6. Bố cục của luận văn
2.1. Không gian thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng
2.1.3. Sự thu hẹp tín ngưỡng thờ Ngô Quyền
Bên cạnh hiện tượng tín ngưỡng thờ Ngô Quyền được mở rộng ở Hải Phòng thì có sự thu hẹp lại do nhiều nguyên nhân, tác giả tổng hợp và chia làm hai nguyên nhân chính, là sự biến mất của công trình thờ tự hoặc sự biến mất của vị thần được thờ.
Trường hợp không còn công trình thờ là không đảm bảo điều kiện thứ nhất của hoạt động thờ, khi không còn công trình thờ dẫn đến không có vị trí cho đối tượng được thờ và người dân không tiến hành được các phương thức thờ. Đó là các làng xã: Xâm Đồng, Đông An, Vạn Mỹ, Định Vũ
Làng Đông An xưa thuộc tổng Trung Hành, hiện nay thuộc phường Cát Bi, quận Ngô Quyền. Làng Đông An xưa có đình Đông An thờ Ngô Vương, làng từng được các triều đại phong kiến ban 6 đạo sắc phong cho việc thờ Ngô Vương nhưng đình Đông An đã bị mất trong kháng chiến chống Mỹ và chưa khôi phục lại nên làng Đông An không còn thờ Ngô Quyền.
Làng Xâm Đồng (hoặc Xâm Đông, tên cũ là Thâm Đông) thuộc tổng Lương
Xâm. Theo Thư mục thần tích, thần sắc, làng Xâm Đồng xưa từng thờ Ngô Quyền
[47, tr.667]. Hiện nay làng Xâm Đồng và các công trình thờ tự của làng không còn nữa. Trong quá trình khảo cứu tại địa phương, tác giả không tiếp cận được lớp cư dân gốc của làng Xâm Đồng để xác định nguyên nhân của việc mất công trình thờ vì vậy làng Xâm Đông không còn là làng thờ Ngô Vương.
Làng Vạn Mỹ xưa thuộc tổng Hạ Đoạn, hiện nay thuộc phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền. Làng Vạn Mỹ xưa từng thờ Ngô Quyền nhưng đến nay không còn thờ nữa do đình làng đã bị phá trong chiến tranh. Dân làng Vạn Mỹ hiện nay chưa khôi phục lại đình làng và việc thờ phụng Ngô Vương nên làng Vạn Mỹ không còn là làng thờ Ngô Quyền.
Làng Định Vũ (hoặc Đình Vũ) thuộc tổng Hạ Đoạn, hiện nay làng Định Vũ gốc không còn:
“Làng Định Vũ xưa thờ Ngô Quyền, sau trận lũ năm 1955, đê bị vỡ đã xóa sổ làng, dân làng đi phiêu tán, một phần dồn vào bên trong, đến nay không
Khu vực phường Tràng Cát, quận Hải An hiện nay có làng Đình Vũ và đình làng Đình Vũ nhưng làng Đình Vũ hiện nay có nguồn gốc ở bán đảo Đình Vũ, đến năm 1947, làng bị thực dân Pháp dồn về vị trí hiện nay và không có mối liên hệ với làng Định Vũ xưa. Làng Đình Vũ mới thờ Yết Kiêu, Đoàn Thượng, Phạm Tử Nghi, Liễu Hoa và Vũ Cương Nghị.
Như vậy, Đông An, Xâm Đông, Vạn Mỹ, Định Vũ là các làng xã đã từng là làng thờ Ngô Quyền trong quá khứ nhưng hiện nay không còn thờ Ngô Vương nữa do bị mất công trình thờ và chưa khôi phục lại (hiện nay, 4 làng xã trên không khôi phục được tín ngưỡng thờ Thành hoàng và không thờ các vị thần làng nào khác). Với 4 làng xã đã từng thờ Ngô Quyền và 28 làng xã còn thờ Ngô Quyền tính đến thời điểm hiện tại, tác giả kết luận chắc chắn đã từng có 32 làng xã thờ Ngô Quyền ở Hải Phòng đến khoảng đầu thế kỷ XX.
Trường hợp thứ hai là sự biến mất của vị thần được thờ, là không đảm bảo điều kiện thứ hai của hoạt động thờ. Đó là khi đến nay công trình thờ vẫn còn nhưng Ngô Quyền không còn được thờ/ không được thờ ở công trình đó nữa. Khi vị thần mất vị trí tại nơi được thờ, người dân không thể tiến hành phương thức thờ vị thần ấy nữa mà chuyển sang thờ vị thần khác, và vị thần ấy biến mất khỏi tâm thức của người dân. Các làng xã An Biên, Phú Xá, Hạ Lý vẫn giữ được công trình thờ cho đến ngay này nhưng không/ không còn thờ Ngô Quyền
Làng An Biên thuộc tổng Đông Khê, nay thuộc quận Lê Chân. Làng An Biên được coi là một trong những làng cổ của Hải Phòng gắn với sự tích về nữ tướng Lê Chân đến Hải Phòng lập lên làng vào những năm 40 đầu công nguyên, vì thế trong tâm thức một phần người dân Hải Phòng, Lê Chân được coi là người có công khai thiên lập địa, đặt nền móng cho sự hình thành Hải Phòng. Trường hợp của làng An Biên cũng giống với trường hợp làng Hàng Kênh là cả hai làng đều đã có Thành hoàng làng và không thờ Ngô Quyền, cả hai hàng đều chịu sức ép (từ trên xuống) trước sự lớn mạnh của tín ngưỡng thờ Ngô Quyền nhưng mỗi làng có cách xử lý khác nhau. Làng An Biên đã không thờ Ngô Quyền hoặc có thể đã từng thờ Ngô Quyền nhưng đến nay không còn thờ nữa. Hiện nay, làng An Biên xưa còn bốn di tích thờ là chùa Vẻn thờ Phật, ba công trình còn lại là đền Nghè, đình An Biên nội
(đình lớn), đình An Biên ngoại (đình nhỏ hơn) đều thờ Lê Chân, cả bốn công trình trên đều không thờ Ngô Quyền và cũng không cúng vọng ông. Điều này cho thấy cuộc đấu tranh trong nội bộ làng xã, để khẳng định vị trí của chủ thần vẫn thường xuyên diễn ra, và có lúc, có nơi chủ thần đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu [35, tr.60].
Làng Phú Xá thuộc tổng Hạ Đoạn là một trong sáu tổng ở huyện An Dương được Vua Tự Đức sắc phong cho thờ Ngô Quyền. Làng Phú Xá không thờ hoặc không còn thờ Ngô Quyền tương tự như trường hợp làng An Biên. Làng Phú Xá có tên cũ là làng Phú Lương nhưng do kỵ húy tên của thần làng nên đổi tên thành Phú Xá. Tương truyền làng được thành lập vào khoảng thế kỷ XIII gắn với sự tích trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288, Trần Hưng Đạo đã đóng quân tại làng Phú Xá. Ông Phạm Phúc Lương và vợ là bà Bùi Thị Từ Nhiên cùng là người làng Phú Xá đã giúp Trần Hưng Đạo lo việc nuôi quân và chuẩn bị lương thảo cho quân sĩ. Hiện nay, làng Phú Xá còn đền và miếu thờ Trần Hưng Đạo và hai vị phúc thần trên của làng, làng Phú Xá không thờ hoặc không còn thờ Ngô Quyền. Sách Đồng
Khánh địa dư chí chép: “Đền thờ Trần Hưng Đạo: ở xã Phú Xá, dân bản phụng thờ.
Sự tích xem ở phần ghi về huyện Thủy Đường.” [13, tr.152]không quá xa so với sắc của Vua Tự Đức năm 1880, có thể đưa ra giả thuyết rằng Phú Xá từng thờ Ngô Quyền nhưng không là thần chính của làng và đến nay không còn thờ nữa. Hiện nay, trong lễ hội Từ Lương Xâm, làng Phú Xá là làng duy nhất không thờ Ngô Quyền nhưng vẫn tổ chức rước kiệu từ đền Phú Xá về Từ Lương Xâm, lễ hội Từ Lương Xâm do quận Hải An tổ chức và mỗi phường cử ra một làng đại diện rước kiệu về Từ Lương Xâm. Vì vậy việc đền Phú Xá có tham gia rước kiệu trong lễ hội Từ Lương Xâm không đồng nhất với việc làng Phú Xá có thờ Ngô Quyền.
Hạ Lý là xã có tên trong sắc phong năm 1853 và năm 1880 cho 17 làng xã thờ Ngô Quyền, Hạ Lý được coi là một làng cổ của thành phố Hải Phòng [36, tr.57]. Đình Hạ, xưa thuộc làng Hạ Lý, huyện An Dương, tỉnh Hải Dương (đến đầu thế kỷ XX, làng Hạ thuộc về Tứ hộ thành phố Hải Phòng). Hiện nay, làng Hạ Lý xưa thuộc phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, cư dân hiện nay đang sinh sống ở Hạ Lý không phải là dân gốc của làng Hạ Lý xưa mà là lớp cư dân mới từ địa phương khác đến đây thành lập làng mới từ đầu thế kỷ XX.
Trong luận án tiến sỹ thành phố Hải Phòng từ năm 1888 đến năm 1945, tác giả Nguyễn Hoài Phương đã chú dẫn việc biến đổi dân cư ở Hạ Lý:
“Có thể thấy số lượng người ngoại quốc không tạo ra sự biến động trong dân số Hải Phòng mà chính sự tụ cư của nhóm cư dân Việt bản địa ở những khu vực lân cận về thành phố cảng trong những thập kỷ 70, 80 của thế kỷ XIX đã tạo ra những thay đổi ấy. Nhóm cư dân này chủ yếu đến từ Nam Định, Thái Bình, Hải Dương…Chưa có một số liệu thống kê chi tiết về số lượng của nhóm cư dân này, chỉ biết có trường hợp cả làng di cư đến và lập làng mới (Đình Hạ)” [36, tr.35].
Cùng với đó là sự kiện đình Hạ được xây lại mới vào đầu thế kỷ XX, theo bia ký của đình Hạ (còn tồn tại đến ngày nay) thì đến khoảng đầu thập niên 10, 20 của thế kỷ XX, đình Hạ bị xuống cấp nghiêm trọng và gần như bị xóa bỏ hoàn toàn. Cho đến năm 1921, được sự công đức của một người phụ nữ Việt Nam lấy chồng Tây, nhân dân đã tập trung trùng tu ngôi đền và rước Thành hoàng về thờ, những người dân tham gia xây dựng lại đình Hạ vào năm đó có thể chính là lớp cư dân mới đến định cư tại Hạ Lý. Từ đó, tác giả đưa ra giả thuyết rằng làng Hạ Lý (gốc) xưa có thờ Ngô Quyền tại đình Hạ, do sự biến động của lịch sử, cư dân gốc của làng Hạ Lý đi phiêu tán và đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX có một nhóm cư dân mới từ Thái Bình, Nam Định, Hải Dương đến Hạ Lý sinh sống, thành lập làng mới trên miền đất của làng cũ. Khi đình Hạ Lý xuống cấp, chính những cư dân mới này đã tham gia xây dựng lại đình và rước thần của họ về đây thờ và thần cũ bị mất nơi thờ. Hiện nay, đình (đền) Hạ thờ hai vị Thành hoàng là Nguyễn Trí Hòa và Nguyễn Công Trứ, đồng thời thờ Mẫu và phối thờ Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Toản, Phạm Tử Nghi. Như vậy, sự biến mất của lớp cư dân gốc và sự thế chỗ của lớp cư dân mới ở xã Hạ Lý đã làm thu hẹp một phần không gian thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng và cho thấy hiện thực rằng đến đầu thế kỷ XX thì sức ảnh hưởng của tín ngưỡng chủ thần ở Hải Phòng không còn mạnh như trước nữa, yếu tố dân cư (chủ thể của hoạt động thờ) đã thắng thế trước yếu tố tâm linh: một công trình thờ mới do một cộng đồng cư dân mới xây dựng trên nền tảng của một cộng đồng cư dân cũ đã không tiếp tục thờ vị thần cũ Ngô Quyền và một làng xã mới được thành lập ở
Hải Phòng cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX không buộc phải thờ Ngô Quyền như một vị chủ thần của vùng đất này.
Làng Thượng Lý, làng An Chân là trường hợp đặc biệt của sự thu hẹp tín ngưỡng thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng, đây là hai làng xã đã mất công trình thờ và với các tư liệu thành văn tính đến thời điểm hiện tại đều không chứng minh được hai làng trên từng thờ hoặc không thờ Ngô Quyền. Làng Thượng Lý
thuộc tổng Gia Viên, hiện nay thuộc phường Thượng Lý quận Hồng Bàng. Theo thư
mục thần tích, thần sắc, làng Thượng Lý thờ Nguyễn Tướng Công và Trình Công và có 9 đạo sắc phong và thần tích về hai vị nhân thần trên [47, tr.651], hiện nay làng Thượng Lý không còn đình miếu và dân làng Thượng Lý không còn thờ các vị thần xưa của làng. Làng An Chân xưa thuộc xã An Chân, tổng Gia Viên, hiện nay làng thuộc phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng. Từ đời Thành Thái, làng đổi tên thành An Trực. Hiện nay, làng An Trực không còn công trình đền, miếu của làng, đồng thời không có bất cứ tư liệu thành văn nào viết về các vị thần của làng. Trong quá trình khảo cứu, tác giả không có được kết quả về hoạt động phụng thờ các vị thần làng của làng An Trực. Vì vậy, dựa vào sắc phong năm 1853 và 1880 của vua Tự Đức, tác giả tạm thời kết luận có thể làng An Trực từng thờ Ngô Quyền nhưng đến nay không còn thờ nữa.
Phân tích quá trình mở rộng và thu hẹp tín ngưỡng thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng, tác giả kết luận về số lượng làng xã thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng: đến đầu thế kỷ XX, chắc chắn đã có 32 làng xã thờ Ngô Quyền và có thể đã có 37 làng xã từng thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng. Với số lượng đó, Hải Phòng là nơi có nhiều làng xã thờ Ngô Quyền nhất cả nước, đồng thời phản ánh vị trí, vai trò quan trọng của Ngô Quyền đối với lịch sử thành phố Cảng.
Như vậy, sau quá trình mở rộng và thu hẹp, hiện nay ở Hải Phòng còn 28 làng xã thờ Ngô Quyền trong đó nhiều nhất ở quận Hải An (18 làng xã) và ít nhất tại quận Hồng Bàng (1 làng xã) (xem bảng phụ lục). Trong 28 làng xã còn thờ Ngô Quyền có 35 công trình thờ, trong đó có 24 đình, 9 miếu, 1 từ, và 1 chùa. Danh thắng Tràng Kênh được thành lập về sau không tính vào các làng xã thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng mà được tính là một công trình thờ độc lập. Như vậy hiện
nay toàn thành phố Hải Phòng có 36 công trình thờ Ngô Quyền và với mỗi công trình thờ khác nhau ở các làng xã khác nhau, Ngô Quyền có vị trí và vai trò không giống nhau.
Sự mở rộng và thu hẹp của tín ngưỡng thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng cho thấy vị trí chủ thần của Ngô Quyền với lịch sử vùng đất cảng. Quá trình khảo cứu các tư liệu sắc phong của các triều đại, thần tích của các làng xã thờ Ngô Quyền ở Hải Phòng như sắc phong của Vua Tự Đức năm 1853 và 1880 cho 17 làng xã và lục tổng ở huyện An Dương thờ Ngô Quyền. Thêm vào đó là quá trình các làng xã thành lập muộn hơn (đến sau) tiếp nhận tín ngưỡng thờ Ngô Quyền như một vị chủ thần của vùng đất này cũng cho thấy phạm vi ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Ngô Quyền. Từ tư liệu lịch sử và khảo sát thực tế, tôi cho rằng Ngô Quyền từng là chủ thần của một vùng đất rộng lớn ở nội thành của thành phố Hải Phòng, vùng đất có những làng xã ở ven sông Cấm từng tham gia trong trận chiến Bạch Đằng năm 938 và những làng xã mới được thành lập từ những làng xã ấy. Tín ngưỡng thờ Ngô Quyền là tín ngưỡng chủ đạo ở Hải Phòng, được các triều đại sắc phong và nhân dân phụng thờ. Các làng xã mới được thành lập về sau tiếp thu ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Ngô Quyền. Không có văn bản nào quy định Ngô Quyền là chủ thần của thành phố Hải Phòng nhưng Ngô Quyền đã là chủ thần trong tín ngưỡng dân gian của một bộ phân cư dân ở thành phố Hải Phòng.
Đối với quan niệm của người dân hiện nay ở Hải Phòng tác giả không ghi nhận các sự tranh cãi về vị trí chủ thần của thành phố Hải Phòng, không làng xã nào nhận thần làng mình là chủ thần. Không có vị thần nào là chủ thần của thành phố Hải Phòng trong cả tín ngưỡng dân gian và xếp hạng của nhà nước, các vị thần được tôn thờ một cách công bằng, bình đẳng.
Thông qua tín ngưỡng thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng có thể thấy được phần nào sự xuất hiện và thành lập của các làng xã mới ở thành phố Hải Phòng.