6. Bố cục của luận văn
2.1. Không gian thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng
2.1.1. Các làng thờ Ngô Quyền
Dựa theo sắc phong của vua Tự Đức năm 1853 và năm 1880 ban cho 6 tổng ở huyện An Dương và 17 làng xã (thuộc 6 tổng trên) thờ Ngô Quyền, kết hợp với quá trình khảo cứu tại địa phương. Tác giả thống kê được hiện nay còn 28 làng xã thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng như sau:
Tổng Lương Xâm còn 5 làng xã còn thờ Ngô Quyền gồm: làng Lương Xâm, làng Hạ Lũng, làng Lũng Bắc, làng Lương Khê, làng Xâm Bồ.
Làng Lương Xâm hiện nay thuộc phường Nam Hải, quận Hải An. Lương Xâm được 9 làng miền Đông của quận Hải An tôn là làng chính thờ Ngô Quyền. Làng Lương Xâm hiện nay còn 2 công trình thờ Ngô Quyền là Từ Lương Xâm (Từ Cả) và đình Lương Xâm. Từ Lương Xâm được coi là Từ chính, là một trong ba từ linh thiêng của quận Hải An. Làng Lương Xâm tổ chức lễ hội từ 16 tháng giêng đến 18 tháng giêng âm lịch hàng năm, lễ hội ở Từ Lương Xâm có tục rước kiệu thánh của 9 làng xã thờ Ngô Vương đến Từ Lương Xâm. Đây là lễ hội thờ Ngô Quyền lớn nhất của quận Hải An và của cả thành phố Hải Phòng.
Làng Hạ Lũng hiện nay thuộc xã Đằng Hải, quận Hải An. Làng Hạ Lũng còn 2 công trình thờ Ngô Quyền là đình Hạ Lũng và miếu Hạ Lũng. Đình là nơi thờ vọng, chính điện thờ mũ, y phục, hậu cung là nơi thờ bài vị. Miếu là nơi thờ chính, trong hậu cung của miếu có tượng thờ Ngô Quyền. Dân làng suy tôn Ngô Quyền tại đình là Thành hoàng, tại miếu là Thánh. Làng Hạ Lũng tổ chức lễ hội thờ Ngô Vương từ ngày 16 đến ngày 18 tháng giêng âm lịch, lễ chính vào ngày 17 tháng giêng âm lịch hàng năm.
Làng Lũng Bắc hiện nay thuộc phường Đằng Hải, quận Hải An. Làng Lũng Bắc còn đình Lũng Bắc thờ Ngô Quyền. Đình Lũng Bắc có tượng thờ Ngô Quyền tại hậu cung của đình. Đình Lũng Bắc là ngôi đình cổ, trong khuôn viên đình có 2 cây Bàng cổ gần 300 năm tuổi. Làng Lũng Bắc tổ chức lễ hội thờ Ngô Vương vào ngày 17 tháng giêng âm lịch hàng năm.
Làng Lương Khê hiện nay thuộc phường Tràng Cát, quận Hải An. Làng Lương Khê còn 1 di tích thờ Ngô Quyền là đình Lương Khê tại tổ dân phố Lương
Khê 5, phường Tràng Cát. Làng Lương Khê thờ 2 vị Thành hoàng là Ngô Quyền được thờ ở Đình, Phạm Tử Nghi được thờ ở miếu. Đình Lương Khê có gian chính thờ Ngô Quyền và có gian thờ Mẫu mới được xây dựng bên phải gian thờ chính. Làng Lương Khê hàng năm tổ chức lễ hội từ ngày 16 đến ngày 18 tháng giêng âm lịch, trong lễ hội có tục rước kiệu đến Từ Lương Xâm, trong đó lễ vật dâng cúng gồm trầu cau, rượu, hoa quả, xôi thịt và lợn quay.
Làng Xâm Bồ hiện nay thuộc phường Nam Hải, quận Hải An. Làng Xâm Bồ có đình và miếu thờ Ngô Quyền và Phạm Tử Nghi trong đó Phạm Tử Nghi được thờ là Thành hoàng làng, Ngô Quyền được thờ là vua có vị trí quan trọng nhất. Tại đình Xâm Bồ, Ngô Quyền có tượng, được thờ trong hậu cung của đình, Phạm Tử Nghi chỉ có bài vị. Làng Xâm Bồ hiện vẫn giữ được truyền thống giao hiếu, dự lễ tế Ngô Vương với Từ Lương Xâm. Lễ hội làng Xâm Bồ được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 18 tháng giêng âm lịch hàng năm.
Tổng Trực Cát có 5 làng xã thờ Ngô Quyền và vẫn giữ nguyên cho đến hiện nay đó là các làng Trực Cát, làng Hào Khê, làng Đồng Xá, làng Cát Bi, làng Cát Khê
Làng Trực Cát hiện nay thuộc phường Tràng Cát, quận Hải An. Làng Trực Cát còn 2 công trình thờ Ngô Quyền là đền Trực Cát nằm trên đường Thành Tô (gần chùa Trực Cát), đền Trực Cát còn có tên là miếu Cát Linh vẫn giữ nguyên kiến trúc và họa tiết trang trí cổ. Đình Trực Cát nằm trên đường Cát Vũ, đình Trực Cát mới được xây dựng lại vào năm 2016. Làng Trực Cát thờ Ngô Quyền là Thành hoàng làng, tổ chức lễ giỗ kỵ vào ngày 16 tháng giêng âm lịch.
Làng Hào Khê hiện nay thuộc phường Kênh Dương, quận Lê Chân. Làng Hào Khê có đình Hào Khê nằm trên đường Hào Khê (phường Kênh Dương). Làng Hào Khê thờ Ngô Quyền là Thành hoàng làng, Ngô Quyền được phối thờ cùng Phạm Tử Nghi (ban đầu được thờ ở miếu, hiện nay đã chuyển Phạm Tử Nghi về thờ ở đình). Đình Hào Khê có tượng Ngô Quyền được thờ tại hậu cung của đình. Làng Hào Khê tổ chức lễ hóa kỵ Ngô Quyền vào ngày 16 tháng giêng âm lịch, tổ chức lễ chiến thắng Bạch Đằng vào ngày 15 tháng 8 âm lịch. Đình Hào Khê chỉ mở cửa vào mùng 1 và ngày rằm hàng tháng.
Làng Đồng Xá hiện nay còn miếu Đồng Xá nằm trên đường Thành Tô, phường Tràng Cát, quận Hải An (cách đền Trực Cát 1 kilomet). Miếu Đồng Xá là
một ngôi miếu nhỏ, chỉ mở cửa cúng lễ vào mùng 1 và ngày rằm hàng tháng và không có khách thập phương đến chiêm bái. Hiện nay, dân làng Đồng Xá không sống tập trung thành một làng như xưa mà tỏa đi các nơi vì vậy làng Đồng Xá không còn tổ chức lễ hội thờ Ngô Vương.
Làng Cát Bi hiện nay thuộc phường Tràng Cát, quận Hải An. Làng Cát Bi có đình Cát Bi nằm trên đường Tràng Cát, quận Hải An (đối diện chùa Quang Minh). Làng Cát Bi phối thờ Ngô Quyền cùng với Trần Hưng Đạo và Phạm Tử Nghi tại đình, trong đó chỉ Ngô Quyền có tượng thờ ở vị trí giữa trong cung cấm. Làng Cát Bi tổ chức lễ giỗ kỵ Ngô Vương vào ngày 17 tháng giêng âm lịch.
Làng Cát Khê hiện nay thuộc phường Tràng Cát, quận Hải An. Làng Cát Khê có đình Cát Khê thuộc tổ dân phố Cát Khê, đường Thành Tô (ngõ 228 đường Thành Tô). Làng Cát Khê thờ Phạm Tử Nghi là thần gốc của làng, Ngô Quyền là thần phụ trong đó Ngô Quyền được thờ vua, Phạm Tử Nghi được thờ là Thành hoàng làng. Trong hậu cung của đình Cát Khê có tượng thờ Ngô Quyền và Phạm Tử Nghi, tượng Ngô Quyền mặc áo vàng, có vị trí ngồi cao hơn so với tượng Phạm Tử Nghi mặc áo đỏ. Ngô Quyền tuy không phải là Thành hoàng làng nhưng vẫn được dân làng cúng lễ long trọng. Trong văn khấn tại đình Cát Khê thì Phạm Tử Nghi được khấn trước, Ngô Vương được khấn sau. Trong khuôn viên đình Cát Khê còn có miếu thờ bà chúa Nam Phương, hiện nay đã được nâng lên phủ chúa, thờ Tam phủ.
Tổng Trung Hành hiện nay còn 5 làng xã thờ Ngô Quyền là các làng Trung Hành, làng Lực Hành, làng An Khê (tên cũ là Tây Khê), làng Thư Trung, làng Kiều Sơn (tên cũ là Điều Sơn)
Làng Trung Hành hiện nay thuộc phường Đằng Lâm, quận Hải An, có đình và miếu thờ Ngô Vương. Đình và miếu Trung Hành nằm trên đường Trung Hành, phường Đằng Lâm. Làng Trung Hành thờ Ngô Vương là vua tại miếu, còn tại đình thì Ngô Vương được thờ là Thành hoàng làng. Lễ hội làng Trung Hành được tổ chức từ ngày 17 đến 18 tháng giêng âm lịch, trong lễ hội làng có tục rước kiệu thánh đến Từ Lương Xâm.
Làng Lực Hành hiện nay thuộc phường Đằng Lâm, quận Hải An. Làng Lực Hành có đình Lực Hành nằm trên ngõ 415 đường Ngô Gia Tự, phường Đằng Lâm.
Làng Lực Hành thờ Ngô Quyền là Thành hoàng làng duy nhất, tổ chức lễ hội từ ngày 10 đến 11 tháng giêng âm lịch. Đình Lực Hành chỉ mở cửa vào mùng 1 và ngày rằm hàng tháng
Làng An Khê hiện nay thuộc phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, có đình An Khê nằm trong ngõ 231 đường Văn Cao, phường Đằng Giang. Đình An Khê nằm trong khuôn viên của chùa Vạn Phúc. Quy mô đình An Khê không rộng lớn như các đình thờ Ngô Quyền khác trong vùng. Làng An Khê thờ Ngô Quyền là Thành hoàng làng duy nhất, tổ chức lễ hội vào ngày 12 đến 13 tháng giêng âm lịch. Lễ hội làng An Khê có sự kết hợp, giao lưu với các làng khác trong khu vực (Lực Hành, Kiều Sơn)
Làng Thư Trung hiện nay thuộc phường Đằng Lâm, quận Hải An. Làng Thư Trung có 2 công trình tôn giáo, tín ngưỡng là nhà thờ Thư Trung và đình Thư Trung. Làng Thư Trung thờ Ngô Quyền là thần Thành hoàng duy nhất tại đình làng, đình Thư Trung có khuôn viên rộng lớn và mới được trùng tu, xây dựng lại, đình chỉ mở cửa vào mùng 1 và ngày rằm hàng tháng. Làng Thư Trung tổ chức lễ hội vào ngày 14 đến 15 tháng giêng âm lịch
Làng Kiều Sơn (tên cũ là Điều Sơn) hiện nay thuộc phường Đằng Lâm, quận Hải An. Làng Kiều Sơn có 3 công trình tôn giáo, tín ngưỡng là chùa Kiều Sơn, nhà thờ Kiều Sơn và đình Kiều Sơn. Đình Kiều Sơn nằm trên đường Kiều Sơn, phường Đằng Lâm. Đình Kiều Sơn hiện nay đã được xây dựng lại mới hoàn toàn trên nền đất của đình Kiều Sơn cũ. Làng Kiều Sơn thờ là Ngô Quyền là thành hoàng làng duy nhất tại đình làng, tổ chức lễ hội vào ngày 16 đến 17 tháng giêng âm lịch. Đình Kiều Sơn chỉ mở cửa vào mùng 1 và ngày rằm hàng tháng.
Tổng Đông Khê hiện nay còn 5 làng xã thờ Ngô Quyền là các làng Đông Khê, làng Dư Hàng, làng Hàng Kênh, làng Phụng Pháp, làng Nam Pháp.
Làng Đông Khê hiện nay thuộc phường Đông Khê, quận Ngô Quyền. Làng Đông Khê có đình Đông Khê nằm trên đường Đông Khê, phường Đông Khê. Làng Đông Khê thờ Ngô Quyền là vua, có tượng thờ trong hậu cung của đình, thờ ông Trần Công Tự là Thành hoàng làng. Hàng năm làng Đông Khê tổ chức lễ hội làng vào ngày hóa kỵ của Ngô Vương và Thành hoàng làng nhưng chỉ có lễ hội của Ngô
Vương là được tổ chức có quy mô lớn hơn. Lễ hội làng Đông Khê được tổ chức từ ngày 13 đến 15 tháng giêng âm lịch
Làng Dư Hàng xưa thuộc làng Hàng Kênh, tổng Đông Khê nhưng đến thế kỉ XVI đã tách ra thành một làng mới có tên là làng Dư Hàng Kênh (gọi tắt là làng Dư Hàng). Làng Dư Hàng hiện nay thuộc phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, có đình Dư Hàng nằm trên đường Chùa Hàng. Làng Dư Hàng thờ Ngô Quyền là thần Thành hoàng chính của làng, Ngô Vương có tượng thờ bên trong hậu cung của đình. Ngoài ra làng Dư Hàng còn phối thờ Vũ Chí Thắng nhưng chỉ là thờ vọng, không có tượng hay bài vị trong đình. Trong khuôn viên đình Dư Hàng bên cạnh gian chính thờ Ngô Vương còn có gian nhỏ hơn bên trái của đình thờ Tam phủ. Đình Dư Hàng mở cửa đón khách chiêm bái quanh năm. Làng Dư Hàng tổ chức lễ hội thờ Ngô Vương vào ngày 16 đến 18 tháng giêng âm lịch, trong lễ hội có tục rước kiệu thánh qua miếu Hai Xã (là miếu cổ của làng Hàng Kênh và làng Dư Hàng) và rước vọng Vũ Chí Thắng ở Từ Vũ.
Làng Hàng Kênh hiện nay thuộc phường Hàng Kênh, quận Lê Chân. Làng Hàng Kênh có đình Hàng Kênh thờ Ngô Quyền và miếu Hai Xã (là miếu chung của làng Hàng Kênh và làng Dư Hàng). Đình Hàng Kênh là một ngôi đình cổ, vẫn giữ nguyên kiến trúc và hiện trạng từ xưa và được coi là ngôi cổ lớn và đẹp nhất thành phố Hải Phòng, đình Hàng Kênh hiện nay thuộc sự quản lý của bảo tàng thành phố Hải Phòng. Đình Hàng Kênh thờ Ngô Quyền là Thành hoàng làng, có tượng thờ ở gian giữa chính điện, bên trái thờ Tam tòa thánh Mẫu, bên phải thờ Nam Tào, Bắc Đẩu. Trong khuôn viên của đình còn có một gian thờ 5 vị trạng nguyên là Khổng Tử, Chu Văn An, Lê Ích Mặc, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trần Tất Văn. Lễ hội đình làng Hàng Kênh hiện nay không còn nữa, Vào các ngày lễ giỗ và ngày sinh của Ngô Vương chỉ thực hiện cúng tế đơn giản. Đình Hàng Kênh mở cửa đón du khách quanh năm.
Làng Phụng Pháp hiện nay thuộc phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền. Làng Phụng Pháp còn đình Phụng Pháp (tên khác là đình xóm Trung) ở ngõ 193 đường Văn Cao, phường Đằng Giang. Ngô Quyền được thờ là Thành hoàng của làng Phụng Pháp, có tượng thờ ở gian giữa chính điện, trong hậu cung của đình.
Làng Phụng Pháp tổ chức lễ hội làng vào ngày 16 tháng giêng âm lịch. Trong khuôn viên đình Phụng Pháp còn có gian thờ bà Tân Nàng, hiện nay đã được nâng lên thành ban thờ Tam Phủ.
Làng Nam Pháp là một làng mới thành lập đầu thế kỷ XX, làng có nguồn gốc từ làng Phụng Pháp, hiện nay làng thuộc phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền. Làng Nam Pháp còn giữ được đình Nam Pháp thờ Ngô Quyền tại ngõ 281 đường Lạch Tray. Đình Nam Pháp là ngôi đình mới được xây dựng lại trên nền đất của đình Nam Pháp xưa. Làng Nam Pháp thờ Ngô Quyền là Thành hoàng làng, tổ chức lễ hội vào ngày 15 tháng giêng âm lịch hàng năm. Bên cạnh đó, làng Nam Pháp còn thờ vua cha Bát Hải, Đức Trần Triều, công đồng Tứ phủ trong khuôn viên của đình.
Tổng Hạ Đoạn còn 5 làng xã thờ Ngô Quyền là làng Hạ Đoạn, làng Thượng Đoạn, làng Đoạn Xá, làng Phương Lưu (tên cũ là Vĩnh Lưu) và làng Bình Kiều.
Làng Hạ Đoạn hiện nay thuộc phường Đông Hải 1, quận Hải An. Làng Hạ Đoạn còn miếu Hạ Đoạn nằm trên đường Đông Hải. Làng Hạ Đoạn phối thờ Ngô Quyền cùng Phạm Tử Nghi, Đoàn Thượng, Tây Quân và Quốc Mẫu trong đó chỉ Ngô Vương là có tượng thờ trong hậu cung của đình, các vị thần còn lại chỉ có bài vị được thờ ở gian ngoài. Lễ hội làng Hạ Đoạn được tổ chức từ ngày 16 đến 18 tháng giêng âm lịch, lễ hội làng hiện nay vẫn giữ được tục hợp tế tam dân với làng Lương Xâm và làng Xâm Bồ.
Làng Thượng Đoạn và làng Đoạn Xá hiện nay thuộc phường Đông Hải, quận Hải An, hai làng có chung miếu Thượng Đoạn Xá (còn gọi là miếu liên xã) thờ Ngô Quyền. Miếu Thượng Đoạn Xá ở số 259 đường Phủ Thượng Đoạn, phường Đông Hải, miếu có quy mô nhỏ, mới được xây dựng lại, Ngô Vương được thờ là thần Thành hoàng tại miếu. Lễ hội miếu Thượng Đoạn Xá được tổ chức từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 3 âm lịch. Miếu Thượng Đoạn Xá chỉ mở cửa vào mùng 1 và ngày rằm hàng tháng.
Làng Phương Lưu hiện nay thuộc phường Đông Hải, quận Hải An. Làng Phương Lưu còn 2 công trình thờ Ngô Quyền là đình Phương Lưu nằm trên đường
Phương Lưu, phường Đông Hải và miếu Phương Lưu nằm trên đường Bùi Thị Từ Nhiên, phường Đông Hải. Làng Phương Lưu phối thờ Ngô Quyền và Phạm Tử Nghi nhưng chỉ Ngô Quyền có tượng thờ ở cả đình và miếu, Phạm Tử Nghi chỉ có tượng thờ ở miếu. Trong hậu cung của miếu thì tượng thờ của Ngô Quyền và Phạm Tử Nghi có vị trí ngang hàng nhau, tượng Ngô Quyền bên trái, tượng Phạm Tử Nghi bên phải. Làng Phương Lưu tổ chức lễ hội thờ Ngô Vương vào ngày 16 đến 17 tháng giêng âm lịch, đây là lễ hội lớn nhất trong năm của làng. Ngày 14 tháng 9 âm lịch, làng làm lễ giỗ Phạm Tử Nghi nhưng không mở hội, chỉ cúng lễ đơn giản.
Làng Bình Kiều hiện nay thuộc phường Đông Hải, quận Hải An. Làng Bình Kiều có đình Bình Kiều thờ Ngô Quyền và Ngô Xương Ngập. Đình Bình Kiều là ngôi đình mới được xây dựng lại năm 2017 trên nền đất của trạm xá Bình Kiều. Trước đó làng Bình Kiều thờ Ngô Vương trong chùa Bình Kiều, đến nay đã tách ra thành hai công trình thờ riêng biệt. Ngô Vương được thờ là thần Thành hoàng của làng Bình Kiều, và có tượng thờ trong hậu cung của đình. Lễ hội làng Bình Kiều được tổ chức từ ngày 16 đến 17 tháng giêng âm lịch.
Tổng Gia Viên hiện nay còn 3 làng xã thờ Ngô Quyền là làng Gia Viên, làng Lạc Viên, làng An Trì
Làng Gia Viên hiện nay thuộc phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền. Vị trí của làng Gia Viên xưa ở khu vực ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng hiện nay. Do quá trình xây dựng thành phố Hải Phòng của thực dân Pháp, làng Gia Viên đã 3 lần