Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến du lịch. Như vậy, một chương trình du lịch trọn gói và một loại hình du lịch cụ thể cũng sẽ là một sản phẩm du lịch. Các sản phẩm du lịch văn hóa đã và đang được khai thác ở Tây Bắc là du lịch tham quan, du lịch bản làng, du lịch lễ hội, du lịch cội nguồn và du lịch lịch sử.
Du lịch tham quan
Đây là một loại hình du lịch truyền thống và đơn thuần được khai thác ở hầu hết các điểm du lịch Việt Nam từ trước tới nay. Du khách đến điểm du lịch, tham quan, nhìn ngắm, chụp hình và lưu lại một lúc rồi đi đến điểm khác. Các điểm du lịch phục vụ cho loại hình này chủ yếu là các di tích văn hóa như đình, đền, miếu,.. di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh v.v…
Đối tượng khách của loại hình này cũng đơn điệu, thường là các đoàn hoặc nhóm khách nội địa, khách lẻ gọi là đi tham quan đúng hơn là đi du lịch.
Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều kinh doanh loại sản phẩm du lịch này. Có lẽ điều đó xuất phát từ thị hiếu và mặt bằng tập quán đi du lịch của người Việt Nam mà không thể một sớm một chiều thay đổi được.
Du lịch bản làng
Loại hình du lịch này được coi là một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo và có nhiều triển vọng trở thành một sản phẩm đắt hàng. Nó không chỉ có nhiều giá trị nội dung mang tính khám phá mà còn là một phương thức du lịch giải quyết được nhiều vấn đề về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Khách có thể ăn cùng với các gia đình người dân tộc bản địa, ở cùng nhà với họ, trực tiếp tham gia sinh hoạt thường ngày cũng như lễ hội, phong tục tập quán của họ.
Mấy năm gần đây, loại hình du lịch bản làng phát triển rất mạnh ở Sa pa. Bà con các dân tộc không chỉ giới thiệu với du khách những giá trị văn hóa độc đáo mà còn có cơ hội tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo, nâng cao đời sống. Khách đến Tả Phìn không chỉ được chọn những món quà xinh xắn dệt từ thổ cẩm mà còn được trực tiếp chứng kiến quy trình dệt vải của phụ nữ Dao. Với sự hỗ trợ của tổ chức UNESCO, Câu lạc bộ thổ cẩm đã ra đời tạo điều kiện cho đông đảo chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia, nhận hàng, tạo thu nhập từ 400 - 500 ngàn đồng/người/tháng. Đây cũng là một điều kiện hỗ trợ thúc đẩy hoạt động du lịch. Từ một xã khó khăn nhất nhì huyện, Tả Phìn đã thoát được nghèo đói, số hộ nghèo chỉ còn 20% theo tiêu chí mới. Có hai thôn là Sả Xéng và Tả Chải được công nhận là Làng văn hóa. Tả Van cũng là một trong những xã phát triển tốt loại hình này. Thôn Tả Van Giáy có khoảng 20 hộ gia đình làm du lịch, đón và phục vụ khách nghỉ tại nhà. Họ phải nâng cấp cải tạo nhà, công trình
vệ sinh, chế biến các món đặc sản dân tộc, nâng cao nhận thức cho các thành viên trong gia đình về phục vụ du lịch nhất là về văn hóa ứng xử.
Thoát khỏi chữ "tham quan" là khái niệm "tham gia", hành động tiêu dùng du lịch ở đây tiến lên một bước có chất lượng hơn hẳn. Du lịch bản làng là một hướng đi mới, một sản phẩm du lịch độc đáo và phù hợp với vùng Tây Bắc trong chiến lược đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong xóa đói giảm nghèo của vùng. Mỗi làng bản ở các địa phương của tiểu vùng - nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa tộc người đều có thể khai thác theo hướng này với điều kiện được sự quan tâm từ khâu quy hoạch tới xây dựng các sản phẩm văn hóa đặc sắc, đặc trưng của từng vùng, từng dân tộc của các ngành chức năng.
Du lịch cội nguồn
Thực ra đây là một chương trình du lịch hợp tác liên kết liên tỉnh giữa Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai do tỉnh Yên Bái đăng cai tổ chức bắt đầu từ năm 2005 mang tên "Chương trình du lịch về cội nguồn". Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt tạo ra sức bật mới đối với hoạt động du lịch của 3 tỉnh nói riêng và toàn vùng nói chung.
Du lịch lịch sử
Đây có thể coi là một sản phẩm du lịch đặc trưng ở các địa phương, vùng có tài nguyên về lịch sử đấu tranh cách mạng, các chiến trường xưa và những nơi ghi dấu chiến thắng anh hùng của dân tộc như miền các tỉnh miền Trung, Điện Biên, Việt Bắc,…
Tuy nhiên đối tượng khách tiêu dùng sản phẩm này còn bó hẹp ở một số tập khách có liên quan đến các sự kiện và chứng tích lịch sử như cựu chiến binh, một số nhà nghiên cứu, nhà sử học. Ở Tây Bắc, chương trình du lịch lịch sử chủ yếu là "Thăm lại chiến trường Điện Biên" dành cho các cựu chiến binh của ta cũng như của phía quân viễn chinh Pháp. Có lẽ, với hệ thống các điểm tham
quan du lịch di tích lịch sử văn hóa và lịch sử cách mạng không riêng ở Điện Biên mà cả Sơn La, Yên Bái thì loại hình du lịch này cần được quan tâm đầu tư về chất lượng sản phẩm như kết hợp với khai thác nhiều giá trị văn hóa khác, phối hợp với các sản phẩm tour khác để tăng độ hấp dẫn, thu hút khách cho vùng.