Xây dựng hình ảnh du lịch văn hóa vùng Tây Bắc

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phát triển du lịch văn hóa tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc (Trang 111 - 120)

CHO TIỂU VÙNG DU LỊCH MIỀN NÚI TÂY BẮC

3.4.8. Xây dựng hình ảnh du lịch văn hóa vùng Tây Bắc

Nếu vấn đề thương hiệu là phần việc của các đơn vị kinh doanh du lịch thì vấn đề hình ảnh du lịch lại thuộc về trách nhiệm của các nhà quản lý cũng như các cơ quan ban ngành về du lịch từ Trung ương đến địa phương.

Hiện nay, vấn đề này vẫn chưa được đặt ra hay nói đúng hơn là chưa được quan tâm đến. Có lẽ vì sự phát triển của du lịch tiểu vùng vẫn còn yếu và quá chênh lệch giữa các địa phương hay những bước đi ban đầu vẫn đang ở giai đoạn lần tìm, định hình?

Kinh nghiệm cho thấy, đôi khi cung định hướng cầu, việc đặt cho sản phẩm của mình một cái tên, một ấn tượng khắc sâu vào trí nhớ và trí tưởng tượng của khách hàng và thị trường trước khi nó được chào bán là một việc làm rất hiệu quả ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng sau này. Ví dụ điển hình từ Công ty viễn thông quân đội Viettel, trước khi khách hàng biết đến sản phẩm của họ thì họ đã tung ra chiến lược quảng cáo rầm rộ về hình ảnh sản phẩm của mình là logo và slogan ấn tượng Hãy nói theo cách của bạn. Việc làm đó không chỉ có ý nghĩa quảng bá hình ảnh của sản phẩm cho người tiêu dùng mà còn có tác dụng định hướng nhu cầu và lựa chọn của họ đối với sản phẩm.

Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng cho tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc một hình ảnh du lịch độc đáo, riêng biệt và ấn tượng trong lòng du khách, kích thích trí tò mò và niềm đam mê khám phá, chính phục mang tính đặc trưng của cầu du lịch.

Công việc này không hề đơn giản nhưng xin đưa ra một số ý tưởng mang tính gợi mở như sau:

Thứ nhất về tư tưởng chủ đạo, bản thân chữ Tây Bắc đã hàm chứa đầy đủ ý nghĩa của một khẩu hiệu. Bên cạnh đó, với mỗi tình huống khác nhau có thể sử dụng những cụm từ biểu cảm hơn như “Tây Bắc xa thẳm" hay “Khám phá Tây Bắc" hoặc “Về miền sơn cước".

Thứ hai, về hình thức và nội dung công tác, cần thực hiện những việc như quảng bá hình ảnh Tây Bắc bằng các chương trình như:

“Tây Bắc, miền lễ hội" vào mùa xuân cùng với lịch lễ hội của vùng đồng bằng Bắc Bộ và cả nước. Trong đó, tất cả những lễ hội truyền thống và đặc sắc của các dân tộc thiểu số Tây Bắc đều được lựa chọn, giới thiệu một cách xúc tích và ấn tượng nhất;

“Ẩm thực Tây Bắc" với danh mục các món ăn mang đậm truyền thống của các dân tộc thiểu số cũng như các vùng văn hóa nơi đây;

“Phiên chợ vùng cao", "Điệu xòe mùa xuân" cũng là những chủ đề hấp dẫn mang đặc trưng văn hóa vùng, có giá trị như một triễn lãm văn hóa sống động;

“Bản làng Tây Bắc" có thể được dùng cho một loại hình du lịch phổ biến ở Tây Bắc, tiềm ẩn những giá trị văn hóa tộc người độc đáo.

Thứ ba, để xây dựng cũng như quảng bá được hình ảnh du lịch Tây Bắc, cần kết hợp rất nhiều phương pháp và phối hợp thực hiện ở nhiều cấp, nhiều ngành. Những hoạt động thương mại – du lịch như khai trương cửa khẩu Việt – Lào Tây Trang – Sốp Hùn hay hội chợ Thương mại – Du lịch quốc tế Điện Biên tháng 5/2007 vừa qua là những sự kiện một mặt ghi dấu được hình ảnh của du lịch Tây Bắc đối với các đơn vị kinh doanh, thu hút sự quan tâm đầu tư của họ, mặt khác tạo được không gian cho các hoạt động xúc tiến thương mại – du lịch, giới thiệu và bán sản phẩm hàng hóa cũng như quảng cáo sản phẩm du lịch địa phương, đưa hình ảnh du lịch vùng đến với bạn bè, đối tác quốc tế.

3.4. Kiến nghị

Thứ nhất là, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch chỉ đạo xây dựng quy hoạch vùng du lịch Tây Bắc.

Thứ hai là, Bộ chỉ đạo và làm trung gian liên kết các địa phương trong vùng trong việc xây dựng hình ảnh du lịch Tây Bắc và liên kết khai thác, phát triển du lịch, tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư các dự án lớn về du lịch trong vùng.

Thứ ba là, Bộ quan tâm hơn đến việc đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, di tích lịch sử cách mạng. Đặc biệt là các di tích có giá trị như Bãi đá cổ Sa

pa, nhanh chóng có quyết định về giải pháp bảo tồn trước sự bào mòn của thời tiết, sự xâm hại của con người.

Thứ tư là, Bộ cần phối hợp với các đơn vị, ban ngành địa phương tổ chức nhiêu hơn nữa những chương trình, hội thảo chuyên đề mang tính xúc tiến như Hội thảo “Tây Bắc với công cuộc xóa đói giảm nghèo thông qua phát triển du lịch cộng đồng" do Tổng cục Du lịch phối hợp UBND tỉnh Điện Biên, Báo Du lịch, Báo Điện Biên Phủ và Sở Thương Mại – Du lịch Điện Biên tổ chức vào ngày 6/5/2007.

Thứ năm là, Các tỉnh cần có sự phối hợp với nhau trong việc tìm ra một hướng đi chung như Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ với chương trình "Du lịch về cội nguồn" đã hoạt động hiệu quả suốt 3 năm vừa qua. Liên tục tổ chức các sự kiện và hoạt động du lịch văn hóa có ý nghĩa xúc tiến du lịch mạnh mẽ như các lễ hội du lịch, hội chợ thương mại – du lịch, liên hoan văn hóa ẩm thực...

Tuần văn hóa du lịch Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái) là một trong những nội dung của chương trình đã diễn ra từ ngày 13/10/2007 đến ngày 20/10/2007 với nhiều hoạt động phong phú như: Hội chợ du lịch - thương mại Mường Lò, giao lưu văn hóa văn nghệ, trình diễn trang phục các dân tộc vùng Mường Lò, trưng bày giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Thái và biểu diễn nghệ thuật dân gian dân tộc Mông xã Suối Giàng... Những sự kiện được tổ chức liên tục như vậy vừa có ý nghĩa thúc đẩy du lịch phát triển vừa có tác dụng quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, vùng trên thị trường. Tổng kết năm hoạt động 2007 vừa qua, chương trình đã thu hút sự tham gia của 25 đoàn khách trong nước và quốc tế, 21 cơ quan báo chí, phát thanh – truyền hình.

Cục Xúc tiến Du lịch cũng đóng vai trò trợ giúp đắc lực trong việc tuyên truyền, quảng bá. 20.000 tờ gấp chung về chương trình, 5.000 tờ gấp về Lào Cai, 2.000 tờ về Yên Bái và "Sổ tay du lịch Phú Thọ" đã được phát hành và xuất bản

qua kênh các doanh nghiệp lữ hành, phim tài liệu "Hành trình về cội nguồn" cũng được xây dựng và phát sóng. Bên cạnh đó chương trình cũng đã kêu gọi được sự tài trợ chính của hãng hàng không Việt Nam Airline và nhiều nhà tài trợ lớn khác.

Thứ sáu là, Chính phủ cần thúc đẩy đầu tư phát triển giao thông Tây Bắc vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, vừa trực tiếp phục vụ khai thác du lịch. Không chỉ mở rộng và nâng cao chất lượng các tuyến đường bộ, các quốc lộ huyết mạch mà còn chú trọng đến đường sắt và đường hàng không. Hiện đã có một số phương án hiệu quả cho việc nâng cao chất lượng tuyến đường sắt như thay mới hệ thống tà vẹt sắt cũ bằng hệ thống tà vẹt mới chất liệu bê tông lõi cáp với độ đàn hồi, chịu tải cao và sức bền tốt, triệt tiêu tiếng ồn hiệu quả. Hệ thống tà vẹt này đã được sản xuất và đang đưa vào lắp đặt thử nghiệm trên tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai. Về hàng không, tập trung đầu tư mở rộng các tuyến bay nội vùng, đầu tư hệ thống máy bay trực thăng phục vụ khách du lịch trong các tour chuyên biệt như insentive tour.

Thứ bảy là, Chính phủ cần ưu tiên đầu tư đồng bộ mọi mặt cho Tây Bắc hơn nữa để làm nền tảng cho phát triển du lịch. Ví dụ như về các chính sách nông thôn, nông nghiệp, chính sách nhân lực và việc làm, đô thị hóa và nâng cao dân trí, giáo dục, y tế, văn hóa quần chúng v.v...

Tiều kết chương

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh: "Muốn bảo tồn và phát triển văn hóa, ngành du lịch và văn hóa phải tiếp tục kết nối hài hòa với nhau, mọi hoạt động diễn ra như thế nào đều phải có kế hoạch chi tiết ở từng lĩnh vực, cùng nâng sức mạnh của nhau lên". [48]

Phát triển du lịch văn hóa tuy là một hướng đi phù hợp và hiệu quả cho tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắcdu lịch nhưng để có được những giải pháp tối ưu và đặc biệt là mang tính khả thi, có thể sớm đưa vào thực tế là một vấn đề không đơn giản.

Trên cơ sở những nghiên cứu tiềm năng cũng như tình hình thực tế tại địa bàn tiểu vùng đã trình bày ở chương 1 và chương 2, chúng tôi cũng xin đưa ra một số những giải pháp và ý kiến đề xuất cơ bản nêu trên đóng góp cho việc định hướng cũng như phát triển du lịch văn hóa của tiểu vùng. Qua đó để thấy rằng, giữa du lịch và văn hóa có mối liên hệ tương tác hữu cơ, khó tách rời. Nếu kết hợp được chặt chẽ hai yếu tố này sẽ tìm ra được hướng đi tốt không chỉ riêng đối với vùng Tây Bắc trong chiến lược xóa đói giảm nghèo của quốc gia nói riêng và công cuộc hiện đại hóa đất nước trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế nói chung.

KẾT LUẬN

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, văn hóa ngày càng được mở rộng từ trong khái niệm lẫn nội dung hoạt động. Cả văn hóa và du lịch đều có tác dụng lớn và vô cùng quan trọng trong sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Văn hóa tạo thành nền móng cho hoạt động du lịch phát triển bền vững. Trong ba yếu tố chủ yếu tác động giữ vai trò quyết định sự tồn tại của hoạt động du lịch là: điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái - xã hội, truyền thống lịch sử văn hóa thì đã có tới hai yếu tố liên quan trực tiếp đến lĩnh vực văn hóa. Vai trò của văn hóa là “mục tiêu và động lực“ cho việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cho việc bồi dưỡng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, lối sống cũng như vun đắp tâm hồn, tình cảm.

Ngược lại, trong nền kinh tế thị trường, do điều kiện khách quan, hoạt động du lịch thích ứng nhanh hơn và trong chừng mực nhất định, chính hoạt động du lịch đã đảm nhiệm vai trò "kích cầu" các hoạt động văn hóa đi nhanh và mạnh hơn. Kinh doanh văn hóa du lịch đã đem lại nguồn thu không nhỏ. Du lịch cũng tác động trở lại văn hóa thông qua việc xây dựng và cải tạo môi trường văn hóa, xã hội làm tăng tính linh hoạt và năng động của văn hóa trong cơ chế thị trường. Hoạt động du lịch còn khơi dậy những tiềm năng văn hóa giàu có và phong phú đang ẩn chứa trong mỗi tộc người, trong mỗi vùng văn hóa. Không những thế, chính hoạt động du lịch còn tạo sức sống cho những tài nguyên, những di sản văn hóa giàu giá trị trước sự bào mòn của tự nhiên, sự xâm hại của con người và sự lãng quên của thời gian.

Trong những năm gần đây, khi du lịch truyền thống kiểu nghỉ mát, tắm biển và tham quan thuần túy đã trở nên bão hòa cả về loại hình và thị trường khách thì

những loại hình du lịch chuyên biệt, du lịch có hàm lượng chất xám, công nghệ và hàm chứa những giá trị nhân văn – văn hóa ngày càng thu hút sự quan tâm của thị trường du lịch cũng như các nhà quản lý, kinh doanh.

Với tiềm năng sẵn có về truyền thống văn hóa lịch sử và điều kiện địa lý, các tỉnh Tây Bắc có thể coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn tạo ra sự đột biến trong công cuộc phát triển kinh tế địa phương, giúp người dân được hưởng lợi nhiều hơn từ hoạt động du lịch. Mặt khác, đó cũng là giải pháp hiệu quả trong chiến lược quốc gia về xóa đói giảm nghèo cho các vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số trọng điểm toàn quốc. Một số vấn đề đặt ra cần nhận thức được như sau:

Thứ nhất, về vai trò của du lịch văn hóa, không phải ai cũng nhận thức đầy đủ quan điểm phát triển song hành cả hoạt động văn hóa và du lịch và không phải mọi hoạt động đang diễn ra khắp mọi nơi đều tính tới cơ chế phối hợp hoạt động giữa hai lĩnh vực. Nhưng phối hợp để phát huy thế mạnh của mỗi lĩnh vực, tạo sức mạnh tổng hợp và đột phá sẽ là một xu hướng tất yếu và ngày càng phổ biến. Bởi vì du lịch văn hóa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho các đơn vị kinh doanh, cho địa phương và đất nước mà còn có ý nghĩa bảo tồn văn hóa dân tộc, tạo dựng và quảng bá hình ảnh đất nước trên trường quốc tế.

Cần phải nhận thấy một điều rõ ràng là sự lựa chọn, hướng đi tất yếu thích hợp nhất cho du lịch tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc là du lịch văn hóa bên cạnh kết hợp phát triển đồng bộ các loại hình khác.

Thứ hai, về việc xây dựng hình ảnh du lịch văn hóa cho tiểu vùng, mỗi vùng miền của đất nước đều mang những đặc trưng riêng có về lợi thế tài nguyên. Song, có thể nói, Tây Bắc chỉ riêng cái tên đã gợi một ấn tượng, một hình ảnh và du lịch văn hóa Tây Bắc hoàn toàn có thể là một thương hiệu trong thị trường du lịch.

Thứ ba, về tính liên vùng trong phát triển du lịch, nhận thức được tầm quan trọng của du lịch văn hóa, các địa phương đã và đang phát triển du lịch như Lào Cai, Hòa Bình và gần đây là Yên Bái đã có những hướng chỉ đạo phát triển rất thích hợp và khả quan. Tuy nhiên, để có được kết quả như mong muốn, điều quan trọng không chỉ là phát triển nội tại và riêng lẻ trong phạm vi từng địa phương mà cần phải có sự phối hợp và liên kết giữa các tỉnh tạo nên một thế mạnh liên vùng thúc đẩy du lịch phát triển. Điển hình đã nêu về chưong trình du lịch cội nguồn của 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ là một ví dụ rất đáng được quan tâm.

Trong hoàn cảnh hiện tại, những suy nghĩ và ý tưởng cho một hướng đi thích hợp cho du lịch Tây Bắc là tương đối nhiều. Song, thời gian cũng như thời lượng một luận văn cho phép giải quyết thấu đáo mọi vấn đề, khía cạnh liên quan thực sự có hạn. Vì lẽ đó, chúng tôi mong muốn công trình này sẽ đóng góp những gợi mở và nghiên cứu, kiến giải ban đầu giúp cho du lịch văn hóa của tiểu vùng trong định hướng và phát triển. Nếu có thể được, ở những công trình nghiên cứu chuyên sâu hơn, xin được phép đề cập cụ thể hơn và giải quyết triệt để hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phát triển du lịch văn hóa tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc (Trang 111 - 120)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)