Các điểm tham quan du lịch

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phát triển du lịch văn hóa tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc (Trang 53 - 58)

Hiện nay, trong 6 tỉnh của tiểu vùng chỉ có Lào Cai, Hòa Bình, Yên Bái là phát triển và du lịch hơn cả. Nhưng trong đó, các điểm tham quan ở những địa phương này cũng mang tính chất truyền thống, đi vào lối mòn, ít sáng tạo.

Hòa Bình

Cách thủ đô Hà Nội 130km theo quốc lộ 6 Hà Nội - Tây Bắc, Mai Châu là một khu vực có khí hậu mát mẻ, trong lành quanh năm với độ cao từ 200 đến 1.500m so với mực nước biển. Với điều kiện giao thông thuận lợi, nằm trong

vùng văn hóa Thái, Mường đặc trưng và sở hữu một vẻ đẹp hiếm có, Mai Châu nhiều năm nay đã phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái và văn hóa, trở thành địa chỉ du lịch quen thuộc của vùng Tây Bắc. Những bản Lác, bản Văn, Poom Coọng đã được coi như tên gọi cho một loại sản phẩm - du lịch bản làng.

Ngoài ra còn có các làng bản thuộc 3 huyện Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc cũng rất giàu bản sắc văn hóa tộc người và thu hút được khách du lịch.

Yên Bái

Một số di tích văn hóa như đền Đông Cuông, quần thể di tích quốc gia Đại Cại, đình Bến Lăn, một số bản người dân tộc có suối nước khoáng là những điểm thu hút khách truyền thống. Gần đây, thị trấn vùng cao Mù Cang Chải cũng là một điểm đến được chú ý với thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ và không gian văn hóa tộc người độc đáo. Cánh đồng Mường Lò - Nghĩa Lộ với những đặc sản như nếp Tú Lệ, cốm Mường Lò, rượu nếp men lá. Văn Chấn với lễ hội chè đặc sắc Suối Giàng và văn hóa người Mông. Lục Yên với quýt ngọt cam ngon, khoai tím Lệ Phố và mô hình trang trại nhà vườn với kiến trúc Dao - Tày thu hút 70% là khách Pháp. [42]

Trong 3 năm trở lại đây, tỉnh đã chú trọng đến hoạt động du lịch và có nhiều công tác xúc tiến phát triển, trong đó có việc khởi xướng chương trình

Du lịch về cội nguồn liên kết giữa 3 tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai. Đó là một hoạt động đã thực sự thúc đẩy du lịch của Yên Bái phát triển, đặc biệt sử dụng và phát huy được lợi thế về tài nguyên văn hóa của tỉnh.

Lào Cai

Lào Cai là tỉnh giàu tiềm năng du lịch với nhiều loại hình phong phú và hấp dẫn. Thành phố Lào Cai nằm trên vùng Lão Nhai xưa ẩn chứa nhiều di vật cổ, có đền Thượng, đền Mẫu, Thành Cổ, Pháo Đài Cổ và cửa khẩu quốc tế với hai cây

hồ kiều kết nối sang thị trấn Hà Khẩu của nước bạn, mỗi ngày đưa đón hàng vạn lượt khách vào Việt Nam và Trung Quốc.

Sa pa, vùng đất đã hình thành khu du lịch nghỉ mát từ đầu thế kỷ XX (1903). Du khách sẽ tận mắt thấy bãi đá cổ, tháp Cát Cát, thác Bạc, cầu Mây, làng thổ cẩm Tà Phì tiếng tăm đã vang xa. Bắc Hà được mệnh danh là "Cao nguyên Trắng", xứ sở của mận quý Tam Hoa, nơi có dòng sông gập ghênhh thác đổ, núi đá dựng thành núi động tiên hấp dẫn gắn liền với các huyền thoại của thuở hồng hoang. Chợ Bắc Hà nổi tiếng với hương vị rượu Bản Phố, vị thắng cố, các dãy hàng thổ cẩm và các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngược lên Bát Xát, du khách sẽ gặp suối Mường Hum đã thành câu hát, vào quần thể hang động Mường Vi – di tích lịch sử văn hóa, dừng chân tại Bảo Yên để vào dinh Thống Sứ và đền ông Hoàng Bảy ở Bảo Hà.

Là nơi có hoạt động du lịch mạnh nhất nhưng du khách trong nước thường chỉ đến hưởng thụ khí hậu, phong cảnh Sa pa rồi đi đến một bản gần là bản Cát Cát, nhiều khi chỉ để kín lịch trình mà chưa khám phá, tìm hiểu được gì nhiều. Một số đối tượng khách là tầng lớp tri thức, sinh viên, học viên, giáo viên hay nhà nghiên cứu thì mới lựa chọn những bản xa như Tả Van, Lao Chải theo hình thức trekking nhưng số này không nhiều. Khách ngoại quốc chủ yếu là Tây ba lô, là những nhóm khách lẻ mua những tour giá rẻ của các văn phòng lữ hành trên các phố cổ Hà Nội.

Tiềm năng du lịch bản làng ở Lào Cai nói chung và các khu vực xunh quanh Sa Pa nói riêng rất lớn nhưng chưa được quan tâm đầu tư thích đáng. Một số tour, tuyến đã và đang khai thác ở các bản làng người dân tộc thiểu số thì chủ yếu đều thuộc loại hình trekking tour.

Một vài điểm tham quan hấp dẫn nữa là Bắc Hà, Bát Xát, đền Mẫu, đền Bảo Hà... nhưng cũng chưa có một phương thức lưu giữ khách hiệu quả.

Điện Biên

Với chủ trương xúc tiến du lịch của cơ quan đầu ngành, chúng ta có "năm du lịch Điện Biên" - một lời mời gọi, thúc đẩy hoạt động du lịch cho một tỉnh xa xôi nhưng việc thu hút khách đến với quần thể di tích Điện Biên Phủ òn rất hạn chế vì nhiều lý do không chỉ vì điều kiện giao thông.

Thứ nhất là vì bản thân khu di tích này không được đặt trong bối cảnh không gian tộc người bản địa, chưa sử dụng nguồn nhân lực địa phương. Ở các điểm tham quan chỉ thấy vài nhân viên bán vé, bảo vệ người Kinh túc trực với tinh thần làm việc uể oải. Không thấy bóng dáng cô gái Thái nào trong các di tích. Giữa thành phố, thỉnh thoảng thấy một bộ trang phục dân tộc nhưng người mặc nó (có thể là một cô gái trẻ xinh đẹp) lại ngồi trên xe gắn máy đi rất nhanh.

Thứ hai, giá trị lịch sử - cách mạng không được gắn với các giá trị văn hóa tộc người. Ngoài danh mục các điểm tham quan của quần thể di tích đếm chưa đủ mười đầu ngón tay trong bán kính vài ki - lô - mét với thời gian tham quan gói gọn trong một buổi sáng thì du khách không biết đến một khu vực văn hóa các tộc người nào được tư vấn có hoạt động khai thác, đón khách du lịch.

Thứ ba là cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch dường như không được quan tâm. Đến với thành phố giữa lòng chảo đẹp như mơ mà chẳng biết ở chỗ nào, ăn cái gì, ở đâu và có gì để giải trí, thư giãn.

Năm năm trở lại đây, Điện Biên có khu du lịch suối khoáng nóng U Va nằm trong tour du lịch từ thành phố Điện Biên Phủ - Pa Thơm. Đây là điểm du lịch cuối tuần hấp dẫn, có không gian rộng và giải quyết được nhiều dịch vụ du lịch như: câu cá thư giãn, bơi, tắm nóng, lưu trú và đặc biệt là thưởng thức ẩm thực dân tộc. Điều đáng ghi nhận là khu du lịch như thế đã giải quyết được việc làm

cho nhiều lao động với thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng. Hoạt động du lịch tại đây mang tính cộng đồng với sự tham gia đắc lực của người dân địa phương.

Tuy nhiên vẫn chưa có nhiều sự đầu tư và những khu du lịch như thế. Nhắc tới du lịch Điện Biên, du khách thường chỉ mường tượng là lên tham quan mấy điểm di tích cách mạng mà thôi.

Sơn La

Di tích Nhà tù Sơn La nổi tiếng là nơi thu hút khách nhất cũng rất vắng vẻ vào buổi chiều. Những điểm tham quan như di tích cách mạng cây đa Bản Hẹo giữa trung tâm thị xã thì không có khách tham quan. Chiều muộn, có vài đoàn khách từ Hà Nội lên bằng ô tô chạy thẳng vào thị xã, rẽ trái khoảng 2km để vào bản Hìn với suối nước nóng, tắm và ăn một bữa cơm xôi nếp thịt gà của người Thái Đen rồi về thị xã, ngủ một đêm, sáng hôm sau trở về Hà Nội hoặc miền xuôi.

Các bản làng ở xung quanh thị xã Sơn La rất đẹp. Đây là vùng người Thái sinh sống, họ rất thạo tiếng Kinh nên khách tới đây vừa cảm thấy gần gũi vừa có đủ không gian để tìm hiểu văn hóa tộc người này. Nhưng hiện chưa có bản nào khai thác du lịch văn hóa.

Trên khảo sát thực tế, Sơn La hiện rất chú trọng thực hiện quy hoạch điểm du lịch, nhất là du lịch văn hóa tới từng địa phương, bản làng rất chi tiết. Công tác chỉ dẫn ở các tuyến giao thông rất tốt. Đến đâu du khách cũng bắt gặp những tấm biển xanh chữ trắng cỡ lớn với sơ đồ tuyến điểm và hướng đi, khoảng cách rất cụ thể, rõ ràng với tư tưởng chủ đạo là quan tâm và ưu tiên cho du lịch (xem phụ lục).

Từ khi tách riêng với tỉnh Điện Biên, Lai Châu lại càng trở nên heo hút hơn và tiềm lực kinh tế - xã hội cũng như điều kiện về cơ sở hạ tầng hạn chế hơn. Tuy vậy, với vị thế là địa đầu tổ quốc, thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp và không gian văn hóa tộc người thuần chất, Lai Châu đang bắt đầu xuất hiện trong danh mục tour, tuyến của các công ty lữ hành với điểm đến là thị trấn Phong Thổ, huyện Sìn Hồ với loại hình du lịch bản làng.

Như vậy, về điểm tham quan, ngoài những điểm đã và đang khai thác, các địa phương trong tiểu vùng hoàn toàn có thể làm giàu cho danh mục tuyến điểm du lịch của mình bằng tác động của chủ trương, chính sách, bằng các kế hoạch, quy hoạch. Tự thân những thúc đẩy có định hướng như vậy sẽ khiến cho hoạt động du lịch được quan tâm phát triển một cách tương xứng với tiềm năng đồng thời kéo theo sự phát triển tất yếu của hoạt động khai thác các giá trị tài nguyên đã được khoanh vùng, xác định trước.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phát triển du lịch văn hóa tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc (Trang 53 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)