Chương trình Du lịch về cội nguồn với sự liên kết, hợp tác giữa 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ là một điển hình khá hiệu quả về phát triển du lịch văn hóa cho Tây Bắc.
Trong năm đầu tiên - 2005, kết quả hoạt động của chương trình đã có những ghi nhận đáng kể. Cùng với việc tổ chức tốt các hoạt động du lịch văn hóa, lễ hội, năm 2005, các tỉnh đã xây dựng và giới thiệu được 29 tour du lịch trong đó có 8 tour liên tỉnh, 6 tour của Yên Bái, 5 tour của Lào Cai và 10 tour của Phú Thọ. Bước đầu đã có sự kết hợp sản phẩm du lịch của 3 tỉnh, phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, phát hành nhiều ấn phẩm có nội dung du lịch tốt như sách, tập gấp, video clip…
Năm thứ hai 2006, chương trình đã được đẩy mạnh, nâng số tour nội tỉnh lên 30, liên tỉnh lên 8 tour. Các lễ hội và ngày kỷ niệm của ba tỉnh được lựa chọn tổ chức, chú trọng tôn vinh những nhân vật có công với nước và các giá trị văn hóa tiêu biểu của cộng đồng. Danh mục lễ hội rất phong phú: lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, hội phết Hiền Quan, hội Đền Hùng, hội bơi chải Bạch Hạc, lễ hội xoan ghẹo ở Phú Thọ; Lễ hội văn hóa Mường Lò, lễ hội đền Thác Bà, đền Đông Cuông, Tuần Quán, Đại Cại ở Yên Bái; Lễ hội đền Thượng, đền Bảo Hà, lễ hội trên mây ở Lào Cai. Mục tiêu của chương trình trong năm là phấn đấu đạt 3,5 triệu lượt khách nội địa và quốc tế, đạt doanh thu du lịch 350 tỷ đồng.
Tổng kết năm thứ ba thực hiện, tháng 10/2007, ba tỉnh đã thu nhận được những con số thuyết phục. Nhiều sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao được tổ chức
thành công tạo ấn tượng tốt đối với nhân dân và du khách trong và ngoài nước. Trong 8 tháng đầu năm, lượng du khách đến với 3 tỉnh tăng 22,8% (447 triệu lượt), doanh thu đạt 472 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước và có xu hướng tăng nhanh hơn tốc độ tăng lượng khách cho thấy có sự chuyển biến về chất lượng sản phẩm du lịch. Trong cả năm dự ước 3 tỉnh đón 4,5 triệu lượt khách và đạt doanh thu 600 tỷ đồng.
Riêng lễ hội 100 năm du lịch Sa pa vừa qua, Sa pa đã đón hơn 5 vạn lượt du khách. Qua đó thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư cho việc triển khai các dự án về du lịch trên địa bàn. Đặc biệt là mô hình liên kết này đã giành được sự quan tâm học hỏi của các nhiều địa phương khác trong việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch liên vùng. Nó đã khơi dậy lòng tự hào về văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức trách nhiệm về việc gìn giữ, bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc để khai thác và phát triển một cách bền vững.
Kế hoạch chương trình năm 2008, ngành du lịch ba tỉnh phấn đấu đón phục vụ 4,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 350 nghìn lượt, doanh thu đạt 800 tỷ đồng.