Phần 4 Kết quả và thảo luận
4.2. Tình hình sử dụng và kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện
4.2.3. Thực trạng quản lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện
4.2.3.1. Hệ thống tổ chức các cơ quan quản l ý về chất lượng TACN
Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Sở nông nghiệp và PTNT là cơ quan chuyên môn thực hiện công tác quản lý chất lượng TĂCN trên địa bàn Thành phố, với chức năng được phân công thì hàng năm Sở thành lập từ 01 đến 02 đoàn kiểm tra liên ngành. Thành phần của đoàn kiểm tra bao gồm: Phòng chăn nuôi - Sở Nông nghiệp và PTNT; Phòng Thanh tra - Sở Nông nghiệp và PTNT; Chi cục quản lý thị trường; Công an; Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản.
Theo đó, đoàn kiểm tra của Sở phải thực hiện kiểm tra chất lượng TĂCN của các nhà máy hiện đang đăng ký sản xuất TĂCN trên địa bàn Thành phố. Ngoài ra, đoàn cũng tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng của các đại lý lớn hiện đang kinh doanh TĂCN trên địa bàn một số huyện. Theo kết quả kiểm tra năm 2015, đoàn kiểm tra đã kiểm tra được 74 công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi đã lấy 40 mẫu ( trong đó 6 mẫu đậm đặc, 34 mẫu thức ăn hỗn hợp) để phân tích các chỉ tiêu chất lượng và những chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, các chỉ tiêu kiểm tra, đánh giá chất lượng thức ăn chăn nuôi được quy định tại Phụ lục 19 của Thông tư 66/2011/TT-BNNPTNT của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều Nghị định số 08/2010/NĐ- CP ngày 05/02/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi. Kết quả phân tích cụ thể như sau:
+ Chỉ tiêu về chất lượng: Gồm các chỉ tiêu: độ ẩm, prôtein, nitơ phi prôtein, khoáng tổng số, xơ thô, Lysin, Methionine, Cystine, Threonin đều đạt so với chỉ tiêu công bố của các công ty ghi trên bao bì.
+ Chỉ tiêu Độ ẩm phân tích 40 mẫu cho kết quả đạt 100% so với công bố. + Chỉ tiêu kháng sinh: Gồm các loại: Tetracycline, Furazolidone, Tylosine, Cloramphenicol. Số mẫu phân tích 40 mẫu kết quả 4 loại kháng sinh không phát hiện.
+ Kết quả phân tích chỉ tiêu Vi sinh vật:Gồm các loại: Coliform tổng số và
E.coli: Số mẫu phân tích 40 kết quả 100% không phát hiện. + Kết quả phân tích chỉ tiêu độc tố nấm mốc:
Gồm 2 loại: Aflatoxin tổng số và Aflatoxin B1. Số mẫu phân tích 40 mẫu kết quả 100% số mẫu đều cho kết quả phù hợp với quy chuẩn cho phép.
+ Kết quả phân tích chỉ tiêu Hormone: Gồm 3 loại: Ractopamin, Clenbuterol, Salbutamol. Số mẫu phân tích 40 kết quả 100% âm tính.
+ Kết quả phân tích chỉ tiêu kim loại nặng: Gồm 4 loại: As, Pb, Cd, Hg. Số mẫu phân tích 40 mẫu kết quả 100% số mẫu đều cho kết quả phù hợp với Quy chuẩn cho phép. (báo cáo Sở NNPTNT Hà Nội, 2015).
Nhưng trên thực tế, đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố không thể thực hiện việc kiểm tra đồng bộ tất cả các đơn vị kinh doanh trên địa bàn các huyện.
Để tăng cường và chủ động trong công tác quản lý chất lượng vật tư, hàng hóa nông nghiệp, Sở NN&PTNT giao cho các huyện phải chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn có thẩm quyền để thực hiện việc kiểm soát chất lượng vật tư, hàng hóa nông nghiệp trong đó có TĂCN trên địa bàn được giao quản lý. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ mà các huyện mới được giao để thực hiện nên trong quá trình thực hiện đang gặp không ít khó khăn, cụ thể như: Trên địa bàn số lượng cơ sở sản xuất TĂCN lớn, cơ sở sản xuất TĂCN nhỏ nằm xen kẽ với khu dân cư, địa điểm sản xuất thay đổi thường xuyên, số cơ sở ngừng sản xuất, cơ sở mới thành lập hàng năm luôn biến động gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý.
- Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh TĂCN có văn phòng tại Hà Nội nhưng lại thuê gia công ở các tỉnh khác nên cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình quản lý.
- Cán bộ làm công tác quản lý thức ăn chăn nuôi số lượng ít, nhất là ở các Quận, Huyện, thị xã không có cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý thức ăn chăn nuôi, các quận, huyện, thị xã chưa quan tâm đến việc quản lý TĂCN. Cán bộ của đa số các huyện tham gia thanh kiểm tra chưa được đào tạo, tập huấn nên trong quá trình thực hiện thanh, kiểm tra chưa phổ biến được hết các yêu cầu của công tác quản lý đến các đại lý; công tác tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật cho các đại lý chưa được thực hiện thường xuyên nên đang còn xuất hiện tượng chống đối.
Nhìn chung, hệ thống tổ chức quản lý chất lượng TĂCN của huyện còn mỏng và thiếu, đa phần là kiêm nhiệm, kinh nghiệm thực tế trong quản lý TĂCN không có nhiều nên trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều bất cập.
4.2.3.2. Thực trạng quản lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện
* Khung pháp lý
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về chất lượng thức ăn đã và đang được bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện, một số luật và văn bản dưới luật liên quan đến chất lượng đã được xây dựng và sửa đổi như như Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (năm 2007), Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thật (2006) và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện, các Thông tư liên ngành về phân công trách nhiện quản lý nhà nước về chất lượng vật tư, hàng hóa nông nghiệp trong đó có thức ăn chăn nuôi.
Trên địa bàn huyện các cơ quan chuyên môn đã quan tâm đến vấn đề chất lượng, cụ thể như UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan và phối hợp với các ngành chức năng tham mưu thực hiện tốt việc quản lý chất lượng vật tư, nông nghiệp trong đó có thức ăn chăn nuôi. Đây chính là điều kiện pháp lý thuận lợi để cơ quan quản lý các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng nhằm làm giảm vật tư, nông nghiệp kém chất lượng tiêu thụ trên thị trường.
Nhìn chung, với hệ thống khung pháp lý đang ngày càng hoàn thiện sẽ tạo điều kiện để các cơ quan quản lý trên địa bàn huyện phát huy được vai trò thực hiện quản lý chất lượng vật tư, nông nghiệp nói chung và thức ăn chăn nuôi nói riêng. Tuy nhiên tại thời điểm hiện tại, công tác quản lý thức ăn chăn nuôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do các văn bản chưa đồng bộ, cụ thể như hệ thống công bố, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn cho thức ăn đang còn trong tiến trình xây dựng, các quy định về điều kiện sản xuất, điều kiện kinh doanh còn thiếu, nên các mặt hàng không được kiểm soát chất lượng vẫn còn bán khá nhiều trên thị trường; các văn bản quy định xử lý còn chưa đủ mạnh chưa đủ sức răn đe nên không ít các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh vẫn chấp nhận nộp phạt để lưu thông hàng hóa kém chất lượng. Từ đó, đã tạo ra không ít khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở trên địa bàn huyện.
* Hệ thống các cơ quan quản lý về chất lượng thức ăn chăn nuôi
- Ở Thành phố: Hiện nay, trên địa bàn thành phố Sở Nông nghiệp & PTNT là cơ quan chuyên môn thực hiện công tác quản lý chất lượng TĂCN trên địa bàn toàn thành phố,với chức năng được phân công thì hàng năm Sở thành lập
đoàn kiểm tra liên ngành thành phần của đoàn gồm: Phòng Chăn nuôi sở NN & PTNT, Thanh tra sở, Chi cục Quản lý thị trường ,Công an, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. Theo đó, đoàn kiểm tra của Sở phải thực hiện kiểm tra chất lượng TĂCN của các nhà máy đang sản xuất TĂCN trên địa bàn thành phố. Ngoài ra đoàn cũng tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng của các đại lý lớn hiện đang kinh doanh TĂCN trên địa bàn một số huyện.
- Ở huyện : Để là tốt hơn nữa trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn. UBND Huyện đã ban giao cho các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền để kiểm soát chất lượng TĂCN trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ mới nên việc tổ chức thực hiện gặp không ít khó khăn, cụ thể như cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ ít về số lượng lại chưa được tập huấn nên trong quá trình thực hiện thanh, kiểm tra chưa phổ biến hết được các yêu cầu của công tác quản lý đến các đại lý, công tác tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật cho các đại lý chưa được thực hiện thường xuyên. Việc kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi ở cấp huyện chủ yếu mới dừng lại ở các khâu như : đăng ký kinh doanh, thời hạn sử dụng của các loại thức ăn thông qua công bố trên bao bì nhãn mác, điều kiện kho tàng, niêm ít giá và các loại hóa đơn chứng minh đầu vào. Việc lấy mẫu để phân tích các chi tiêu chính của TĂCN chưa thực hiện được mà chủ yếu dựa vào kết quả kiểm tra của Sở.
Hệ thống tổ chức quản lý chất lượng TĂCN trên địa bàn thành phố nói chung và địa bàn huyện nói riêng còn rất mỏng và thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm nên kinh nghiệm thực tế trong quản lý TĂCN không có nhiều nên trong quá trình tổ chức thực hiện gặp rất nhiều khó khăn.
4.2.3.3. Định hướng và giải pháp quản lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện
TĂCN công nghiệp có vai trò quan trọng để phát triển chăn nuôi, định hướng phát triển chăn nuôi của huyện theo hướng hàng hoá là dựa trên phương thức áp dụng chăn nuôi công nghiệp tập trung, hạn chế việc chăn nuôi nhỏ lẻ. Để xây dựng được nền tảng chăn nuôi phát triển mạnh, có chiều sâu, một trong những quan điểm chủ đạo của huyện trong thời gian tới là phải đứng trên quan điểm bảo đảm chất lượng TĂCN công nghiệp được tiêu thụ trên địa bàn.
Xuất phát từ quan điểm trên, phát triển TĂCN của huyện phải hướng tới các vấn đề sau:
- Phát triển TĂCN công nghiệp trên cơ sở khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia tiêu thụ trên thị trường.
Để phát triển TĂCN bền vững và lâu dài với tốc độ vững chắc, cần có định hướng thích hợp về chính sách Nhà nước đối với công việc kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện. Đó là cải thiện những vấn đề còn yếu kém trong công tác quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn.
- Định hướng công tác đảm bảo chất lượng TĂCN trên địa bàn.
Qua thực tế điều tra, đánh giá chất lượng cho thấy, TĂCN đang tiêu thụ trên địa bàn huyện rất đa dạng, tuy nhiên chất lượng TĂCN nói chung trên thị trường đang còn tồn tại nhiều loại có chất lượng không đảm bảo theo công bố chất lượng. Các cơ quan quản lý của huyện cần tập trung tăng cường kiểm soát chất lượng các loại sản phẩm TĂCN tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và các đại lý trên địa bàn các huyện, đồng thời UBND huyện chỉ đạo các bộ phân chuyên môn của huyện chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền để kiểm soát chất lượng TĂCN trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, cần phải thường xuyên tuyên truyền để các hộ kinh doanh, người chăn nuôi hiểu được mức độ thiệt hại kinh tế khi tiêu thụ, sử dụng mặt hàng TĂCN kém chất lượng. Nhằm hướng đến việc chất lượng TĂCN cung cấp trên địa bàn huyện luôn đảm bảo chất lượng theo đúng công bố.
Giải pháp đảm bảo chất lượng TĂCN trên địa bàn
Từ định hướng phát triển TĂCN và thực trạng công tác quản lý chất lượng sản phẩm TĂCN trên địa bàn huyện. Để chất lượng TĂCN trên thị trường luôn đảm bảo chất lượng, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người chăn nuôi và nâng cao ý thức về chất lượng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Chúng tôi xin đề xuất các giải pháp cụ thể sau:
* Đối với cơ quan quản lý các cấp :
Cần phải thực hiện việc kiểm soát chất lượng hàng hoá TĂCN tiêu thụ trên thị trường thông qua việc kiểm tra các đại lý lấy mẫu phân tích chất lượng của các mặt hàng TĂCN hiện đang kinh doanh.
Cần phải thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo qui định pháp luật việc các đại lý kinh doanh TĂCN không đảm bảo chất lượng.
- Nâng cao năng lực, cơ sở vật chất, thiết bị và con người cho đơn vị kiểm nghiệm chất lượng TĂCN (tập trung đào tạo con người, bổ sung thiết bị để thay thế cho các thiết bị thường xuyên bị hư hỏng, các thiết bị mới để kiểm tra các chỉ tiêu khác có ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm) để phục vụ quản lý nhà nước có hiệu quả hơn.
- Thực hiện thông tin, tuyên truyền, tập huấn về chất lượng TĂCN cho cơ quan quản lý của xã, các đại lý kinh doanh, nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ trong nhận thức, tổ chức quản lý, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và thói quen tiêu dùng của người dân.
* Đối với các cơ sở kinh doanh:
- Bổ sung, nâng cấp kho tàng, dụng cụ bảo quản cần thiết theo quy định để duy trì chất lượng TĂCN trong quá trình kinh doanh.
- Thực hiện việc nhập hàng hoá TĂCN từ các cơ sở sản xuất có kèm theo công bố chất lượng sản phẩm và phiếu kết quả kiểm tra chất lượng trước khi xuất xưởng.