Các bệnh hay gặp ở gà thịt

Một phần của tài liệu Thực hiện quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho đàn gà thịt (♂ri x ♀lương phượng) nuôi tại trung tâm khảo nghiệm và chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi trường đại học nông lâm thái nguyên (Trang 34 - 39)

PHẦN 2 TỔNG QUAN TÀI LIỆU

2.2. Cơ sở khoa học của chuyên đề

2.2.5. Các bệnh hay gặp ở gà thịt

Các bệnh ở gia cầm, đặc biệt là ở gà thường có thời gian ủ bệnh lâu nhưng thời gian phát bệnh nhanh, khiến người chăn nuôi khó nhận ra, vô tình để bệnh lây lan cho đàn và gây chết hàng loạt. Người chăn nuôi cần phải trang bị kiến thức cơ bản về các bệnh thường gặp để có thể sử dụng thuốc gia cầm kịp thời, giữ đàn luôn khỏe mạnh. Dưới đây là một số bệnh hay gặp ở gà:

* Bệnh cầu trùng

Nguyễn Thị Kim Lan và cs. (1990) [13] và nhiều tác giả khẳng định: Bệnh cầu trùng thường gây bệnh nặng ở gà con, gà lớn thường mang căn bệnh và là nguồn gieo truyền căn bệnh làm ô nhiễm môi trường. Vì vậy, biện pháp quan trọng là phòng bệnh cho gà con không bị nhiễm cầu trùng.

- Nguyên nhân: Chủ yếu do cầu trùng thuộc giống Eimeria gây ra gà từ 9 - 10 ngày tuổi bắt đầu mắc bệnh nhưng tỷ lệ nhiễm cao nhất là từ 15 đến 45 ngày tuổi. Gà bị nhiễm do nuốt phải noãn nang cầu trùng có trong thức ăn, nước uống. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng nhiều nhất là vào vụ xuân hè khi thời tiết thất thường, nóng ẩm. Kolapxki và Paskin (1980) [14] cho biết: Bệnh cầu trùng gà là một bệnh ở gà con từ 10 - 18 ngày tuổi (đôi khi bệnh cũng có ở gà 4 - 6 tháng tuổi). Trong điều kiện các cơ sở chăn nuôi gia cầm, gà 3 - 4 tuần tuổi nhạy cảm và nhiễm cầu trùng nặng nhất với tỷ lệ chết cao.

- Triệu chứng: Khi gà bị bệnh thường xuyên ủ rũ, ăn ít, uống nhiều nước, xù lông, cách xõa, chậm chạp, phân dính xung quanh hậu môn, phân loãng, sệt, có màu socola hoặc đen như bùn.

- Bệnh tích:

+ Cầu trùng ruột non: Ruột non căng phồng, xuất huyết, bề mặt ruột có những đốm trắng xám, bên trong có dịch nhầy màu hồng.

- Điều trị:

Diclasol Hi (Diclazuril): Liều dùng 0.2ml/10kg thể trọng uống liên tục trong 3 ngày

Vitamin K: Liều dùng 100g/ 150-200l nước dùng cho 800-1000kg TT/ ngày. Hạ sốt: Pha nước cho uống.

*Bệnh hen gà (hay còn được gọi là bệnh CRD)

- Nguyên nhân và phương thức truyền lây: Đây là một bệnh mãn tính,

do vi khuẩn Mycoplasma gây ra, có thể lây từ bố mẹ qua trứng. Theo Nguyễn Hữu Vũ, Nguyễn Đức Lưu (2001) [12] tác nhân gây bệnh CRD là

Mycoplasma gallisepticum, tỷ lệ nhiễm bệnh ở miền Bắc Việt Nam là 51,6%

ở gà thương phẩm, còn gà giống là 10%, tỷ lệ đẻ trứng giảm 20 - 30%.

- Triệu chứng: Bệnh dẫn đến các hệ lụy như viêm túi khí, viêm niêm

mạc xoang mũi và khó thở. Bệnh thường xuất hiện chủ yếu ở gà con trong giai đoạn từ 3 tuần đến 3 tháng tuổi (gà từ 2 – 12 tuần tuổi và gà sắp đẻ dễ bị nhiễm hơn các lứa tuổi khác), thường hay phát bệnh khi trời có mưa phùn, gió mùa, độ ẩm không khí cao.

khi mắc bệnh gà sẽ mang mầm bệnh này suốt đời. Mức độ phát bệnh nặng nhẹ phụ thuộc vào vệ sinh của chuồng trại, điều kiện khí hậu và sức đề kháng của gà. Bệnh có thể sớm nhận biết thông qua các triệu chứng như gà phải vươn cổ để thở, có tiếng rít khi thở, mắt sưng, chậm lớn và thường xuyên vẩy mỏ.

Nếu kết hợp với E. coli gây ra E. coli – CRD (C-CRD).

- Phòng bệnh: Thực hiện tốt quy trình vệ sinh thú y, chuồng thông thoáng, mật độ hợp lý, nhiệt độ thích hợp, chăm sóc và nuôi dưỡng tốt, cho uống thuốc để phòng bệnh.

- Điều trị: Doxycycline liều 25mg/kg thể trọng kết hợp với Bromhexine liều 50mg/kg thể trọng uống liên tục: 3 - 5 ngày.

*Bệnh Newcastle

- Nguyên nhân: Bệnh Newcastle - hay còn được gọi là bệnh gà rù, là một bệnh virus Paramyxo gây ra, xuất hiện ở hầu hết các loại gia cầm, từ gà công nghiệp đến gà nhà. Đây là bệnh truyền nhiễm có ngay cơ gây chết đàn cao, gia cầm ở mọi độ tuổi đều mẫn cảm với loại bệnh này.

- Triệu chứng: Khi mắc bệnh, gà sẽ có những biểu hiện như: + Kém ăn, bỏ ăn, lông xù, mào thâm.

+ Phân có màu xanh hoặc vàng. + Chảy nước mắt, nước mũi.

+ Diều càng phồng thức ăn, khi dốc ngược gà xuống dưới thấy có nước chảy ra.

- Biện pháp phòng trị bệnh:

+ Khi phát hiện đàn gà có dấu hiệu mắc bệnh, chủ đàn cần nhanh chóng cho uống hoặc chích vacxin toàn đàn, kể cả những con đã từng được làm vacxin trước đó.

+ Sau đó tiến hành vệ sinh khử trùng chuồng trại, máng ăn, máng uống, môi trường xung quanh.

+ Bổ sung các loại thuốc giúp cao nâng cao sức đề kháng như sung chất điện giải như ADE-BComplex-C, VITA C-10S, Electrolyte.

+ Sử dụng kháng sinh phổ rộng tránh nhiễm trùng kế phát.

+ Sau khi hết liệu trình sử dụng kháng sinh thì cho gà uống thuốc giải độc gan Novitech YL và giải độc thận Renal cleaner giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

* Bệnh mổ cắn nhau

Hiện tượng gà cắn mổ nhau là hiện tượng người chăn nuôi thường gặp khi chăn nuôi gà cả công nghiệp lẫn chăn nuôi bán công nghiệp, nhất là khi ngày nay diện tích chăn nuôi ngày càng thu hẹp chăn nuôi công nghiệp với mật độ cao nên hiện tượng gà cắn mổ nhau xảy ra thường xuyên hơn, người chăn nuôi cần phát hiện sớm để có biện pháp can thiệp kịp thời và khống chế ngay từ đầu nếu không sau đó rất khó kiểm soát và người nuôi phải trả giá đắt vì gà chậm lớn, tỷ lệ chết cao, phẩm chất thịt kém, mẫu mã gà xấu khó được thị trường chấp nhận. Hiện tượng này thường bắt đầu bằng việc mổ lông, mổ ngón chân, mổ mào, mổ đuôi và đặc biệt mổ hậu môn của nhau. Khi một con vật bị chảy máu, bị thương tích thì kích thích đồng loại tập trung vào việc mổ cắn vào vết thương và từ đây bùng nổ hiện tượng cắn mổ nhau ở cả đàn.

* Nguyên nhân: Có rất nhiều nguyên nhân bao gồm về các mặt di truyền, tập tính; do các yếu tố về môi trường và quản lý và do chăm sóc nuôi dưỡng. Rất khó xác định nguyên nhân nào là chủ yếu, sau đây là những nguyên nhân đã được tổng kết:

+ Mật độ đàn lớn: Hiện tượng cắn mổ nhau thường xảy ra ở đàn có mật độ lớn, thực tế đã cho thấy mật độ nuôi càng lớn tỷ lệ cắn mổ nhau càng nhiều, tỷ lệ nuôi hợp lý để đàn gà phát triển tốt từ 7 – 9 con/m2. Chuồng nuôi và không gian chuồng chật chội, hạn chế tập tính bới tìm và làm tổ gây hiện tượng cắn mổ nhau.

+ Quá nóng: Cắn mổ nhau cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ chuồng quá nóng. Thời tiết hay nhiệt độ chuồng nuôi quá nóng gà càng bức bối và trở lên hung dữ hơn vì vậy cần đảm bảo chuồng nuôi thông thoáng và nhiệt độ thích hợp cho gà sinh trưởng.

+ Quá sáng: Ánh sáng rất cần thiết trong chuồng nuôi tuy nhiên ánh sáng quá mạnh và kéo dài sẽ làm gà căng thẳng hơn, kích thích hiện tượng cắn mổ nhau.

+ Thức ăn và nước uống: Thiếu thức ăn và nước uống hay thiếu không gian của máng ăn và máng uống, trong tình trạng này gà phải đánh nhau để tranh giành thức ăn và nước uống, những con yếu dễ bị thương tích; máu và vết thương là yếu tố kích thích sự bùng nổ hiện tượng cắn mổ nhau ở cả đàn.

+ Khẩu phần mất cân bằng: Có thể giàu năng lượng, thấp xơ, có thể thiếu protein, mất cân đối axit amin và thiếu một số chất dinh dưỡng khác như vitamin, chất khoáng, các nguyên tố vi lượng.

+ Trộn lẫn gà có tuổi khác nhau hay có những đặc điểm ngoại hình khác nhau vào chung một đàn, những đặc điểm này kích thích “tính tò mò” của gà, dẫn đến gà mổ cắn nhau.

+ Trong đàn có những con gà què, bị tàn tật hay thương tích, những con gà này vừa là nạn nhân vừa là nhân tố kích thích sự mổ cắn nhau.

+ Gà có tính dữ: Tính hung dữ sẵn có của một số giống gà như gà chọi, gà trống trong độ sinh sản,… không cắt mỏ cho gà.

* Biện pháp phòng tránh:

+ Điều chỉnh mật độ chăn nuôi gà phù hợp, đảm bảo chuồng trại chăn nuôi gà phải thông thoáng, hạn chế ánh nắng trực tiếp chiếu vào trong trại gà quá lâu và trong những thời điểm nắng quá gay gắt, nhiệt độ ngoài trời nắng nóng.

+ Kiểm tra chất lượng thức ăn thường xuyên, đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho đàn gà, nhất là trong giai đoạn mọc lông của đàn gà, khi gà hậu bị đang thay lông và giai đoạn gà đẻ trứng cho năng suất cao.

+ Ngoài ra người chăn nuôi cũng cần cung cấp đầy đủ nước uống sạch sẽ cho đàn gà.

+ Gia cầm bị hấp dẫn bởi máu và vết thương, do vậy cần nhanh chóng loại bỏ khỏi đàn những con bị thương. Hàng rào của chuồng nuôi không được có các vật sắc nhọn làm rụng lông, rách da hay gây các thương tích khác.

+ Cắt mỏ là biện pháp phổ biến để ngăn ngừa hiện tượng cắn mổ nhau ở gà. Nên dùng dao nhiệt để tránh chảy máu hoặc dùng máy cắt tự động (máy có thể cắt 1.500 gà con/giờ, nhiệt độ lưỡi dao cắt 600-800 oC). Gà nuôi thịt cắt mỏ lúc 10 - 12 ngày tuổi, gà hậu bị trứng cắt lúc 7-8 tuần hay 12-16 tuần. Tránh tiêm phòng hay gây những stress khác 1 tuần trước và 2 tuần sau khi cắt mỏ.

*Điều trị tình trạng gà cắn mổ nhau:

Bước đầu tiên cách ly đàn gà nhanh chóng, những con gà cắn mổ nhau phải được cách ly ra khỏi đàn, sau đó sử dụng thuốc Xanh Methylen để bôi vào trên vết thương của con gà nhằm phòng tránh trường hợp con gà tiếp tục bị mổ, pha thêm Catosal cho gà uống với liều 1cc/2 lít nước, cho gà uống liên tục khoảng 3 ngày và chú ý làm chuồng trại thông thoáng hơn, điều chỉnh mật độ, nhiệt độ, ánh sáng; hạn chế những tác động khiến đàn gà bị xáo trộn.

Riêng những trang trại chăn nuôi nhỏ người chăn nuôi có thể sử dụng rau xanh được rửa thật sạch, bó lại thành từng bó treo quanh trang trại để gà ăn rau và không còn cắn mổ nhau nữa, bổ sung thêm khoáng vào khẩu phần ăn, trộn Lysine cùng với Methionine vào trong thức ăn của đàn gà, tăng hàm lượng đạm trong thức ăn lên, duy trì tới khi đàn gà ổn định là được (Website Kỹ thuật chăn nuôi gà hiệu quả [22]).

Một phần của tài liệu Thực hiện quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho đàn gà thịt (♂ri x ♀lương phượng) nuôi tại trung tâm khảo nghiệm và chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi trường đại học nông lâm thái nguyên (Trang 34 - 39)