9. Bố cục của luận văn
3.5 Giải pháp nhân lực
Để đảm bảo nguồn nhân lực đủ mạnh về số lượng, đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu vận hành và phát triển thư viện hiện đại trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, Viện TTKHXH chú trọng phát triển nguồn nhân lực ở hai mặt: Bổ sung số lượng và tiến hành đào tạo lại đội ngũ cán bộ hiện có.
Căn cứ chức năng nhiệm vụ và quy mô của thư viện Viện TTKHXH, dựa trên tình hình thực tế của Viện thì trong thời gian tới cần bổ sung thêm nhân sự để có thể vận hành, khai thác tối ưu chức năng của thư viện hiện đại.
Việc quản lý, vận hành và khai thác hệ thống thông tin là một hoạt động có tính chiến lược, chiến thuật và cả tác nghiệp. Từ những đòi hỏi của một hệ thống thư viện điện tử hiện đại và những khả năng mới của hệ thống thông tin sẽ được xây dựng, trên cơ sở số lượng và năng lực hiện có của Viện và chiến lược phát triển trong những năm tới cho thấy cần phải tổ chức đào tạo và bồi dưỡng các nhóm đối tượng:
- Cán bộ quản lý phụ trách trực tiếp thư viện - Cán bộ nghiệp vụ của thư viện
- Đội ngũ quản trị mạng
Đội ngũ cán bộ quản lý đóng vai trò quyết định đến định hướng phát triển của đơn vị. Họ là những người có năng lực tổ chức và khả năng bao quát vấn đề. Làm việc trong môi trường điện tử, số hóa, người quản lý phải biết và sử dụng thành thạo các công cụ công nghệ thông tin điện tử và công tác thư viện. Họ phải tự trang bị kiến thức quản lý và điều hành một thư viện điện tử hiện đại; tích cực tham gia các lớp tập huấn và nghiên cứu các mô hình thư viện hiện đại tại các thư viện đại học đa ngành, viện nghiên cứu phát triển trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, Viện TTKHXH cần hướng tới bồi dưỡng lớp cán bộ quản lý trẻ, tạo điều kiện về thời gian và tài chính để họ nâng cao trình độ. Cán bộ quản lý tương lai của Viện phải có bằng thạc sĩ trở lên, được bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính, sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ.
Đội ngũ nghiệp vụ thư viện, Viện cần quy hoạch và phát triển đội ngũ cán bộ phù hợp với yêu cầu phát triển của đơn vị. Đặc biệt tăng cường nhóm chuyên gia có trình độ cao về nghiệp vụ, kỹ năng, công nghệ thông tin, ngoại ngữ...Xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch về công tác bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại cán bộ, viên chức nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin và lĩnh vực công tác...Họ phải đáp ứng những đòi hỏi cơ bản của một thư viện điện tử:
- Quản trị thư viện điện tử - Tổ chức, phổ biến TLS
- Cung cấp tri thức từ thông tin đang hình thành - Xử lý, số hóa, lưu trữ và bảo quản TLS
- Tìm và phục vụ TLS cho người dùng tin - Biên mục, phân loại thông tin và tri thức số
Lãnh đạo Viện nên xây dựng các chính sách đãi ngộ và thu hút cán bộ có năng lực; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện nhằm phát huy tinh thần, khả năng của cán bộ viên chức cũng như nâng cao hiệu quả công tác.
Trong môi trường điện tử ngoài lòng yêu nghề, trách nhiệm nghề nghiệp và những kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn như phân loại, biên mục mô tả, phân tích xử lý tài liệu, cán bộ thư viện cần được trang bị nhiều kỹ năng mới bao gồm:
- Kỹ năng sử dụng các công nghệ đa phương tiện - Kỹ năng thu thập và xử lý tài liệu trực tuyến - Kỹ năng khai thác dữ liệu và tri thức
- Kỹ năng tìm tin (tìm tin văn bản và tìm tin siêu văn bản)
Bên cạnh đó, Viện TTKHXH rất cần đào tạo bổ sung cán bộ quản trị mạng. Đội ngũ cán bộ này phải được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để vận hành hệ thống thông tin mới một cách hiệu quả. Cụ thể, người quản trị cần cập nhật lý thuyết và chuẩn mới liên quan đến mạng máy tính và truyền thông dữ liệu; nắm rõ kiến trúc chi tiết hệ thống thông tin Viện TTKHXH; có khả năng cài đặt và sử dụng các phần mềm quản trị mạng; thành thục trong vận hành và khắc phụ sự cố; phát triển và đảm bảo thông tin thông suốt trên mạng 24/24h. Để đạt được các yêu cầu đó, cán bộ quản trị cần tham gia các khóa đào tạo cơ bản của các hãng cung cấp thiết bị, về hệ thống mạng, hệ thống máy chủ và phần mềm hệ thống, phấn đấu trong thời gian tới lớp cán bộ này của Viện đạt tiêu chuẩn CCNA. Cho nên đối tượng tuyển dụng vào làm việc tại Viện không còn bó hẹp trong lớp đối tượng trẻ được đào tạo bài bản về ngành thư viện mà còn mở rộng cơ hội làm việc cho các cử nhân, kỹ sư công nghệ thông tin. Bằng sức trẻ và sự ham học hỏi những cán bộ tương lai của Viện dễ dàng tiếp cận với công nghệ mới, đưa chúng vào vận hành một cách khoa học tương thích với cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có tại Viện TTKHXH.