hoặc được nghỉ hưu trước thời hạn khi đủ điều kiện.

Từ những yếu tố trên cho thấy các TCLĐ nhất là TCLĐ cá nhân ít xảy ra ở doanh nghiệp nhà nước, nếu có xảy ra thì cũng được giải quyết ổn thỏa, thông qua hòa giải.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tình hình thực hiện trên địa bàn thành phố đà nẵng 07 (Trang 59 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)