Phương pháp đánh giá chất lượng thức ăn chăn nuôi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tình hình quản lý chất lượng thức ăn dùng trong chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện gia lâm (Trang 37 - 39)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.3. Phương pháp đánh giá chất lượng thức ăn chăn nuôi

Trong xu thế phát triển chăn nuôi hiện đại, văn minh, khi đánh giá chất lượng thức ăn chăn nuôi thường xem xét chất lượng trên 3 khía cạnh, thân thiện với môi trường, an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng và tất nhiên phải đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng đồng thời an toàn đối với vật nuôi.

Có nhiều phương pháp để đánh giá chất lượng của một loại thức ăn. Mỗi phương pháp có những ưu, nhược điểm riêng. Vì vậy, để đánh giá chất lượng thức ăn một cách chính xác nhất, người ta thường áp dụng kết hợp các phương pháp với nhau.

2.3.1. Phương pháp thử cảm quan

Thử cảm quan là phương pháp dùng các giác quan (thị giác, khứu giác, vị giác, xúc giác…) của con người để kiểm tra nhanh chất lượng của thức ăn thông qua màu sắc, mùi, vị, độ nghiền, độ nhiễm mốc, mọt, tạp chất…

Một loại thức ăn được đánh giá là tốt phải có dạng đồng nhất màu sắc, mùi, vị đặc trưng, độ nghiền phù hợp, không bị ướt, vón cục, không bị mốc, mọt, lẫn tạp chất gây ảnh hưởng đến chất lượng của thức ăn.

Thức ăn kém phẩm chất là những loại thức ăn không đảm bảo các điều kiện trên. Thức ăn đã bị mất màu hay biến đổi màu sắc (xanh, vàng, nâu…) có thể do sự phát triển của độc tố nấm mốc hoặc do để quá lâu. Thức ăn có mùi lạ (ôi, chua, thối…) do bảo quản lâu ngày, quá trình oxy hóa xảy ra làm mất mùi đặc trưng. Các loại thức ăn này không những đã bị giảm chất lượng mà còn có khả năng gây hại tới vật nuôi, cụ thể làm mất tính ngon miệng, giảm khả năng sinh trưởng, phát triển, từ đó làm giảm năng suất của vật nuôi. Trường hợp vật nuôi, đặc biệt là gia cầm ăn phải thức ăn bị nhiễm mốc lâu ngày có thể gây ngộ độc dẫn đến chết.

Phương pháp thử cảm quan cho phép đánh giá nhanh chất lượng của thức ăn nhưng thiếu chính xác do kết quả không mang tính khách quan, phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của người đánh giá.

2.3.2. Phương pháp hóa học

Phương pháp sử dụng các hóa chất hoặc thiết bị máy móc để phân tích thành phần hóa học của các loại thức ăn như hàm lượng nước, protein thô, xơ thô, lipit thô, canxi, photpho, muối ăn, axit amin, độc tố…Thông qua đó, ta có thể đánh giá chất lượng thức ăn theo giá trị dinh dưỡng và chất lượng vệ sinh an toàn của thức ăn.

Các chỉ tiêu liên quan đến an toàn vệ sinh đối với thức ăn chăn nuôi cho lợn phải tuân thủ QCVN 01 - 12: 2009/BNNPTNT thức ăn chăn nuôi - hàm lượng kháng sinh, hóa dược, vi sinh vật và kim loại nặng tối đa cho phép trong thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn, được quy định tại Bảng 2 đến Bảng 8 của Quy chuẩn này.

Hiệp hội hạt ngũ cốc Hoa Kỳ (USGC) quy định các chỉ tiêu phân tích theo từng nhóm nguyên liệu như sau:

- Hạt ngũ cốc và phụ phẩm hạt: độ ẩm, protein thô, tro thô; - Bột cỏ: độ ẩm, protein thô, tro thô, xơ thô;

- Thức ăn bổ sung protein: độ ẩm, protein thô, nitơ phi protein.

Trong thực tế phương pháp này được áp dụng khá phổ biến. Ngày nay, với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật, nhiều máy móc hiện đại ra đời đã làm cho việc đánh giá chất lượng thức ăn nhanh, chính xác và có thể phân tích cả các thành phần quan trọng cũng như các nguyên tố vi lượng. Tuy nhiên, phương pháp hóa học có hạn chế là không phát hiện được chất dinh dưỡng đó có nguồn gốc từ đâu, từ thức ăn hay từ các tạp chất lẫn trong thức ăn. Do đó, để có kết quả chính xác, cần kết hợp với phương pháp thử cảm quan nói trên.

2.3.3. Phương pháp sinh học

Là phương pháp đánh giá chất lượng thức ăn trực tiếp trên cơ thể vật nuôi. Động vật thí nghiệm được chia làm hai lô: lô thí nghiệm và lô đối chứng. Lô thí nghiệm sử dụng thức ăn cần đánh giá chất lượng, lô đối chứng sử dụng thức ăn hiện có trên điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng ở hai lô là như nhau. Sau một thời gian nuôi nhất định, tiến hành khảo sát, so sánh năng suất, cũng như chất lượng sản phẩm của vật nuôi ở hai lô. Nếu lô thí nghiệm cho kết quả khảo sát tốt hơn lô đối chứng thì có thể kết luận, thức ăn đem thí nghiệm có kết quả tốt hơn so với thức ăn ở lô đối chứng, và ngược lại.

Phương pháp sinh học cho phép đánh giá chất lượng thức ăn một cách chính xác và tổng quát nhất. Chất lượng của thức ăn được phản ánh đầy đủ thông qua sức sản xuất của vật nuôi. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là cần thời gian dài, đầu tư công sức và vật chất khá lớn. Do đó, thường chỉ áp dụng để đánh giá chất lượng của một loại thức ăn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tình hình quản lý chất lượng thức ăn dùng trong chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện gia lâm (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)