Trước tiên, các cơ quan đầu ngành của 6 tỉnh trong tiểu vùng đều là Sở Thương mại - Du lịch nên hoạt động du lịch chưa thực sự là mối quan tâm hàng đầu đối với các ban ngành chính quyền.
Tuy nhiên, gần đây, hầu hết các địa phương đều đã nhận ra vị thế cũng như tầm quan trọng của hoạt động du lịch trong chiến lược xóa đói giảm nghèo của vùng. Du lịch là một hướng đi, một giải pháp hiệu quả và nhiều lợi thế so với các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. Song, để trả lời câu hỏi: mọi việc sẽ bắt đầu từ đâu và như thế nào để đạt được mục tiêu phát triển, đẩy mạnh hoạt động du lịch thì không phải địa phương nào cũng tìm được phương án tốt nhất.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, tuy cùng trong một không gian địa tự nhiên và địa văn hóa, nhưng ở mỗi tỉnh, cách quản lý du lịch rất khác nhau. Chẳng hạn,
Sơn La nằm ở giữa Hòa Bình và Điện Biên, hội tụ đủ tất cả các điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch như cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại hơn so với Điện Biên, Lai Châu, tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội cũng mạnh hơn, giàu tiềm năng về du lịch văn hóa cũng như tự nhiên v.v…Thế nhưng, hoạt động du lịch lại không phát triển bằng.
Cơ quan quản lý du lịch Sơn La dường như rất quan tâm đến việc quy hoạch tuyến điểm du lịch trong tỉnh, đến công tác chỉ dẫn trên các tuyến giao thông về điểm du lịch nhưng những công tác ấy mới chỉ dừng lại ở những tấm biển. Khách du lịch tới Sơn La không đáng kể. Sơn La chưa trở thành một địa chỉ du lịch quen thuộc trong hành trình Tây Bắc.
Đặt trong mối quan hệ so sánh, chúng ta nhận thấy rõ sự tác động tích cực và có ý nghĩa lớn từ phía cơ quan quản lý nhà nước về du lịch thể hiện ở việc chủ động lập ra và thực hiện những chính sách về xúc tiến du lịch như các tỉnh Yên Bái, Lào Cai trong liên kết với tỉnh Phú Thọ làm chương trình "Du lịch về cội nguồn". Chỉ xuất phát từ một ý tưởng, tỉnh Yên Bái đã đứng ra đăng cai chương trình trong năm đầu tiên và có hàng loạt những hoạt động văn hóa được tổ chức thực hiện thành công như: Lễ công bố chương trình du lịch về cội nguồn, Lễ hội văn hóa Mường Lò, Lễ hội đền Thượng, Tuần du lịch văn hóa Sa pa, Lễ hội đền Bảo Hà, đền Bắc Hà, hội chợ Thương mại - Du lịch quốc tế Việt - Trung, lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, đặc biệt là lễ hội Đền Hùng với ngày Giỗ Tổ được tổ chức với quy mô hoành tráng và đậm tính linh thiêng thu hút sự tham gia đông đảo du khách trong nước và nước ngoài.
Chương trình đã có những tác động và đóng góp tích cực cho cộng đồng địa phương như giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng cho các vùng miền núi, vùng cao của các tỉnh. Mặt khác
nâng cao nhận thức về vị thế của du lịch từ các cấp, các ngành đến người dân đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.
Đánh giá về chương trình, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã nhận xét: Phối hợp giữa các vùng miền tổ chức các chương trình du lịch là điều kiện để có thể khai thác tốt nhất nguồn tiềm năng thế mạnh cho phát triển các hoạt động du lịch của địa phương. Đây là bước đi đúng hướng nằm trong chiến lược chỉ đạo phát triển du lịch của Tổng cục.
Du lịch không tự thân nó phát triển hoặc nếu có thì sẽ không đúng hướng khi các cơ quan quản lý nhà nước không quan tâm và có định hướng can thiệp, thúc đẩy đúng mức và đúng thời điểm. Chúng ta đã có "Năm du lịch Điện Biên" là chủ trương của Tổng cục du lịch phát động vào năm 2004. Sự kiện đó đã thúc đẩy rất nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa tích cực đối với du lịch như: Hội thảo khoa học "Chiến thắng Điện Biên Phủ - mốc vàng lịch sử chân lý thời đại", Lễ hội Hoàng Công Chất, Lễ hội dân tộc Thái, Hội chợ Thương mại - du lịch quốc tế Điện Biên Phủ, Hội thảo Phát triển du lịch, Liên hoan ẩm thực dân tộc Lai Châu, Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên v.v…
Trước tiên, các hoạt động mang tính xúc tiến ấy sẽ thu hút sự chú ý của khách du lịch trong và ngoài nước, mời gọi sự tham gia của họ. Sau đó, việc triển khai xây dựng và chào bán các chương trình du lịch, các dịch vụ du lịch tại điểm là điều tất yếu diễn ra.