Trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung hiện nay trong cả nước, với những chính sách quan tâm tích cực tới các vùng trọng điểm Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Bắc của Chính phủ, hoạt động du lịch ở tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc có nhiều xu hướng.
Về du lịch nói chung, đó sẽ là hoạt động mang tính giải pháp để xóa đói giảm nghèo, hay nói cách khác là hướng thoát nghèo cho kinh tế vùng. Về loại hình du lịch, các mô hình khai thác tiềm năng thế mạnh về thiên nhiên cũng như
nhân văn sẽ là hướng chủ đạo, cụ thể là các loại hình du lịch sinh thái và du lịch văn hóa.
Hiện nay, du lịch văn hóa đã trở thành một xu hướng đặc trưng của du lịch Tây Bắc. Tất cả 6 tỉnh trong tiểu vùng đều có tiềm năng mạnh về du lịch văn hóa và đều có những thế mạnh riêng biệt trong tài nguyên. Có thể nhận thấy, xu hướng hiện tại của du lịch văn hóa tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc là khai thác các giá trị nội tại của nền văn hóa bản địa như phong tục, tập quán sinh hoạt, sản xuất, lễ hội truyền thống, âm nhạc, nghệ thuật, văn hóa trang phục cũng như tín ngưỡng dân gian tộc người... cho du lịch ở mức sơ khai là tham quan, tìm hiểu, bước đầu tham gia.
Các loại hình cụ thể của du lịch văn hóa như du lịch làng bản, du lịch lễ hội, du lịch lịch sử... đã thành hình và đang trên đường hoàn thiện về tính chất, đặc điểm loại hình. Tuy nhiên, những khó khăn, thử thách vẫn còn đang ở phía trước. Phát triển như thế nào để không làm mai một, biến dạng những giá trị văn hóa truyền thống là một vấn đề không đơn giản.
Giáo sư Tô Ngọc Thanh và PGS Hoàng Lương là 2 người đã tham gia chuyến du khảo Tây Bắc thời gian vừa qua đã có những đánh giá đáng suy nghĩ về gương mặt văn hóa Tây Bắc trải qua hoạt động du lịch. Không chỉ ngạc nhiên khi thấy đồng bào đi làm nương bằng xe máy, nấu cơm bằng nồi điện, các ông còn nhận thấy tiếng báo động của văn hóa truyền thống Tây Bắc. Những điệu múa Thái bị cải biên, trang phục Thái bị cách tân, trẻ con trong bản cũng không học chữ Thái nữa. Giá cả mọi đồ lưu niệm ở bản người Mông làm du lịch - Tả Phìn, Lào Cai đều viết bằng tiếng Anh. Trẻ con, phụ nữ nói tiếng Anh sõi hơn tiếng Việt nhưng để chào hàng. Để có một tấm hình chụp một cô gái trong trang phục dân tộc sẽ phải trả vài nghìn đồng và mang về một nỗi niềm (no money, no photo!). Bản Lác dường như sau hơn chục năm làm du lịch đã "hỏng" mất rồi.
Bây giờ, đồ thổ cẩm của họ, lụa tơ tằm cùng nhiều thứ hàng lưu niệm lặt vặt nữa rõ ràng xuất xứ từ những nơi khác và được làm nên với sự tinh xảo đến cẩu thả của công nghệ máy móc. Không còn những tấm thổ cẩm nguyên bản do chính tay các cô gái Thái dệt trước khi về nhà chồng nữa. Đó là sức công phá của du lịch hay sự chủ quan, lơ là của định hướng phát triển?
Rõ ràng, xu hướng phát triển của du lịch văn hóa ở Tây Bắc là không thể cưỡng lại nhưng hiện tại xu hướng ấy vẫn chưa có một hành lang quy chế nghiêm ngặt thực sự, chưa có một sự định hướng mang tính liên vùng. Trước mắt, cũng chỉ có một vài bản ở Hòa Bình, Lào Cai, một "chợ tình" của Sa pa biến dạng và suy thoái mà thôi. So với Tây Bắc rộng lớn và xa thẳm thì sức hấp dẫn của du lịch vẫn còn mạnh. Xu hướng hiện tại của du lịch văn hóa Tây Bắc vẫn sẽ là khai thác nguồn tài nguyên giàu có của các tộc người thiểu số để kinh doanh du lịch một cách tự phát.